Tâm điểm
Tô Ngọc Doanh

Thầy dễ, thầy khó

Sắp đến ngày nhà giáo Việt Nam (20/11), tôi nhớ về những người thầy và thời đi học của mình, nhẩm tính mới để ý là quãng đời dành cho việc học hành cũng khá nhiều.

Không chỉ tôi mà ai cũng vậy thôi, trong đời mình, ít nhất cũng mài đũng quần trên ghế nhà trường hơn một thập kỷ. Với những người đạt đến học vị cao nhất - học vị tiến sĩ - thì khoảng thời gian học hành, nghiên cứu có thể kéo dài tới hơn hai thập kỷ. Đó là chưa kể các khóa học chính trị, bồi dưỡng chức danh...

Và có lẽ, đã đi học thì bất cứ ai cũng vậy, đều có chung cảm nhận về thầy dễ - thầy khó. Hiểu đơn giản là, thầy dễ thì có thể "du di", còn thầy khó thường "thẳng mực Tàu". Tuy nhiên, cái sự khó - dễ đó, phải đến khi chúng ta không còn đi học nữa thì có thể mới thấm cái gọi là "tiền căn hậu quả".

Thầy dễ, thầy khó - 1

Thầy khó, thầy dễ là câu chuyện không chỉ dừng lại trên giảng đường, mà ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến chất lượng công việc của các nhân lực trẻ vừa tốt nghiệp đại học (Ảnh minh họa: CV)

Trở lại chuyện thế nào là thầy khó, thế nào là thầy dễ.

Dưới góc nhìn đơn thuần của người đi học, thầy dễ nghĩa là ít nghiêm khắc trong duy trì kỷ luật của lớp, không khắt khe trong chấm điểm chuyên cần và hơn hết, khi đánh giá bài kiểm tra thì luôn khuyến khích người đi học bằng sự rộng rãi mà học trò thường gọi là "điểm rộng".

Tại khá nhiều lớp trong bậc học đại học, các thầy dễ thường ủy quyền cho lớp trưởng điểm danh sinh viên và những "sai sót" trong việc này thường là sự cố ý của anh (chị) lớp trưởng đáng mến. Sự sai sót đôi khi dẫn đến những chuyện dở khóc dở cười, bởi sự có mặt của ai đó được thể hiện rõ ràng trong sổ điểm danh, nhưng phải một lúc sau nhân sự mới xuất hiện trước cửa lớp với khuôn mặt hớt hải, hoặc bộ dạng nhếch nhác, vội vã…

Với các thầy dễ, thông thường họ bỏ qua sự cố đó khá nhẹ nhàng, với những lý giải về việc trò đi học muộn như, có thể đây là tay shipper (giao hàng) bán chuyên nghiệp và vừa cố thêm "một cuốc" để trang trải những khoản chi sắp tới; hoặc đêm qua cửa hàng đông khách nên cô sinh viên dù không muốn vẫn phải cố đến phút cuối mới được rời đi…

Bằng sự cảm thông sâu sắc như vậy, việc sinh viên nào đó muốn xin phép ra ngoài, hay gà gật trong lớp, thậm chí nhắn tin, chơi game trên điện thoại hoặc thì thào với nhau vài câu chuyện đều được thầy bỏ qua.

Tuy nhiên, dù có dễ tới đâu, thì những thầy "dễ một cách có trách nhiệm" cũng phải đưa ra một vài tiêu chí bất di bất dịch, đó là những yêu cầu về đảm bảo chất lượng học tập, thi cử, về giới hạn của sự trễ nải và không được làm ảnh hưởng đến môi trường học tập chung trên giảng đường.

Theo lý giải của một số giáo viên mà tôi có dịp trò chuyện, việc nhiều đồng nghiệp áp dụng phương pháp "thầy dễ", là bởi, sinh viên đều là người trưởng thành, họ có đủ năng lực hành vi và vì thế, không thể "gò" như học sinh tiểu học. Ai cũng biết rằng, sinh viên lựa chọn ngành học và gia đình chấp nhận bỏ ra chi phí để sinh viên theo học trong nhiều năm như một khoản đầu tư cho tương lai sắp đến. "Với sinh viên - những người có đủ năng lực hành vi, cán bộ giảng dạy, không thể kiêm nhiệm thêm chức năng bảo mẫu", có khá nhiều giảng viên lý giải như vậy khi họ được coi là thầy dễ.

