1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nga lên tiếng về nguy cơ xung đột với Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Nga cho rằng mối đe dọa về cuộc xung đột giữa nước này và Ukraine thực chất bắt nguồn từ các chính phủ phương Tây.

Nga lên tiếng về nguy cơ xung đột với Ukraine - 1

Lực lượng quân sự Nga tập trận gần biên giới Ukraine hôm 26/1 (Ảnh: Reuters).

"Chúng tôi đã nhiều lần tuyên bố rằng chúng tôi không có ý định tấn công bất cứ ai. Ý tưởng cho rằng người dân của (hai nước) chúng tôi có thể gây chiến với nhau là không thể chấp nhận được", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Alexey Zaytsev cho biết trong cuộc họp ngày 27/1.

Ông Zaytsev nhắc lại tuyên bố từ các quan chức an ninh hàng đầu của Ukraine, trong đó đánh giá thấp mối đe dọa về việc Nga động binh với Ukraine. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga coi đây là bằng chứng cho thấy sự leo thang căng thẳng hiện nay là do phương Tây thúc đẩy.

Theo ông Zaytsev, trong khi Kiev và Moscow tìm cách ngăn chặn các hành động thù địch, "các nhà tài trợ nước ngoài của Ukraine lại có suy tính khác và dường như quyết tâm thực hiện kịch bản Nga tấn công Ukraine".

Ông Zaytsev đề cập đến một loạt động thái làm bằng chứng cho thấy phương Tây kích động xung đột, bao gồm việc một số nước phương Tây sơ tán nhân viên ngoại giao khỏi Ukraine và đưa các lô vũ khí mới nhất tới nước này. Trong khi đó, các quan chức công khai hoài nghi ý đồ của phương Tây bị phản pháo dữ dội và gánh hậu quả vì lên tiếng về vấn đề này.

Nhà ngoại giao Nga kêu gọi các nước thành viên NATO ngừng các hành động "phá hoại" đối với Ukraine và cho phép chính phủ nước này tìm ra giải pháp thiết thực cho các vấn đề chính trị nội bộ. Ông Zaytsev nói thêm rằng, nếu NATO thực sự quan tâm đến việc xoa dịu căng thẳng quân sự ở châu Âu, khối này nên rút các lực lượng đang triển khai ở Đông Âu.

Đại sứ quán Mỹ tại Kiev ngày 26/1 nói rằng, tình hình an ninh ở Ukraine "có thể xấu đi nhanh chóng", do đó cơ quan này khuyến cáo công dân Mỹ tại đây nghiêm túc cân nhắc rời Ukraine ngay. Hồi đầu tuần, Mỹ cũng thông báo kế hoạch rút bớt nhân viên ngoại giao cùng người thân của họ khỏi Ukraine, mặc dù Đại sứ quán Mỹ ở Kiev sẽ tiếp tục mở cửa.

Các động thái trên diễn ra giữa lúc căng thẳng Nga - Ukraine leo thang. Phương Tây cáo buộc Nga chuẩn bị "động binh" sau khi đưa hơn 100.000 binh sĩ và khí tài đến sát biên giới của nước này. Để chuẩn bị cho kịch bản Nga can thiệp quân sự vào Ukraine, Mỹ và các đồng minh phương Tây, trong đó có Anh, đã vận chuyển vũ khí giúp Ukraine tăng cường năng lực quốc phòng.

Ngoài ra, Mỹ và các đồng minh như Romania, Bulgaria và Hungary, đang cân nhắc triển khai thêm quân tới sườn phía đông của NATO, gần biên giới Nga. Nếu kế hoạch này được thực thi, mỗi quốc gia sẽ điều khoảng 1.000 quân tới khu vực trên. Hôm 24/1, Mỹ cũng đặt 8.500 binh sĩ vào tình trạng báo động cao, sẵn sàng triển khai tới Đông Âu hỗ trợ Lực lượng Phản ứng nhanh của NATO để đối phó khủng hoảng Ukraine nếu cần.

Bất chấp những cảnh báo của phương Tây, Nga khẳng định không có kế hoạch tấn công Ukraine và việc Moscow điều động lực lượng trong phạm vi lãnh thổ là hoàn toàn bình thường. Người đứng đầu hội đồng an ninh quốc gia Ukraine cũng cho rằng, phương Tây đang phóng đại mối nguy hiểm vì mục đích địa chính trị. Giới chức Ukraine nói rằng, mối đe dọa này đã tồn tại suốt 8 năm qua khi Nga cho sáp nhập bán đảo Crimea và mối đe dọa đó không hề gia tăng.

Theo www.rt.com

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm