Phần của người Việt trong đôi giày Nike xuất khẩu
Lâu nay khu vực FDI thường đóng góp hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, đơn cử năm 2023 FDI đóng góp gần 260 tỷ USD trong khoảng 355 tỷ USD tổng kim ngạch xuất khẩu.
Trước sự áp đảo này của khu vực FDI, thời gian qua có nhiều ý kiến khác nhau về phần của Việt Nam được hưởng trong tổng giá trị xuất khẩu. Một số ý kiến cho rằng "phần của Việt Nam ít lắm, chỉ có 5%", "95% là của FDI, là nguyên vật liệu nhập khẩu, Việt Nam chỉ có chút nhân công, tiền điện nước, tiền đất, và bao bì đóng gói thôi".
Vậy sự thật như thế nào? Tôi đã thử tính toán chi phí sản xuất ở Việt Nam cho một số mặt hàng xuất khẩu mà tôi có đủ thông tin cơ bản, để mọi người cùng xem thực sự phần của Việt Nam được cỡ bao nhiêu % trong tổng giá trị xuất khẩu.
Đầu tiên là ngành dệt may. Theo công bố, ngành dệt may Việt Nam có 2,5 triệu lao động, năm 2022 xuất khẩu được hơn 43 tỷ USD, trong đó trên 37,5 tỷ USD hàng dệt may; khoảng 4,7 tỷ USD hàng xơ, sợi dệt; trên 800 triệu USD vải mảnh và vải kỹ thuật khác.
Chi phí hàng tháng cho một lao động dệt may là hơn 13 triệu đồng (bao gồm cả tiền tăng ca và tính trung bình cho cả chuyên gia nước ngoài, cán bộ, kỹ sư; cộng thêm tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; chi phí nhà xưởng, điện nước, công tác phí, tiền ăn trưa…). Như vậy tổng chi cho 2,5 triệu lao động dệt may là hơn 17,4 tỷ USD. Có thể thấy riêng chi phí cho người lao động trên tổng giá trị xuất khẩu ngành dệt may là khoảng 40,44% (17,4 tỷ USD/43 tỷ USD = 40,44%).
Nếu tính cả các chi phí khác tại Việt Nam, bao gồm các phần nội địa hóa như bao bì, nhãn mác, chi phí logistics, các loại thuế thì tỷ lệ Việt Nam được hưởng trên tổng giá trị xuất khẩu dệt may là hơn 43%.
Có thể thấy riêng ngành dệt may, phần của Việt Nam lên đến hơn 43% chứ không ít, không phải 5% như nhiều người vẫn nói.
Hai ngành khác có cấu trúc chi phí giống ngành dệt may, đó là ngành giày da và ngành túi xách, vali, mũ, ô dù, với tổng giá trị xuất khẩu năm 2022 là hơn 26,1 tỷ USD và 4,1 tỷ USD.
Tính cả 3 ngành: dệt may, giày da và túi xách, vali, mũ, ô dù, tổng giá trị xuất khẩu lên đến 73,38 tỷ USD, phần của Việt Nam lên đến hơn 43% trên tổng giá trị xuất khẩu.
Chắc nhiều bạn sẽ thấy vô lý: Tại sao phần Việt Nam lại nhiều thế nhỉ, Tây họ khôn lắm sao lại được ít như vậy?
Đúng, Tây khôn lắm, họ chiếm phần lớn giá trị, nhưng đấy là phần họ hưởng ở bên ngoài Việt Nam, từ chênh lệch giữa giá bán cho người tiêu dùng với giá khi xuất khẩu tại Việt Nam. Giá trị khi xuất khẩu mà Việt Nam thống kê chính là giá mà các hãng dệt may, giày da trả cho các nhà sản xuất, chẳng hạn như hãng giày Nike trả cho nhà sản xuất PouYuen. Lẽ tất nhiên là khi PouYuen xuất khẩu họ chỉ tính đúng giá trị mà họ được hưởng thôi.
Trong một đôi giày Nike bán ra 100 USD, Việt Nam chỉ được hưởng có 22 USD (22%). Điều này có mâu thuẫn không khi tôi nói phần của Việt Nam chiếm tỷ trọng hơn 43% trong tổng giá trị xuất khẩu cho ngành giày da?
