Tâm điểm
Tô Ngọc Doanh

"Tổng kết" mừng tuổi

Vừa hết Tết, nhìn mấy cháu nhỏ trong nhà háo hức "tổng kết" tiền mừng tuổi khiến tôi không khỏi bồi hồi nhớ lại tuổi thơ của mình.

Ngày ấy, trong không khí rộn ràng của tiếng pháo đì đùng gần xa với mùi thuốc pháo luẩn quẩn khắp các ngõ xóm, niềm vui sướng bậc nhất của lũ trẻ chúng tôi là được theo chân cha mẹ đi chúc Tết họ hàng. Những lúc đó, đứa nào cũng vậy, trong khi vừa dỏng tai hóng chuyện và không hề ngại ngùng vọc tay vào các đĩa bánh trái mứt kẹo, vừa mong chờ đến lúc được mừng tuổi kèm câu chúc quen thuộc "hay ăn chóng lớn, học giỏi, hiếu thuận…". Với bọn trẻ, thực sự kể từ lúc đó mới là lúc Tết đến, xuân về.

Nghĩ lại mới thấy thật kỳ lạ, loanh quanh chỉ có mấy đồng bạc được mừng tuổi, nhưng ngay cả với những đứa nổi tiếng trên lớp về giỏi môn tính nhẩm thì vẫn cứ tính nhầm, và cứ sau mỗi lần kiểm điểm lại cho ra một kết quả khác. Và có lẽ đứa trẻ nào cũng giống nhau, ký ức về mùi thơm của mực in và tiếng sột soạt của những tờ bạc mới khi kiểm đếm mò trong chăn cho đến khi cơn buồn ngủ ập đến sẽ là kỷ niệm khó quên của tuổi thơ.

Tổng kết mừng tuổi - 1

Năm tháng dần trôi, xã hội nhiều thay đổi, nhưng phong tục lì xì thì vẫn còn đó cho dù có nhiều tranh cãi nên giữ hay không phong tục này (Ảnh minh họa: HN)

Thế rồi, ngay sau Tết, số tiền mừng tuổi ít ỏi ấy nhanh chóng được giải ngân. Với các bé gái, là những chiếc nhãn vở xinh xinh để dán lên vở của môn học yêu thích, là quyển họa báo ngoại in trên giấy couche bóng loáng để sau khi xem sẽ cẩn thận cất đi để sang năm học mới dùng bọc sách vở. Còn với bọn con trai, là những con cá chọi với những dải đuôi dài rực rỡ khi lên màu, là những viên bi ve đẹp đến khó tả…

Rồi cuối cùng, ai cũng phải lớn lên để bước ra khỏi danh sách được mừng tuổi, hơn thế, khi đó, giá trị của những đồng bạc lẻ đã không còn đủ hấp dẫn những đứa trẻ bắt đầu chuyển sang giai đoạn vỡ giọng, có lẽ, nếu xét theo "phạm trù mừng tuổi" thì đây là giai đoạn đáng buồn nhất của mỗi con người: Thừa tuổi để được nhận mừng tuổi, nhưng lại thiếu điều kiện để được mừng tuổi người khác.

"Khoảng trống mừng tuổi" sẽ chính thức chấm dứt khi các chàng trai, cô gái ấy bước vào giai đoạn có thu nhập ổn định từ việc làm. Chắc chắn, không ai có thể quên được cảm giác Tết đầu tiên được mừng tuổi ông bà, cha mẹ bằng tiền lương của mình và dù lương của những người mới đi làm không cao, nhưng với các bậc bề trên, những món mừng tuổi ấy là vô giá. Vô giá đến từ việc con cháu họ đã thực sự trưởng thành và biết quan tâm tới bậc sinh thành. Có lẽ đến tận lúc đó, những đứa trẻ nhận phong bao lì xì ngày nào mới thấu hiểu được niềm vui của người được đi mừng tuổi khi đem niềm vui đến cho người khác.

Ngoài 3 ngày Tết, phong tục mừng tuổi còn được thực hiện ở nơi làm việc trong ngày đầu tiên đi làm. Ở môi trường công sở, việc mừng tuổi diễn ra náo nhiệt hơn và tuân thủ theo luật không giống như tại gia đình, đó là, cấp trên đương nhiên sẽ "phải" mừng tuổi cấp dưới và vì thế, với những vị lãnh đạo, hành trang không thể thiếu của buổi đi làm đầu năm là những phong bao lì xì!

Với nhiều nhân viên ở các cơ quan, nhất là nhân viên trẻ, cuộc gặp mặt đầu năm như thể đã kéo họ trở về những tháng ngày thơ ấu: Chăm chú lắng nghe những lời chúc tốt đẹp, lướt tay trên các đĩa bánh kẹo, hoa quả và bất chấp tuổi tác, bất chấp mệnh giá bên trong phong bao là bao nhiêu, một trong những phần được chờ đợi nhất của cuộc gặp mặt là lúc nhận lì xì.

Tùy theo điều kiện của mỗi cơ quan mà quyết định mức lì xì đầu năm cho nhân viên, nhưng có lẽ, trong dịp gặp mặt tân niên, với hầu hết mọi người, giá trị món lì xì không thể so được với niềm vui được quan tâm và được trao món "mở hàng" hứa hẹn mang lại sự may mắn đầu năm. Lâu dần, lì xì đầu năm tại nhiều cơ quan đã trở thành hoạt động không thể thiếu, đến nỗi, với nhiều đơn vị, ngay cả trong những lúc khó khăn, lãnh đạo vẫn cố gắng bố trí bằng được khoản này, để nhân viên không có cảm giác "thiêu thiếu cái gì đó" dịp tân niên! 

Năm tháng dần trôi, xã hội nhiều thay đổi, nhưng phong tục lì xì thì vẫn còn đó dù tôi biết cũng có nhiều bàn luận ngược xuôi về phong tục này. Người thì bảo nên giữ vì đây là một nét đẹp văn hóa, mang lại niềm vui cho con trẻ và tỏ lòng hiếu kính người già. Người lại bảo nên bỏ, thay bằng tặng quà như tặng sách, tặng cây, tặng hoa… Theo tôi đã là phong tục truyền thống thì nên giữ đúng nét truyền thống là "tiền mừng tuổi", và ngày xuân cũng không nên quá nặng nề đưa lên đặt xuống một phong tục mà hãy coi đó như thói quen đem đến cho nhau những niềm vui nho nhỏ - thói quen đẹp đẽ chỉ diễn ra duy nhất một lần trong năm.

Tác giả: Ông Tô Ngọc Doanh có gần 30 năm công tác trong lĩnh vực báo chí, hiện là chuyên gia Truyền thông và Thương hiệu ngành ngân hàng.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!