Cặp vợ chồng suốt 34 năm sống trong 5m2 dưới gầm cầu thang chung cư Sài Gòn
(Dân trí) - Dù có nhà riêng nhưng vợ chồng bà Huệ vẫn gắn bó với "căn phòng" vẻn vẹn 5m2 dưới gầm cầu thang chung cư Ấn Quang (Quận 10, TPHCM) suốt 34 năm qua.
Chung cư Ấn Quang, Quận 10, TPHCM được xây dựng từ năm 1968, hiện nay có khoảng 900 hộ dân đang sinh sống tại đây. Không ít người vì không đủ tiền mua căn hộ hoặc mua nhà nên lựa chọn sinh sống ở các gầm cầu thang các block chung cư, trong đó gia đình hai vợ chồng ông Phạm Quang Liễu (56 tuổi) và bà Nguyễn Thị Huệ (53 tuổi).
Năm 1987, bà Huệ dùng 2,5 chỉ vàng để mua lại khu vực gầm cầu thang block C chung cư Ấn Quang ở cho tới nay.
"Ngày trước không đủ tiền để mua căn hộ nên tôi quyết định mua lại gầm cầu thang của một người đã ở trước đó để sinh sống, cũng không có giấy tờ mua bán gì cả, người ta đồng ý bán và chuyển đi thì gia đình tôi chuyển vào ở, tính ra cũng đã 34 năm", bà Huệ cho biết.
Hơn 20 năm nay, vợ chồng bà Huệ làm nghề bán bánh canh cua. Sau nhiều năm tích cóp họ cũng mua được căn hộ trên tầng 3 của chung cư cách đây một năm rưỡi. Tuy nhiên, để tiện cho công việc buôn bán nên họ chỉ ở dưới gầm cầu thang, còn căn hộ thì để vợ chồng con gái và người mẹ già sinh sống.
"Mấy lần dọn đồ lên căn hộ ở tầng 3 để sống nhưng không quen, lại bất tiện vì cứ phải đi lên đi xuống buôn bán nên 2 vợ chồng quyết định ở hẳn dưới gầm cầu thang cho tiện. Tôi và vợ thay nhau lên nhà đưa cơm nước, chăm sóc cho mẹ già xong lại xuống", ông Liễu chia sẻ.
Gầm cầu thang đã có sẵn các bức tường kiên cố, gia đình bà Huệ chỉ làm tạm cửa gỗ làm lối ra vào. Căn phòng của 2 vợ chồng rộng chưa đầy 5m2, là nơi ăn uống, sinh hoạt hàng ngày. Đến giờ nấu ăn, ông Liễu phải ra ngoài đứng để dành không gian bên trong cho bà Huệ chế biến.
"Do ở gầm cầu thang nên điện, nước sinh hoạt tôi đều đi xin và dùng ké với gia đình bên cạnh, mỗi tháng đóng khoảng 300 nghìn đồng cho họ", bà Huệ nói.
Khi mới dọn đến sống ở gầm cầu thang, gia đình bà Huệ gặp khó khăn vì căn phòng chật chội, nhưng sau nhiều năm thì họ dần thích nghi. Mỗi lần ngồi ăn cơm, ông Liễu phải khom thấp người để tránh bị đụng vào gầm cầu.
"Chỉ những vật dụng cần thiết mới đem vào nhà để sử dụng, chứ chất nhiều quá không có chỗ để 2 vợ chồng ngủ", ông Liễu cúi người cất chiếc bếp điện vào kệ sắt trả lời.
Dù căn phòng chật chội nhưng ông Liễu vẫn dành một chỗ bên trong góc đặt bàn thờ để thắp nhang mỗi ngày.
Thay vì gọi nước đóng bình, vợ chồng ông Liễu nấu nước sôi cho vào các chai nhựa nhỏ đặt gọn trong góc phòng uống mỗi ngày để bớt chiếm diện tích và tiết kiệm.
Để tiện cho cuộc sống, bà Huệ sắm thêm tivi, tủ lạnh, máy lạnh. "Ở gầm cầu thang kín nên rất nóng phải lắp điều hòa mới ngủ được, mỗi món đồ đều gom góp từ tiền buôn bán để mua", người phụ nữ cho biết.
"Nhiều lúc đi ra vào phòng vội là đụng đầu vào tường, mép cửa.. riết rồi cũng quen. Tuổi cao, cộng với việc phải đi đứng, ngồi khom lưng nhiều nên tôi bị thoát vị đĩa đệm, vợ thì bị đau xương khớp phải uống thuốc mỗi ngày", ông Liễu nói.
Vợ chồng ông Liễu tận dụng khoảng vỉa hè phía trước làm chỗ rửa chén bát, còn việc vệ sinh, tắm rửa và giặt đồ thì lên căn hộ ở tầng 3.
Trước khi dịch, vợ chồng bà Huệ thường đi ngủ sớm để dậy vào lúc 3 giờ sáng chuẩn bị thực phẩm, nấu nướng rồi đẩy xe hàng ra bán. Tuy nhiên, từ khi dịch bùng phát thì thói quen của họ có chút thay đổi, sau bữa cơm tối 2 vợ chồng cùng ngồi xem tivi theo dõi tin tức.
"Từ ngày gia đình bà Huệ ở chung cư Ấn Quang đều được phường và ban quản lý chung cư hỗ trợ gạo, thực phẩm... để họ duy trì qua dịch, giống như tất cả các hộ dân sinh sống tại đây ", bà Trần Lệ Thu - Trưởng ban quản lý chung cư Ấn Quang cho biết.
Chiều ngang căn phòng rộng khoảng 1,5m vừa đủ để vợ chồng bà Huệ ngả lưng. "Chắc sau này nếu nghỉ buôn bán thì sẽ dọn lên tầng 3 để ở với con cái, còn bây giờ thì vẫn cứ ở tại đây vì dù sao cũng gắn bó với vợ chồng tôi mấy chục năm nay, trở nên thân quen nên cũng không muốn đi", bà Huệ chia sẻ.