Hà Nội "quay lưng" với sông Hồng
Cơn bão Yagi khủng khiếp và lũ lụt sau đó đã gây nên bao đau thương cho người dân, bao thiệt hại về kinh tế. Dõi theo dòng thời sự, lắng theo những câu chuyện về khắc phục hậu quả bão lũ, tôi và mọi người đều có những phút thoáng suy tư về các bài học mà bão lũ để lại.
Những ngày qua tin tức về nước sông Hồng dâng cao gây ngập lụt nhiều khu phố ở Hà Nội khiến nhiều người hỏi thăm, làm tôi lại phải giải thích một hồi, rằng chỉ ngập những phố ở ngoài đê thôi, còn phố trong đê thì không sao. Giải thích rồi nhưng vẫn thấy một số người bạn ở nơi khác có vẻ chưa hiểu. Làm sao nói cho các bạn hiểu được cái chuyện "phố ở ngoài đê" của Hà Nội.
Rộng hơn nữa là chuyện Hà Nội ứng xử với sông Hồng. Dòng sông Hồng vĩ đại, sông Cái, sông Mẹ trong ngôn ngữ dân gian, đã làm nên sức sống cho thành phố. Dòng sông đã mang lại tên gọi cho thành phố - Hà Nội là thành phố ở trong sông. Tuy nhiên một hiện thực ai cũng nhìn thấy là ngày nay thành phố phát triển "quay lưng" lại với dòng sông. Nhà cửa ở sát bờ sông, rác thải xà bần đổ xuống lấn sông... Hà Nội đã thay đổi ứng xử với dòng sông Mẹ từ khi nào vậy?
"Nhất cận thị, nhị cận giang" đó là câu đúc kết từ xa xưa về chọn đất để làm ăn. Mua nhà ở gần chợ thì đúng rồi, sẽ thuận tiện làm ăn buôn bán. Nhưng còn "cận giang" - gần sông, để làm gì. Cũng chính là để thuận tiện làm ăn buôn bán. Ta nên nhớ lại phương tiện vận chuyển chủ yếu của ngày trước là thuyền bè.
Khi xưa đường bộ nhỏ hẹp gập gềnh, cha ông ta thường đi bộ và gồng gánh, lượng hàng mang theo ít, chỉ phù hợp cho đi chợ gần. Quân lính một số ít thì cưỡi ngựa, còn cũng chủ yếu là đi bộ. Quan chức thì ngồi kiệu, có người khiêng. Người già người ốm cần đi xa thì thuê phu khiêng đi.
Vận tải bằng thuyền vừa được nhiều mà lại rẻ. Phương tiện thủy lợi dụng sức nước, qua mạng lưới sông ngòi phong phú, đã làm nên mạch máu chính của lưu thông người và hàng hóa.
Trong một buổi trò chuyện về Hà Nội xưa, có cô phóng viên trẻ thắc mắc với tôi, "người Hà Nội xưa làm gì mà giàu thế hả chú". Tôi đã giải thích rằng người Hà Nội giàu có lên nhờ buôn bán, không phải buôn bán nhỏ lẻ kiểu hàng xén, mà là buôn lớn, buôn chuyến nên mới giàu. Người sống ở Hà Nội buôn được vì Hà Nội là trung tâm thương mại của cả vùng châu thổ. Người tứ xứ mang hàng đến Hà Nội bán, và cũng người tứ xứ cất hàng từ Hà Nội về.
Sông Hồng đã làm nên sự trù phú cho Hà Nội. Thuyền buôn từ các nơi mang hàng đến cập bến sông chỗ chân cầu Long Biên bây giờ, chuyển hàng vào chợ Đồng Xuân và các phố quanh đó bán. Phố bán hàng gì thì thành tên phố đó. Bến Nứa, Hàng Tre, Hàng Mắm, Hàng Chĩnh, Chợ Gạo, Hàng Cá, Hàng Đậu...
Bây giờ bạn nào có thời gian đi dạo phố cổ, đọc các biển tên phố thì thấy phố cổ ngày xưa đều hướng ra bến sông và quây xung quanh chợ Đồng Xuân. Một thành phố mở ra sông, lấy sông Hồng làm mặt tiền.
