1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ông Trump hâm nóng quan hệ với Nga, công kích Ukraine: Gió đã đổi chiều?

Thành Đạt

(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như có tính toán chiến lược khi quyết định đàm phán với Nga trong bối cảnh các bên tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột Ukraine.

Ông Trump hâm nóng quan hệ với Nga, công kích Ukraine: Gió đã đổi chiều? - 1

Tổng thống Volodymyr Zelensky, Donald Trump và Vladimir Putin (Ảnh: Getty).

Những diễn biến gần đây xung quanh mối quan hệ Mỹ - Nga - Ukraine làm dấy lên suy đoán rằng, sự ủng hộ kiên định của Mỹ dành cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga dường như đang nhanh chóng tan rã dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Vào ngày 19/2, Tổng thống Trump đã gọi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky là "nhà độc tài" và đổ lỗi cho Kiev về cuộc xung đột kéo dài 3 năm qua với Nga.

Đáp lại, ông Zelensky chỉ trích ông Trump đang bị mắc kẹt trong "không gian thông tin sai lệch" do Nga dựng lên.

Căng thẳng ngày càng gia tăng khi Mỹ và Nga bắt đầu các cuộc đàm phán tại Ả rập Xê út hôm 18/2 về việc chấm dứt xung đột ở Ukraine, nhưng Kiev không được mời tham dự.

Nga và Mỹ từ lâu vẫn xem nhau là "đối thủ". Tính đến nay, Mỹ đã cung cấp cho Ukraine hơn 183 tỷ USD để giúp nước này đối phó với Nga. Tuy nhiên, những khoản viện trợ này chỉ được cấp dưới thời Tổng thống Joe Biden. Đến thời Tổng thống Trump, "gió dường như đã xoay chiều".

Những động thái gần đây của chính quyền Trump khiến nhiều nước phương Tây lo ngại rằng, Mỹ và Nga sẽ xích lại gần nhau và gạt Ukraine sang một bên trong tiến trình đàm phán.

Tuy nhiên, Tatsiana Kulakevich, một học giả về quan hệ quốc tế và chính trị Đông Âu, cho rằng những tín hiệu này không đáng lo ngại vì Mỹ và Nga chỉ đang tiến hành các cuộc "đàm phán thăm dò".

Theo chuyên gia Kulakevich, không nên gọi đây là các cuộc đàm phán hòa bình, ít nhất là ở thời điểm hiện tại. Ukraine không được mời tham gia các cuộc đàm phán ở Ả rập Xê út vì đơn giản là vẫn chưa có vấn đề quan trọng nào cần đàm phán.

"Chúng ta không biết Mỹ và Nga thực sự đang thảo luận điều gì ngoài việc đồng ý khôi phục hoạt động bình thường của các phái bộ ngoại giao hai nước", chuyên gia cho biết thêm.

Những dấu hiệu hiện nay cho thấy Mỹ và Nga đang duy trì mối quan hệ "nồng ấm". Tuy nhiên, chuyên gia Kulakevich chỉ ra rằng chính sách của ông Trump đối với Nga lại có phần cứng rắn hơn những gì thường được mô tả trên truyền thông.

Những gì diễn ra trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Trump cho thấy, nếu điều gì không mang lại lợi ích cho Mỹ, ông Trump sẽ không thực hiện.

Ông Trump từng chấp thuận bán tên lửa chống tăng cho Ukraine vào năm 2019. Cùng năm đó, ông đã rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung, một thỏa thuận với Nga nhằm hạn chế số lượng vũ khí mà mỗi quốc gia có thể sở hữu.

Năm 2019, ông Trump cũng ban hành lệnh trừng phạt kinh tế đối với tàu của Nga tham gia xây dựng đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2. Các lệnh trừng phạt này nhằm mục đích ngăn chặn việc xuất khẩu khí đốt trực tiếp của Nga sang Đức trong bối cảnh mối liên hệ giữa Nga và Đức bị Ukraine coi là mối đe dọa kinh tế.

Chính quyền Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên đã thực hiện hơn 50 hành động chính sách để chống lại Moscow, chủ yếu dưới hình thức tuyên bố công khai và lệnh trừng phạt.

Một câu hỏi được đặt ra sau các cuộc đàm phán gần đây giữa Nga và Mỹ là, liệu hai nước có còn là "đối thủ" của nhau nữa không? Theo chuyên gia Kulakevich, không có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy Nga và Mỹ không còn là đối thủ.

Chuyên gia nhận định, mặc dù ông Trump đôi lúc sử dụng các thuật ngữ như "bạn bè" trong quan hệ ngoại giao, nhưng tuyên bố của ông thường chỉ là động thái mang tính chiến thuật hơn là sự thay đổi thực sự trong các liên minh. Một ví dụ cho luận điểm này là sự tương tác giữa ông Trump với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, khi ông Trump vừa ca ngợi vừa hăm dọa để đạt được sự nhượng bộ.

