Tâm điểm
Nguyễn Lân Hiếu

Người Việt khéo tay hay làm, nhưng…

Vài năm trước tôi có thăm một xưởng chế tạo các dụng cụ can thiệp ở Boston, Massachusetts, Hoa Kỳ. Ông chủ là Việt Kiều sang Mỹ sau năm 1975 với rất nhiều năm làm cho Medtronic - một công ty sản xuất thiết bị Y tế lớn bậc nhất thế giới.

Khi tách hãng ra làm riêng, ông dựa vào kiến thức, sự sáng tạo và bàn tay khéo léo của mình để cải tiến, phát minh hay đơn giản là sửa những lỗi của sản phẩm mới bị phát hiện khi lưu hành trên thị trường. Các công ty lớn đều tìm đến ông để kiểm tra dụng cụ của mình hoặc tham vấn ý tưởng. Khởi nghiệp bằng sự khéo tay như vậy, ông đã có cơ ngơi riêng và giúp nhiều người lao động đồng hương của mình.

Đây không phải là trường hợp cá biệt. Tại Mỹ hơn 70% số kỹ sư làm stent, bóng, dây dẫn can thiệp động mạch vành, và đại đa số kỹ sư sản xuất dụng cụ bít lỗ thủng trong bệnh tim bẩm sinh (Amplatzer, Abbort) là người gốc Việt. Theo báo cáo của tổ chức nghiên cứu thị trường Mordor Intelligence, quy mô thị trường stent mạch vành toàn cầu ước tính đạt 7,41 tỷ USD vào năm 2024 và dự kiến sẽ đạt 9,13 tỷ USD vào năm 2029, trong đó thị trường lớn nhất là Bắc Mỹ. Vài số liệu để chúng ta thấy rằng chỉ riêng thị trường stent mạch vành đã có quy mô không hề nhỏ.

Vì sao người Việt có lợi thế trong ngành sản xuất các dụng cụ kể trên? Đơn giản vì các sản phẩm này đều làm bằng tay, đòi hỏi sự tỉ mỉ chính xác. Về khoản này không ai lại được người Việt Nam.

Người Việt khéo tay hay làm, nhưng… - 1

Quy mô thị trường nail ở Mỹ khoảng 8,36 tỷ USD (Ảnh minh họa: CV)

Các bạn sẽ hỏi bằng chứng đâu, xin thưa rất nhiều cộng đồng châu Á, châu Phi ... muốn cạnh tranh thị trường nail (dịch vụ chăm sóc móng tay, chân) của Việt Nam tại Hoa Kỳ, châu Âu nhưng đều thất bại. Sự khéo tay của người Việt cả nam và nữ trong nghề này đã được cộng đồng thế giới công nhận. Và quy mô thị trường nail ở Mỹ cũng không hề nhỏ, với mức chi tiêu hàng năm của khách hàng vào khoảng 8,36 tỷ USD.

Mấy hôm vừa rồi tôi có dịp đi tham quan Ulan Bato (thủ đô Mông Cổ) thấy nhiều nơi có biển hiệu sửa, độ xe của người Việt sinh sống tại đây. Theo ước tính có cả nghìn người Việt làm nghề này trong một đất nước có hơn 3 triệu dân. Các bạn Mông Cổ khẳng định người Việt Nam khéo tay lắm, người bản xứ không thể theo kịp về khoản này.

Nghe đến vậy, chắc các bạn cũng như tôi rất tự hào, nhưng trong thâm tâm sẽ hơi buồn vì chúng ta rất khéo tay, chăm chỉ, chịu học hỏi... tại sao chỉ trở thành những người thợ giỏi mà không phải nổi tiếng thế giới bằng những bằng phát minh, sáng chế.

Trong ngành Y tế, một cái dù bít thông liên nhĩ (dụng cụ dùng trong kỹ thuật can thiệp tim mạch) sản xuất hết có 50 USD nhưng bán ra trên thị trường thế giới đến cả nghìn USD, phần lợi nhuận lớn nhất sẽ rơi vào những công ty, con người nắm giữ bằng sáng chế. Đây là ví dụ trong ngành của tôi, các nghề khác chắc cũng như vậy.

Làm người thợ tốt, được trang bị kiến thức và có ý chí vươn lên chắc chắn nhiều người trong chúng ta sẽ có thể thành công như ông kỹ sư ở Boston mà tôi nhắc đến ở đầu câu chuyện.

Vấn đề đặt ra là nhà nước cần có chính sách gì để thúc đẩy những người thợ tốt vươn lên thành thầy, hỗ trợ họ trở thành chủ doanh nghiệp hoặc tự mình phát triển sản phẩm, thương hiệu. Các bằng phát minh, sáng kiến phải được trân trọng, khuyến khích cả vật chất và tinh thần. Người Việt phải tham gia sâu hơn và ở vị thế cao hơn trong các chuỗi giá trị toàn cầu. Theo cá nhân tôi đó mới là những giá trị thật để phát triển đất nước bền vững.

Tác giả: Ông Nguyễn Lân Hiếu là bác sĩ chuyên ngành tim mạch, Phó giáo sư, Tiến sĩ Y khoa; Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội; thành viên của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội khóa XIV, XV.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!