Chiêm ngưỡng đại tượng Phật lớn nhất Đông Nam Á ở Hà Nội
(Dân trí) - Với chiều cao lên tới 72m, đại tượng Phật A Di Đà vì hòa bình thế giới tại chùa Khai Nguyên (Hà Nội) được xem là một trong những đại tượng quy có mô vào diện lớn nhất Đông Nam Á.
Chùa Khai Nguyên xưa có tên là ''Cổ Liêu Tự'' thường được gọi là Chùa Cheo thuộc thôn Tây Ninh (xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây, Hà Nội), gần sát với khu di tích lịch sử Đền Măng Sơn. Chùa có niên đại lịch sử từ nửa đầu thế kỷ XVI.
Trải qua thời gian mưa nắng, chùa đã được nhân dân, phật tử trùng tu, tôn tạo lại nhiều lần, hiện những di vật có niên đại lịch sử lâu nhất của chùa là hai bia đá được tạc vào niên hiệu Cảnh Hưng thứ 19 (năm 1759) và niên hiệu Gia Long thứ 14 (năm 1816) cùng chuông đồng được đúc vào niên hiệu Tự Đức thứ 22 (năm 1870).
Từ năm 2006, chùa Khai Nguyên được UBND thị xã Sơn Tây cho trùng tu lại. Trải qua gần 20 năm kiến thiết, đến nay chùa đã xây dựng được các hạng mục công trình như ngôi Đại hùng Bảo điện, tháp Báo ân, nhà khách, vãng sinh đường, thư viện, chùa một cột, nhà tạo soạn, nhà Pháp hội, nhà Tăng,...
Đặc biệt, vào năm 2015 chùa Khai Nguyên khởi công xây dựng đại tượng Phật A Di Đà vì hòa bình thế giới, cao khoảng 72m, đế rộng hơn 1.200m2, được ghi nhận cao nhất Đông Nam Á.
Ghi nhận của phóng viên Dân trí trong ngày 18/2, sau gần 10 năm thi công, bức tượng cơ bản hoàn thành các hạng mục, chính thức đón du khách đến chiêm bái, tham quan.
Bức đại tượng được xây dựng nhằm truyền tải thông điệp vì hòa bình thế giới, cầu quốc thái dân an, thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc, Phật pháp hưng long,...
Phần đế tượng là bông hoa sen khổng lồ nở ra ba lớp với tổng cộng 56 cánh được sắp xếp xen kẽ, chia đều xung quanh thân tượng thể hiện đậm nét văn hóa Phật giáo Việt Nam.
Bàn tay tượng Phật dài 9m, tay phải được trang trí bánh xe Pháp luân, tay trái nâng đài sen, thể hiện những triết lý sâu xa của Phật giáo. Đặc biệt, tướng Bạch Hào (dấu ấn trên trán) của Phật làm bằng đá nguyên khối màu đỏ tươi.
Từ xa người dân và phật tử thập phương có thể nhìn thấy đài sen vàng rực rỡ với cánh hoa màu đỏ.
Các ô cửa phần chân đế gắn biểu tượng Garuda hay còn gọi đại bàng Kim Sí Điểu, loài chim thần trong Ấn Độ giáo và ảnh hưởng sang Phật giáo.
Bên trong bức đại tượng Phật A Di Đà vì hòa bình thế giới được chia làm 12 tầng, mỗi tầng trang trí khác nhau mang đậm dấu ấn Phật giáo Việt Nam và thế giới. Ngoài ra, có gần 2.000 pho tượng lớn, nhỏ được trưng bày tại đây phục vụ việc tham quan, lễ Phật của du khách thập phương.
Tầng hai của đại tượng là nơi an trí và tôn thờ 33 hóa thân của đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Nổi bật trong số này là tượng A Di Đà điêu khắc trên chất liệu ngọc bích Canada nguyên khối, nặng hơn 2 tấn.
Tại tầng bốn là nơi thờ Đức Phật Dược Sư. Đức Dược Sư được xem là vị Phật hiểu biết, thông suốt tất cả y dược của thế gian và xuất thế gian, có thể chữa trị tất cả bệnh khổ của chúng sinh, những điên đảo vọng tưởng do tham, sân, si phiền não gây ra.
Trái tim tượng Phật, nơi linh thiêng và ý nghĩa đặc biệt trong lòng công trình đại tượng Phật A Di Đà vì hòa bình thế giới, được tạc bằng ngọc bích Canada nguyên khối, nặng hơn một tấn, đặt tại tầng 12.
Trong những ngày đầu năm Giáp Thìn 2024, mỗi ngày chùa Khai Nguyên đón tiếp hàng nghìn du khách, phật tử tới cầu an, chiêm bái tượng Phật, tham quan...
Chiều 18/2, tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần, Minh Phương (33 tuổi, trú quận Hà Đông, Hà Nội) cùng người thân đến chùa Khai Nguyên cầu năm mới bình an, vạn sự tốt lành.
Tranh thủ lúc mọi người đi ngắm cảnh chùa, Phương và bạn đã chụp lại một số hình ảnh kỷ niệm tại chùa Khai Nguyên.
Ngoài bức đại tượng lớn nhất khu vực Đông Nam Á tính đến nay, phía trước chùa Khai Nguyên là một hồ nước lớn hình chữ nhật, quanh năm nước xanh trong, có hàng nghìn con cá chép sinh sống thu hút rất đông sự quan tâm của du khách.