Tâm điểm
Phạm Trung Tuyến

Cần động thái quyết liệt với biển báo giao thông!

Tôi đã đi qua nhiều tuyến đường tại Việt Nam và không ít lần bắt gặp những biển báo giao thông không hợp quy chuẩn, dù là trên cao tốc, hay trong đô thị.

Câu chuyện về "ma trận biển báo giao thông" mà báo Dân trí đề cập không mới, nhưng cần thiết. Dù vậy, những nội dung mà Cục Đường bộ Việt Nam vừa lên tiếng phản hồi về loạt bài ấy khiến tôi tự hỏi: Vậy quy chuẩn quốc gia về biển báo giao thông được ban hành để làm gì, nếu như nó không được tuân thủ trong quá trình lắp đặt?

Người đại diện Cục đường bộ, phản hồi với báo Dân trí đã phân trần là có những khó khăn khách quan từ thực tế dẫn đến việc không đảm bảo quy chuẩn khi lắp đặt biển báo. Song tôi nghĩ rằng, việc ban hành các quy chuẩn về biển báo giao thông không phải chuyện ngẫu nhiên, mà trên cơ sở nghiên cứu kỹ càng, và không thể tùy tiện bỏ qua. Bởi những tấm biển báo giao thông không phải là vật trang trí của con đường, nó là những thiết chế tối thiểu để đảm bảo sự an toàn tính mạng của người tham gia giao thông.

Cần động thái quyết liệt với biển báo giao thông! - 1

Biển báo cấm ô tô tải và ô tô khách kèm theo bảng Chỉ dẫn phương tiện với những dòng chữ "lí nhí" khiến nhiều tài xế phải nhảy xuống xe để đọc (Ảnh: Nguyễn Hải).

Khi những thứ đã có quy chuẩn, như biển báo giao thông, nhưng lại không được tuân thủ, thì chỉ có không nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, là sự cẩu thả từ các cơ quan đảm bảo giao thông, cẩu thả từ việc thiết kế và sản xuất, đến lắp đặt biển báo dẫn đến không tuân thủ nghiêm ngặt các quy chuẩn kỹ thuật. Nếu không phải cẩu thả thì còn tệ hơn, vì hoặc họ không quan tâm, không biết đến những quy chuẩn đã được ban hành, hoặc họ không bận tâm tới hậu quả mà những tấm biển sai quy chuẩn có thể gây ra đối với cộng đồng, trong đó có họ và chính người thân của họ.

Biển báo giao thông được sinh ra là để hướng dẫn, nhắc nhở, là mệnh lệnh bằng hình ảnh để người dân tuân thủ khi tham gia giao thông. Nhưng khi những hướng dẫn, nhắc nhở, những mệnh lệnh đó không đúng mực, thậm chí sai trái, gây ra sự bối rối, dẫn đến mất an toàn của người dân thì sao? Một câu hỏi mà Kênh VOV Giao thông rất thường nhận được từ thính giả, là người dân có nhất thiết phải tuân thủ những tấm biển báo giao thông không phù hợp quy chuẩn hay không? Nếu họ không tuân thủ thì sẽ bị xử phạt lỗi vi phạm, bất kể tấm biển đó có đúng chuẩn, có hợp lý hay không,

Câu trả lời mà chúng tôi thường phản hồi thính giả trong trường hợp này như sau: "Trong trường hợp biển báo giao thông không tuân thủ các quy chuẩn, người dân vẫn phải tuân thủ các biển báo này do quy định pháp luật. Tuy nhiên, nếu người dân nhận thấy biển báo giao thông có bất cập, họ có thể phản ánh đến các cơ quan chức năng hoặc Ban an toàn giao thông để được xử lý nhanh chóng. Điều này giúp đảm bảo an toàn giao thông và giảm thiểu nguy cơ tai nạn" - Một câu trả lời nghe rất chuẩn mực, nhưng nghe nhiều sẽ không khỏi khiến người ta có cảm giác sáo rỗng. Bởi vì người dân, báo chí cũng phản ánh không ít, nhưng tình trạng đó chưa bao giờ chấm dứt.

Người đại diện Cục đường bộ Việt Nam khi phản hồi báo Dân trí đã nói rằng sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý dứt điểm tình trạng này. Tôi tin sẽ sớm có những động thái từ phía các cơ quan chức năng để xử lý vấn đề. Song, tôi không chắc câu chuyện sẽ được xử lý dứt điểm nếu như không có sự quyết liệt thực sự.

Sự quyết liệt ở đây là gì? Theo tôi, là Bộ Giao thông Vận tải cần ngay lập tức tuyên bố vô hiệu những biển báo giao thông không hợp quy chuẩn. Các đơn vị đảm bảo giao thông phải lập tức thay thế bằng các biển báo phù hợp. Sự cần thiết phải quyết liệt trong vấn đề này không chỉ là câu chuyện về giao thông, mà nó còn thể hiện sự tôn trọng các giá trị pháp lý của Nhà nước.

Các quy chuẩn quốc gia, trong đó có quy chuẩn về biển báo giao thông được ban hành dựa trên các quy định của luật pháp và các văn bản pháp lý liên quan. Việc không tôn trọng quy chuẩn, đồng nghĩa với việc không tôn trọng luật pháp. Và những tấm biển báo giao thông không phù hợp quy chuẩn, sự tồn tại của chúng, dù chỉ một ngày, cũng là một ngày luật pháp bị "trêu ngươi".

Tác giả: Nhà báo Phạm Trung Tuyến hiện là Phó giám đốc kênh radio Giao thông quốc gia 91 Mhz của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!