(Dân trí) - Trở về quê với thương tích đầy mình, Đại úy Lê Long Triệu (72 tuổi, ở Quảng Ninh) vẫn tích cực góp sức xây dựng quê hương, tìm kiếm hài cốt đồng đội, giúp nhiều người có hoàn cảnh khó khăn,…
Trong chiến tranh, họ là những người xông pha nơi chiến trường, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, nhiều người bị thương, trở thành thương, bệnh binh, không ít người dù không bị thương nhưng sức khỏe giảm sút hoặc bị nhiễm chất độc hóa học… Về với thời bình, những con người ấy vẫn cống hiến hết mình cho cộng đồng, chung tay xây dựng phát triển kinh tế. Tiếp nối truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, những người cựu chiến binh luôn thể hiện bản lĩnh, tinh thần "tàn nhưng không phế", là tấm gương sáng trong đời thường...
Trở về quê với thương tích đầy mình, Đại úy Lê Long Triệu (72 tuổi, ở Quảng Ninh) vẫn tích cực góp sức xây dựng quê hương, tìm kiếm hài cốt đồng đội, giúp nhiều người có hoàn cảnh khó khăn,…
Ở tuổi 72, mắt ông Triệu đã mờ, đôi chân bước đi khó nhọc và cơ thể luôn đau nhức bởi các vết thương do chiến tranh để lại. Nhưng trái tim và khối óc người cựu chiến binh già dường như không mỏi, vẫn miệt mài trên con đường đem lại hạnh phúc, gieo mầm vui, chữa lành "vết thương" chiến tranh cho nhiều người.
18 tuổi, chàng trai Lê Long Triệu ở xã Bình Dương, huyện Đông Triều, Quảng Ninh theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc lên đường nhập ngũ. Hơn một năm được huấn luyện lính đặc công ở Hải Dương, tháng 12/1970, ông cùng Tiểu đoàn 4 (mật danh T40), Đoàn 429 đặc công tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Tây Nam Bộ.
Là lính đặc công, nòng cốt trong các trận đánh lớn, Lê Long Triệu cùng đồng đội trải qua nhiều thời khắc sinh tử. Trong ký ức của người cựu binh, trận đánh tháng 3/1972 ở mặt trận Tây Nam Bộ là bước ngoặt trong cuộc đời người lính.
Đêm 22, rạng sáng 23/3/1972, sau hai tháng điều nguyên (điều động vào các chiến trường, nhưng lính đặc công di chuyển phải giữ nguyên hiện trường, không để lại dấu vết), Tiểu đoàn T40 của ông nhận lệnh tập kích cứ điểm của địch nằm sát biên giới Việt Nam. Đây là nơi đóng quân chủ lực của liên đoàn biệt động số 9 ngụy Sài Gòn và 2 thiết đoàn, thiết giáp 12, 16.
Phá được cứ điểm này sẽ tạo tiền đề then chốt cho toàn bộ chiến cục tại mặt trận Tây Nam Bộ. Ông Triệu và đồng đội quyết tâm thực hiện đánh địch theo cách đánh mang thương hiệu của lính đặc công là "nở hoa trong lòng địch". Dù có phải hy sinh, lính đặc công cũng phải phá được cơ sở đầu não, làm rối loạn quân thù, tạo điều kiện thuận lợi để bộ binh tiến công giải quyết toàn bộ trận địa.
Đêm hôm ấy, mũi chiến đấu của ông gồm 22 đặc công tinh nhuệ luồn sâu vào cứ điểm địch. Cuộc tập kích diễn ra bất ngờ trong đêm, vô cùng ác liệt, cam go và giằng co đến gần sáng thì hết đạn, quân địch tràn ra làm nhiều lính đặc công của ta hy sinh, gây tổn thất lớn.
Cuộc chiến sống còn tại cứ điểm chủ chốt, mũi của ông Triệu có 19 đồng đội anh dũng hy sinh, chỉ còn lại ông, Tiểu đoàn trưởng và một đồng đội khác còn sống.
Ém mình cách quân thù khoảng 100 mét, người lính trẻ chứng kiến đồng đội hy sinh, chỉ còn lại ông và Tiểu đoàn trưởng.
