Tâm điểm
Lang Minh

Quỹ lớp dùng để làm gì?

Chị Hạnh rất tự hào khoe trên mạng xã hội về phòng học của con chị tại một trường công lớn ở Hà Nội. Sàn ốp gỗ, sơn phối màu bắt mắt, hệ thống quạt trần không gây ồn, 50 ngăn tủ để đồ cho thầy và trò che kín hai mảng tường lớn. Tất cả là nhờ chị, với tư cách trưởng ban phụ huynh lớp, đã vận động được toàn bộ phụ huynh đồng thuận đóng góp một khoản kinh phí khá lớn.

Nhưng chị Hạnh chỉ là thiểu số so với các phụ huynh công lập trao đổi với tôi mỗi mùa tựu trường. Hầu hết họ thường rất khổ tâm với khoản đóng góp đầu năm, vừa muốn con mình được học với cơ sở trường lớp tốt hơn, vừa bất bình với khoản tài chính lớn để mua sắm những món đắt tiền như trên. Họ sợ bị đánh giá là tiếc chút tiền mọn mà không thương con, sợ mình không đóng góp ngang bằng với các phụ huynh khác thì con sẽ bị bạn bè chê cười.

Cứ đầu năm học là bầu không khí sượng sùng đầy ấm ức ấy phủ lên đầu nhiều phụ huynh trong nỗi bất lực không biết phải quyết thế nào cho đúng.

Quỹ lớp dùng để làm gì? - 1

Phụ huynh đối mặt nhiều khoản chi đầu năm học mới (Tranh minh họa: Ngọc Diệp).

Chúng ta đã giải quyết được nỗi khó xử này (một cách rất tạm bợ) qua vụ việc phụ huynh trường Tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh, TPHCM) đã nhận lại 9,6 triệu đồng tiền thu chi sai quy định. 

Giả sử nhà nước thắt chặt quy định tài trợ để thay đổi cơ sở vật chất, rồi học sinh đều sẽ vui vẻ học với cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế như các thế hệ trước (ví dụ không có điều hòa nhiệt độ trong lớp học), thì phụ huynh còn gì để đóng góp cho trường học nữa không? Việc phát triển trường công lập, đặc biệt là cơ sở vật chất, hoàn toàn do nhà nước phụ trách và phụ huynh hoàn toàn không cần quan tâm?

Việc quá tập trung vào tính pháp lý của vấn đề này dễ làm công luận bỏ qua một câu hỏi quan trọng: Làm thế nào để tăng cường sự dự phần của phụ huynh (parental involvement) một cách toàn diện vào các hoạt động giáo dục chính quy, thay vì chỉ hạn hẹp trong "xã hội hóa" hệ thống cơ sở vật chất của phòng học.

Từ góc độ nghiên cứu giáo dục, sự dự phần của phụ huynh vào nhà trường để tạo ra môi trường học tập tích cực gồm ba khía cạnh chính: Giao tiếp với giáo viên, tình nguyện tham gia các hoạt động liên quan đến trường học và tham gia quản lý trường học. 

Dự phần vào trường học cho phép phụ huynh có được thông tin trực tiếp về môi trường học tập, tập cách điều hướng hệ thống giáo dục, chứng minh cho con họ rằng giáo dục là quan trọng và ảnh hưởng đến hành vi của con họ bằng cách thiết lập các chuẩn mực nhất quán giữa nhà trường - gia đình. 

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng sự dự phần của phụ huynh có nhiều tác động tích cực đến học sinh: Nâng cao kết quả học tập, tăng cường các kỹ năng xã hội, phát triển quan hệ với bạn học, cải thiện sức khỏe tâm thần. Tuy vậy, sự dự phần này cũng gặp nhiều rào cản nghiêm trọng, trong đó rào cản thường được nhắc tới là sự chênh lệch về địa vị và thu nhập giữa các phụ huynh. Đối với phụ huynh thuộc nhóm thu nhập thấp mối quan hệ giữa gia đình và trường học nhiều khi là sự tách biệt (có thể vì phụ huynh thiếu hụt điều kiện về thời gian, tài chính…); trong khi đối với các gia đình khá giả hơn, mối quan hệ đó có sự liên kết tốt hơn.

Tình trạng này ngày càng đáng lưu ý, khi sự phát triển nhanh chóng của tầng lớp trung lưu có xu hướng làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo giữa các nhóm xã hội.

Trong bối cảnh trường công lập Việt Nam, hệ quả của sự chênh lệch trên là các phụ huynh có kinh tế dồi dào hơn sẽ điều chỉnh chính sách giáo dục như là giá trị mà họ cho là tiêu chuẩn, còn các phụ huynh nghèo hơn rơi vào tình trạng "mất tiếng nói".

Văn hóa hiếu học kiểu Đông Á còn làm hiện tượng mất tiếng nói này trầm trọng hơn, khi những phụ huynh nghèo cố gắng đóng góp ý kiến về định mức chi phí sẽ bị "dán nhãn" là không sẵn sàng hy sinh tất cả cho việc học của con.

Về lý thuyết, cơ sở vật chất của nhà trường cũng như bên trong lớp học được đầu tư nhiều hơn (từ đóng góp của phụ huynh) thì tốt hơn cho các học sinh. Đây cũng là kỳ vọng của các phụ huynh giàu có. Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, thay vì đến trường để trải nghiệm các trạng thái xã hội đa dạng, con họ sẽ chỉ được hưởng một phiên bản nhái lại những gì sẵn có ở nhà, từ đó mất đi các kỹ năng giao tiếp xã hội và năng lực "học để chung sống" với các bạn đồng học. 

