Tâm điểm
Nguyễn Văn Đáng

"Từ việc chọn người"

Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy đang tạo ra sự chuyển động mạnh mẽ và tích cực trong toàn bộ hệ thống chính trị, với niềm hứng khởi, khí thế sôi động trên phạm vi cả nước. Cùng với sự thu gọn về đầu mối tổ chức, đến thời điểm hiện tại, chúng ta đang được chứng kiến nhiều cán bộ, công chức, viên chức gương mẫu, chủ động xin nghỉ công tác sớm, cả ở cấp trung ương và địa phương.

Có thể nói ý thức tự giác xin nghỉ sớm của một bộ phận cán bộ, đảng viên, sẵn sàng chấp nhận những thiệt thòi cá nhân vì lợi ích chung và vì sự phát triển của đất nước là đáng biểu dương, sẽ góp phần tạo thuận lợi cho việc bố trí nhân sự ở các đơn vị sau sắp xếp.

Mục đích của cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy hiện nay không đơn giản chỉ là giảm số lượng đầu mối tổ chức, giảm biên chế tại mỗi cơ quan, đơn vị, mà hướng tới nâng cao chất lượng hoạt động của từng đơn vị cũng như cả hệ thống chính trị và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Từ việc chọn người - 1

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh có gần 100 cán bộ xin nghỉ hưu trước tuổi (Ảnh: Dương Nguyên).

Mới đây, trong kết luận số 126-KL/TW, ban hành ngày 14/2, Bộ Chính trị đã nêu chủ trương định hướng, yêu cầu về một số nội dung, nhiệm vụ tiếp tục  sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị năm 2025. Trong đó nêu rõ quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị phải tiếp tục làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, chế độ, chính sách đối với những người bị tác động, ảnh hưởng.

Việc bố trí nhân sự phải công tâm, khách quan theo tinh thần "từ việc chọn người", giữ được những cán bộ có năng lực, không để "chảy máu chất xám", không để phát sinh những vấn đề phức tạp về nội bộ, không để ảnh hưởng đến việc tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, bảo đảm trong tháng 3/2025 tiến hành tổ chức đại hội cấp cơ sở, đại hội điểm cấp trên trực tiếp cơ sở vào đầu quý II/2025.

Các quan điểm chỉ đạo nêu trên đều nhấn mạnh tầm quan trọng của chất lượng nhân sự, của việc bảo đảm sự khách quan khi bố trí công việc, giao nhiệm vụ với tinh thần hết sức coi trọng những người có năng lực vượt trội, sắp xếp mỗi người vào những vị trí việc làm phù hợp nhất với khả năng chuyên môn của họ.

Thực hiện theo tinh thần đó, có thể thấy các cơ quan, đơn vị sẽ phải căn cứ vào chức năng và nhiệm vụ thường xuyên để nhận diện và phân loại đội ngũ nhân sự, sắp xếp phù hợp với vị trí việc làm cụ thể trên cơ sở nền tảng kiến thức chuyên môn, kết quả quá trình làm việc lâu nay của mỗi cá nhân.

Thiết nghĩ, một trong những yêu cầu quan trọng hàng đầu tại các cơ quan, đơn vị sau tinh gọn là cần chủ động nắm bắt tất cả những vấn đề có thể nảy sinh trong quá trình sắp xếp tổ chức, bố trí nhân sự, không loại trừ những vấn đề phức tạp mới nảy sinh, để từ đó triển khai các giải pháp cần thiết, hướng đến tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động giữa các thành viên trong đơn vị mới.

Để thực hiện tốt yêu cầu nêu trên, có thể thấy vai trò của ban lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu đơn vị rất quan trọng. Sự chủ động nắm bắt tình hình chung, nhạy cảm với từng trường hợp, tế nhị và khéo léo về giao tiếp, thấu hiểu từng hoàn cảnh, công tâm, khách quan khi ra quyết định là những phẩm chất cần có để mỗi cá nhân bị ảnh hưởng có thể yên tâm chấp hành các quyết định của tổ chức.

Chúng ta cũng cần nhận thức rằng sắp xếp lại nhân sự không đơn giản chỉ là chuyển người từ vị trí này đến vị trí khác, từ đơn vị này đến đơn vị khác mà quan trọng là phát huy tối đa năng lực của từng cá nhân trong thời gian tới. Để thực hiện được điều này, lý tưởng nhất là mỗi cá nhân sẽ được bố trí công việc phù hợp với nguyện vọng và khả năng chuyên môn của họ.

Cụ thể hơn, tại mỗi đơn vị, việc sắp xếp vị trí việc làm và giao nhiệm vụ cần dựa vào khả năng chuyên môn, chứ không phải các mối quan hệ cảm tính cá nhân. Thực hiện nghiêm túc nguyên tắc "từ việc chọn người" sẽ bảo đảm sự công tâm, khách quan, là điều kiện tiên quyết để giảm thiểu các vấn đề phức tạp, góp phần nhanh chóng ổn định và cải thiện chất lượng hoạt động của mỗi cơ quan, đơn vị mới.

Thông điệp toát ra từ các quan điểm có tính nguyên tắc "từ việc chọn người", "không để chảy máu chất xám" là nhấn mạnh mối quan hệ giữa năng lực của cá nhân và yêu cầu của vị trí việc làm; chất lượng nhân sự phải đáp ứng được các yêu cầu của nhiệm vụ được giao. Cũng có nghĩa, chúng ta không thể lựa chọn và bố trí nhân sự theo những lối mòn xưa cũ, cứ sắp xếp con người rồi từng bước sắp xếp công việc, cho phép cán bộ "vừa làm vừa học".

Nếu việc sắp xếp nhân sự thiếu công tâm, thiếu khách quan, coi nhẹ mối quan hệ giữa năng lực chuyên môn và yêu cầu của nhiệm vụ được giao, bị chi phối bởi những tính toán thiển cận, nể nang cá nhân thì đơn vị có thể sẽ lại phải đối diện với nguy cơ năng lực của cá nhân không phù hợp, không đáp ứng được yêu cầu của các vị trí việc làm, dẫn đến sự trì trệ, cũng như tiềm ẩn những vấn đề nội bộ phức tạp hơn.

Nâng cao chất lượng hoạt động của cả hệ thống chính trị là nhu cầu thường xuyên, liên tục. Vì thế, kết luận số 126-KL/TW của Bộ Chính trị cũng yêu cầu "Ban Tổ chức Trung ương tham mưu Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế chỉ đạo tổng rà soát nhu cầu sử dụng biên chế thực tế gắn với đánh giá năng lực cán bộ, chức năng, nhiệm vụ mới và rà soát, hoàn thiện vị trí việc làm". Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo này sẽ không chỉ giúp Đảng và Nhà nước nắm vững tình hình biên chế hiện tại, mà còn có cơ sở để tính toán quy mô biên chế cũng như yêu cầu về năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức về lâu dài.

Những kết quả đến nay của cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy đã và đang vun đắp niềm tin của người dân vào những thay đổi thực sự có ý nghĩa, được kỳ vọng sẽ góp phần quyết định đưa đất nước bứt phá phát triển trong thời gian tới.

Tác giả: Ông Nguyễn Văn Đáng có bằng tiến sĩ Quản trị công và chính sách từ trường Quản lý nhà nước Mark O. Hatfield, Đại học Portland State, Mỹ. Hiện ông công tác tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!