"Tôi và Tiểu đoàn trưởng còn sống bị vây ráp hơn 10 giờ đồng hồ dưới thời tiết nắng như đổ lửa, có lúc phải uống nước tiểu của chính mình để giải cơn khát. Vừa bị bao vây, vừa bị kẻ thù kêu gọi đầu hàng, chúng dùng đủ mọi lời nói từ ngon ngọt dụ dỗ rồi đe dọa khiến chúng tôi bị đặt dưới muôn vàn áp lực. Lúc ấy, Tiểu đoàn trưởng nắm tay tôi, cả hai nhìn nhau dặn lòng thà hy sinh chứ không thể để bị bắt", ông Triệu kể lại.
Nhắc đến sự hy sinh của đồng đội và thời khắc cận kề cái chết, ông Triệu bùi ngùi, "là lính đặc công khi ra trận là sẵn sàng quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh". Ông nói, không hoàn thành nhiệm vụ đã là có tội, đầu hàng kẻ thù là một tội ác, là nỗi nhục mà lương tâm và bản lĩnh người lính cụ Hồ không bao giờ cho phép.
"Không bỏ cuộc, không lùi bước, không được cúi mặt bước đi khi đồng đội đã ngã xuống. Đó là phẩm chất, là mệnh lệnh từ trái tim người lính", ông Triệu nhấn mạnh.
Bị bao vây từ mờ sáng cho đến chiều tối, đứng giữa lằn ranh sinh tử hơn chục giờ đồng hồ, ông Triệu đã có một quyết định dũng cảm và sẵn sàng hy sinh để "mở đường máu" cứu Tiểu đoàn trưởng. Chính thời điểm này ông đã lĩnh một viên đạn vào đầu, viên đạn vẫn găm lại cho đến bây giờ.
Cuối năm 1972, khi vết thương cũ chưa lành, người lính trẻ Lê Long Triệu lại nhận nhiệm vụ ra tiền tuyến tại đồi pháo Hà Tiên, Kiên Giang. Ở trận đánh này, cả hai chân và mạn sườn của ông bị bầm dập, vết thương để lại di chứng suốt đời.
Ở giai đoạn khốc liệt của chiến tranh, năm 1972, ông Triệu được kết nạp Đảng.
Chiến tranh đã lùi xa nhưng những vết thương và nỗi đau của chiến tranh chưa bao giờ kết thúc. Nhiều nạn nhân da cam đã chết trong đau đớn, nhiều người khác đang từng ngày từng giờ vật lộn với bệnh tật. Ở nhiều địa phương còn có nhiều hoàn cảnh éo le, những mảnh đời bất hạnh cần được bao bọc, chở che… Đó là trăn trở của cựu chiến binh, thương binh Lê Long Triệu. Ở thời khắc sinh tử, đồng đội đã hy sinh để ông được sống, giờ đây ông nguyện luôn nỗ lực cống hiến vì những mảnh đời kém may mắn hơn.
Khi còn công tác, ông chiến đấu, cống hiến tại các đơn vị: Đoàn 159 Quảng Ninh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ninh, Đoàn An dưỡng 590 Hải Phòng, Trung tâm Điều dưỡng chăm sóc người có công tỉnh Hưng Yên... Trở về đời thường, người cựu binh ấy quyết định thành lập Xí nghiệp Thương binh 18/4 Triệu Long (xã Bình Dương, thị xã Đông Triều, Quảng Ninh).
Xí nghiệp của ông hoạt động từ năm 2003 đến nay, công nhân phần lớn là người khuyết tật, con em các cựu binh và người có hoàn cảnh khó khăn. Ông nói, xí nghiệp lập ra để tạo công ăn việc làm cho những người yếu thế. Ông làm vì muốn có tiền để làm từ thiện và kiếm tìm những đồng đội còn nằm lại ở chiến trường xưa.
"Xí nghiệp thương binh như đơn vị quân đội, là mái ấm gia đình. Tôi sống đến hôm nay thì phải sống sao cho xứng với những đồng đội đã ngã xuống, xứng với lời dạy của Bác Hồ: "Thương binh tàn nhưng không phế"", ông Triệu đúc kết.
Ông Triệu tham gia hỗ trợ các chương trình tổ chức tri ân những chiến sĩ, đồng đội đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc như "Điện Biên Phủ thiên sử ca huyền thoại", "Linh thiêng Việt Nam"; tặng sổ tiết kiệm cho trẻ mồ côi... hay đơn giản là làm công tác hòa giải, kêu gọi người dân đoàn kết, phát triển lối sống văn minh… ở ngay tại nơi ông sinh sống.
