PhotoStory

Chiêm ngưỡng "cổ vật trăm tuổi" trong khuôn viên tâm linh sát hồ Gươm

Thực hiện: Mạnh Quân

(Dân trí) - Nằm ở góc phía Tây hồ Gươm, tượng đài vua Lê Thái Tổ được xây dựng vào cuối thế kỷ 19, đây là tượng đài cổ nhất của Hà Nội còn được lưu giữ đến nay.

Chiêm ngưỡng cổ vật trăm tuổi trong khuôn viên tâm linh sát hồ Gươm - 1

Tượng đài vua Lê Thái Tổ đặt tại số 16 phố Lê Thái Tổ (phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội), thuộc một quần thể kiến trúc gồm nhiều hạng mục văn hóa. Cổng vào được xây bằng gạch theo kiểu tam quan - tứ trụ, nằm sát vỉa hè, trong khi công trình chính lại nằm sâu bên trong, khuất tầm nhìn.

Chính vì thế, không phải ai cũng biết nơi đây có tượng đài vị vua anh hùng dân tộc, người gắn liền với truyền thuyết trả gươm bên hồ Hoàn Kiếm.

Chiêm ngưỡng cổ vật trăm tuổi trong khuôn viên tâm linh sát hồ Gươm - 2

Bước vào tổ hợp không gian văn hóa, Nhà Phương Đình ngự ở giữa sân rộng, thiết kế mở bốn phía, có dáng dấp kiến trúc cổ diêm. Tòa kiến trúc nhỏ có hai tầng mái, trang trí hình rồng ở các cột trụ và đầu đao mái, đỉnh mái có thiên hồ.

Chiêm ngưỡng cổ vật trăm tuổi trong khuôn viên tâm linh sát hồ Gươm - 3

Ngay phía sau Phương Đình là tượng đài vua Lê, nằm ở vị trí sâu nhất trong quần thể kiến trúc. Công trình được xây dựng theo phong cách trụ biểu phương Tây, với bức tượng đặt trên đỉnh một trụ đá vững chãi. 

Chiêm ngưỡng cổ vật trăm tuổi trong khuôn viên tâm linh sát hồ Gươm - 4

Phần trụ được đặt trên một nền cao 0,8m, với bậc tam cấp dẫn lên. Đế trụ có mặt bằng hình tròn nhiều cấp, trong khi thân trụ cũng mang hình tròn và thuôn nhỏ dần về phía trên. Trên đỉnh trụ là một bệ vuông vững chắc, nâng đỡ bức tượng vua Lê. Hai bên lối lên khu tượng có tượng hổ chầu, tạo nên sự uy nghiêm và hài hòa trong tổng thể kiến trúc.

Chiêm ngưỡng cổ vật trăm tuổi trong khuôn viên tâm linh sát hồ Gươm - 5

Là một trong những tượng đài lâu đời nhất tại Hà Nội, tượng vua Lê được đúc bằng đồng, cao khoảng 1,2m. Nhà vua đội mũ bình thiên với bốn góc treo kim tòng, khoác long bào trang nghiêm và thắt đai lưng. Dù có kích thước nhỏ, bức tượng vẫn toát lên vẻ uy nghi nhờ những đường nét chạm khắc tinh xảo.

Đáng chú ý, bức tượng khắc họa hình ảnh vua Lê tay phải cầm gươm báu trả cho thần Kim Quy - một chi tiết gắn liền với truyền thuyết về hồ Hoàn Kiếm.

Chiêm ngưỡng cổ vật trăm tuổi trong khuôn viên tâm linh sát hồ Gươm - 6

Trong khuôn viên khu tượng đài còn có bia đá khắc bài thơ của Đức Thái Tổ Cao Hoàng Đế Lê Lợi. 

Chiêm ngưỡng cổ vật trăm tuổi trong khuôn viên tâm linh sát hồ Gươm - 7

Khu vực này đang trưng bày chuyên đề "Hoàng đế Lê Thái Tổ - Người khai sáng vương triều Hậu Lê" thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế tới tham quan, tìm hiểu lịch sử.

Chiêm ngưỡng cổ vật trăm tuổi trong khuôn viên tâm linh sát hồ Gươm - 8

Tiếp giáp mặt lưng với di tích tưởng niệm vua Lê là Đình Nam Hương hiện ở số nhà 75 phố Hàng Trống (phường Hàng Trống quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội).

Xưa kia, đây là phần đất của nhiều thôn xóm cũ như: Cổ Vũ, Khánh Thụy, Tự Tháp, thuộc tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương. Đây cũng từng là một trung tâm văn hóa của chốn kinh kỳ.

Chiêm ngưỡng cổ vật trăm tuổi trong khuôn viên tâm linh sát hồ Gươm - 9

Bức tranh Ngũ Hổ được trưng bày tại Đình Nam Hương.

Đình Nam Hương có bề dày lịch sử, từ xa xưa nơi đây đã trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng cộng đồng, là nơi sinh hoạt hội họp, bàn bạc các công việc chung của làng, là nơi diễn ra các nghi thức tín ngưỡng thờ Thành Hoàng làng của nhân dân địa phương. Năm 1995, đình Nam Hương được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Chiêm ngưỡng cổ vật trăm tuổi trong khuôn viên tâm linh sát hồ Gươm - 10

Đình Nam Hương được dựng từ thời Lê để thờ các vị Thượng đẳng thần như: Thần Long Đỗ (thần Bạch Mã), thần Cao Sơn đại vương, thần Linh Lang đại vương, công chúa Ả Duy và thần Kha Duy.

Chiêm ngưỡng cổ vật trăm tuổi trong khuôn viên tâm linh sát hồ Gươm - 11
Chiêm ngưỡng cổ vật trăm tuổi trong khuôn viên tâm linh sát hồ Gươm - 12

Đình Nam Hương còn giữ được một số hiện vật có giá trị mang đặc trưng nghệ thuật như: 19 đạo sắc phong của các triều vua Lê, Tây Sơn và triều Nguyễn phong cho 5 vị Thượng đẳng thần; một bảng văn chạm kiểu chân quỳ dạ cá rất đẹp và quý hiếm do 1 đôi lân cõng, 5 long ngai, 1 chóe sứ và nhiều đồ thờ tự khác.