1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Dự đoán các bước đi của NATO nếu Nga "động binh" với Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Các đồng minh NATO đang đặt lực lượng trong tình trạng sẵn sàng và tăng cường lực lượng ở Đông Âu để đối phó việc Nga đưa hơn 100.000 binh sĩ đến sát biên giới Ukraine.

Dự đoán các bước đi của NATO nếu Nga động binh với Ukraine - 1

NATO sẵn sàng cho kế hoạch tăng cường lực lượng ở Đông Âu để đối phó Nga (Ảnh minh họa: Reuters).

NATO sẽ đến bảo vệ Ukraine?

Hai tháng trở lại đây, các đồng minh NATO lo ngại rằng, Nga có thể đang chuẩn bị cho một kế hoạch "động binh" với Ukraine khi đưa hơn 100.000 binh sĩ áp sát biên giới Ukraine. Câu hỏi đặt ra là liệu NATO có đến để bảo vệ Ukraine hay không?

Nếu xét về khía cạnh quân sự, câu trả lời sẽ là "không". Ukraine không phải thành viên của NATO và liên minh quân sự này không bị ràng buộc bởi hiệp ước bảo vệ Ukraine. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng tuyên bố sẽ không cử binh sĩ đến Ukraine để đối phó Nga, mà chỉ sẵn sàng tăng cường lực lượng ở Đông Âu.

Tuy nhiên, Ukraine là một đối tác thân cận và có thể sớm trở thành một thành viên của khối liên minh quân sự gồm 30 thành viên này. Hiện tại, NATO đang phối hợp để hỗ trợ Ukraine hiện đại hóa quân đội. Canada đang triển khai một chương trình huấn luyện ở Ukraine, trong khi Đan Mạch cũng tăng cường nỗ lực đưa quân đội Ukraine tiến gần hơn đến các tiêu chuẩn của NATO.

Mỹ, Anh và các nước vùng Baltic đang vận chuyển vũ khí cho Ukraine, trong đó có các tên lửa chống tăng, các vũ khí cỡ nhỏ. Thổ Nhĩ Kỳ bán máy bay không người lái cho Ukraine.

Tuy nhiên, Đức không ủng hộ việc cung cấp vũ khí cho Ukraine. Thay vào đó, Berlin cam kết hỗ trợ một bệnh viện dã chiến trị giá khoảng 6 triệu USD và chương trình đào tạo giúp quân đội Ukraine vận hành.

Lực lượng NATO sẵn sàng chờ lệnh

Tuy không đưa lực lượng tác chiến đến Ukraine, nhưng NATO đã đặt các lực lượng của mình trong tình trạng sẵn sàng ứng phó. Mỹ đã đặt khoảng 8.500 binh sĩ vào tình trạng báo động cao. Đan Mạch cũng cử một tàu hộ vệ đến vùng biển Baltic và 4 máy bay chiến đấu F-16 đến Lithuania. Trong khi đó, Tây Ban Nha cử một tàu quét mìn và một tàu hộ vệ tham gia lực lượng của NATO ở Địa Trung Hải và Biển Đen.

Ngoài ra, Tây Ban Nha cũng cân nhắc điều các máy bay chiến đấu đến Bulgaria, trong khi Hà Lan đưa hai máy bay F-35 đến Bulgaria từ tháng 4. Pháp có thể cử binh sĩ đến Romania theo đề nghị của NATO.

Các động thái của NATO được cho là chỉ mang tính "cầm chừng" khi liên minh này vẫn hy vọng tìm ra một giải pháp đối thoại với Nga trong vấn đề Ukraine. hơn nữa, với tư cách một liên minh gồm 30 quốc gia thành viên, NATO phải đưa các quyết định mang tính tập thể và có thể mất thời gian để bố trí số quân cần thiết cho các nhiệm vụ chung.

Các đồng minh NATO đang thảo luận có nên tăng cường lực lượng ở Đông Âu hay không. Họ sẽ tập trung vào vấn đề này khi các bộ trưởng quốc phòng nhóm họp tại Brussels vào giữa tháng 2.

NATO có 4 nhóm chiến đấu đa quốc gia với quy mô tiểu đoàn gồm khoảng 4.000 binh sĩ, do Canada, Đức, Anh và Mỹ dẫn đầu ở Latvia, Lithuania, Estonia và Ba Lan. Các binh sĩ này đóng vai trò như "chuông báo" cho lực lượng ứng phó gồm 40.000 quân của NATO nhanh chóng triển khai và đưa thêm binh sĩ, khí tài của Mỹ từ khắp Đại Tây Dương.

Những quyết định quan trọng nhất có thể sẽ được đưa ra vào tháng 6 tới khi các lãnh đạo NATO họp thượng đỉnh và thông qua một kế hoạch quan trọng nhằm củng cố trọng tâm của NATO trong việc răn đe Nga.

Theo www.reuters.com

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm