Tiến sĩ nghệ thuật và Nghệ sĩ nhân dân
Ngày 6/3 vừa qua, đại diện Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã có cuộc làm việc với Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh (ĐHSKĐA) về việc thực hiện chính sách, pháp luật đào tạo trình độ Tiến sĩ. Theo đó, Trường xin cơ chế đặc thù cho nghệ sĩ nhân dân (NSND) được tính tương đương Tiến sĩ và nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) tương đương Thạc sĩ. Điều này đã gây ồn ào trong dư luận mấy ngày qua.
Do bị hiểu lầm nên khi trao đổi lại với các phóng viên, ngay ngày hôm sau (7/3), ông Nguyễn Đình Thi, Hiệu trưởng Trường ĐHSKĐA, đã giải thích thêm, đề xuất của trường muốn được tính tương đương, chứ không phải "phiên ngang", rằng nghệ sĩ ưu tú/nghệ sĩ nhân dân là có học vị Thạc sĩ/Tiến sĩ.
Theo ông Thi, nhà trường cũng không đề xuất tất cả NSND được tính tương đương Tiến sĩ, mà chỉ đề xuất cho NSND giảng dạy ở Trường ĐHSKĐA được tính tương đương, nhằm đáp ứng quy định mỗi ngành học phải có 5 Tiến sĩ.
"Chúng tôi hoàn toàn hiểu rất rõ học vị khác với danh hiệu ra sao và cũng không hề có ý xin một học vị cho các nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân. Để có được học vị Thạc sĩ, Tiến sĩ phải qua quá trình đào tạo bài bản, bảo vệ luận văn... còn danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân là ghi nhận sự cống hiến.
Đề xuất đó chỉ để nhằm áp dụng, tạo điều kiện cho việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh và để đáp ứng quy định khi mở mã ngành mới (yêu cầu phải có 5 Tiến sĩ) đối với các ngành nghệ thuật. Chứ hoàn toàn không có ý thay thế trong công tác đào tạo Tiến sĩ, thạc sĩ. Bởi đào tạo sau đại học, Tiến sĩ phải theo quy chế chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo", ông Thi nói thêm về cơ chế đặc thù.
Sự thiếu thốn nguồn nhân lực cho đào tạo bậc cao của trường là điều dễ hiểu, nhất là trong nghệ thuật, sinh viên ít theo đuổi. Thi vào trường này phải có tài và tiềm năng nghệ sĩ, một phần do cơm áo gạo tiền nên cánh trẻ tìm ngành nào dễ kiếm việc ra tiền hơn là đợi tài năng đơm hoa kết trái khi đã xế chiều, việc thiếu Tiến sĩ và Thạc sĩ ngành nghệ thuật là đương nhiên.
Tuy nhiên, đã theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì không thể đề xuất kiểu "tương đương" nhằm lách luật, giúp trường mở ngành mới; nếu không đủ người đào tạo học vị cao thì hãy đợi khi nào điều kiện đủ.
Ngành nghệ thuật rất đặc thù, cần người tài năng có học vị cao thì nên để họ ở thuộc lớp người xưa nay hiếm. Đào tạo nhiều Tiến sĩ ngành sân khấu điện ảnh một cách đại trà như công nghệ thông tin thì nghệ thuật đâu còn…hiếm, nghệ thuật phải tinh mới là nghệ thuật, phổ thông như hát karaoke ông ổng khắp chốn cùng quê có ai gọi là ca sỹ đâu.
Học vị (Tiến sĩ, Thạc sĩ) thuộc về bằng cấp do trường đại học hoặc viện nghiên cứu khoa học công nhận, phải bảo vệ luận án; còn một bên là danh hiệu (NSND, NSƯT) do một hội đồng quốc gia xem xét và công nhận mà người được phong không phải bảo vệ.
Tiến sĩ phải tốt nghiệp đại học, có luận án Thạc sĩ rồi Tiến sĩ, có nghiên cứu khoa học bài bản, kết quả được công bố trên các tạp chí khoa học chuyên ngành, tùy theo yêu cầu và phải bảo vệ luận án trước hội đồng khoa học.
