Nhiều sinh viên xuất sắc ra trường, doanh nghiệp phải đào tạo lại

Mỹ Hà

(Dân trí) - "Chất lượng đào tạo của trường đại học trong nước chỉ ổn ở một số trường top đầu. Còn lại, phần lớn nhân sự ra thiếu kỹ năng mềm, có em tốt nghiệp xuất sắc nhưng doanh nghiệp vẫn phải đào tạo lại".

Tại Hội thảo "Thể chế chính sách nâng cao chất lượng giáo dục đại học", do Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội và Bộ GD&ĐT phối hợp thực hiện ngày 5/11 tại Hà Nội, Đại tá Dương Xuân Phượng, Phó giám đốc Học viện Viettel nêu đánh giá như vậy khi nói về khoảng cách giữa đào tạo và yêu cầu tuyển dụng.

Nhiều sinh viên xuất sắc ra trường, doanh nghiệp phải đào tạo lại - 1

Sinh viên thực tập tại xưởng thực hành của trường (Ảnh: Đức Ngọc).

Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc vẫn không được việc

Lãnh đạo học viện này cho hay, đội ngũ nhân sự chủ chốt của đơn vị chủ yếu tốt nghiệp từ Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Kỹ thuật quân sự, Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông.

Những người này thường có văn bằng 2 hoặc thạc sĩ kinh tế ở các trường Đại học Kinh tế quốc dân, Ngoại thương, Thương mại và Học viện Tài chính. Trong đó, 1/4 nhân sự chủ chốt tốt nghiệp tại Đại học Bách khoa Hà Nội.

Ông nhận xét, chất lượng đào tạo của một số trường đại học trong nước ổn. Tuy nhiên, đó chỉ là một số trường top đầu. Thực tế hiện nay vẫn còn khoảng cách xa giữa nhà trường và đơn vị tuyển dụng, tức các doanh nghiệp bởi các em rất thiếu kỹ năng mềm.

Đơn vị từng lấy 2.000 sinh viên xuất sắc ở các trường về để đào tạo theo chương trình Viettel Digital mà chỉ tuyển được 100 sinh viên.

Qua khảo sát cho thấy, trong số đó, khoảng 75% các em tự đánh giá mình chỉ đáp ứng được chưa đến 80% yêu cầu của công việc. Ở chiều ngược lại, chỉ khoảng 2% các em cho rằng, với những gì mình được trang bị có thể đáp ứng trên 90% yêu cầu của doanh nghiệp.

Nhiều sinh viên xuất sắc ra trường, doanh nghiệp phải đào tạo lại - 2

Đại tá Dương Xuân Phượng, Phó giám đốc Học viện Viettel (Ảnh: Mỹ Hà).

Đội ngũ cán bộ chịu trách nhiệm hướng dẫn các nhân sự trẻ cũng có đánh giá tương tự với khảo sát trên.

Thực tế được nêu ra, tỷ lệ sinh viên, khá, giỏi, xuất sắc hiện đạt tới 99% nhưng khi ra làm việc rất bất cập, cơ cấu cũng không cân đối.

Ông Phượng băn khoăn, trước đây sinh viên ra trường có cả bằng trung bình mà vẫn đáp ứng tốt nhu cầu công việc nhưng hiện nay, thậm chí cả sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc nhưng nhiều nhân sự vẫn phải đào tạo lại.

Tìm cái bắt tay giữa trường và doanh nghiệp

PGS.TS Lưu Bích Ngọc, Chánh Văn phòng Hội đồng quốc gia và Phát triển nhân lực cho rằng, mối quan hệ giữa trường đại học và doanh nghiệp hiện rất yếu.

Trên thế giới, mối quan hệ này bắt đầu từ rất sớm và mang lại lợi ích cho cả hai bên.

Trong khi đó ở Việt Nam, theo thống kê của Bộ GD&ĐT năm 2021 dựa trên báo cáo của 130 cơ sở giáo dục và đào tạo, chỉ 40% các cơ sở giáo dục đào tạo có quan hệ với doanh nghiệp.

Trong đó, có hơn 6.000 doanh nghiệp có hợp tác với cơ sở giáo dục đại học. Như vậy trung bình một cơ sở giáo dục đại học có 60 doanh nghiệp thỏa thuận hợp tác, bắt tay nhau.

Mặc dù vậy, khoảng 4% doanh nghiệp bắt tay với cơ sở giáo dục đại học trong nghiên cứu khoa học, 29% doanh nghiệp tham gia các hội thảo chứ không phải trong hoạt động đào tạo nghề.

Phần lớn hợp tác còn lại giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục đại học là nhà trường cho sinh viên đến kiến tập, một phần để trao học bổng và rất ít doanh nghiệp tham gia vào chương trình đào tạo của nhà trường.

Điều này cho thấy, mức độ bắt tay của đại học với doanh nghiệp còn rất thấp, chưa tạo văn hóa "ba nhà" (nhà nước, nhà trường, nhà tuyển dụng).

Nhiều sinh viên xuất sắc ra trường, doanh nghiệp phải đào tạo lại - 3

PGS.TS Lưu Bích Ngọc, Chánh Văn phòng Hội đồng Quốc gia và Phát triển nhân lực (Ảnh: Mỹ Hà).

Do vậy theo chuyên gia này, cần có chính sách đầu tư cho các trường đại học theo tiêu chí đại học nghiên cứu hay đại học sáng nghiệp.

Về điều này, ông Phượng cũng đề xuất, cần có cơ chế chính sách chung đánh giá lại chất lượng đào tạo của sinh viên Việt Nam.

Các cơ sở đào tạo không nên để tỷ lệ sinh viên khá giỏi, xuất sắc quá cao như hiện nay nhưng khi về làm việc, doanh nghiệp phải đào tạo lại. Các nhà tuyển dụng đêu gọi đừng để tiếp tục xảy ra tình trạng nhận 2.000 hồ sơ nhưng chỉ tuyển được 100 em đạt yêu cầu như ở doanh nghiệp này.

"Chúng tôi đề nghị, thay vì câu hỏi "học được kiến thức gì", hãy tập trung trả lời vấn đề "học xong làm được gì"?

Cần có cơ chế chính sách liên kết giữa các trường đại học và doanh nghiệp, để doanh nghiệp tham gia vào các phần đào tạo của trường đại học. Điều này được minh chứng khi sinh viên đến thăm doanh nghiệp hoặc các nhà máy của chúng tôi, các em rất thích thú.

Đặc biệt, các tập đoàn lớn có thể tham gia với cơ sở giáo dục, đào tạo một số chứng chỉ để sinh viên bắt nhịp được với hơi thở của doanh nghiệp", ông Phượng nói.