DMagazine

Cựu Bí thư tỉnh ủy ấn tượng về việc được bầu trực tiếp tại đại hội

(Dân trí) - Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, năm 2010, trở thành Bí thư tỉnh ủy Thái Bình tại Đại hội tỉnh. Đến nay, ông vẫn ấn tượng về Đại hội “cân não” với 3 ứng viên được “sát hạch” tín nhiệm trực tiếp…

Thời điểm này, cả nước đang sôi nổi tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Cao điểm của các hoạt động này, từ tháng 8-10 năm nay, 63 tỉnh thành sẽ đồng loạt tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh. Vấn đề bầu trực tiếp Bí thư tỉnh ủy tại đại hội, hơn lúc nào, trở thành câu chuyện thời sự nóng bỏng, thu hút dư luận.

Một trong những Bí thư tỉnh ủy đầu tiên được bầu trực tiếp tại Đại hội trong hoạt động thí điểm 10 năm trước – Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc – cựu Bí thư tỉnh ủy Thái Bình, chia sẻ với Dân trí những ấn tượng, quan điểm về vấn đề này.

Cựu Bí thư tỉnh ủy ấn tượng về việc được bầu trực tiếp tại đại hội - 1
Cựu Bí thư tỉnh ủy ấn tượng về việc được bầu trực tiếp tại đại hội - 2

- Là người trực tiếp trải qua cuộc bỏ phiếu bầu Bí thư tỉnh ủy tại đại hội, giờ nhìn lại việc này, quan điểm của ông thế nào, ủng hộ hay không ủng hộ phương thức bầu cử như vậy?

- Việc tôi được bầu làm Bí thư tại đại hội cách đây đã 10 năm. Thái Bình – địa phương của tôi khi đó là một trong những tỉnh được Trung ương chọn làm thí điểm bầu trực tiếp Bí thư tỉnh ủy tại Đại hội Đảng bộ tỉnh cho vùng đồng bằng sông Hồng về việc thí điểm bầu Bí thư. Khi đó, đây là một vấn đề rất mới, lần đầu tiên một số địa phương được tổ chức thực hiện cơ chế này thay vì bầu Bí thư trong nội bộ Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. 

Trong quá trình triển khai bầu trực tiếp, tôi thấy việc này được làm rất chặt chẽ, khách quan.

Sau khi làm quy trình nhân sự từ dưới lên trên, Ban chấp hành đảng bộ giới thiệu nhân sự để đại hội bầu. Tuy nhiên, tại đại hội, các đại biểu có quyền đề cử, ứng cử chức vụ Bí thư tỉnh ủy, nhất là những cán bộ trong Ban chấp hành đảng bộ, Thường trực đảng ủy, chứ không chỉ là nhân sự được quy hoạch, giới thiệu. 

Thách thức khác, tại đại hội thì toàn bộ các Đảng viên, đại biểu tham gia đại hội trực tiếp bỏ phiếu để đánh giá tín nhiệm nhân sự được giới thiệu để bầu làm bí thư. Kết quả phiếu bầu, theo đó, chính là sự đo đếm kỹ lưỡng, thể hiện mức độ tín nhiệm của nhân sự để bầu vào vị trí người lãnh đạo đứng đầu đảng bộ tỉnh. Thay vì việc bầu trong Ban chấp hành có khoảng 50 người, khi đưa ra đại hội, có tới 300 Đảng viên bỏ phiếu kín, không cách gì “lấp liếm” được. 

Cựu Bí thư tỉnh ủy ấn tượng về việc được bầu trực tiếp tại đại hội - 3
Cựu Bí thư tỉnh ủy ấn tượng về việc được bầu trực tiếp tại đại hội - 4

Đổi lại, vượt qua kỳ sát hạch khó khăn hơn như vậy, ông được gì?

- Kết quả bầu tại đại hội tốt thì có nghĩa là uy tín của người Bí thư tỉnh ủy nhiệm kỳ đó rất cao và điều đó giúp cho vị Bí thư có vị thế trong công tác sau đó, có uy trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo công việc của đảng bộ tỉnh. 

