Từ lùm xùm thu quỹ phụ huynh: Giống cưỡng đoạt tiền hơn là tự nguyện!

PV

(Dân trí) - "Tại sao việc sửa chữa, cải tạo phòng học lại bắt phụ huynh đóng góp vậy nhỉ. Việc đó là từ nguồn của Nhà nước, nằm trong tiền đóng cơ sở vật chất hàng năm", một độc giả nêu quan điểm.

Thời gian qua, vấn đề thu chi đầu năm học mới của các cơ sở giáo dục nhận được sự quan tâm đặc biệt. Một ví dụ tiêu biểu là tại trường Tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh, TP.HCM), nơi trung bình mỗi gia đình học sinh của lớp Một 2 phải đóng tới 10 triệu đồng vào đầu năm. Theo phụ huynh phản ánh, nhiều hạng mục đã chi và số tiền cải tạo lớp học, mua sắm đồ đạc... lên đến hơn 260 triệu đồng.

Tại nhiều trường công lập khác, vấn đề thu chi đầu năm của nhà trường cũng nhận về nhiều phản hồi, ý kiến trái chiều của phụ huynh. Nhiều người cho rằng có nhiều khoản thu bất hợp lý, không cần thiết hoặc cao hơn so với giá trị thực tế.

Từ lùm xùm thu quỹ phụ huynh: Giống cưỡng đoạt tiền hơn là tự nguyện! - 1

Hình ảnh phòng học tại trường Tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh, TP.HCM) lúc chưa cải tạo (trái) và đã cải tạo (phải) (Ảnh: Cộng tác viên cung cấp).

"Giống cưỡng đoạt tiền của phụ huynh hơn là nói họ tự nguyện"

Bình luận về vấn đề, anh Do Ba Thang viết: "Việc chi tiêu, mua sắm trong trường học mình thấy rất bất cập. Đồng tiền chi cho việc mua sắm, sửa chữa không đúng với giá trị thực tế. Ví dụ chiếc piano có giá trên thị trường tầm 8 -10 triệu, nhưng khi đưa về giá trị đã lên đến 24 triệu".

"Tại sao giờ việc sửa chữa, cải tạo phòng học trường học lại bắt phụ huynh quyên góp vậy nhỉ. Việc đó là từ nguồn của Nhà nước và tiền nằm trong tiền đóng cơ sở vật chất hàng năm. Chuyện giáo viên chủ nhiệm lạm thu mà hiệu trưởng không hay biết là chuyện nực cười. Không lẽ tự giáo viên chủ nhiệm thu tiền rồi kêu người vào sửa rồi trả tiền chứ không qua hiệu trưởng, kế toán....", tài khoản Ngoc Le bình luận.

"Tốt nhất bỏ quỹ hội phụ huynh đi, nhà trường không lạm thu. Quỹ của lớp đóng phục vụ các con, mà cứ vào xén, bớt đi. Đề nghị Bộ Giáo dục thanh tra cả nước, cấm luôn quỹ hội phụ huynh. Ngày càng biến tướng rồi", độc giả Ta Van Khang thẳng thắn bày tỏ.

"Cần dẹp ngay ban đại diện cha mẹ học sinh ngay và luôn, ban đại diện chỉ là chịu tội cho hiệu trưởng trường mà thôi", "Hội phụ huynh học sinh là cánh tay nối dài cho trường để tận thu, nên dẹp ngay cái hội này", "Dẹp ngay và luôn ban đại diện phụ huynh học sinh đi cho chúng tôi nhờ"... nhiều người cũng có chung tâm trạng bức xúc khi nói về các khoản thu chi "trên trời" đầu năm của nhà trường.

"Tôi thấy giống cưỡng đoạt tiền của phụ huynh hơn là nói phụ huynh tự nguyện. Nếu có dấu hiệu thu chi trái luật thì nên mời công an vào cuộc điều tra đối với giáo viên và hội trưởng hội phụ huynh", tài khoản Toàn Lê nêu quan điểm.

Từ đó, nhiều người thắc mắc về việc nếu không đồng tình với các khoản thu, phụ huynh có quyền từ chối hoặc đòi lại tiền từ nhà trường không? Trong trường hợp có sai phạm, người đứng đầu nhà trường phải chịu trách nhiệm như thế nào?