Ở cạnh sông thì thuận tiện buôn bán nhưng cũng khổ vì nước lên. Hà Nội xưa lâm vào cảnh khó xử, vừa dựa vào sông Hồng để buôn bán giao thương, nhưng cũng bị lũ lụt đe dọa hàng năm. Xem bản đồ Hà Nội thời xưa thì thấy sông nước còn nhiều. Hồ Gươm thông với sông Hồng, thuyền của vua Lê còn vào hồ tập trận. Chợ Đồng Xuân cũng có kênh rạch thông với sông để thuyền buôn vào bến dỡ hàng. Nước sông Hồng lên to thì chợ cũng ngập. Người phương Tây khi đến Hà Nội các thế kỷ trước đều mô tả nhà cửa của người dân đều bằng tranh tre, khá tạm bợ.
Sau này doi đất cao nhất bên sông dần xây dựng thành khu phố cổ như bây giờ. Khu vực Hoàng Thành không ở gần bờ sông hay ngập lụt, mà ở phía tây, phần đất cao nhất của Thăng Long xưa, gần núi Nùng. Tuy vậy sử sách ghi chép nhiều lần nước dâng, Hoàng Thành cũng bị ngập sâu. Đại Việt sử ký toàn thư ghi: "năm Hồng Đức thứ 2 (1491) mùa thu, tháng 8 mưa to đổ tường điện Kính Thiên, nước dâng lên 4 thước".
Sau khi Pháp chiếm miền Bắc, ngày 1/10/1888, vua Đồng Khánh ký chỉ dụ cắt toàn bộ huyện Thọ Xương và 1 phần huyện Vĩnh Thuận của tỉnh Hà Nội làm nhượng địa cho Pháp để Pháp thành lập thành phố Hà Nội. Người Pháp bắt tay vào quy hoạch lại thành phố, đã lấp đi phần lớn Hồ Gươm và các nhánh sông trong nội thành. Họ cũng lấp các cửa sông nhỏ thông ra sông Hồng, đặt các cống, đập như đập Phùng cửa sông Đáy, cống Chèm cửa sông Nhuệ, ngăn nước từ sông Hồng, không cho tràn vào gây cảnh lũ lụt cho Hà Nội .
Về giao thông, người Pháp mở mang quốc lộ, xây đường xe lửa, phát triển giao thông đường bộ. Các phương tiện cơ giới đường bộ chuyên chở khối lượng lớn và thuận tiện, nhất là không còn phải bốc dỡ kho bãi, nên dần thay thế đường thủy. Sông Hồng dần mất đi vai trò thông thương chính cho Hà Nội. Một cách rất tự nhiên các phố xá mới mở sau này lại hướng ra các quốc lộ hay nhà ga xe lửa. Hà Nội bắt đầu quay lưng lại với dòng sông Hồng từ đó.
Ở mọi nơi trên đồng bằng Bắc Bộ, làng mạc luôn nằm trong đê, nhờ con đê che chở bao bọc. Đất bãi là đất công, không của riêng ai cả, mỗi năm nước lên là ngập lụt, không ai ở. Thỉnh thoảng lắm mới có những người cùng đường phải ra bãi sông ở, lập nên xóm bãi, tách biệt với dân làng.
Hà Nội xưa cũng vậy, bãi sông không ai ở. Nhưng có một làng rất đặc biệt, là làng Phúc Xá ở ngoài đê từ bao đời nay. Các nhà nghiên cứu cho biết dân làng Phúc Xá vốn không phải ở ngoài bãi, mà gốc là làng An Xá ở mạn núi Nùng, khi Lý Công Uẩn dời đô ra Thăng Long, đã lấy chỗ đất cao ấy để xây thành, dân làng mất đất phải dạt ra sống ven đê hai bên sông Hồng bằng nghề chài lưới và đưa đò.
Nhà vua thương tình dân làng đã nhường đất xây kinh đô nên xuống chiếu ban cho dân làng không phải nộp các loại thuế như thuế ruộng dâu, thuế đưa đò.... Các đời vua sau cũng tiếp nối lệ ấy. Bài minh văn trên chuông chùa An Xá bên phía Bắc Biên Gia Lâm còn ghi sự tích. Tôi phải kể kỹ sự tích này để mọi người thấy sinh sống ngoài bãi ngày xưa là ngoại lệ, đất bãi sông chỉ là nơi để thoát lũ.