Tôi cho đó là một xuất phát điểm tốt, đảm bảo tính dân chủ, khách quan. Trong quá trình lựa chọn, nguồn nhân sự cho vị trí Bí thư tỉnh ủy có thể là được giới thiệu, được chuẩn bị trước nhưng ra đại hội nếu ứng viên đó không được tín nhiệm thì đưa ra bầu cũng dễ không được. Nhất là với cơ chế hiện nay, số phiếu bầu hoàn toàn có thể thấp. Vậy nên, kết quả phiếu bầu chính là thước đo đánh giá uy tín của nhân sự được chuẩn bị. 

Vậy nên tôi nghĩ các trường hợp Bí thư tỉnh ủy được bầu trực tiếp tại đại hội như vậy đều tốt, nên phát huy. Theo đó, không nên chỉ khống chế phạm vi, chỉ thực hiện quy trình này tại các xã, huyện mà ở cấp tỉnh cũng đã có thực tế rất tốt như vậy, nên được triển khai rộng rãi hơn. Đây cũng là một bước chuẩn bị cho những cơ chế mới trong công tác nhân sự của Đảng như tranh cử.

Cựu Bí thư tỉnh ủy ấn tượng về việc được bầu trực tiếp tại đại hội - 5

- Cụ thể, trong nhiệm kỳ 5 năm làm Bí thư tỉnh ủy sau khi được bầu trực tiếp tại đại hội, ông có những thuận lợi, khó khăn gì trong công việc so với nhiệm kỳ trước đó?

- Thuận lợi nhiều chứ. Được bầu với số phiếu cao nghĩa là tôi có uy tín thuyết phục trong cả đảng bộ tỉnh. Ở vai Bí thư như thế cũng có vị thế để nói rằng “tôi được tất cả các anh bầu trực tiếp, công khai tại đại hội chứ không phải là chỉ “thương thảo” với mấy “ông” trong Ban chấp hành nên thực sự tính thuyết phục với tập thể cao hơn nhiều chứ.

Vậy nên, công việc của những Bí thư được bầu, trao quyền trực tiếp từ cả tập thể đảng bộ tỉnh đương nhiên thuận lợi, tốt hơn.

Chỉ có một điểm vướng về thủ tục là khi được bầu trực tiếp có nghĩa quyết định chọn Bí thư là  của đại hội, vậy thì việc phân công công tác, công việc khác, quyền của đại hội với việc điều động nhân sự đó thế nào? Thực tế, năm 2015, tôi được điều chuyển lên Trung ương, công tác tại cơ quan của Quốc hội bằng quyết định của Trung ương nên có băn khoăn là việc điều động này có báo cáo lại đại hội không? Nếu Bí thư do Ban chấp hành đảng bộ tỉnh bầu thì khi điều chuyển chỉ cần báo cáo Ban chấp hành thôi, Ban chấp hành biểu quyết đồng ý là xong. 

Cựu Bí thư tỉnh ủy ấn tượng về việc được bầu trực tiếp tại đại hội - 6

- Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị có đề cập những điều kiện để một địa phương có thể tiến hành bầu trực tiếp Bí thư tỉnh ủy tại Đại hội, trong đó có một nguyên tắc là địa phương phải có nội bộ đoàn kết, ổn định?

- Thực ra trong quá trình chuẩn bị, quy trình lựa chọn, giới thiệu một nhân sự để đại hội bầu rất chặt chẽ, không phải đơn giản. Để đi qua được các bước, tới phần đưa ra đại hội bầu là những cuộc “sát hạch” rất ngặt nghèo trước đó rồi, từ dưới lên trên, qua rất nhiều vòng xin ý kiến, từ việc đề xuất với Thường vụ tỉnh ủy, các cán bộ chủ chốt trong tỉnh cho ý kiến, rồi để Thường vụ tỉnh ủy giới thiệu tham gia Ban chấp hành đảng bộ khóa mới, sau mới đưa ra đại hội Đảng toàn tỉnh bầu… Các bước đi như vậy đều thực sự không hề đơn giản.

Sau các vòng như thế thì ra đại hội thực chất chỉ thêm một khâu, một bước nữa là các đại biểu tham gia đại hội bỏ phiếu bầu, thay vì tiến hành bầu trong phạm vi Ban chấp hành đảng bộ. 

