Trách nhiệm của nhà mạng trong cuộc chiến với SIM rác
Các cuộc gọi tiếp thị, tin nhắn quảng cáo ngày đêm quấy nhiễu người dân đã trở thành chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" kéo dài nhiều năm nay. Không dừng ở đó, thời gian gần đây còn nở rộ các hình thức lừa đảo qua điện thoại, mới nhất là lừa chuyển tiền để cấp cứu người thân trong bệnh viện.
Một trong những "thủ phạm" chính của tình trạng trên là SIM rác!
Các cơ quan quản lý đã triển khai nhiều giải pháp như xóa 22 triệu thuê bao không có đầy đủ thông tin hoặc thông tin không chính xác (giai đoạn từ năm 2018 đến nay); lập tổng đài, đường dây nóng tiếp nhận phản ánh về cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo… Tuy nhiên đến nay vấn nạn trên vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Bản thân tôi hàng ngày vẫn nhiều lần bị các cuộc gọi "rác" tra tấn, thấy số lạ không nghe sợ lỡ thông tin trao đổi liên quan đến công việc, người thân, mà nghe thì hóa ra là mời mua chứng khoán, bất động sản…
Nhìn nhận ở góc độ thị trường, SIM điện thoại là một loại hàng hóa, dịch vụ tạo nên doanh thu cho các nhà mạng viễn thông. Khi các nhà mạng bán cho người dùng, ngoài việc thu tiền SIM họ còn thu tiền từ những giá trị gia tăng mà chiếc SIM đó mang lại.
Thực tế cho thấy nhu cầu về SIM rác là rất lớn, vì vậy, nếu không quản lý chặt chẽ thì không loại trừ một nhà mạng nào đó sẽ tối đa hóa lợi ích của mình bằng cách bán càng nhiều SIM càng tốt; khuyến khích khách hàng sử dụng thật nhiều nhằm mang lại doanh thu cao, lợi nhuận lớn.
Theo nhiều chuyên gia viễn thông, các SIM rác thường có số lượng tin nhắn và cuộc gọi lớn hơn rất nhiều lần so với SIM bình thường; có những SIM gửi hàng trăm tin nhắn, thực hiện hàng chục cuộc gọi mỗi ngày. Nghĩa là các SIM rác mang lại doanh thu không nhỏ cho nhà mạng. Chính vì vậy, trách nhiệm với SIM rác - một trong những phương tiện chủ yếu được sử dụng trong các cuộc gọi tiếp thị, cuộc gọi lừa đảo và tin nhắn quảng cáo - trước hết thuộc về nhà mạng.
Nghị định 49 ban hành năm 2017 yêu cầu các thuê bao di động phải sử dụng thông tin cá nhân chính xác (bao gồm họ và tên, số căn cước công dân…) thì mới được nhà mạng cung cấp dịch vụ. Đến năm 2022, Văn phòng Chính phủ có thông báo về việc kết nối thông tin thuê bao với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giải quyết tình trạng sử dụng SIM rác.
Trong diễn biến mới nhất, Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã thông báo thuê bao có thông tin không khớp cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ bị khóa chiều gọi đi. Từ ngày 15/3, các nhà mạng bắt đầu nhắn tin đến người có thông tin thuê bao không khớp so với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Người dùng nằm trong diện cần chuẩn hóa sẽ được nhắn tin trong năm ngày liên tiếp, mỗi ngày ít nhất một tin nhắn. Đến 31/3, thuê bao nào không thực hiện sẽ bị khóa một chiều.
Việc cơ quan quản lý dùng biện pháp hành chính can thiệp vào thị trường nhằm khắc phục tình trạng SIM rác, SIM nặc danh được sử dụng tràn lan, ảnh hưởng tới lợi ích chính đáng của người dân, tổ chức; trật tự an toàn xã hội... là cần thiết. Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, người viết bài này cho rằng trong "cuộc chiến" với SIM rác thì trách nhiệm trước hết thuộc về các nhà mạng.
Đầu tiên là trách nhiệm hỗ trợ khách hàng chuẩn hóa thông tin thuê bao. Hiện nay nhiều dịch vụ đã có thể làm trực tuyến, về phía các nhà mạng đều thông báo cung cấp công cụ cập nhật thông tin thuê bao qua website và ứng dụng, nhưng mấy ngày qua hàng trăm nghìn người dùng vì các lý do khác nhau đã phải tìm đến đại lý, cửa hàng để nhờ sự hỗ trợ trực tiếp của các giao dịch viên. Thực tế này cho thấy một dịch vụ liên quan đến trách nhiệm của nhà mạng là chuẩn hóa thuê bao, song vẫn khiến khách hàng phải tự đi cập nhật thông tin cá nhân làm gia tăng chi phí xã hội.
Nhiều ý kiến cho rằng lẽ ra nhà mạng với tư cách là bên cung cấp dịch vụ cần có giải pháp công nghệ giúp khách hàng chuẩn hóa thuê bao thuận tiện hơn.
Tiếp theo, lâu nay khi nhận một cuộc gọi nghi là cuộc gọi "rác", chúng ta thường nhận được tin nhắn phản hồi từ nhà mạng, hỏi chủ thuê bao rằng "đây có phải là số điện thoại quảng cáo, tin nhắn rác hay không?". Như vậy là nhà mạng hoàn toàn có thể kiểm soát được tình hình bằng các biện pháp nghiệp vụ và kỹ thuật của mình. Ví dụ, nếu từ một số điện thoại cùng lúc gửi nhiều tin nhắn có nội dung giống nhau cho nhiều người, thì đó là dấu hiệu cho thấy một SIM rác đang nhắn tin quảng cáo, nhà mạng hoàn toàn có thể áp dụng biện pháp để phân loại, xác minh và nếu cần thiết thì ngăn chặn các tin nhắn rác này.
Cuối cùng, đã đến lúc cơ quan quản lý có chế tài mạnh hơn đối với nhà mạng có tỷ lệ SIM rác cao, "làm ngơ" với việc khách hàng cố ý dùng thông tin cá nhân không chính chủ kích hoạt SIM; đảm bảo lượng cung SIM phù hợp với nhu cầu người dân. Hơn nữa, chính các nhà mạng phải hạn chế tin nhắn quảng cáo của hãng vì đây cũng là một việc làm phiền khách hàng.
Nhiều chuyên gia cho rằng, với trình độ công nghệ hiện nay, nếu thực sự quyết tâm thì các nhà mạng hoàn toàn có thể ngăn chặn được các cuộc gọi và tin nhắn "rác"; nếu nhà mạng nào nói không thể chặn được thì chẳng qua là lý do ngụy biện. Ở đây đạo đức kinh doanh của nhà mạng không chỉ giúp nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng mà còn vì mục tiêu giữ gìn trật tự xã hội chung.
Tác giả: Ông Vũ Ngọc Bảo từng theo học tại Trường Chính sách công và quản lý Fulbright; hiện công tác tại Tổng công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí, thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!