PhotoStory

Ảnh hiếm về người lính xưa qua ống kính một liệt sỹ nhiếp ảnh

Thực hiện: Hoàng Lam

(Dân trí) - Qua ống kính của trung sỹ - nhiếp ảnh Phan Tứ Kỷ, hình ảnh người lính chiến đấu ngoan cường, quả cảm với khát vọng về hòa bình, độc lập dân tộc... được khắc họa rõ nét.

Ảnh hiếm về người lính xưa qua ống kính một liệt sỹ nhiếp ảnh - 1

Vừa qua, tại Bảo tàng Quân khu 4 (thành phố Vinh, Nghệ An), Nhà xuất bản Nghệ An phối hợp nhà báo Dương Huy tổ chức ra mắt, giới thiệu cuốn sách "Liệt sỹ Phan Tứ Kỷ - Thư chiến trường và những tấm hình có lửa".

Cuốn sách là tâm huyết và tình cảm của nhà báo Dương Huy (bút danh của ông Phan Duy Hương - anh trai liệt sỹ Phan Tứ Kỷ) dành cho người em trai của mình.

Ảnh hiếm về người lính xưa qua ống kính một liệt sỹ nhiếp ảnh - 2

Cuốn sách có 192 trang, gồm 4 phần chính: Mãi mãi tuổi hai mươi, Thư chiến trường, Những tấm hình có lửa và Quê hương - gia đình - bạn bè - đồng đội. Cuốn sách tập hợp, giới thiệu những lá thư, các bức ảnh của liệt sỹ Phan Tứ Kỷ và tình cảm của người thân, bạn bè, đồng đội dành cho anh (Ảnh: Bùi Ngọc).

Ảnh hiếm về người lính xưa qua ống kính một liệt sỹ nhiếp ảnh - 3

Trung sỹ - nhiếp ảnh Phan Tứ Kỷ (1947-1972) thuộc biên chế Ban Văn hóa, Phòng Chính trị, Sư đoàn 304.

Trong quãng thời gian từ năm 1968 đến năm 1972, với nhiệm vụ của mình, anh đã có mặt ở các chiến trường ác liệt, ghi lại nhiều khoảnh khắc của người lính trong chiến đấu và sinh hoạt hàng ngày. Đó là những bức ảnh mang ngọn lửa đấu tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc và khát vọng về hòa bình, thống nhất, sum họp gia đình... 

Ảnh hiếm về người lính xưa qua ống kính một liệt sỹ nhiếp ảnh - 4
Ảnh hiếm về người lính xưa qua ống kính một liệt sỹ nhiếp ảnh - 5

Hình ảnh người lính vượt sông, trèo đèo ra chiến trường được ghi lại qua ống kính của nhiếp ảnh Phan Tứ Kỷ. 

Sau 50 năm gìn giữ theo di nguyện của em trai, mới đây, nhà báo Dương Huy đã biên soạn, đưa các tấm hình được liệt sỹ Phan Tứ Kỷ chụp trở thành một phần của cuốn sách. Trong những tấm ảnh đó, có hình ảnh của những người đồng đội, đồng chí của liệt sỹ Phan Tứ Kỷ, và nhà báo Dương Huy mong muốn, bằng cách này, sẽ lan tỏa hơn hình ảnh về những người lính trong cuộc trường chinh vĩ đại của dân tộc.

Ảnh hiếm về người lính xưa qua ống kính một liệt sỹ nhiếp ảnh - 6

Hình ảnh Bộ Tư lệnh Sư đoàn 304 họp tại Nam Khe Sanh, Quảng Trị, 1969 trong cuốn sách "Liệt sỹ Phan Tứ Kỷ - Thư chiến trường và những tấm hình có lửa". Bức ảnh do Trung sỹ Phan Tứ Kỷ chụp, được gia đình Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện, nguyên Chính ủy - Bí thư Đảng ủy Sư đoàn 304 gìn giữ nhiều năm.

Ảnh hiếm về người lính xưa qua ống kính một liệt sỹ nhiếp ảnh - 7

Trong gần 200 bức ảnh liệt sỹ Phan Tứ Kỷ để lại, có khoảng 100 bức ảnh được chụp tại chiến trường Quảng Trị, giai đoạn 1968-1972, khi cuộc chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta bước vào giai đoạn ác liệt nhất. 

Trong ảnh là hình ảnh những người lính trong một đợt tấn công vào mục tiêu tại Quảng Trị.

Ảnh hiếm về người lính xưa qua ống kính một liệt sỹ nhiếp ảnh - 8
Ảnh hiếm về người lính xưa qua ống kính một liệt sỹ nhiếp ảnh - 9
Ảnh hiếm về người lính xưa qua ống kính một liệt sỹ nhiếp ảnh - 10
Ảnh hiếm về người lính xưa qua ống kính một liệt sỹ nhiếp ảnh - 11

Hình ảnh những người lính băng qua mưa bom, bão đạn quân thù, tiến lên chiếm lĩnh trận địa chiếm số lượng đáng kể trong "gia tài" liệt sỹ Phan Tứ Kỷ để lại.