Ngay cả khi Mỹ đang gặp Nga để đàm phán, về mặt chiến lược, việc từ bỏ Ukraine không mang lại lợi ích tốt nhất cho Washington. Một lý do là nếu Mỹ "quay lưng" với Ukraine, Nga và Trung Quốc sẽ được lợi. Ông Trump vẫn coi Trung Quốc là mối đe dọa chính đối với Mỹ và Trung Quốc được cho là vẫn hỗ trợ Nga trong hoạt động quân sự.

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio vẫn nói rằng các bên, bao gồm cả Ukraine, sẽ có mặt tại bàn đàm phán hòa bình cuối cùng.

Lợi ích của Mỹ khi hợp tác với Nga

Ông Trump hâm nóng quan hệ với Nga, công kích Ukraine: Gió đã đổi chiều? - 2

Phái đoàn Nga, Mỹ gặp nhau tại Ả rập Xê út hôm 18/2 (Ảnh: Reuters).

Tổng thống Trump là chính trị gia theo chủ nghĩa đàm phán thương lượng. Các công ty Mỹ có thể hưởng lợi từ việc Washington hợp tác với Nga cũng như các công ty Nga, như một số quan chức Nga đã nói trong các cuộc đàm phán gần đây với chính quyền Trump ở Ả rập Xê út.

Mỹ cũng có thể hưởng lợi về mặt kinh tế từ thỏa thuận do chính quyền Trump đề xuất với Ukraine để trao cho Washington quyền khai thác khoáng sản đất hiếm của Ukraine. Nhiều mỏ khoáng sản ở Ukraine đang nằm trong khu vực do Nga kiểm soát.

Về mặt lịch sử, kể từ Chiến tranh Lạnh, đã có một tam giác ngoại giao giữa Liên Xô - sau này là Nga - Trung Quốc và Mỹ. Và luôn có một bên chống lại hai bên còn lại. Việc ông Trump cố gắng phát triển mối quan hệ ngoại giao tốt hơn với Nga có thể nhằm tìm cách nới rộng khoảng cách giữa Nga và Trung Quốc.

Mặc dù quan hệ Nga - Mỹ thường được xác định bằng sự cạnh tranh, nhưng lịch sử cho thấy sự hợp tác đã diễn ra khi cả hai quốc gia đều nhìn thấy lợi ích chung liên quan đến nhiều lĩnh vực như kiểm soát vũ khí, không gian, chống khủng bố, Bắc Cực hay y tế.

Hơn nữa, Mỹ luôn ưu tiên lợi ích của mình trong mối quan hệ với Nga. Ví dụ, Mỹ và các đồng minh chỉ áp đặt lệnh trừng phạt đối với ngành công nghiệp uranium và niken của Nga vào tháng 5/2024, hơn 2 năm sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Điều này bắt nguồn từ sự phụ thuộc về kinh tế chiến lược của Mỹ và lo ngại về sự ổn định của thị trường, nếu trừng phạt Nga về uranium và niken.

Sau khi Nga tuyên bố sáp nhập bán đảo Crimea và bị cáo buộc can thiệp vào tình hình ở vùng Donbass, miền Đông Ukraine, Mỹ và các nước phương Tây khác vẫn áp đặt các lệnh trừng phạt, nhưng chủ yếu mang tính tượng trưng. Các biện pháp này bao gồm đóng băng tài sản của các công dân Nga, hạn chế một số giao dịch tài chính và hạn chế quyền tiếp cận của Nga đối với công nghệ phương Tây.

Một điều cần lưu ý là vào tháng 1, Tổng thống Trump tuyên bố sẽ trừng phạt Nga nếu nước này không chấm dứt xung đột Ukraine. Mỹ vẫn chưa dỡ bỏ bất kỳ lệnh trừng phạt nào hiện có, điều này cho thấy Washington vẫn giữ lập trường cứng rắn đối với Nga, bất chấp mối quan hệ được cho là ngày càng nồng ấm giữa ông Trump và ông Putin.

Với cách tiếp cận chính sách đối ngoại mang tính thương lượng của Tổng thống Trump, phát ngôn cứng rắn của ông đối với Tổng thống Zelensky có thể là một chiến lược đàm phán có chủ đích nhằm gây sức ép buộc Ukraine phải nhượng bộ nhiều hơn trong các cuộc đàm phán hòa bình tiềm năng, thay vì báo hiệu rằng Mỹ sẽ từ bỏ Ukraine.

Theo Conversation, Newsweek