Con tin Israel vật lộn với hành trình phục hồi đầy thử thách
(Dân trí) - Ký ức về những ngày bị giam cầm tiếp tục bủa vây, để lại những vết thương sâu sắc cả về thể chất lẫn tinh thần đối với những con tin Israel mới được Hamas phóng thích.

Khoảng 250 con tin Israel đã bị Hamas bắt giữ vào ngày 7/10/2023 (Ảnh: Reuters).
Trở về từ Gaza sau nhiều ngày bị giam giữ, những nạn nhân từ vụ tấn công ngày 7/10/2023 của lực lượng Hamas vào Israel vẫn chưa thể tìm lại sự bình yên.
Cậu bé Uriah Brodutch, 5 tuổi, được trợ giảng mẫu giáo hỏi rằng gần đây em có mơ thấy gì không. Cậu bé đáp: "Có, em mơ thấy những người đàn ông đưa em rời khỏi nhà và đánh những người khác".
Các tay súng đã bắt cóc Uriah, anh trai Yuval (9 tuổi) và em gái Ofri (11 tuổi) vào ngày 7/10/2023, cùng mẹ của họ, bà Hagar, và Abigail, một cô bé 4 tuổi ở cùng khu dân cư. Abigail đã xuất hiện tại nhà của gia đình vào sáng hôm đó, trong tình trạng người dính đầy máu của cha. Cả cha và mẹ của Abigail đều đã qua đời.
Gia đình Brodutch và bé Abigail đã bị giam giữ gần 2 tháng trước khi được trả tự do gần đây. Hơn một năm sau, tất cả họ vẫn còn vết sẹo do chấn thương.
Cha của Uriah, ông Avihai, bị thương khi chiến đấu với các tay súng trong ngày hôm đó, nhưng đã trốn thoát khỏi những kẻ bắt cóc.
"Nhiều người đã thiệt mạng xung quanh Uriah, và cậu bé bị đưa đến Gaza... Nhiều bạn bè, hàng xóm thân quen của tôi đã mất cả gia đình. Vì vậy, cái chết giờ đã trở thành một phần trong cuộc sống của chúng tôi", ông Avihai nói.
Ngày 15/2, ba con tin khác, trong đó có Sagui Dekel Chen, 36 tuổi, người mang hai quốc tịch Mỹ - Israel, đã được các nhóm vũ trang ở Gaza trả tự do trong khuôn khổ các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt chiến sự. Việc họ được thả khép lại một phần bi kịch, nhưng cũng là khởi đầu của hành trình phục hồi dài lâu và đầy đau đớn - như những người bị giam giữ trước đó đã chia sẻ.
Khoảng 250 người đã bị bắt làm con tin vào ngày 7/10/2023, trong đó có 40 trẻ em. Hiện còn khoảng 70 người bị giữ tại Gaza, dù giới chức Israel cho rằng hơn 30 người trong số đó đã thiệt mạng. Những con tin được cho là còn sống đã trải qua gần 500 ngày bị giam giữ. Các cựu con tin, thành viên gia đình và chuyên gia tâm lý đều khẳng định cuộc sống của những người được trả tự do sẽ không bao giờ trở lại bình thường như trước.
Vụ tấn công ngày 7/10 đã cướp đi sinh mạng của khoảng 1.200 người, trong khi cuộc tấn công và ném bom của Israel sau đó nhằm vào Gaza đã gây ra đau thương trên diện rộng, bao gồm cả hàng loạt người Palestine mất đi người thân và chứng kiến phần lớn Dải Gaza bị tàn phá. Theo các cơ quan y tế địa phương, hơn 47.000 người Palestine đã thiệt mạng kể từ khi xung đột nổ ra.
Một số con tin bị bắt cóc ngày 7/10 được cho là vẫn bị giam giữ trong các đường hầm ở Gaza. Dựa trên lời kể của những người được trả tự do, họ có thể đang trong tình trạng suy dinh dưỡng nghiêm trọng, chịu đựng tổn thương tâm lý, và trong một số trường hợp, cả bạo hành thể xác. Hai con tin được thả cách đây một tuần đã kể với gia đình của Alon Ohel, 24 tuổi, một con tin còn bị giam giữ, rằng anh bị trói trong một đường hầm ngầm, với mảnh đạn găm trong mắt và chỉ sống sót nhờ một chiếc bánh mì mỗi ngày.
Các cuộc phỏng vấn với 3 con tin được thả hơn một năm trước, cùng với gia đình của những người khác và các nhà tâm lý học điều trị cho các những người từng bị giam giữ, cho thấy nhiều người sau khi được thả gặp khó khăn trong việc phục hồi. Quá trình phục hồi có thể càng khó khăn hơn đối với những người bị giam giữ lâu hơn.
Ông Eli Sharabi, 52 tuổi, người trông gầy yếu và mệt mỏi khi được thả cách đây một tuần, đã nói với đám đông ở Gaza trước khi được trao trả rằng ông rất mong được gặp vợ mình, bà Lianne, và các con gái Noiya (16 tuổi) và Yahel (13 tuổi). Ông Sharabi không hề biết rằng các tay súng đã sát hại họ cùng chú chó của gia đình tại nhà vào ngày 7/10.
Tổn thương nặng nề về thể chất và tinh thần
Các cựu con tin cho biết những thử thách đã qua giúp họ nhận ra bản thân có khả năng sống sót đến mức nào, nhưng cũng để lại những di chứng về thể chất và tâm lý sâu sắc. Nhiều người vẫn chưa trở về nhà và sẽ cố gắng xây dựng lại cuộc sống ở nơi mới, thường cách xa biên giới Gaza.
"Giờ tôi không ngủ nhiều vào ban đêm nữa. Đầu tôi đầy những suy nghĩ", ông Luis Har, một người gốc Argentina 71 tuổi, cũng là người bị bắt cóc từ kibbutz Nir Yitzhak, một trong những nơi bị tấn công hôm đó, chia sẻ. "Nhiều lần, chỉ cần một tiếng động - từ xe máy hay xe cứu thương - là tôi lại nhớ về những gì đã qua. Bạn phải nói với cơ thể mình rằng bạn đang ở đây, không phải ở đó", ông nói thêm.
Mia Schem, một công dân Israel gốc Pháp 22 tuổi, người có video con tin đầu tiên xuất hiện sau vụ tấn công và đã được biết đến ở Israel, cho biết cô đang trải qua một "chuyến tàu siêu tốc đầy cảm xúc". Có những ngày, thử thách mà cô phải chịu đựng cảm giác như một bộ phim hoặc một giấc mơ xảy ra với người khác. Những ngày khác, cô nói, "cảm giác về Gaza không bao giờ biến mất".
"Người ta nghĩ rằng bạn đã ra ngoài, bạn đã an toàn và mọi chuyện đã kết thúc. Nhưng không phải vậy. Mỗi ngày là một cuộc chiến để đứng dậy và chiến đấu", Mia Schem nói. Cô nhớ lại rõ ràng những thi thể tại lễ hội âm nhạc Nova, nơi gần 400 người đã bị sát hại trong ngày 7/10/2023, và những tiếng kêu thảm thiết của phụ nữ mà cô không nhìn thấy nhưng tin rằng họ bị cưỡng hiếp.
Moran Stela Yanai, một nhà thiết kế trang sức 41 tuổi, bị bắt cóc trong lễ hội Nova và bị giam giữ trong những không gian tối tăm suốt 51 ngày, cho biết cô không thể chịu đựng được việc ở trong nhà hay trong phòng kín quá vài phút. Khi không ở ngoài trời, cô dành hầu hết thời gian trên hiên nhà ở căn hộ Tel Aviv.
Yanai đã mất phần lớn thính giác trong thời gian bị giam giữ và hiện phải sử dụng máy trợ thính. Cả 2 chân của cô đều bị gãy trong lúc bị bắt cóc, và cô đã trải qua nhiều ca phẫu thuật kể từ khi được trả tự do.
Các nhà trị liệu làm việc với những con tin đã được trả tự do cho biết nhiều người, bao gồm cả trẻ em, đang phải chịu đựng tổn thương phức tạp.
Bà Ofrit Shapira Berman, chuyên gia về chấn thương tại Đại học Hebrew Jerusalem, cho biết những người bị tổn thương phức tạp có "cảm giác sâu sắc nhất rằng phải đầu hàng để cứu lấy mạng sống của mình". Bà cho biết nhiều người mắc tình trạng này gặp khó khăn trong việc kết nối với người khác.
Tất cả các con tin trước đây được phỏng vấn đều cho biết họ gặp khó khăn trong việc giao tiếp với những người không có mối liên hệ nào với ngày 7/10. "Bây giờ, hầu hết chúng tôi đều có những người bạn khác. Không phải vì tôi có mâu thuẫn với những người bạn cũ, chỉ là những tình bạn đó dần phai nhạt. Tôi cảm thấy như mình không thể có một cuộc trò chuyện bình thường nữa", Yanai chia sẻ.
Các cựu con tin và gia đình của họ cho hay họ có thể mất vài tuần hoặc thậm chí vài tháng để phát triển lại cảm nhận bình thường với thức ăn và nước uống. Trong suốt thời gian bị giam giữ, mỗi thành viên trong gia đình Brodutch chỉ nhận được một chiếc bánh mì mỗi ngày, và họ xé thành những miếng nhỏ để cố gắng đủ dùng suốt cả ngày. Khi cậu bé Uriah còn nằm viện sau khi được thả, theo lời cha cậu, cậu đã giấu bánh dưới gối để ăn sau.
Nhiều cựu con tin đã tìm thấy mục đích trong việc vận động thả tự do cho các con tin còn lại và giúp đỡ gia đình họ vượt qua khó khăn. "Tôi mường tượng trong đầu rằng khi con tin cuối cùng được thả, tôi sẽ tắt tivi, bay sang Thái Lan và ngồi trên bãi biển trong 3 tuần, khóc hết nước mắt", Yanai chia sẻ.
Những đứa trẻ nhà Brodutch đã nghỉ học một năm và vẫn vật lộn để có thể đi học 3 ngày/tuần. Yuval, cậu bé 9 tuổi, hiếm khi có thể học cả ngày.
Ở trường, Yuval có một gia sư làm việc riêng với cậu. "Các bạn học khác đều rất tốt với Yuval. Nhưng cậu bé không muốn ở trong lớp học", cha của Yuval chia sẻ.
Bà Iris Gavrieli Rahabi, một nhà trị liệu tâm lý học, người đã giúp thành lập First Line Med, tổ chức cung cấp tư vấn miễn phí cho các cựu con tin và những người sống sót khác trong vụ ngày 7/10, cho biết thêm có dấu hiệu cho thấy các trẻ em đang vật lộn với cảm giác tội lỗi.
"Một con tin là trẻ em, sau nhiều tuần bị giam giữ, đã quay sang mẹ mình và nói: "Mẹ ơi, chúng ta bị bắt vì con đã khóc". Người mẹ đã trấn an rằng đó không phải là lý do, bởi kẻ tấn công biết họ ở nhà vì cốc sô-cô-la trên bếp vẫn còn ấm", bà Rahabi kể lại.