Thủ tướng: "Sách giáo khoa cần đổi mới nhưng đảm bảo chuẩn mực và ổn định"

Mỹ Hà Hoàng Hồng

(Dân trí) - Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, sách giáo khoa cần nghiên cứu tiếp để từng bước hoàn thiện.

Tại Hội nghị Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần đề cập tới vấn đề sách giáo khoa theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Thủ tướng nêu những bất cập đang tồn tại, trong đó có việc xây dựng và triển khai chương trình Giáo dục phổ thông mới chưa đồng bộ với các điều kiện đảm bảo. Thủ tướng khẳng định không đòi hỏi tuyệt đối nhưng cần tương đối để vận hành.

Các vấn đề khác được Thủ tướng chỉ ra gồm: thiết kế môn học lịch sử trong chương trình phổ thông còn ý kiến trái chiều; chậm ban hành sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số; một số địa phương chưa thực hiện kịp thời biên soạn tài liệu giáo dục địa phương; việc dạy các môn tích hợp còn bất hợp lý.

Từ những vấn đề trên, Thủ tướng khẳng định sách giáo khoa là vấn đề cần nghiên cứu tiếp để từng bước hoàn thiện.

Thủ tướng: Sách giáo khoa cần đổi mới nhưng đảm bảo chuẩn mực và ổn định - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo hội nghị (Ảnh: Thế Đại).

Về phương án thi tốt nghiệp THPT, Thủ tướng chỉ đạo Bộ GD&ĐT rà soát kỹ, lựa chọn phương án thi thực sự hiệu quả, phù hợp thực tiễn, sớm công bố để định hướng dạy, học, ôn thi, tạo sự yên tâm cho phụ huynh học sinh.

"Đây là vấn đề nhận được sự quan tâm rất lớn của đông đảo thầy cô giáo, phụ huynh học sinh.

Đổi mới phương thức thi theo hướng gọn, nhẹ, giảm áp lực tốn kém cho gia đình học sinh và xã hội nhưng vẫn đảm bảo chất lượng. Đây là vấn đề rất khó nhưng phải thực hiện", Thủ tướng nói.

Bộ GD&ĐT nghiêm túc thực hiện Kết luận của Đoàn Giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; trong đó tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được về xây dựng Chương trình, thẩm định sách giáo khoa, đổi mới phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá.

"Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, đặc biệt quan trọng, phức cảm, nhạy cảm, phạm vi tác động lớn nên cần đổi mới những vấn đề lớn cốt lõi, cấp thiết, từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, cơ chế chính sách, điều kiện thực hiện", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

Thủ tướng cũng chỉ đạo việc đổi mới trong giáo dục phải đảm bảo tính hệ thống, tầm nhìn dài hạn, giải pháp đồng bộ khả thi, có lộ trình bước đi phù hợp, vừa làm vừa rút kinh nghiệm chứ không nóng vội.

Thủ tướng: Sách giáo khoa cần đổi mới nhưng đảm bảo chuẩn mực và ổn định - 2

Chương trình và sách giáo khoa mới (Ảnh: Hoài Nam).

Phát triển giáo dục đào tạo phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, phù hợp với quy luật khách quan, quy luật của hệ thống chính trị, bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn và lấy thực tiễn làm thước đo. Việc đổi mới phải kế thừa phát huy thành tựu, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm thế giới phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam.

Giáo dục bám sát tư tưởng lấy học sinh làm trung tâm, nhà trường làm nền tảng, giáo viên làm động lực, đổi mới tư duy từ trang bị kiến thức sang trang bị năng lực phẩm chất toàn diện cho học sinh.

Thủ tướng cũng chỉ đạo 6 việc cần tháo gỡ ngay. Một là kiên quyết kiên trì không cho ma túy, tệ nạn xã hội vào học đường, xâm hại sức khỏe, đạo đức, nhân cách của học sinh, sinh viên.

Hai là khắc phục bằng được tình trạng bạo lực học đường, đảm bảo an ninh an toàn cho học sinh giáo viên trong mọi hoàn cảnh.

Ba là hệ thống sách giáo khoa cần đổi mới nhưng phải đảm bảo chuẩn mực và phải ổn định phát triển.

Bốn là chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng và giáo dục thường xuyên.

Năm là rà soát lại việc dạy và học môn học giáo dục công dân trong trường phổ thông, cần thiết thì phải tăng giờ học để đảm bảo chất lượng.

Sáu là nhanh chóng khắc phục tình trạng thiếu giáo viên mầm non, thiếu trường học vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm