Tâm điểm
Phạm Hoàng Phương

Nước lũ ngập phố núi

Trong giai đoạn hiện nay, các đô thị vùng cao khu vực Trung du và miền núi phía Bắc đang có xu hướng ngập lụt diễn biến rất phức tạp, kéo theo đó là tình trạng sạt lở gây thiệt hại nặng nề.

Cơn bão Yagi vừa qua đã cho thấy rất rõ điều này. Do tác động mưa lớn của hoàn lưu bão và nước sông dâng, ngập lụt nặng đã xảy ra ở 20/25 tỉnh, thành miền Bắc, đặc biệt là hàng loạt các đô thị khu vực trung du và miền núi phía Bắc như Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Giang…

Nhiều nơi nước ngập lên nhanh, sâu từ 2m đến 4m, chia cắt và cô lập các khu dân cư, cản trở giao thông. Nước dâng nhanh trong đêm khiến nhiều người dân không kịp di dời tài sản gây thiệt hại khá lớn. Kèm theo đó là dông lốc và sạt lở đất nghiêm trọng. Ngay trước đó, trong tháng 8 năm nay, sau một vài trận mưa lớn, một số đô thị lớn như Hòa Bình, Sơn La cũng đã bị ngập nặng cho thấy đây không còn là tình trạng cá biệt.

Nước lũ ngập phố núi - 1

Phường Tân Phú (TP Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) là nơi ở của 400 hộ dân với khoảng 1.500 nhân khẩu, bị cô lập khi nước lũ dâng cao vào sáng 10/9 (Ảnh: Hữu Khoa)

Nguyên nhân của tình trạng trên là sự kết hợp đồng thời của nhiều vấn đề khách quan và chủ quan. Trong đó, nguyên nhân khách quan được chỉ ra bắt nguồn từ sự diễn biến phức tạp của khí hậu và thời tiết khắc nghiệt, đặc biệt là tình trạng dông bão kèm mưa lớn và kéo dài ngày càng bất thường. Như trong cơn bão vừa qua, nhiều khu vực có lượng mưa phổ biến 250 - 450mm, đặc biệt có nơi trên 550 mm. Mưa xối xả tập trung trong nhiều giờ (có nơi là 13h liên tục) dẫn đến quá tải cục bộ của hệ thống hạ tầng thoát nước đô thị.

Cùng với đó, do một số đô thị nằm cạnh các con sông lớn (như sông Cầu tại Thái Nguyên, sông Thao tại Lào Cai và Yên Bái…), khi lũ nước trên các con sông dâng rất nhanh dẫn đến tình trạng ngập úng. Như tại Yên Bái lúc 16h ngày 10/9, lũ lên mức 35,73m trên mức báo động 3 là 3,73m, vượt mức lũ lịch sử năm 1968 là 1,31m đã cộng hưởng gây úng ngập diện rộng cả trong thành phố Yên Bái và nhiều xã, huyện lân cận.

Ngoài ra, các đô thị có vị trí tự nhiên tại một số vùng đất thung lũng tương đối bằng phẳng, xung quanh bao bọc bởi các rãnh núi cao nên lượng nước từ trên cao dồn về khi có mưa lớn thường rất nhanh và lớn, ứ đọng gây ngập úng trên diện rộng.

Tuy nhiên, các nguyên nhân chủ quan mới là điều cần bàn. Đầu tiên, quan trọng nhất chính là công tác quy hoạch và quản lý đô thị chưa theo kịp với hiện trạng đô thị hóa nóng tại nhiều đô thị vùng cao dẫn đến quy hoạch dàn trải, can thiệp san gạt thô bạo vào địa hình tự nhiên làm mất đi độ dốc địa hình vốn có, cũng như giảm khả năng tự tiêu thoát nước tự nhiên theo địa hình của đô thị.

Phát triển đô thị nóng chưa được kiểm soát tốt dẫn đến bê tông hóa tràn lan, lấn chiếm ao hồ trong nội đô cũng làm giảm khả năng ngấm nước bề mặt và chứa nước cục bộ. Việc phát triển tràn lan khu dân cư, khu đô thị mới vào các vị trí trũng thấp, vốn trước kia là những khu vực chứa nước ngập hoặc hành lang thoát lũ của đô thị cũng làm gia tăng thiệt hại cho người dân khi đưa vào sử dụng, có thể cản trở hành lang và các trục tiêu thoát nước ngập đô thị.

