Hợp tác kỹ thuật là trụ cột đặc biệt quan trọng trong quan hệ Việt - Nga
(Dân trí) - Việt Nam và Nga nắm bắt cơ hội và mở ra con đường thênh thang hơn, hướng tới tương lai với nhiều điều tốt đẹp dựa trên tình hữu nghị gắn bó và Đối tác chiến lược toàn diện trong thời kỳ mới.
Nhân chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Việt Nam, Tiến sĩ Trần Quốc Dương, Giảng viên cao cấp tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đã chia sẻ với Dân trí một số điểm đặc biệt về chuyến thăm này.
Ông đánh giá chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Việt Nam trong thời điểm này có ý nghĩa như thế nào đối với cả Liên bang Nga và Việt Nam?
- Theo tôi, chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống Nga Vladimir Putin không chỉ là một sự kiện ngoại giao quan trọng mà còn thể hiện sự coi trọng và cam kết của Nga về mối quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, chuyến thăm cũng thể hiện Việt Nam tích cực thực hiện đường lối đối ngoại theo tinh thần độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, vì lợi ích quốc gia, dân tộc và vì hòa bình, ổn định.
Theo đó, Việt Nam và Nga sẽ thảo luận và định hướng mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Liên bang Nga đến năm 2030, xác định rõ hơn các lĩnh vực hợp tác trọng điểm, các mục tiêu dài hạn và kế hoạch hành động cụ thể, nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững và hiệu quả của quan hệ song phương trong tương lai.
Xin ông cho biết mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước có những thành công nào đáng chú ý trong thời gian qua?
- Ngày 30/1/1950, Liên Xô trở thành một trong những quốc gia đầu tiên công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trên thực tế, tình cảm đặc biệt giữa hai dân tộc đã được đặt nền móng từ gần 3 thập niên trước đó, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, vào năm 1923 lần đầu đặt chân đến nước Nga Xô Viết để tìm đường giải phóng dân tộc khỏi ách thực dân phong kiến.
Sau khi Liên Xô tan rã, các mặt hợp tác giữa Việt Nam - Liên bang Nga tiếp tục được kế thừa. Năm 1994 hai nước ký kết Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị, được xây dựng trên các nguyên tắc tôn trọng độc lập và chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và dựa trên luật pháp quốc tế. Quan hệ Việt - Nga từ đó trở đi càng có những tiến triển mạnh mẽ, được nâng lên tầm cao mới về mọi lĩnh vực.
Tới năm 2001, Tổng thống Putin thăm chính thức Việt Nam, hai nước ký Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Liên bang Nga, đưa Nga trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới có khuôn khổ Đối tác chiến lược với Việt Nam, tạo nền tảng hợp tác Việt - Nga trong thế kỷ XXI. Quan hệ hai nước tiếp tục giữ vững và phát triển thành Đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2012.
Trong thời gian qua, những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Liên bang Nga được triển khai tích cực với nhiều kết quả. Trong đó, hợp tác chính trị - ngoại giao là điểm sáng với sự tin cậy rất cao và được củng cố thông qua các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao cũng như thông qua các cơ chế tham vấn, đối thoại chiến lược thường xuyên.
Việt Nam và Liên bang Nga phát triển quan hệ trên nhiều lĩnh vực, lãnh đạo hai nước thường xuyên bàn thảo nhiều vấn đề chính trị - an ninh quốc tế mà hai bên cùng quan tâm thông qua các cuộc gặp chính thức tại mỗi nước và bên lề các hội nghị, diễn đàn quốc tế, tạo sự đồng thuận cao.
Nhờ lực đẩy của sự tin cậy chính trị cao, hai bên đã tích cực cải thiện hợp tác trên các lĩnh vực như hợp tác quốc phòng, an ninh và kỹ thuật quân sự rất được coi trọng; trên lĩnh vực năng lượng đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách hai nước, hiện là lĩnh vực có ý nghĩa chiến lược đối với cả Việt Nam và Liên bang Nga.
Việc tiếp tục hợp tác dầu khí Việt - Nga đã có sự phát triển mang tính đột phá về quy mô và lĩnh vực, địa bàn hoạt động, hai nước đang nỗ lực thực hiện có hiệu quả Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu (mà Nga là thành viên quan trọng), nhằm gia tăng kim ngạch thương mại song phương lên tới 10 tỷ USD vào năm 2025.
Về khoa học - công nghệ, văn hóa - giáo dục, hai nước tiếp tục gặt hái nhiều thành quả. Nga mỗi năm cấp 1.000 suất học bổng cho sinh viên Việt Nam sang học tập tại gần 200 trường đại học Nga, nhiều hơn thời Liên Xô. Các hoạt động giao lưu văn hóa - học thuật được tổ chức thường xuyên, để lại những ấn tượng và tình cảm rất tốt đẹp trong lòng nhân dân hai nước.