Cựu Bí thư tỉnh ủy ấn tượng về việc được bầu trực tiếp tại đại hội - 7

Nói tóm lại, việc bầu trực tiếp Bí thư tại đại hội, điểm tốt, tích cực nhiều hơn vì cách thức này giúp đánh giá chuẩn xác hơn uy tín của nhân sự lãnh đạo chủ chốt trong Đảng, đánh giá một cách dân chủ, khách quan vì các Đảng viên, đại biểu tham dự đại hội cũng được bỏ phiếu kín để bầu chức danh này. 

Còn về điều kiện để áp dụng cách thức bầu trực tiếp ở từng địa phương thì tôi thấy, trong trường hợp nào cũng vẫn nên thực hiện. Thực tế, địa phương nào đã thống nhất chủ trương, ý chí rồi thì ít cần qua bước “sát hạch” tín nhiệm tại đại hội, đã đoàn kết, thống nhất thì ở bầu bí thư trong phạm vi Ban chấp hành hay bầu tại đại hội cũng sẽ vậy. 

Đáng ra, chính những nơi có sự đoàn kết chưa cao thì mới cần phải đưa ra đại hội bầu để đánh giá tín nhiệm, khẳng định uy tín của Bí thư, người đứng đầu toàn tỉnh. Chính bối cảnh đó, người đảm nhận vị trí lãnh đạo cần phải được bầu rộng rãi và công khai kết quả để thuyết phục, khẳng định vị trí. Trường hợp đưa ra đại hội mà nhân sự được chuẩn bị đã mất uy tín, không được đánh giá cao thì cũng đừng cố đưa vào ban chấp hành để bầu, để “xoay”, càng khó thuyết phục. 

Như vậy, với những nhân sự được giới thiệu mà uy tín chưa cao thì cần quy trình đưa ra tập thể lựa chọn để có kết quả khách quan. Khi đó, nhân sự được chuẩn bị, giới thiệu không nhận được sự ủng hộ nhiều lắm thì cũng phải chấp nhận, loại bỏ để chọn người khác có uy tín, sức thuyết phục hơn.

Cựu Bí thư tỉnh ủy ấn tượng về việc được bầu trực tiếp tại đại hội - 8

- Có ý kiến phân tích, dù bầu trực tiếp đúng là một bước mở rộng dân chủ trong Đảng nhưng về cơ bản, cơ chế bầu cử chưa có cạnh tranh, có số dư thì mức độ dân chủ vẫn còn hình thức. Ông đánh giá thế nào về nhận định này?

- Có ai cấm việc tranh cử đâu. Ngay tại đại hội cũng có cạnh tranh chứ vì đề cử, ứng cử là quyền của các đại biểu tham dự đại hội. Như lần tôi được bầu năm 2010, tại đại hội, có thêm 2 người được giới thiệu ứng cử, cùng với tôi là nhân sự được Thường vụ tỉnh ủy khóa trước quy hoạch, chuẩn bị. Danh sách bầu như vậy có 3 người nhưng khi bầu thì tôi vẫn nhận được số phiếu cao gần như tuyệt đối. Bầu như vậy là có số dư, có cạnh tranh đó chứ. Như vậy thì đánh giá của đại hội càng thể hiện sự khách quan chứ sao. Tất nhiên, nếu đại hội không giới thiệu thêm thì thôi, nhưng đó cũng là cơ chế thể hiện tinh thần dân chủ mà. 

- Vừa qua, Quảng Ninh đã chính thức báo cáo Ban Bí thư, Bộ Chính trị đề xuất được cho phép bầu trực tiếp Bí thư tỉnh ủy tại đại hội (dự kiến sẽ diễn ra tháng 10/2020). Ông đánh giá thế nào về sự chủ động của địa phương này?

- Theo tôi thì bầu cử trực tiếp trong Đảng nên trở thành cơ chế phổ biến, không cần phải làm điểm nữa. Thực tế chúng ta đã có, thí điểm từ 10 năm trước rồi. Đến giờ, bầu trực tiếp nên trở thành quy định “cứng”, không cần đảm bảo điều kiện, xem xét tỉnh nào có nội bộ đoàn kết hay không mới thực hiện mà nên trở thành quy định bắt buộc chung, triển khai thực hiện ngay việc này. Đó chính là hướng cải thiện, mở rộng dân chủ.

Bài viết: Phương Thảo

Thiết kế: Ngọc Diệp

Dòng sự kiện: Đại hội Đảng XIII