Quy hoạch hệ thống hạ tầng đô thị thoát nước cũng còn yếu so với nhu cầu thực tế, đặc biệt là trước mức độ và tần suất các cơn bão có diễn biến phức tạp như hiện nay. Tác động của biến đổi khí hậu dẫn đến sự xuất hiện của các trận mưa lớn với xác suất xuất hiện 60 năm, tập trung trong thời gian ngắn, vượt quá thiết kế của nhiều hệ thống thoát nước đô thị.

Tình trạng chậm triển khai đầu tư xây dựng, duy tu bảo dưỡng hệ thống hạ tầng thoát nước, chống úng ngập vẫn còn khá phổ biến, không theo kịp với hiện trạng tốc độ phát triển xây dựng khu chức năng đô thị.

Một số đô thị chưa đồng bộ trong quy hoạch và xây dựng hệ thống đê, kè ngăn lũ, đặc biệt là tại các điểm xung yếu; chưa có sự liên kết với tổng thể toàn lưu vực sông ở quy mô liên đô thị nhằm tạo ra một kịch bản ngăn và tiêu thoát lũ hợp lý trên toàn vùng.

Nguyên nhân còn đến từ việc rừng, thảm thực vật tự nhiên trên các triền núi và đồi xung quanh đô thị đã bị khai thác cạn kiệt, bị suy giảm mạnh, cùng với địa hình dốc gây nên tình trạng lũ tập trung nhanh, dòng chảy lớn kiểu lũ ống, lũ quét với sức tàn phá rất lớn. Cây rừng suy giảm cũng dẫn đến khả năng cố kết đất kém, kéo theo tình trạng sạt lở đất nghiêm trọng.

Sau cùng, việc bắt buộc phải xả lũ khẩn cấp tại một số thủy điện như: thủy điện Tuyên Quang, thủy điện Thác Bà, thủy điện Sơn La… cũng khiến cho mực nước sông tăng rất nhanh.

Trong tình hình hiện nay, giải quyết các vấn đề nêu trên chắc chắn không phải là việc có thể làm trong một sớm một chiều. Trước hết, chúng ta phải có kế hoạch tổng thể và các giải pháp đồng bộ liên ngành theo từng giai đoạn trên phạm vi từng đô thị và liên tỉnh.

Công tác cảnh báo, dự báo về thời tiết cực đoan, lũ, ngập lụt trên lưu vực sông cần đi trước một bước. Một bản đồ dự báo ngập lụt, sạt lở đất cho đô thị và liên vùng trên cùng lưu vực sông, kèm theo kế hoạch phòng, chống sẽ là cơ sở tốt để ứng phó và giảm thiệt hại.

Điều quan trọng nhất là các địa phương cần triển khai quy hoạch phát triển đô thị theo hướng bền vững, hạn chế các tác động can thiệp thô bạo làm biến đổi điều kiện địa hình tự nhiên, hạn chế tình trạng bê tông hóa bề mặt đô thị tràn lan, giữ gìn các khoảng đất "thấm nước" cho đô thị; xác định rõ giới hạn phát triển mở rộng tối đa đô thị trên cơ sở hợp lý, hài hòa với điều kiện tự nhiên và nguồn lực nội tại.

Các tỉnh miền núi cần chú trọng việc bảo vệ và tái trồng rừng trên các sườn dốc trong và ngoài đô thị, để tăng khả năng điều tiết nước, giảm dòng chảy lũ, giảm lũ quét, lũ ống và sạt lở đất; hạn chế phát triển thêm các khu đô thị mới tại vị trí vùng thấp, vùng xung yếu; gia tăng hiệu quả hệ thống thoát nước theo độ dốc địa hình tự nhiên…

Quy hoạch phát triển cần chú ý tới bảo vệ các vùng đệm sinh thái, ao hồ tự nhiên trong và ngoài đô thị để phát huy vai trò trữ nước chống ngập.

Chúng ta cần đẩy mạnh nghiên cứu áp dụng các mô hình nhà ở dân cư có khả năng chịu ngập lụt, chống chịu gió bão theo đặc thù riêng trên cơ sở kế thừa các giá trị bản sắc kiến trúc nhà truyền thống.

Cuối cùng, việc cần làm là nghiên cứu hoàn thiện quy trình và quy chế phối hợp kiểm soát lũ, vận hành xả lũ liên thủy điện trên cùng một lưu vực sông, tránh các tác động lũ chồng lũ gây thiệt hại lớn cho hạ du.

Tác giả: Thạc sĩ, kiến trúc sư Phạm Hoàng Phương là chuyên gia nghiên cứu, lý luận phê bình về kiến trúc, quy hoạch và quản lý phát triển đô thị, với gần 25 năm kinh nghiệm; nguyên phó tổng biên tập Tạp chí Kiến trúc Việt Nam và hiện công tác tại Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng).

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!