Sinh viên xuất sắc vẫn… khó xin việc!
Báo chí đã đăng tải hàng loạt thống kê về tỷ lệ tốt nghiệp của sinh viên các đại học hàng đầu và đều là những con số rất đẹp.
Ví dụ như trong lần xét tốt nghiệp đợt tháng 4/2022 và tháng 1/2023, Trường Đại học Kinh tế quốc dân có 988 sinh viên được công nhận tốt nghiệp. Trong số này có 35% (làm tròn) sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc, 41% loại giỏi. Như vậy, 76% sinh viên tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc. Chỉ có 23% sinh viên tốt nghiệp loại khá trong khi số tốt nghiệp trung bình vỏn vẹn 12 (khoảng 1%).
Trong đợt xét tốt nghiệp tháng 12/2022, Trường Đại học Ngân hàng TPHCM có 479 sinh viên tốt nghiệp hệ đại trà. Trong số này chỉ 6 sinh viên tốt nghiệp loại trung bình, chiếm 1,25%. Như vậy, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp khá, giỏi, xuất sắc lên đến 98,75%.
Trong đợt tốt nghiệp tháng 1/2023, trong số 2.079 sinh viên Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TPHCM chỉ có 24 bạn tốt nghiệp loại trung bình, chiếm 1,15%; còn lại 98,85% tốt nghiệp khá, giỏi và xuất sắc.
Tỉ lệ sinh viên khá, giỏi trong đợt tốt nghiệp tháng 10/2022 của Trường Đại học Luật TPHCM cũng lên đến 96,7%.
Vấn đề đặt ra là với kết quả tốt nghiệp lý tưởng như vậy, sinh viên ta ra trường làm việc thế nào? Nếu bạn là nhà tuyển dụng thì có lẽ không cần số liệu cũng đã có câu trả lời. Ở đây xin đơn cử nhận xét của một nhà tuyển dụng là ông Dương Xuân Phượng, Phó giám đốc Học viện Viettel. Trong hội thảo vào đầu tháng 11 này, ông cho hay đơn vị từng lấy 2.000 sinh viên xuất sắc ở các trường về để đào tạo theo chương trình Viettel Digital mà chỉ tuyển được 100 sinh viên.
Qua khảo sát cho thấy, trong số đó, khoảng 75% các em tự đánh giá mình chỉ đáp ứng được chưa đến 80% yêu cầu của công việc. Ở chiều ngược lại, chỉ khoảng 2% các em cho rằng, với những gì mình được trang bị có thể đáp ứng trên 90% yêu cầu của doanh nghiệp.
Theo ông Phượng hiện có sự bất cập trong đánh giá sinh viên tốt nghiệp, khi mà tỷ lệ khá, giỏi, xuất sắc của một số trường lên tới 99%.
Một khảo sát được nêu trong báo cáo thị trường công nghệ thông tin Việt Nam 2021, trong hơn 55.000 tân cử nhân công nghệ thông tin, chỉ khoảng 30% đáp ứng yêu cầu về kỹ năng và chuyên môn mà doanh nghiệp cần.
Điều mà nhiều nhà tuyển dụng như ông Phượng nêu ra, là lượng sinh viên khá giỏi, xuất sắc tăng lên đột biến, nhất là 5 năm trở lại đây, trong khi chất lượng nhân sự khi đi làm là cả một vấn đề đau đầu.
Điểm số trong bảng điểm rất cao, song nhiều tân cử nhân, tân kỹ sư thiếu kỹ năng cơ bản để làm việc, đặc biệt là kỹ năng mềm. Ví dụ như kỹ năng soạn thảo thư tín thương mại, kỹ năng gửi email thương mại, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng soạn thảo văn bản hành chính, kỹ năng làm việc nhóm… Đó là chưa nói tới trình độ chuyên môn, cả lý thuyết và thực hành đều yếu, đặc biệt là thực hành.
Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp khi tuyển dụng nhân sự mới đều phải chọn lựa rất kỹ, rồi sau đó mất 3 tháng, 6 tháng tới một năm đào tạo thì mới hy vọng nhân sự đó đáp ứng yêu cầu công việc ở mức cơ bản.
Thực tế trên dẫn tới chi phí của doanh nghiệp gia tăng, mất rất nhiều thời gian, công sức thì mới có thể sử dụng được nhân sự mới. Các tập đoàn lớn đều phải chọn giải pháp mở ra chương trình thu hút nhân sự đi thực tập từ sinh viên giỏi các năm cuối để tranh thủ đào tạo, hết thời gian này sẽ lọc lại những ai tốt nhất thì nhận vào. Unilever, Samsung, Foxconn, Prudential, Viettel… đều áp dụng cách thức này.
Vì sao lại có tình trạng này? Có lẽ xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau:
Thứ nhất chính là tình trạng "dồn toa" tại đại học. Ở nhiều nước, kỹ năng mềm được trang bị cho học sinh từ cấp phổ thông. Khi vào đại học, sinh viên sẽ học nâng cao chứ không phải tiếp cận với kỹ năng mềm như "trang giấy trắng".
Ở ta hiện nay, chương trình giáo dục phổ thông nặng về kiến thức các môn học, tiết học kỹ năng mềm rất ít hoặc hầu như chưa có.
Thứ hai là tình trạng dạy lý thuyết quá nhiều trong đại học, thiếu thực hành từ lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn cho đến khoa học tự nhiên, kỹ thuật, kỹ sư… Chúng ta rất thiếu các phòng lab đạt chuẩn quốc gia, quốc tế, các xưởng trường được trang bị máy móc hiện đại trong trường đại học.
Kinh phí đầu tư cho sinh viên nghiên cứu khoa học và sáng tạo, thực hiện các chương trình ứng dụng công nghệ cũng còn khiêm tốn.
Thứ ba là việc đi thực tập của sinh viên tại các doanh nghiệp, nhà máy, cơ quan còn mang tính hình thức. Thậm chí tồn tại tình trạng sinh viên phải nộp kết quả thực tập, nhưng lại chạy vạy xin doanh nghiệp quen biết xác nhận "có đi thực tập" dù không hề tới công ty.
Về phía các cơ quan, doanh nghiệp cũng không muốn nhận sinh viên thực tập, do sẽ mất thời gian hướng dẫn, tốn thêm bàn ghế, máy tính, phương tiện làm việc, chi phí văn phòng.
Rõ ràng các đại học ở ta cần phải xem lại việc dạy và học sao cho phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động; xem lại việc đánh giá sinh viên sao cho thực chất.
Bởi nếu cứ tình trạng thành tích ảo, chất lượng ảo thế này là gây thiệt hại rất lớn cho nền kinh tế, cho của cải xã hội. Nhất là khi cha mẹ sinh viên phải đóng rất nhiều học phí cho con ăn học, học xong có bằng khá giỏi xuất sắc hẳn hoi mà vẫn khó xin việc và khó làm được việc.
Tác giả: Bà Nguyễn Thị Bích Hậu tốt nghiệp Đại học sư phạm Hà Nội ngành Ngôn ngữ và Văn chương; có 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực báo chí. Bà là tác giả các cuốn sách giúp các bậc cha mẹ chuẩn bị cho con học tập trong nước và du học, lấy học bổng thành công như Đồng hành du học cùng con, Du học cho con nhà nghèo, Du học đừng để tiền mọc cánh, Cẩm nang chọn trường công, trường tư hay trường quốc tế...
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!