Có thể khẳng định, quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Liên bang Nga có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp bảo vệ độc lập, chủ quyền và phát triển kinh tế - xã hội mỗi nước, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân hai nước, đồng thời đóng góp vào hòa bình, ổn định tại khu vực và trên thế giới.
Tôi tin rằng, tới đây hai nước sẽ tiếp tục tôn vinh những thành tựu trong quá khứ, nắm bắt cơ hội của hiện tại và chỉ ra con đường rộng mở hơn hướng tới tương lai nhiều điều tốt đẹp hơn của tình hữu nghị gắn bó và Đối tác chiến lược toàn diện trong thời kỳ mới.
Một số ý kiến nhận định rằng quan hệ kinh tế - thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Nga hiện chưa tương xứng với mối quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước, ông có suy nghĩ gì về nhận xét này và đâu là những "điểm nghẽn" cần khơi thông?
- Việc hợp tác kinh tế - thương mại phát triển tích cực, có những giai đoạn kim ngạch song phương tăng từ 10 đến 15% mỗi năm, là kết quả của Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU). Mặc dù chịu tác động của tình hình bất ổn trên thế giới và khu vực, kim ngạch thương mại song phương năm 2023 vẫn đạt hơn 3,6 tỷ USD.
Về đầu tư, Nga đã có gần 200 dự án tại Việt Nam với tổng số vốn gần 1 tỷ USD. Đầu tư của Việt Nam tại Nga tăng mạnh, từ chỗ chỉ khoảng 100 triệu USD vào đầu những năm 2000 đã lên mức 3 tỷ USD năm 2023.
Tôi cho rằng, một trong điểm nhấn quan trọng trong hợp tác kinh tế giữa hai nước là sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực năng lượng, dầu khí. Việc hợp tác tốt và hiệu quả trong tìm kiếm, thăm dò dầu khí không chỉ ở thềm lục địa Việt Nam mà cả ở lãnh thổ Liên bang Nga với các dự án lớn.
Sau chuyến thăm này tôi tin hai nước tiếp tục tích cực hợp tác trên nhiều lĩnh vực và nếu có "điểm nghẽn" thì cũng sẽ sớm được khai thông.
Xin ông cho biết những thế mạnh của Việt Nam mà các bạn Nga có thể đẩy mạnh hợp tác và ngược lại?
- Ngoài liên doanh VietsovPetro là lá cờ đầu trong hợp tác dầu khí, hai bên đã có thêm những liên doanh khác đang hoạt động tích cực ở cả hai nước.
Hợp tác song phương trong các lĩnh vực như khoa học - công nghệ, văn hóa, giáo dục, du lịch, các địa phương, các tập đoàn kinh tế lớn, các tổ chức chính trị xã hội... ngày càng được mở rộng, trong đó hợp tác khoa học - công nghệ và giáo dục - đào tạo giữa hai nước được đẩy mạnh và nâng cao lên tầm chiến lược.
Liên bang Nga đến nay đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho nhiều sinh viên Việt Nam nhờ vào các chương trình học bổng và đào tạo chất lượng cao với hàng nghìn sinh viên theo học tại Nga mỗi năm, trong đó có các ngành công nghiệp chủ chốt như năng lượng, dầu khí, khoa học cơ bản.
Chúng ta đã thấy hàng chục nghìn cán bộ khoa học, kỹ sư và công nhân kỹ thuật được đào tạo tại Nga đã có những đóng góp tích cực, hiệu quả cho nền kinh tế Việt Nam.
Các hoạt động giao lưu văn hóa, du lịch được tổ chức thường xuyên đã tăng thêm sự hiểu biết giữa hai dân tộc và tạo điều kiện thúc đẩy hợp tác trong những lĩnh vực khác. Nga là một trong những thị trường khách du lịch hàng đầu của Việt Nam.
Hợp tác trong các lĩnh vực truyền thống giữa hai nước không ngừng phát triển trên cơ sở đối tác tin cậy, phù hợp với luật pháp quốc tế, góp phần vào việc duy trì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Trước những bước phát triển tốt đẹp đã đạt được, trong thời gian tới, hai nước, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Nga cần làm gì để nắm bắt cơ hội, cùng nhau phát triển?
- Theo tôi, hai nước cần khai thác tối đa các ưu đãi, lợi thế của Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) giữa Việt Nam với Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) mà Nga là thành viên, qua đó đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa của mỗi nước và tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng hàng hóa tại khu vực và trên thế giới.