Sau năm 1954, đất bãi sông Hồng vẫn hoang vắng, ai thích ở thì ở. Người lao động ngoại tỉnh, ban ngày vào trong phố làm việc, tối về nhà ngoài bãi sông Hồng. Trong ngôn ngữ hàng ngày, phân biệt dân phố và dân bãi. Dân bãi thường là dân nghèo, lao động tự do, một số là dân giang hồ... nên cá tính mạnh, khá bạo liệt. Tới những năm 1980, sự phân biệt này còn khá rõ. Tôi năm đó đi dạy ngoài bãi chỉ có một va chạm nhỏ mà bị dân bãi đuổi đánh phải nghỉ dạy mất cả tuần.
Hồi đó nước lũ sông Hồng lên hàng năm nên ngoài bãi không ai xây dựng gì nhiều, nhà cửa cũng tạm bợ. Đất đai thì thường là "nhảy dù", ai chiếm được bao nhiêu thì chiếm, có mua cũng giá rẻ. Vì đất rộng nên Hà Nội đã "cắm" một số cơ quan ra ngoài bãi như trường trung cấp xây dựng, trung cấp Y, một vài khu tập thể... nhưng trong tâm lý ai cũng coi đó là cơ sở 2, không thiết tha gì.
Từ cuối những năm 1990, từ khi trị thủy sông Đà, nước sông Hồng không lên hàng năm nữa thì mọi người chợt nhận ra giá trị của đất bãi: Chỉ bước một bước chân qua đê là vào ngay quận Hoàn Kiếm. Đất bãi lúc này còn rất rẻ. Thế là đủ mọi tầng lớp đổ ra ngoài đê mua đất xây nhà, cái tiếng tăm dân bãi ngỗ ngược phai dần đi. Bây giờ thành phần dân cư có đủ, cán bộ, công chức... ngày ngày qua đê vào phố làm việc, chiều tối về nhà ngoài đê.
Dân cư tự phát xây nhà ngoài đê tăng lên chóng mặt. Thành phố lúng túng không biết xử lý ra sao. Khi đó ở trong đê, mạn Quảng Bá, nhiều nhà xây dựng bám sát mặt đê thì bị bắt phải phá dỡ, xây lùi vào cách chân đê 5 mét. Còn đằng này là xây dựng hẳn ngoài đê, trái luật rõ ràng, chưa biết xử lý sao, vì quá nhiều. Trong khi chính quyền còn lúng túng thì dân càng xây nhiều, đặt chính quyền vào sự đã rồi.
Cuối cùng chính quyền đã cấp sổ đỏ cho đất ngoài đê, đặt tên đường phố, đánh số nhà, công nhận sự hợp pháp của "phố ngoài đê". Nhà cao tầng kiên cố mọc lên san sát. Nhìn từ trên cao ta thấy khối nhà này kéo dài từ phía An Dương đầu đường Thanh Niên xuống tít phía Phà Đen, gần cầu Vĩnh Tuy, xóa sổ hoàn toàn bãi sông Hồng. Thì tất nhiên ta hiểu việc thoát lũ sông Hồng ở khu vực này chắc chắn sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng.
Cơn bão Yagi đã đánh thức tâm tư tôi, làm tôi phải nhớ về việc tại sao Hà Nội lại "quay lưng" với sông Hồng. Nhiều khi qua các biến cố này ta mới có thể phân tích sâu thêm về các quyết sách của thời kỳ trước, đúng sai đến đâu, nhất là đặt trong bối cảnh biến đổi khí hậu, khi các tình huống thời tiết cực đoan sẽ càng ngày càng nhiều lên.
Tác giả: Tiến sĩ, bác sĩ Quan Thế Dân tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội 1983, từng công tác điều trị và giảng dạy tại một số cơ sở y tế ở TP HCM và Hà Nội, sau khi nghỉ hưu hiện đang tiếp tục công tác trong lĩnh vực y tế tư nhân.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!