DMagazine

Khủng hoảng Ukraine: Trò chơi "bên miệng hố chiến tranh" giữa Nga và NATO

(Dân trí) - Cả Nga và phương Tây đều nắm những "quân bài" đủ để mỗi bên có thể theo đuổi chiến lược "bên miệng hố chiến tranh" nhằm gây sức ép với đối phương.

KHỦNG HOẢNG UKRAINE: TRÒ CHƠI "BÊN MIỆNG HỐ CHIẾN TRANH" GIỮA NGA VÀ NATO

Cả Nga và phương Tây đều nắm những "quân bài" đủ để mỗi bên có thể theo đuổi chiến lược "bên miệng hố chiến tranh" nhằm gây sức ép với đối phương.

Tại ngôi làng Zolote cách không xa tiền tuyến ở vùng Luhansk, miền đông Ukraine, dù đã quen với xung đột trong suốt 8 năm qua, những ngày qua, người dân sống ở đây vẫn thấp thỏm lo âu liệu một cuộc xung đột lớn hơn có xảy ra hay không khi Nga triển khai hơn 100.000 binh sĩ và khí tài sát biên giới.

Ngôi làng từng có 200 dân sinh sống, nhưng sau 8 năm giao tranh khốc liệt, nơi này giờ đây chỉ còn 11 người bám trụ. Chiến sự tại miền đông Ukraine bùng phát từ năm 2014, khi phong trào ly khai nổi lên ở tỉnh Donetsk và Luhansk thuộc vùng Donbass.

Hầu hết mọi người còn bám trụ ở đây hiếm khi rời khỏi nhà, đặc biệt trong mùa đông giá rét, nhưng chủ yếu là vì các cuộc giao tranh. Trong tình cảnh ấy, họ giống như "con tin" ở chính quê nhà của mình. Quân đội Ukraine cảnh báo tình hình quá nguy hiểm để bám trụ lại đây, nhưng họ không ép buộc người dân rời đi.

Những ngày qua, khi người dân Zolote thấp thỏm lo âu một cuộc xung đột lớn hơn, cũng là lúc Mỹ và các đồng minh phương Tây tìm cách "giải mã" những tính toán thực sự của Nga khi tăng cường binh sĩ và khí tài đến sát biên giới Ukraine.

NGA SIẾT GỌNG KÌM QUANH UKRAINE

Khủng hoảng Ukraine: Trò chơi bên miệng hố chiến tranh giữa Nga và NATO - 1

Nga được cho là đã triển khai hơn 100.000 binh sĩ và khí tài đến sát biên giới Ukraine (Ảnh: AP).

Trong khoảng hai tháng trở lại đây, Nga đã liên tục tăng cường hiện diện quân sự, áp sát Ukraine từ 3 hướng bắc, đông, nam. Theo phần lớn các ước tính, Nga đã điều động hơn 100.000 binh sĩ đến các khu vực này, trong khi đó, theo các cơ quan tình báo Mỹ, con số này có thể lên tới 127.000 gồm 106.000 lính bộ binh và 21.000 lính hải quân và không quân. Họ đến từ 55-60 tiểu đoàn chiến thuật, là những đơn vị tấn công độc lập về mặt chiến lược và sở hữu tính cơ động cao.

Ngoài quân đội, xe tăng và các loại vũ khí khác, kể từ cuối tháng 12 năm ngoái, Nga cũng bắt đầu chuyển các kho dự trữ đạn dược, bệnh viện dã chiến và hỗ trợ các dịch vụ an ninh tới nhiều địa điểm sát biên giới Ukraine.

Những tuần gần đây, Nga đã triển khai 36 bệ phóng tên lửa Iskander sát biên giới, có khả năng vươn tới Kiev. Moscow còn triển khai một số tàu đổ bộ về phía nam tới Biển Đen. Các căn cứ không quân hiện có gần biên giới của nước này chứa một số lượng lớn máy bay tấn công và trực thăng chiến đấu có thể bay tới Ukraine.