Cựu chiến binh Lê Đình Minh (quê Đô Lương, Nghệ An) - đồng đội của Trung sỹ Phan Tứ Kỷ tại Ban Văn hóa, Sư đoàn 304 cho biết, nếu như những người lính khác bước vào trận đánh với các đồng đội cùng đơn vị thì người lính nhiếp ảnh "đơn thương độc mã".

Ảnh hiếm về người lính xưa qua ống kính một liệt sỹ nhiếp ảnh - 12
Ảnh hiếm về người lính xưa qua ống kính một liệt sỹ nhiếp ảnh - 13

Chỉ với một chiếc máy ảnh, họ lăn xả vào điểm nóng, ghi lại từng khoảnh khắc chiến đấu anh dũng, quả cảm, ngoan cường của những người lính trực tiếp chiến đấu. Họ có thể bị thương, có thể hi sinh nhưng luôn mang trong mình tinh thần của một người "chép sử" bằng hình ảnh, để lưu lại một giai đoạn lịch sử vẻ vang, chói lọi của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. 

Trong ảnh là những người lính Tiểu đoàn anh hùng - pháo 12 ly 7 (bên trái) và người lính bộ binh sẵn sàng nã đạn vào đầu quân thù. 

Ảnh hiếm về người lính xưa qua ống kính một liệt sỹ nhiếp ảnh - 14

Hình ảnh người lính thông tin qua ống kính của Trung sỹ - nhiếp ảnh Phan Tứ Kỷ. 

Ảnh hiếm về người lính xưa qua ống kính một liệt sỹ nhiếp ảnh - 15

Những người lính quân khí.

Ảnh hiếm về người lính xưa qua ống kính một liệt sỹ nhiếp ảnh - 16
Ảnh hiếm về người lính xưa qua ống kính một liệt sỹ nhiếp ảnh - 17

Quân y đang điều chế thuốc và cứu chữa thương binh.

Ảnh hiếm về người lính xưa qua ống kính một liệt sỹ nhiếp ảnh - 18

Các nghệ sỹ đoàn văn công tỉnh Tuyên Quang biểu diễn phục vụ chiến sỹ.

Ảnh hiếm về người lính xưa qua ống kính một liệt sỹ nhiếp ảnh - 19
Ảnh hiếm về người lính xưa qua ống kính một liệt sỹ nhiếp ảnh - 20

Trong số hàng trăm bức ảnh người lính Phan Tứ Kỷ chụp, có nhiều tấm hình ghi lại những khuôn mặt đồng đội trong những khoảnh khắc ngoài trận chiến. 

Trong bức ảnh, nhà thơ  - liệt sỹ Vương Lân đang ôm khẩu súng AK, đầu đội mũ tai bèo, dưới bức ảnh có dòng chú thích "Ngâm thơ tại trận địa". Trong bức ảnh khác, nhà thơ Vương Lân đang đọc thư gia đình, quây quần xung quanh là 8 gương mặt đồng đội. Dưới góc chụp của trung sỹ Phan Tứ Kỷ, gương mặt các chiến sỹ toát lên vẻ rạng rỡ của tinh thần yêu nước và niềm tin vào thắng lợi cuối cùng.

"Nếu không có anh Kỷ, chúng tôi đã không có 2 bức ảnh rất quý, rất đẹp của anh trai tôi - liệt sỹ Vương Lân", ông Vương Long, em trai liệt sỹ Vương Lân xúc động gửi lời tri ân tới liệt sỹ Phan Tứ Kỷ. 

Ảnh hiếm về người lính xưa qua ống kính một liệt sỹ nhiếp ảnh - 21

Ngoài những bức ảnh ghi lại không khí chiến đấu, cảnh sinh hoạt đời thường của người lính trên chiến trường, Trung sỹ - nhiếp ảnh Phan Tứ Kỷ có một số tấm hình chụp cuộc sống sinh hoạt của con người ở những vùng đất anh đi qua. Trong ảnh là một người phụ nữ dân tộc thiểu số bên khung dệt vải.

Qua những bức ảnh về cuộc sống đời thường, giúp người xem cảm nhận rõ hơn về khát vọng hòa bình, về cuộc sống yên bình, dung dị của người lính nhiếp ảnh. Đó cũng là khát vọng chung của lớp lớp người lính sẵn sàng hiến dâng xương máu, tuổi xuân cho Tổ quốc. 

Trung sỹ Phan Tứ Kỷ sinh năm 1947, quê xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Anh nhập ngũ năm 1968, thuộc biên chế Ban Văn hóa, Phòng Chính trị, Sư đoàn 304, với nhiệm vụ của một nhiếp ảnh. Anh hi sinh ngày 3/8/1972, tại mặt trận phía Nam Quân khu 4 (khu vực làng Cùa, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) khi mới tròn 25 tuổi.

(Nguồn ảnh: Cuốn sách "Liệt sỹ Phan Tứ Kỷ - Thư chiến trường và những tấm hình có lửa")