Cẩm nang phòng, chống thiên tai cho người dân
Nhật Bản là quốc gia nổi tiếng về quản trị thiên tai. Một trong những cách làm của họ tuy không quá phức tạp nhưng đã chứng minh hiệu quả là biên soạn kịp thời tài liệu về những trận bão, động đất, sạt lở… diễn ra trong năm. Từ những hiểu biết này, trong hướng dẫn chương trình, Bộ Giáo dục Nhật Bản bổ sung nội dung về giảm nhẹ thiên tai.
Học sinh Nhật Bản được giáo dục về các thảm họa có thể xảy ra trong cộng đồng của các em và các biện pháp phòng, chống thảm họa ngay từ cấp tiểu học. Ở một số nơi, mỗi tháng, học sinh đều phải thực hành phòng, chống thiên tai.
Ở góc độ gia đình, mỗi gia đình được quận/sở cảnh sát phát cho một tập tài liệu về phòng, chống thiên tai. Trong từng gia đình lại có túi cứu nạn. Túi/ba lô cứu nạn gồm mũ, găng tay, đèn pin, bánh quy, 2-3 chai nước.
Đối với người nước ngoài đến Nhật Bản học tập, sinh sống, làm việc, du lịch thì được quận, phường, trường hoặc nơi làm việc phát cuốn "Sách cẩm nang phòng chống thiên tai và kiểm soát bệnh truyền nhiễm cho công dân nước ngoài". Như phiên bản người viết bài này tham khảo thì tài liệu này do thành phố Komagane biên soạn, xuất bản và phát hành. Cuốn cẩm nang này gồm 14 trang, nhiều hình minh họa.
Cuốn cẩm nang cung cấp những thông tin cơ bản về các dấu hiệu nhận biết loại thiên tai: động đất, bão, mưa lớn, sạt lở đất, thông tin thời tiết. Sau khi nhận ra những dấu hiệu của từng loại thiên tai, thì người dân cần chuẩn bị những gì khi đi sơ tán. Và sơ tán ở đâu? Tất cả những thông tin này vẻn vẹn mười bốn trang. Vì vậy, người đọc nắm bắt nhanh, dễ hiểu.
Ở Việt Nam, ngoài hệ thống văn bản quy phạm pháp luật như Luật phòng, chống thiên tai; Luật đê điều; Luật phòng thủ dân sự; thì chúng ta còn có kế hoạch phòng, chống thiên tai từ cấp xã, huyện, tỉnh, bộ và trung ương. Một số cơ quan chuyên môn đã ban hành các tài liệu về phòng, chống thiên tai. Ví dụ, như "Sách trắng về phòng, chống thiên tai năm 2023"; "Tài liệu hướng dẫn hoạt động đội ứng phó thảm họa trung ương", "Quy trình chuẩn trong ứng phó thảm họa"...
Các tài liệu nêu trên đều cần thiết, nhưng ở góc độ một người dân, tôi thấy đặc điểm chung của nhiều tài liệu là được biên soạn theo văn phong hành chính, nặng tính quản lý, báo cáo và… lưu hành nội bộ.
Một số tổ chức quốc tế tại Việt Nam như Oxfarm, Live&Learn đã đầu tư biên soạn, minh họa những cẩm nang phòng, chống thiên tai song do nguồn lực có hạn mà các tài liệu này chưa phổ biến rộng rãi đến cấp cơ sở, nhất là ở những tỉnh thành thường xuyên hứng chịu thiên tai.
Do đó, theo tôi, một trong số các vấn đề cấp bách đặt ra cho công tác phòng, chống thiên tai trong thời gian tới là biên soạn, phổ biến, hướng dẫn việc phòng, chống thiên tai tới các cơ sở giáo dục, từ trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông; đến thôn, bản, xã/phường, quận/huyện. "Chuẩn đầu ra" của việc hướng dẫn này là người học có kiến thức, kỹ năng cơ bản ứng phó với thiên tai.
Tôi đề xuất một số kiến nghị sau:
Thứ nhất, khẩn trương biên soạn ấn phẩm, cẩm nang/hướng dẫn phòng, chống thiên tai theo hướng nội dung cơ bản, thực tiễn, nhiều hình minh họa, dễ hiểu, dành cho đại chúng.
Thứ hai, các tỉnh thường xuyên có thiên tai, căn cứ vào bộ cẩm nang chung, tiến hành biên soạn, tập huấn cho phù hợp với địa lý, thổ nhưỡng, khí hậu, dân cư, dân trí của tỉnh của vùng. Ví dụ, hướng dẫn phòng chống thiên tai ở đô thị Hà Nội khác nông thôn, miền núi như Cao Bằng, Lào Cai và Yên Bái.
Thứ ba, sau khi các tỉnh thường xuyên có thiên tai biên soạn xong bộ tài liệu thì cần phát hành rộng rãi; Sở giáo dục và đào tạo các tỉnh đưa nội dung phòng, chống thiên tai vào chương trình giảng dạy phù hợp với các cấp học, các địa bàn dân cư để hướng dẫn học sinh có ý thức, kiến thức và kỹ năng cơ bản về phòng, chống thiên tai.
Thứ tư, cần biên soạn tài liệu, tập huấn cho từng đối tượng. Ví dụ tài liệu dành cho đối tượng thực hiện việc cứu trợ, cứu hộ, cứu nạn chuyên nghiệp được quy định trong luật như bộ đội, công an, dân quân tự vệ, lực lượng xung kích; tài liệu dành cho việc hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai trung hạn và dài hạn; tài liệu dành cho các đoàn tham gia cứu trợ thiên tai như người tình nguyện…
Ở Nhật Bản, tồn tại nhiều cuốn cẩm nang phòng, chống thiên tai từ cấp Trung ương, thành phố, trường học... Như hai tài liệu tôi tham khảo trong bài viết này là "Sổ tay phòng chống thiên tai dành cho người nước ngoài" ở thành phố Tsuruoka và Thành phố Komagane.
Những cuốn cẩm nang phòng, chống thiên tai kết hợp cùng chương trình tập huấn, thực hành có thể giúp nâng cao nhận thức, hiểu biết và kỹ năng phòng, chống thiên tai cho trẻ nhỏ và người trưởng thành. Kết hợp cùng các biện pháp phòng, chống thiên tai khác như lập pháp, dự báo, quy hoạch, cứu hộ, cứu nạn… thì chúng ta có thể giảm thiểu thiệt hại người và của khi thiên tai ập đến.
Tác giả: Ông Trịnh Minh Tuấn là người sáng lập Công ty cổ phần xuất bản và giáo dục Quảng Văn, Ehomebooks và Trung tâm nghiên cứu xuất bản - giáo dục IPER.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!