Cống hiến cả tuổi xuân cho Tổ quốc, làm việc không ngừng nghỉ để góp sức xây dựng quê hương, nhưng trong sâu thẳm người cựu binh nghĩa tình ấy vẫn đau đáu hình ảnh đồng đội đang nằm lại lạnh lẽo nơi miền biên ải. Thế là ông lại xắn tay, kêu gọi đồng đội, người thân lập Ban Liên lạc T40 để tìm kiếm hài cốt đồng đội đã hy sinh.
"Nhiều hôm đang ngủ, chân đau nhức, tỉnh giấc, tôi cứ miên man suy nghĩ chân mình đau cũng không đau bằng đồng đội vẫn còn nằm lại ở những nơi lạnh lẽo một mình. Tôi có mái ấm gia đình với vợ và con, còn đồng đội của mình vẫn bơ vơ", ông Triệu trăn trở.
Thấu hiểu tâm tư của chồng, bà Trần Thị Kim Dung, nguyên là giáo viên tiểu học, đã đồng hành cùng ông trong những chuyến đi dọc biên giới Tây Nam tìm đồng đội.
Hơn chục năm qua, vợ chồng cựu binh Lê Long Triệu và Ban liên lạc T40 rong ruổi khắp chiến trường xưa tìm hài cốt liệt sĩ. Ban liên lạc của ông đã quy tập, đưa được 9 đồng đội về an táng tại quê hương.
"Mỗi lần tìm thấy đồng đội, chúng tôi cảm thấy rất nhẹ lòng. Dù chỉ còn vốc đất, chúng tôi cũng mang về cho gia đình với mong muốn an ủi thân nhân đồng đội. Bởi đất ấy có máu xương của các anh hòa vào…", ông Triệu trải lòng.
Hàng chục năm cùng chồng là thương binh hạng 1/4 đi tìm hài cốt đồng đội, làm công tác xã hội, bà Trần Thị Kim Dung xúc động: "Chồng tôi may mắn vẫn còn sống trở về quê hương là nhờ sự hy sinh của đồng đội. Nghĩ đến chồng trong chăn ấm đệm êm, có một mái nhà hạnh phúc với con cháu đề huề mà thấy xót xa cho những người lính tuổi đôi mươi phơi phới đang nằm lại nơi xa".
Lật từng bức ảnh cùng chồng đi tìm hài cốt liệt sĩ, bà Dung chia sẻ, việc nghĩa của chồng, dù có gian khổ, bà cũng nguyện đồng hành.
"Việc làm này khiến ông ấy nhẹ lòng hơn, bớt đi nỗi day dứt suốt bao năm qua khi hàng ngày vẫn nghĩ tới đồng đội ở phương xa chưa thể về nhà…", bà Dung xúc động.
Tháng bảy về, khi khắp nơi trên mọi miền đất nước tổ chức tri ân các anh hùng liệt sĩ, các cựu chiến binh đã hy sinh một phần xương máu cho đất nước, ông Triệu lại bồi hồi nhớ về một thời hoa lửa cùng đồng đội kề vai chiến đấu cho cuộc chiến vệ quốc vĩ đại. Ở cái tuổi gần đất xa trời, dù trên người hằn sâu những vết thương đau đớn của chiến tranh để lại, người cựu binh vẫn âm thầm gieo mầm hạnh phúc.
Đại tá Nguyễn Thanh Thản, Trưởng ban Tuyên giáo - Phong trào, Hội Cựu chiến binh tỉnh Quảng Ninh cho biết, ông Triệu là một cựu chiến binh mẫu mực, làm sáng mãi hình ảnh người lính cụ Hồ. Trong chiến đấu, làm kinh tế và các hoạt động xã hội khác, cựu binh Lê Long Triệu luôn nhiệt huyết, có nhiều đóng góp cho xã hội.
Đại tá Thản cho hay, mặc dù bị thương rất nặng ở đầu, hai chân và mạn sườn, được hưởng chế độ của Đảng và Nhà nước, nhưng Đại úy Lê Long Triệu vẫn nỗ lực tham gia phát triển kinh tế địa phương, mở xí nghiệp tạo công ăn việc làm cho nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, tích cực trong các hoạt động xã hội từ thiện.
"Đặc biệt, hàng chục năm qua, cựu binh Lê Long Triệu vẫn âm thầm cùng Ban liên lạc do mình làm cầu nối đi tìm hài cốt đồng đội ở tận miền Nam. Ông Triệu còn nhận nuôi một số con em đồng đội đã hy sinh, các cháu đều được ăn học và đã nên người, có cháu hiện phục vụ trong Quân đội", Đại tá Nguyễn Thanh Thản cho hay.
Thiết kế: Patrick Nguyễn
Ảnh: Đoàn Tuấn