Ngoài ra, Nga điều lực lượng riêng biệt tiến hành các cuộc tập trận chung ở Belarus, quốc gia cũng có biên giới với Ukraine. Phương Tây cho rằng, lực lượng này cùng các hệ thống phòng không S-400 và Pantsir của Nga có thể dùng để ngăn chặn bất kỳ đồng minh nào của Ukraine do thám hoặc sử dụng chúng để hỗ trợ một chiến dịch quân sự chống lại Ukraine.

Ngày 20/1, Nga thông báo tổ chức các cuộc tập trận hải quân. "Các cuộc tập trận liên quan tới hải quân và không quân là để bảo vệ lợi ích quốc gia trên các đại dương trên thế giới và chống lại các mối đe dọa quân sự đối với Nga. Các cuộc tập trận sẽ bắt đầu trong tháng 1 và kéo dài đến hết tháng 2 với sự tham gia của hơn 140 tàu chiến và hơn 60 máy bay", Bộ Quốc phòng Nga cho biết.

Reuters dẫn nguồn thạo tin cho biết, Nga dường như đã vận chuyển máu và một số trang thiết bị khác đến khu vực gần biên giới Ukraine - một dấu hiệu cho thấy Nga đã sẵn sàng cho một chiến dịch quân sự với Ukraine.

Nga từ chối bình luận về thông tin trên, song giới chức nước này nhiều lần khẳng định không có kế hoạch "động binh" với Ukraine. Về điều này, người đứng đầu cơ quan tình báo nước ngoài của Đức, ông Bruno Kahl cho biết, Moscow đã có sự chuẩn bị cho một kế hoạch quân sự nhưng chưa đưa ra quyết định cuối cùng về việc có triển khai hay không.

CHIẾN THUẬT "BÊN MIỆNG HỐ CHIẾN TRANH"

Khủng hoảng Ukraine: Trò chơi bên miệng hố chiến tranh giữa Nga và NATO - 2

Binh sĩ Nga tập trận (Ảnh: AP).

Trong lĩnh vực chính trị và ngoại giao, chiến lược "bên miệng hố chiến tranh" liên quan đến việc cho phép tranh chấp tiến triển đến mức gần như thảm họa trước khi một giải pháp đàm phán được xem xét. Đây giống như một trò "thi gan", để xem bên nào sẽ nhượng bộ trước.

Động thái tăng cường lực lượng của Nga diễn ra trong bối cảnh Nga đưa ra hàng loạt đề xuất an ninh với phương Tây. Các đề xuất này bao gồm: NATO phải cam kết không mở rộng liên minh về phía đông, không triển khai quân đội hoặc vũ khí tới các nước gia nhập khối sau năm 1997, hạn chế triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung, chia sẻ thông tin nhiều hơn về các cuộc tập trận quân sự.

Những yêu cầu này không mới bởi Nga lâu nay vẫn phản đối và tìm cách ngăn Ukraine ngả về phương Tây hay ngăn NATO mở rộng ảnh hưởng về phía Đông Âu. Tuy nhiên, lần này, Nga cho thấy sự cấp bách hơn trong việc phải ngăn NATO "Đông tiến".

Ukraine đang hối thúc NATO kết nạp thành viên. Tuy nhiên, với Nga, đây là "lằn ranh đỏ" bởi khi Ukraine, một quốc gia từng thuộc Liên Xô cũ, ngả về phương Tây, có thể tạo thêm động lực cho các quốc gia khác từng nằm trong tầm ảnh hưởng của Moscow cũng nghiêng về phương Tây.

Tăng cường lực lượng gần biên giới Ukraine được cho là một phần trong kế hoạch của Nga nhằm gây sức ép đàm phán, buộc phương Tây chấp thuận những đề xuất an ninh được coi là "vấn đề sống còn" của Moscow.

Các cuộc đàm phán của Nga với Mỹ và các đồng minh phương Tây đã diễn ra vào trung tuần tháng 1 nhưng không đạt được tiến triển. Mỹ và NATO tuyên bố không chấp nhận đề xuất của Moscow, song vẫn để ngỏ con đường đối thoại. Trên thực tế, trong khi, Nga tiếp tục duy trì hơn 100.000 binh sĩ và khí tài gần biên giới Ukraine, NATO cũng sẵn sàng cho kế hoạch tăng cường hiện diện quân sự ở Đông Âu để đối phó. Lầu Năm Góc cuối tháng trước cho biết đã đặt 8.500 binh sĩ trong tình trạng báo động cao, sẵn sàng triển khai tới Đông Âu để hỗ trợ lực lượng ứng phó nhanh của NATO.