Từ lùm xùm thu quỹ phụ huynh: Giống cưỡng đoạt tiền hơn là tự nguyện! - 2

Danh sách dự toán thu chi quỹ phụ huynh tại lớp Một 2, Trường Tiểu học Hồng Hà, quận Bình Thạnh, TPHCM gây choáng (Ảnh: PHCC).

Trách nhiệm trong việc quản lý thu chi tại nhà trường

Bình luận về vấn đề trên, luật sư Nguyễn Minh Long (Giám đốc Công ty Luật Dragon, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhìn nhận, pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về các khoản thu trong nhà trường cũng như về nghĩa vụ bắt buộc phải công khai rộng rãi nội dung tất cả các khoản thu - chi cũng như tình hình tài chính để phụ huynh được biết.

Tuy nhiên, có một văn bản dưới luật đã nêu lên vấn đề này, đó là Công văn số 4185/BGDĐT-VP của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong đó, mục 8 Công văn này quy định Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện đúng các quy định về quản lý thu, chi tài chính, công khai các khoản thu, chi đầu năm học.

Như vậy, theo văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các khoản thu, chi đầu năm cần được công khai. Tuy nhiên, ngoài quy định trên, không có văn bản nào nêu rõ việc công khai như thế nào và chế tài xử phạt nếu không công khai ra sao. Hơn nữa, đây cũng chỉ là một văn bản hướng dẫn, không mang tính quy phạm, do đó việc áp dụng sẽ còn nhiều hạn chế.

Đối với các khoản thu của nhà trường, ngoài những khoản cụ thể như học phí hay bảo hiểm y tế đã được quy định cụ thể thì các khoản thu thêm khác như tiền ăn bán trú, tiền học thêm, tiền lắp đặt cơ sở vật chất... đều là sự thỏa thuận giữa phụ huynh và nhà trường. Bởi vậy, khi có bất đồng quan điểm không thể thỏa thuận, phụ huynh có quyền yêu cầu nhà trường trả lại tiền.

"Do giao dịch giữa các bên là giao dịch dân sự, xuất phát từ sự bình đẳng và tự nguyện giữa phụ huynh và nhà trường nên khi cảm thấy có sự bất hợp lý trong các khoản thu, phụ huynh hoàn toàn có quyền không tham gia, hoặc nếu đã tham gia thì yêu cầu hủy bỏ, rút lại yêu cầu tham gia nếu việc sử dụng khoản tiền đó chưa được thực hiện.

Bên cạnh quyền đòi lại tiền, nếu có đủ giấy tờ, căn cứ cho thấy các khoản thu là không phù hợp hoặc được sử dụng sai mục đích thì phụ huynh có thể trình báo cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra và xử lý. Nếu có dấu hiệu vi phạm hành chính thì sẽ thực hiện xử lý theo quy định tại Mục 8 Nghị định 04/2021/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục", luật sư Long phân tích.

Từ kết quả xác minh của cơ quan có thẩm quyền, nếu xuất hiện tình trạng lạm thu hoặc chi không hợp lý thì tùy thuộc mức độ mà cán bộ nhà trường, đặc biệt là những người trực tiếp liên quan như hiệu trưởng, kế toán, sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Dưới góc độ hành chính, tùy thuộc hành vi, người vi phạm sẽ bị áp dụng chế tài theo Nghị định 04/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Dưới góc độ hình sự, trách nhiệm sẽ được xem xét tới việc xuất hiện những hành vi như khai khống thông tin, kê khống hóa đơn về giá nhằm chiếm đoạt phần tiền chênh lệch hay làm hóa đơn giả để tạo lòng tin cho phụ huynh. Tùy từng trường hợp cụ thể, những hành vi đó có thể bị xử lý về các tội khác nhau quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 như Tham ô tài sản, Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản hay Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

"Như vậy, nếu thực sự việc thu, chi tài chính trong trường học có sự sai phạm thì cha mẹ học sinh cần lên tiếng để làm rõ những sai phạm đấy là gì. Việc sai phạm diễn ra là do không tìm hiểu sâu về pháp luật hay nắm rõ nhưng cố tình móc nối để chiếm đoạt tài sản. Còn việc phải chịu trách nhiệm như nào trước pháp luật thì đã có cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra xử lý theo quy định của pháp luật", ông Long nhấn mạnh.