Cơ cấu tổ chức mới bước vào kỷ nguyên mới
Ngày 18/2, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về cơ cấu tổ chức mới cũng như số lượng thành viên của Chính phủ và phê chuẩn các nhân sự liên quan. Theo đó, bộ máy Chính phủ sau kiện toàn đã giảm được 4 bộ và 1 cơ quan ngang bộ, từ 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ xuống còn 14 bộ, 3 cơ quan ngang bộ. Đây là cột mốc đặc biệt quan trọng trong cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.
Có lẽ không nhiều người trong chúng ta có thể hình dung kết quả như trên một năm trước đây, thậm chí nửa năm trước cũng không. Tổ chức mới với 17 bộ, cơ quan ngang bộ đã thay đổi cơ cấu 22 bộ, cơ quan ngang bộ suốt từ năm 2007 đến nay, nghĩa là thay đổi một "quán tính" đã duy trì trong gần 18 năm.

Thủ tướng và các thành viên Chính phủ cùng các đại biểu tại Hội nghị triển khai Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu tổ chức của Chính phủ, giao nhiệm vụ cho một số thành viên Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026, chiều 18/2 (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)
Còn nhớ cách đây mấy năm diễn ra một cuộc hội thảo với chủ đề cơ cấu tổ chức của Chính phủ. Tại hội thảo có ý kiến đề xuất cụ thể giảm số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ, nhập bộ này với bộ kia… Ấy thế mà nghe đâu sau hội thảo đã mất nhiều công sức để giải thích, để làm nhẹ đi những tiếng nói phê bình về chuyện bàn cụ thể chủ đề này trong một cuộc hội thảo khoa học.
Nhắc lại câu chuyện trên để góp phần thấy rõ ý nghĩa có tính lịch sử của bước đột phá về số lượng bộ và cơ quan ngang bộ ở nước ta. Điều này chứng tỏ có những việc tưởng như không thể, nhưng cuối cùng vẫn có thể, vấn đề chỉ là có đủ tầm nhìn và dũng khí để mở ra cơ hội mới cho sự phát triển của đất nước.
Gắn với cơ cấu tổ chức mới của Chính phủ từ 22 bộ, cơ quan ngang bộ xuống 17 còn là một loạt con số ấn tượng: Giảm 13/13 tổng cục và cơ quan tương đương, giảm hơn 500 cục, hơn 200 vụ và hơn 3.000 chi cục. Có thể nói chưa bao giờ câu chuyện tinh gọn tổ chức bộ máy lại đạt được kết quả như vậy.
Đó là nhìn nhận sự thay đổi từ trong nước. Nhìn ra thế giới thì số lượng 17 bộ, cơ quan ngang bộ của chúng ta như thế nào? Trung Quốc có 26 bộ và cơ quan tương đương; Indonesia hiện có 48; Malaysia 28; Anh 24; Singapore 16; Đức 16; Mỹ 15… Có một ngoại lệ mà không nước nào so sánh được, đó là Chính phủ Liên bang Thụy Sĩ từ rất lâu luôn chỉ có 7 bộ và Văn phòng Thủ tướng Liên bang.
Tất nhiên các con số chỉ là tương đối vì cơ cấu tổ chức mỗi nước có đặc thù, ví dụ nội các Hoa Kỳ ngoài các bộ trưởng thì còn một số quan chức cấp nội các khác. Nhưng xét thuần túy về mặt số lượng, chúng ta đã vào nhóm các nước có ít bộ và cơ quan ngang bộ nhất thế giới. Đó là chưa kể đến số lượng các cơ quan không phải là bộ và tương đương của nước ta so với các nước, bởi đồng thời giảm số lượng bộ, chúng ta cũng giảm số lượng cơ quan thuộc Chính phủ từ 8 xuống còn 5. So với các nước đây quả là con số khiêm tốn. Trung Quốc bên cạnh các bộ còn có khoảng gần 20 cơ quan trực thuộc Quốc vụ viện. Mỹ còn có nhiều hơn Trung Quốc dạng cơ quan này…
Đến đây có thể nhận thấy trên bình diện quốc tế thì số lượng bộ, cơ quan ngang bộ cũng như cơ quan thuộc Chính phủ của Việt Nam hiện đã vào nhóm "tinh gọn".
Nhưng đó cũng chỉ là một khía cạnh. Khía cạnh khác quan trọng hơn chính là hiệu quả hoạt động trong tương lai của 17 bộ, cơ quan ngang bộ. Một trong những mục tiêu của cuộc cách mạng tổ chức là sau sắp xếp, bộ máy mới phải hoạt động hiệu quả hơn trước, như tiêu đề bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm là: "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả".
Cuộc cách mạng đã đi được một bước đặc biệt quan trọng. Chúng ta có niềm tin và cũng hiểu rằng để 17 bộ, cơ quan ngang bộ hoạt động thực sự tốt hơn, hiệu lực, hiệu quả hơn thì còn nhiều việc cần làm, phải làm.
Bước đầu tiên cực kỳ quan trọng là Chính phủ ban hành nghị định quy định cụ thể cho từng bộ về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức. Nói một cách nôm na sẽ là câu hỏi bộ: Làm gì? Làm như thế nào? Làm với bộ máy ra sao? Làm với con người như thế nào?
Bộ mới hợp nhất từ 2 bộ phải chăng sẽ thực hiện toàn bộ công việc vốn do 2 bộ này đã đảm nhiệm? Hay có sự giảm đi do thôi không làm việc này, việc kia, do chuyển giao cho chính quyền địa phương…
Cơ cấu tổ chức bộ máy của bộ sẽ là vụ, cục, chi cục, viện… Tại sao các bộ ở nước ta có nhiều vụ như vậy so với một số nước trên thế giới? Cục vẫn có một phần chức năng giống vụ như từ trước đến nay theo các quy định của Chính phủ?
Cách thức làm việc của bộ có thay đổi gì trong bối cảnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số?
Cùng với việc tinh gọn bộ máy là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, là có được con người với phẩm chất, năng lực tốt hơn làm việc trong các cơ quan, tổ chức của bộ.
Nhà nước đã có các chính sách rất phù hợp cho những đối tượng không đáp ứng yêu cầu phải ra khỏi bộ máy lần này. Cùng với đó, giữ chân người có năng lực, thu hút thêm người tài vào bộ máy là yêu cầu được đặt ra. Việc đưa người không đủ năng lực ra khỏi bộ máy nếu làm không chu đáo, thận trọng mà chỉ chạy theo con số giảm biên chế thì liệu có lãng phí ngân sách nhà nước, liệu có xảy ra tình trạng người đáng phải ra lại không ra và người đáng giữ lại ra mất?
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1 vừa qua, lãnh đạo Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ theo tổ chức bộ máy mới. Việc này (hoàn thiện dự thảo nghị định) phải hoàn thành trước 15/2, theo yêu cầu của Chính phủ, để bảo đảm bộ máy đi vào hoạt động từ 1/3.
Cơ cấu tổ chức mới mang lại khí thế mới và những kỳ vọng mới khi đất nước chuyển mình bước vào kỷ nguyên mới: kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Tác giả: TS Đinh Duy Hòa nguyên là Vụ trưởng Vụ cải cách hành chính, Bộ Nội vụ.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!