Nguy hại hơn, khi để học sinh chứng kiến tình trạng bất bình đẳng về dự phần của phụ huynh vào môi trường giáo dục một cách lộ liễu (về mặt hình thức) ngay trong trường học, hậu quả sẽ là học sinh không còn tin tưởng vào giá trị của tri thức, nảy sinh mặc định rằng tiền tài sẵn có của gia đình sẽ quyết định cách vận hành của cộng đồng.

Để dần gỡ bỏ rào cản đã tồn tại thâm căn trong lòng giáo dục công lập, theo tôi, tất cả các bên liên quan đều phải đồng thời nỗ lực thay đổi thay đổi:

Về phía phụ huynh, cha mẹ cần biết rõ về những lợi ích và lĩnh vực mà mình có thể dự phần vào trường học. Trong các buổi họp chính thức, việc thảo luận về chương trình học tập, về các hoạt động tăng cường, về thiết lập các nguyên tắc giáo dục mới (như cách sử dụng ChatGPT) cần được lên kế hoạch và đưa vào chương trình nghị sự thay vì dành hầu hết thời gian để giải quyết về khoản đóng góp tài chính.

Một thói quen thiếu tích cực là các vấn đề thiên về nội dung giáo dục như trên thường thiếu sự đóng góp của số đông phụ huynh. Phần vì phụ huynh cho rằng mình không đủ chuyên môn để tham góp, nhưng quan trọng hơn là phụ huynh chưa coi đó là trách nhiệm dự phần vào giáo dục của mình. Vì vậy, nhà trường và hội phụ huynh phải khuyến khích tạo điều kiện để phụ huynh tự tin đưa ra ý kiến, dù đó là vấn đề thiên về học thuật.

Về phía nhà trường, cần phải coi việc mời gọi phụ huynh dự phần vào công việc giáo dục là một tiêu chí đánh giá chất lượng của trường học. Đáp ứng đa dạng và tận tình nhu cầu đối thoại của phụ huynh, trường công lập thể hiện triết lý đi theo đúng tôn chỉ về bình đẳng giáo dục của Chính phủ. Có sự đối thoại hiệu quả cũng sẽ hạn chế các rủi ro về truyền thông giữa nhà trường - phụ huynh, từ đó các chính sách nhà trường cần triển khai sẽ thông suốt về cả ngắn lẫn dài hạn.

Để thu hút phụ huynh dự phần, Nhà trường cần thiết đa dạng các kênh đối thoại thay vì dồn toàn bộ trao đổi vào một số cuộc họp phụ huynh, chủ yếu là đầu năm và cuối năm. Nếu phụ huynh gặp khó khăn về thời gian, tài chính, thông tin để dự phần sâu hơn, nhà trường cần phải huy động nhân lực phù hợp để hỗ trợ phụ huynh. 

Về phía Hội phụ huynh, cần phải có cơ chế ra quyết định đa phương để tránh tình trạng có những nhóm phụ huynh bị mất tiếng nói. Đặc biệt, Hội phụ huynh ở cấp lớp học (cấp độ nhỏ nhất) cần tránh việc đầu tư vào các hạng mục "chỉ dành cho lớp mình", gây ra tình trạng thiếu gắn kết ngay trong nội bộ lớp lẫn lớp học với các tập thể khác trong trường.

Về phía nhà quản lý, cần ban hành các văn bản về các hạng mục được nhận, nhận một phần hoặc không được nhận tài trợ từ các hội phụ huynh, trong đó cần phải đưa ra các quy định chi tiết vào từng hạng mục, nhất là các hạng mục liên quan đến hoạt động tinh thần của học sinh (như chi phí tham quan, chi phí tổ chức hoạt động văn nghệ,...). Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT hiện nay chỉ có duy nhất tên của các hạng mục mà Hội phụ huynh không được tài trợ, chứng tỏ quy định này còn sơ sài và chưa cập nhật được tình hình thực tiễn.

Tựu trung, sự dự phần một cách đa diện của phụ huynh vào giáo dục tại nhà trường của Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập đến mức hàng năm, mùa tựu trường, thay vì là lúc để phụ huynh và học sinh phấn chấn cho năm học mới, lại thành lúc để tranh cãi từ năm này sang năm khác về quỹ lớp dùng để làm gì. 

Có một cái nhìn tổng quan về sự dự phần và kiên quyết từng bước thực hiện có quy củ việc dự phần là chìa khóa để gắn kết nhà trường - phụ huynh - cộng đồng vì một nền giáo dục lấy sự phát triển của người học làm trung tâm.

Tác giả: Lang Minh (Nguyễn Minh) là nhà tư vấn giáo dục cao cấp cho Hệ sinh thái giáo dục khởi nghiệp MindX. Anh cũng là dịch giả - tác giả cộng tác với nhiều nhà xuất bản: Trẻ, Giáo dục, Tri thức...

Lang Minh ứng dụng lý thuyết ngành nhân văn vào việc giảng dạy tư duy phản biện và các năng lực của thế kỷ XXI: tri tạo truyền thông và tri tạo kỹ thuật số (media & digital literacy). Về định hướng nghiên cứu, Lang Minh tập trung vào phân ngành Nhân học phê phán (Critical Anthropology), hướng tới việc phê phán các mối quan hệ bất bình đẳng trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!