Xin thưa rằng, không mâu thuẫn bởi đôi giày Nike khi xuất khẩu chỉ có giá 22 USD, còn 100 USD là giá bán ra ở các siêu thị, cửa hàng ở Mỹ và trên toàn cầu. Nên nhớ rằng giá khi xuất khẩu là giá thành sản xuất, còn giá bán phải cộng thêm rất nhiều chi phí khác ở bên ngoài Việt Nam.
Trong 22 USD giá khi xuất khẩu, phần chi cho lương công nhân, điện, nước, văn phòng, bao bì, tức phần của Việt Nam tôi tính gần 10 USD (tức gần 10%). Thế nên gần 10 USD trên 22 USD phải là hơn 43%, không thể là 5% được (chẳng ai tính 10 USD trên 100 USD, bởi khi tính tổng giá trị xuất khẩu chúng ta chỉ tính có 22 USD mà thôi).
Vâng, hơn 43% giá trị của đôi giày Nike khi xuất khẩu liên quan đến đóng góp của ngành dệt may vào GDP của Việt Nam, thế nên phải nói chính xác. Vậy 78 USD còn lại ai hưởng, xin thưa rằng hãng Nike hưởng, trong đó có 5 USD là phí vận chuyển, bảo hiểm và thuế hải quan, 8 USD là tiền marketing, 1 USD là tiền thuế thu nhập, 50 USD là chi phí bán hàng. Tại sao Nike được hưởng nhiều thế, bởi họ làm sản phẩm, họ xây dựng được một thương hiệu và quy trình sản xuất đồ thể thao đứng đầu thế giới.
Theo tính toán của tôi thì có những ngành tỷ lệ phần của Việt Nam còn lớn hơn. Đầu tiên là những mặt hàng của doanh nghiệp Việt Nam sản xuất và xuất khẩu. Theo báo cáo chính thức thì năm 2022 phần xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam là hơn 97,6 tỷ USD, chiếm trên 26% (năm 2023 chiếm trên 27%). Trong các mặt hàng doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu, thì các mặt hàng nông lâm sản, thủy hải sản, dầu thô, khoáng sản, gỗ và sản phẩm từ gỗ, mây tre, gốm sứ … là những ngành mà tỷ lệ nhập nguyên vật liệu từ nước ngoài rất thấp.
Để kiểm chứng cho tính toán này, tôi làm cách thứ hai là lấy số liệu từ cuốn "Niên giám thống kê năm 2022" của Tổng cục thống kê. Theo biểu số 175 (trang 502) thì tổng chi phí lương của các doanh nghiệp may mặc có kết quả sản xuất kinh doanh là 146.520 tỷ đồng. Cộng thêm tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế 21% lương, cộng thêm tiền chi phí nhà xưởng, điện nước, ăn ca, vận chuyển, đi lại, công tác phí cỡ 15% lương thì tổng chi phí cho người lao động là 199.267 tỷ đồng. Theo biểu số 166 (trang 449) thì doanh thu của các doanh nghiệp may mặc là 446.026 tỷ đồng. Như vậy chi phí cho người lao động của doanh nghiệp may mặc chiếm 44,68% doanh thu. Như vậy hai cách tính khác nhau cho kết quả gần sát nhau.
Ngoài ra có ít nhất hai ngành chưa hề đưa vào trong thống kê về xuất khẩu hàng năm, đó là ngành phần mềm và ngành sản xuất, phát hành game online. Lý do hai ngành này không phải là mặt hàng kiểu vật chất, có hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu như các hàng hóa truyền thống. Hai ngành phần mềm và game online, năm 2023 này mang về cỡ 8 tỷ USD xuất khẩu, là hai ngành mà giá trị của Việt Nam phải lên đến 80%-90%.