Doanh nghiệp hai nước cần tận dụng tốt hơn các lợi thế và cơ hội để tăng cường đầu tư, sản xuất hàng hóa tại thị trường của nhau.
Đối với doanh nghiệp Việt Nam, cần nghiên cứu, mạnh dạn đầu tư vào Nga trong lĩnh vực chế biến nông sản, thực phẩm, thủy sản, may mặc, sản phẩm đồ gỗ... Bên cạnh đó tìm kiếm các giải pháp phù hợp tháo gỡ khó khăn, thách thức hiện nay để việc giao thương được thuận lợi.
Quân đội nhân dân Việt Nam đã và đang sử dụng rất hiệu quả vũ khí của Liên Xô và Nga trong các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và bảo vệ tổ quốc, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa. Với chủ trương xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội hiện đại, ông đánh giá thế nào về sự giúp đỡ của Liên Xô và Nga đối với Việt Nam trong lĩnh vực này và khả năng phát triển hợp tác kỹ thuật - quân sự trong thời gian tới?
- Thắng lợi của các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam không tách rời sự ủng hộ, giúp đỡ của Liên Xô. Viện trợ quân sự toàn diện của Liên Xô, nhất là vào những thời điểm quan trọng của các cuộc kháng chiến, đã góp phần làm nên chiến thắng của cách mạng Việt Nam.
Trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, Việt Nam nhận được không chỉ vũ khí trang bị do Liên Xô cung cấp mà còn cả sự giúp đỡ về nhân lực và kỹ thuật quân sự, với tinh thần quốc tế vô sản trong sáng nhất.
Mỗi khi đối phương đưa ra loại vũ khí thiết bị kỹ thuật mới thì các chuyên gia Liên Xô lại cùng với cán bộ kỹ thuật Việt Nam bàn bạc, nghiên cứu tìm biện pháp đối phó. Nhiều chuyên gia Liên Xô đã cùng các đồng nghiệp Việt Nam nghiên cứu cải tiến vũ khí trang bị cho phù hợp với cách đánh của Việt Nam. Nhiều vũ khí trang bị tối tân của đối phương đã "bất lực" trước những cách đánh sáng tạo của Việt Nam và Liên Xô.
Hiện nay, hợp tác quân sự và kỹ thuật quân sự Nga - Việt Nam phát triển mạnh mẽ và là một trong các trụ cột đặc biệt quan trọng của tổng thể quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Về hợp tác quân sự quốc phòng và kỹ thuật quân sự giữa Nga và Việt Nam thực hiện trên nhiều lĩnh vực, có chiều sâu và có mối liên kết chặt chẽ giữa quân sự quốc phòng với các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa xã hội… chứ không đơn thuần chỉ gói gọn trong quan hệ mua sắm quốc phòng.
Nga là quốc gia duy nhất trên thế giới có thỏa thuận với Việt Nam về bảo đảm bí mật nhà nước của nhau trên lĩnh vực hợp tác quân sự quốc phòng và an ninh. Điều đó chứng tỏ sự tin cậy vô cùng to lớn giữa hai nước trong lĩnh vực này.
Bên cạnh đó Việt Nam và Liên bang Nga còn có một cơ chế hợp tác đặc biệt là "Trung tâm nhiệt đới Việt - Nga" (thành lập ngày 7/3/1988), được củng cố bởi Nghị định thư bổ sung ngày 6/9/2018 và quy chế mới được ban hành tháng 11/2019.
Đây là một trung tâm khoa học đa ngành và liên ngành rất độc đáo, vừa làm nhiệm vụ nghiên cứu khoa học lưỡng dụng quân sự - dân sự, vừa làm nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ, dịch vụ khoa học kỹ thuật, vừa làm nhiệm vụ đào tạo cán bộ….
Nói chung, việc tăng cường hợp tác Nga - Việt đáp ứng lợi ích cơ bản của hai quốc gia. Cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã ghi nhận Việt Nam đã và vẫn là đồng minh tin cậy, là đối tác quan trọng hàng đầu của Liên bang Nga tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Đi đôi với việc cải tiến, nâng cấp vũ khí, khí tài thì việc đào tạo, huấn luyện đội ngũ sĩ quan, chiến đấu viên, kỹ thuật viên có vai trò quyết định.
Với quan điểm "người trước, súng sau", Quân đội ta tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Quân đội Nga để đào tạo những chiến sĩ có bản lĩnh chiến đấu cao, có đủ năng lực, trình độ để điều khiển, vận hành các vũ khí và phương tiện chiến đấu ngày càng hiện đại hơn, phức tạp hơn, đáp ứng được yêu cầu xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Xin chân thành cảm ơn ông!