Trong khi đó NSND được phong do họ có đóng góp quan trọng cho nghệ thuật và xã hội. NSND không cần tốt nghiệp đại học, có học vị hay học hàm. Có những NSND được phong do hát hay, đóng phim giỏi, diễn hài làm cả nước cười… có khi chưa từng qua một trường đại học nào. Điều gì sẽ xảy ra nếu NSND tốt nghiệp phổ thông được tính tương đương Tiến sĩ để hướng dẫn Tiến sĩ.
Một bên là nghiên cứu theo đường khoa bảng, một bên do có tài đặc biệt và theo đuổi về nghệ thuật. Lấy lý do thiếu "5 Tiến sĩ" mà đề xuất "NSND tương đương Tiến sĩ" sẽ gây hiểu nhầm về các loại "sĩ" trong dân chúng, vốn thường lẫn lộn giữa học vị, học hàm và danh hiệu.
Xin nói thêm, chả hiểu từ bao giờ, xứ Việt mình lại coi bằng Tiến sĩ như chìa khóa tiến thân. Có thể từ những bia Tiến sĩ ở Văn Miếu hay những câu ca về những ông nghè, ông cống, vinh quy bái tổ, làm rạng danh dòng họ, như giấc mơ anh lái đò của nền văn minh lúa nước trong thơ Nguyễn Bính.
Những năm 1960, ở quê tôi tốt nghiệp lớp 4 coi như biết đọc, biết viết, có thể đi làm, lập gia đình. Ai giỏi tốt nghiệp lớp 7 là điều kỳ diệu. Và rồi lớp 7 chưa đủ, phải tốt nghiệp 10 (cấp 3) và sau này là lớp 12 (PTTH) mới là giỏi. Tiếp theo là bằng đại học, Thạc sĩ, Phó tiến sĩ, Tiến sĩ, giáo sư, Phó giáo sư những học hàm học vị nghe rất oai.
Từ những năm 1980, phong trào đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài, cứu mình, cứu nhà, chỉ cần ra khỏi biên giới có cả tiền bạc và danh vọng. Về nước có bằng Phó tiến sĩ (Tiến sĩ bây giờ) sẽ có chức tước, trưởng phó phòng, vụ trưởng, vụ phó, sau này lên thứ bộ trưởng... Việc ứng cử vào các cơ quan dân cử cũng thuận hơn nếu có mác khoa học. Sau này lại còn quy định một số vị trí phải có bằng Tiến sĩ trở lên mới được thăng chức.
Trong thực tế, nhiều bằng Tiến sĩ không liên quan đến chuyên môn họ đang làm nếu họ không phải là giảng viên đại học hay làm việc tại viện nghiên cứu.
Có lẽ não trạng học vị đó đã ăn sâu vào nhiều người nên danh thiếp, giới thiệu khách mời, thậm chí cả bia mộ cũng đề học vị, học hàm và cả danh hiệu dài lê thê.
Từ năm 1984 đến năm 2019 có 472 NSND được phong trong khi cả nước có khoảng 30.000 Tiến sĩ (theo ước tính của tôi), kể từ năm 2017 thì mỗi năm ra lò khoảng 1.500 Tiến sĩ trong khi năm cao nhất (2015) chỉ có 102 NSND được phong. Như vậy, NSND nổi tiếng hơn Tiến sĩ gấp từ 100 đến 150 lần nếu tính theo số lượng, vì trong nghệ thuật, càng ít càng có giá, sao lại "cào bằng" hay "tương đương" để làm gì?
Trường ĐHSKĐA không cần ra lò hàng trăm Tiến sĩ như ngành Toán, Lý hay công nghệ thông tin do kinh tế thời nay đòi hỏi đại trà. Cứ chục năm có một danh hài bảo vệ luận án Tiến sĩ về đề tài mẹ dạy con là người Việt mình đủ vui rồi.
Tác giả: Hiệu Minh là bút danh của TS Giang Công Thế, một chuyên gia IT từng công tác nhiều năm tại Ngân hàng Thế giới (WB). Ông được biết đến là blogger về nhiều lĩnh vực và cộng tác thường xuyên với các báo.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!