Đối với ngành điện thoại, máy tính, cách đây 10 năm thì đúng là phần của Việt Nam chỉ khoảng 5%. Đó là khi Samsung chỉ có 4 nhà cung cấp Việt Nam, khi ấy hầu hết linh phụ kiện đều nhập khẩu. Còn hiện nay từ 4 nhà cung cấp Việt Nam vào năm 2014, Samsung đã nâng dần lên 29 vào năm 2017, 200 vào năm 2018 và 306 vào năm 2023. Theo Samsung Việt Nam, với 306 nhà cung cấp Việt Nam đã đưa tỷ lệ nội địa hóa của Samsung Việt Nam lên đến 59%.
Tất nhiên trong 306 nhà cung cấp của Samsung Việt Nam thì chủ yếu là doanh nghiệp FDI (Hàn Quốc là chính), thế nhưng vẫn có nhiều doanh nghiệp thuần Việt Nam, chẳng hạn như công ty An Phú và công ty Bắc Việt cung cấp linh kiện nhựa, vỏ điện thoại và vỏ cho cục sạc; công ty An Phát cung cấp linh kiện; công ty điện tử HNT cung cấp camera trước và camera sau cho điện thoại; công ty Vinavit cung cấp bu lông, ốc vít; Công ty Manutronics cung cấp đĩa CD, DVD, CD-R….
Xin lưu ý rằng, có hai loại nhà máy sản xuất FDI ở Việt Nam. Nhóm một là các nhà máy của chính hãng như các nhà máy của Samsung, LG, Intel, sản xuất điện thoại, máy tính, tivi cho chính họ. Nhóm hai là các nhà máy sản xuất gia công cho hãng (Apple, Nokia, Sony, Xaomi, Microsoft) như Foxconn, Luxshare, Goertek.
Nhóm hai chỉ sản xuất gia công cho các hãng, nên thông thường họ chỉ được hưởng 20-30% giá trị trên giá bán đến người dùng cuối của các hãng (cho công đoạn sản xuất), chứ không được hưởng 100% như các nhà máy FDI nhóm một. Trong 20-30% đó, thì chi phí cho nhân công, điện nước, nhà xưởng, bao bì chiếm cỡ 10-15%, phần lương cho người lao động và các chi phí khác ở Việt Nam chiếm từ 10-15% còn lại. Các mặt hàng của nhóm hai này khi xuất khẩu họ chỉ tính đúng phần họ được các hãng trả, thế nên phần của Việt Nam sẽ có tỷ lệ lên đến 40-50%.
Với nhóm một, vì là hàng của chính họ, nên họ hưởng cả phần sản xuất lẫn phần thương mại nên khi xuất khẩu họ để giá trị cao hơn khá nhiều so với nhóm hai, dẫn đến tỷ trọng phần Việt Nam thấp, có thể ước lượng tổng phần của Việt Nam (với giá bán đến người dùng cuối) là gần 10%.
Như vậy, vấn đề đáng quan tâm hơn không phải là phần của chúng ta được bao nhiêu, mà phải thấy rằng việc loay hoay trong chuỗi giá trị sản xuất FDI không phải là lời giải để đất nước hùng cường.
Vậy vai trò của sản xuất FDI như thế nào? Theo tôi sản xuất FDI là để giải quyết việc làm cho hàng triệu, hàng chục triệu lao động nông nghiệp, nông thôn, miền núi chuyển sang sản xuất công nghiệp trong giai đoạn quá độ. Thêm nữa là chức năng đào tạo nguồn nhân lực sản xuất công nghiệp và học hỏi về công nghệ và kỹ năng quản trị sản xuất.
Việt Nam muốn hùng cường thì nhất định phải có nhiều sản phẩm mang thương hiệu Việt tầm cỡ thế giới, chứ không phải chỉ loay hoay trong chuỗi giá trị của các doanh nghiệp sản xuất FDI, loay hoay tìm cách được nhiều hơn con số gần 10 USD (hay hơn 22 USD) cho một đôi giày Nike.
Tác giả: Ông Đỗ Cao Bảo là cử nhân Toán điều khiển, Học viện kỹ thuật quân sự; từng làm việc tại Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu và Viện Khoa học Việt Nam. Ông Bảo là một trong những thành viên sáng lập Tập đoàn FPT, hiện là Ủy viên HĐQT Công ty Cổ phần FPT.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!