Thất bại của phương Tây và Nga trong nỗ lực tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho những căng thẳng đang sục sôi làm gia tăng nguy cơ Nga "động binh" với Ukraine mặc dù nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến tranh toàn diện là rất thấp.

"Việc thiếu một giải pháp ngoại giao chắc chắn sẽ khiến cuộc khủng hoảng trầm trọng hơn khi mà một giải pháp quân sự trở thành một lựa chọn để giải quyết tình hình", Dmitry Trenin, giám đốc Trung tâm Carnegie Moscow, nhận định.

Theo giới quan sát, ngay cả khi Nga lựa chọn hành động quân sự, đó cũng sẽ là một chiến lược có hạn chế. Theo ông Maxim Suchkov, một chuyên gia phân tích quan hệ quốc tế nổi tiếng tại Nga, Moscow có thể sẽ sử dụng các biện pháp đáp trả, chẳng hạn như triển khai tên lửa của Nga tại vùng lãnh thổ Donbass nằm ở phía Đông Ukraine và hiện do phe ly khai kiểm soát, hoặc tại Crimea.

Về phía phương Tây, một cuộc xung đột với Nga chắc chắn không phải một lựa chọn khôn ngoan ở thời điểm khó khăn như hiện nay khi kinh tế khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.

Châu Âu sẽ không dễ dàng để đưa ra quyết định trừng phạt kinh tế bổ sung nhằm vào Nga vì nguy cơ bị cắt nguồn cung năng lượng từ Nga và phải chuẩn bị cho kịch bản một cuộc khủng hoảng tị nạn nếu xung đột xảy ra.

Ukraine chưa phải là thành viên NATO nên quyết định động binh là một lựa chọn mà khối này sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng. Mặc dù NATO từng nhất trí Ukraine sẽ trở thành thành viên của khối trong tương lai, nhưng liên minh này cũng không có trách nhiệm pháp lý ràng buộc phải bảo vệ Ukraine. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg từng ngầm ý rằng, việc NATO hỗ trợ Ukraine như một đồng minh là khó xảy ra vì Kiev chỉ là đối tác chứ không phải là đồng minh. Ông nhấn mạnh cần phải "phân biệt giữa các đồng minh NATO và đối tác Ukraine".

Reuters dẫn nhận định của các nhà ngoại giao và cựu tướng lĩnh phương Tây dự đoán, NATO có thể sẽ tăng cường sự hiện diện của quân đội ở Biển Đen và vùng Baltic, đồng thời chống lại các cuộc tấn công mạng trong trường hợp xảy ra xung đột Nga - Ukraine.

Hans-Lothar Domroese, một cựu chỉ huy của NATO, cho rằng NATO sẽ tăng cường lực lượng ở phía đông, điều động các đơn vị quân sự lớn hơn đến Ba Lan và các nước Baltic nhằm bảo vệ lãnh thổ của NATO, gửi thông điệp đến Nga.

Trong một động thái cho thấy phán đoán này là có cơ sở, Nhà Trắng khẳng định Mỹ đang điều chỉnh các kế hoạch quân sự dành cho mọi kịch bản trong cuộc khủng hoảng liên quan đến Ukraine. Washington cũng đang cùng các đồng minh nỗ lực triển khai lực lượng ở sườn phía đông của NATO.

Theo nguồn tin của các nhà ngoại giao và cựu tướng lĩnh phương Tây, phương Tây có thể hỗ trợ Ukraine thông qua trang bị thêm vũ khí, máy bay không người lái của Mỹ cũng như tăng cường huấn luyện cho các lực lượng vũ trang của nước này. Thực tế, Anh, Mỹ, Canada đã bắt đầu cung cấp vũ khí chống tăng cho Ukraine.

