Tâm điểm
Lang Minh

Trao quyền thông tin y tế

Vài năm trước, người thân gọi điện cho tôi trong cảnh bối rối: Bác sỹ kê cho cô một loại "thực phẩm bổ sung" khá đắt tiền và khuyên là "nên uống lâu dài vì sức khỏe tương lai". Cô rất tôn trọng chuyên môn nên không dám hỏi thêm bác sỹ đó, tự tra cứu trên mạng thì không có bất kỳ thông tin nào. Cô nhờ tôi tra cứu bằng tiếng Anh cũng như hỏi thêm các bác sĩ mà tôi quen biết.

Một vài bác sĩ tôi hỏi đều ngạc nhiên trả lời rằng loại thực phẩm bổ sung này tốt cho sức khỏe nói chung, chứ không liên quan gì đến bệnh của cô. Tôi tra cứu trên mạng cũng không tìm thấy bất kỳ thông tin nào ngoại trừ một nhóm trên mạng xã hội hoạt động theo kiểu "bệnh nhân chỉ bảo lẫn nhau".

Nhóm này lập ra để bệnh nhân và người nhà trao đổi kinh nghiệm đi bệnh viện. Khá nhiều bài đăng liên quan đến thuốc và "thực phẩm bổ sung không biết tra ở đâu" mà bác sĩ kê cho bệnh nhân. Bên dưới bài đăng về loại thực phẩm trên có đủ các ý kiến: kệ thôi không mua; cố mua cố uống; bác sĩ ép mua; đây là lừa đảo; thuốc này tuyệt đó,…

Tạm gác sự đa dạng ý kiến đó, điều làm tôi kinh ngạc là từ bao giờ thông tin y tế (với độ chính xác tương đối) lại thành chủ đề cho nhóm kín với đủ loại hỷ nộ ái ố. Tại sao chúng ta không thể đối thoại công khai giữa bệnh nhân và bác sĩ - bệnh viện về thành phần, tác dụng của thuốc?

Trao quyền thông tin y tế - 1

Sữa giả Hofumil Gold Plus (Ảnh: Minh Nhật).

Tôi nhớ lại câu hỏi trên khi dõi theo thông tin trên báo Dân trí về các vụ sữa giả, thuốc giả được phát hiện gần đây; thậm chí sữa giả Hofumil Gold Plus còn "lọt vào" một bệnh viện lớn ở Hà Nội sau quy trình đấu thầu với rất nhiều quy định liên quan. Khi các sự việc này xảy ra, cơ quan quản lý đã lên tiếng nhưng dư luận thực sự không rõ tổ chức, cá nhân nào chịu trách nhiệm chính?

Nhìn từ góc độ người bệnh, họ biết làm gì khi cơ quan quản lý và giới chuyên môn đều "trung lập" về mặt trách nhiệm, đều khẳng định mình đã làm đúng quy trình? Hay là người bệnh, những người không thể "trung lập", lại tiếp tục tự chỉ bảo nhau trong các nhóm kín được lập trên mạng xã hội.

Việc giao tiếp về y tế thường nằm trong bối cảnh bất đối xứng thông tin, một khái niệm kinh tế học và lý thuyết trò chơi, mô tả tình trạng một bên trong giao dịch có nhiều thông tin hơn bên còn lại, dẫn đến những quyết định thiếu chính xác, không công bằng hoặc vô hình trung gây thiệt hại cho một bên. Khi bác sỹ nắm thông tin tuyệt đối về mặt chuyên môn, còn người bệnh vừa không có kiến thức y khoa chuyên sâu, vừa bất ổn tâm lý khi mang bệnh, vừa bị đè nặng tinh thần "tôn sư trọng đạo" trong văn hóa Việt Nam, thì tình trạng bất đối xứng thông tin vừa là vấn đề khách quan, đồng thời là một thực tế cần có giải pháp để bảo vệ quyền lợi chính đáng, đúng pháp luật của bên yếu thế hơn.

Để khắc phục tình trạng bất đối xứng thông tin, các nhà nghiên cứu đề xuất lý thuyết sàng lọc: nếu người mua thiếu thông tin, họ cần tạo ra các cơ chế để buộc người bán bộc lộ chất lượng thật sự. Ví dụ công ty bảo hiểm thường yêu cầu khách hàng kiểm tra sức khỏe trước khi ký hợp đồng - đó là hành vi "sàng lọc". Nhưng như đã phân tích ở trên, người bệnh khó mà chủ động sàng lọc từ vị thế đặc thù của mình. Chẳng phải từ xưa cha ông ta đã nói rằng "có bệnh thì vái tứ phương" hay sao.