Nhiều thầy dễ để lại ấn tượng tốt cho sinh viên không phải ở việc du di thời gian nộp bài và "chấm điểm rộng", mà còn là sự nhiệt tình hỗ trợ sinh viên, nhất là với những sinh viên có thái độ học nghiêm túc.

Chính vì vậy, ngay trong một lớp học, những nhận xét của sinh viên về thầy cô thường không đồng nhất. Những sinh viên có thái độ thiếu nghiêm túc trong học tập, nghiên cứu thì cho rằng đó là thầy dễ, còn những sinh viên nghiêm túc, sau khi nhận được sự trợ giúp về học thuật, về phương pháp nghiên cứu thì với họ, không hề tồn tại khái niệm thầy dễ, mà đó chỉ là người thầy gần gũi, nhiệt tình.

Vậy, khái niệm "thầy khó" thì thế nào?

Chắc chắn là cách ứng xử sẽ hoàn toàn ngược với thầy dễ, đó là sự nghiêm khắc trong kỷ luật, nghiêm khắc về chuyên cần, đặc biệt là sự nghiêm cẩn trong học thuật và sẽ không bao giờ có chuyện "điểm rộng"!

Với thầy khó, các nguyên tắc đã đề ra là để thực hiện, không có chuyện linh hoạt. Nộp bài chậm: trừ điểm; quá thời hạn nhiều lần: hủy bài. Không tham gia đủ thời gian lên lớp theo quy định: học lại để thi lấy tín chỉ… Nói chung, phương châm làm việc của thầy khó là "kỷ luật tạo nên sức mạnh".

Các thầy khó sẽ không chấp nhận việc người nộp bài chậm lại được hưởng quyền lợi như người nộp bài đúng hạn; người trễ nải cũng được xem như người nghiêm túc.

Thầy khó, thầy dễ là câu chuyện không chỉ dừng lại trên giảng đường, mà ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến chất lượng công việc của các nhân lực trẻ vừa tốt nghiệp đại học.

Với những người luôn ca thán về chuyện thầy nào cũng khó và luôn mong mỗi ngày đều gặp thầy dễ, thì rất có thể người đó sẽ nhanh chóng nhận ra rằng môi trường làm việc, các đồng nghiệp và nhất là người sếp của mình còn khó hơn nhiều, đòi hỏi cao hơn nhiều. Hụt hẫng kiến thức, kỹ năng khi vào đời, nhiều bạn trẻ sẽ vô cùng tiếc nuối những ngày vật vờ trên giảng đường.

Còn với những người nghiêm túc trong học tập, nghiên cứu từ thời sinh viên - những người luôn mong mỏi được theo học thầy khó, chưa chắc sự nghiêm túc đó đã đảm bảo thành công, nhưng ít nhất tâm thế "vượt khó" sẽ giúp họ sẵn sàng hơn với môi trường công việc mới. Những người này, với thói quen được xây dựng từ những ngày còn trên giảng đường, sẽ khiêm tốn và kiên nhẫn, chịu khó học hỏi hơn khi được làm việc với "sếp khó". Tất nhiên con đường phía trước sẽ rộng mở hơn với họ.

Cuộc đời dài rộng, mức độ thành công hay thất bại của một người phụ thuộc nhiều yếu tố khác nhau. Nhưng như chúng ta vẫn thường nói, kiến thức tích lũy trên ghế nhà trường là hành trang vào đời, nhiều người khi nhìn lại chắc chắn sẽ thở phào nhẹ nhõm và cho rằng mình đã may mắn khi gặp được những người thầy khó. Bởi nhờ vậy mà hành trang của họ dày dặn và vững vàng hơn.  

Và sẽ có những người khi gặp trục trặc trên đường đời bởi trình độ, kỹ năng chưa đáp ứng yêu cầu của công việc, họ có thể sẽ bị dằn vặt với ý nghĩ, nếu ngày ấy trên giảng đường, mình chuyên tâm học hành hơn và thầy khó tính hơn với mình để mình cố gắng, thì biết đâu…

Tác giả: Ông Tô Ngọc Doanh có gần 30 năm công tác trong lĩnh vực báo chí, hiện là chuyên gia Truyền thông và Thương hiệu ngành ngân hàng.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!