Một cuộc đối đầu quân sự với Nga luôn là điều Mỹ và NATO luôn tìm cách né tránh, đối thoại vẫn được xem là giải pháp được theo đuổi đến cùng cho đến khi nào còn có thể. Tuy nhiên, trò chơi "bên miệng hố chiến tranh" mà các bên tham gia đang tạo ra những nguy cơ và rủi ro khó lường nếu mọi hoạt động vượt ngoài tầm kiểm soát.

NHỮNG QUÂN BÀI CHIẾN LƯỢC

Khủng hoảng Ukraine: Trò chơi bên miệng hố chiến tranh giữa Nga và NATO - 3

Khí đốt được coi là vũ khí chiến lược của Nga trong quan hệ với phương Tây (Ảnh: RT).

Đáp lại động thái tăng cường hiện diện quân sự của Nga gần biên giới Ukraine, Mỹ và các đồng minh NATO cảnh báo áp lệnh trừng phạt "chưa từng có" với Nga. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đang phác thảo gói trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga nếu Moscow hành động quân sự với Ukraine.

Hiện chưa rõ Mỹ và các đồng minh có thể dùng đến đòn trừng phạt nào nếu xung đột Nga- Ukraine nổ ra, song theo một số nguồn tin, Mỹ có thể theo đuổi "lựa chọn hạt nhân" - loại các ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT. Đây được cho là lệnh trừng phạt có thể khiến Moscow lo ngại nhất bởi nó có thể làm gián đoạn nghiêm trọng kinh tế Nga, tác động đáng kể đến các doanh nghiệp trong ngành năng lượng của nước này. Mặc dù đây được xem là biện pháp hiệu quả trong việc buộc Moscow rút khỏi "bờ vực chiến tranh", nhưng nhật báo kinh tế Handelsblatt của Đức ngày 17/1 dẫn các nguồn tin chính phủ nước này cho biết, các nước phương Tây đã từ bỏ kế hoạch này.

Ngoài phương án tài chính, phương Tây cũng xem xét giáng đòn vào Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2), dự án đường ống vận chuyển khí đốt từ Nga đến Tây Âu.

Đây là dự án cung cấp khí đốt lớn của Nga cho châu Âu. Dòng chảy phương Bắc 2 dài hơn 1.200 km đi qua vùng đặc quyền kinh tế và lãnh hải của 5 quốc gia: Đức, Đan Mạch, Nga, Phần Lan và Thụy Điển. Khi đi vào hoạt động, mỗi năm, dự án có thể cung cấp 55 tỷ m3 khí từ Nga tới châu Âu cho 26 triệu hộ gia đình. Tuy nhiên, tương lai dự án đường ống này tiếp tục mờ mịt do lệnh trừng phạt của Mỹ và do sự chia rẽ của châu Âu.

Một mặt, Dòng chảy phương Bắc 2 là công cụ để phương Tây kiềm chế Nga, mặt khác, dự án này nói riêng, khí đốt của Nga nói chung được coi là "vũ khí" địa chính trị của Moscow. Nga hiện cung cấp hơn 1/3 khí đốt cho châu Âu. Theo giới quan sát, nếu Nga cắt nguồn cung khí đốt, châu Âu sẽ phải chật vật trong một thời gian dài để tìm kiếm nguồn thay thế. Giá năng lượng sẽ tăng mạnh hơn nữa đặc biệt khi nguồn cung năng lượng ở châu Âu đang rất căng thẳng.

Giới chức Mỹ và châu Âu lo ngại Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể sử dụng nguồn cung khí đốt để gia tăng sức ép lên châu Âu nếu căng thẳng leo thang. Các quan chức Mỹ cho biết họ đang trao đổi với các quốc gia và doanh nghiệp về việc tăng nguồn cung khí đốt cho châu Âu, giảm phụ thuộc vào Nga. Tuy nhiên, đó chắc chắn không phải phương án dễ dàng. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng cung cấp khí đốt như vậy phải mất nhiều năm. Khi đó, khí đốt vẫn là "quân bài chiến lược" trong chính sách đối ngoại của Nga với phương Tây.

Minh Phương
Theo Swiss Info, Foreign Policy, Guardian