Một cách tiếp cận khác của lý thuyết tín hiệu là trong điều kiện thông tin bất cân xứng, người bán nếu muốn được tin tưởng cần gửi đi tín hiệu đáng tin cậy để chứng minh chất lượng sản phẩm hay sự chính trực của mình. Trên thị trường thông thường, đó là việc người bán thể hiện uy tín để tạo lòng tin với người mua, nhưng với những đường dây sản xuất hàng giả (gồm thuốc giả, sữa giả) thì họ hiển nhiên không có nhu cầu này.

Trong hoàn cảnh ấy, vai trò gửi tín hiệu không còn thuộc về nơi sản xuất, mà phải được chuyển giao cho chính các bệnh viện và bác sĩ - nơi gửi gắm niềm tin về sức khỏe cộng đồng. Giả sử một sản phẩm nào được đưa vào một cơ sở y tế, hoặc được bác sĩ giới thiệu với bệnh nhân, cho dù tiêu chí mù mờ, không kiểm định độc lập, không công bố rộng rãi thành phần, thì không chỉ bệnh nhân, mà cả xã hội sẽ hiểu rằng: những người làm chuyên môn không thực sự cam kết minh bạch. Tín hiệu tiêu cực này nguy hiểm hơn cả bản thân lô hàng giả.

Câu hỏi đặt ra là ai bảo vệ người bệnh nếu chính bệnh viện cũng rút lui khỏi vai trò bảo vệ đó?

Tôi cho rằng để giải quyết bất đối xứng thông tin thì ngoài luật pháp ra, phải bắt đầu từ trao quyền thông tin cho người dân - nâng cao quyền tiếp cận thông tin và khả năng chất vấn.

Một xã hội công bằng không chỉ là nơi có luật, mà là nơi mọi người có tiếng nói trong những điều ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Trao quyền thông tin y tế chính là một cách để người dân cất lên tiếng nói ấy: không phải để phản đối vô cớ, mà để đặt lại câu hỏi đúng - để buộc hệ thống phải minh bạch hơn.

Ở một nền y tế trao quyền thông tin, người dân ít nhất có thể: (1) tra cứu xuất xứ thuốc và thực phẩm chức năng trên hệ thống số hóa; (2) biết rõ nhà sản xuất, đơn vị phân phối, kết quả kiểm định độc lập; (3) gửi đơn phản ánh trực tiếp hoặc khiếu nại các sản phẩm nghi ngờ; (4) tham khảo đánh giá của cộng đồng chuyên gia và người tiêu dùng.

Ngoài ra, các nhóm bệnh nhân có thể kết nối với nhau để chia sẻ kinh nghiệm điều trị, đối chiếu thông tin về sản phẩm, cảnh báo sớm khi phát hiện dấu hiệu bất thường từ thuốc hay thực phẩm chức năng một cách chủ động và minh bạch, thay vì lặng lẽ trong các nhóm kín trên mạng xã hội.

Bên cạnh đó, người dân cần lên tiếng đề xuất những quy định rõ ràng về "quyền được biết" trong y tế, chẳng hạn như việc công khai tên nhà cung cấp, thành phần sản phẩm và hồ sơ kiểm định khi một mặt hàng nào đó sử dụng trong bệnh viện công. Các thông tin này phải được công khai trên trang thông tin điện tử của bệnh viện.

Người bệnh tích cực đồng hành cùng báo chí điều tra và chuyên gia y tế độc lập cũng là cách để góp phần xây dựng cơ chế phản biện xã hội - từ đó tạo áp lực nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ của các cơ sở y tế.

Quan trọng nhất, các cơ sở y tế cần thay đổi cách nhìn: người bệnh không chỉ là người tiếp nhận dịch vụ, mà còn là một chủ thể giám sát tích cực - góp phần gìn giữ sự trong sạch và nhân văn của môi trường khám chữa bệnh.

Tựu trung, thông tin mở cho sức khỏe cộng đồng là điều chúng ta cần ưu tiên thực hiện song song với các quy định có tính quản lý, trừng phạt đối với thuốc giả, sữa giả.

Tác giả: Lang Minh (Nguyễn Minh) là nhà tư vấn giáo dục cao cấp cho Hệ sinh thái giáo dục khởi nghiệp MindX. Anh cũng là dịch giả - tác giả cộng tác với nhiều nhà xuất bản: Trẻ, Giáo dục, Tri thức... Về định hướng nghiên cứu, Lang Minh tập trung vào phân ngành Nhân học phê phán (Critical Anthropology), hướng tới việc phê phán các mối quan hệ bất bình đẳng trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!