Tâm điểm
Nguyễn Thành Nam

Người Việt học giỏi Toán

Những người yêu môn Toán vừa kỷ niệm chặng đường 50 năm kể từ lần đầu tiên Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic Toán học quốc tế (IMO).

Đây là chặng đường mà các bậc tiền bối cùng bao thế hệ anh chị em khác, mà tôi cũng góp phần tham dự (dù bị trượt đội tuyển), tham gia đua tranh vào một cuộc thi trí tuệ quốc tế.

Người Việt học giỏi Toán - 1

Đội tuyển IMO Việt Nam năm 2024 chụp ảnh lưu niệm cùng hai thầy Lê Bá Khánh Trình và Nguyễn Chu Gia Vượng (Ảnh: MOET).

Cho đến giờ tôi vẫn thấy rưng rưng, xen lẫn kính phục khi nhắc tới các đàn anh: Hoàng Lê Minh, Vũ Đình Hòa, Tạ Hồng Quảng, Đặng Hoàng Trung, Nguyễn Quốc Thắng, chong đèn dầu làm Toán dưới những cánh rừng già Đại từ để tránh B52 Mỹ và lần đầu tiên tham dự IMO năm 1974 đã làm bạn bè quốc tế kinh ngạc.

Ngày ấy, trong bối cảnh cuộc đấu tranh thống nhất đất nước còn chưa kết thúc, theo sáng kiến của một số nhà Toán học, đứng đầu là Giáo sư Hoàng Tụy, được sự ủng hộ của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Việt Nam lần đầu tiên cử đoàn 5 học sinh tham dự kỳ thi Olympic Toán học quốc tế dành cho học sinh trung học tại Cộng hòa Dân chủ Đức.

Dẫn đoàn là hai nhà giáo Lê Hải Châu và Phan Đức Chính. Ngay trong lần đầu tiên tham dự, các học sinh Việt Nam đã gây bất ngờ lớn với thành tích xuất sắc 1 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc và 2 Huy chương Đồng.

Trong 50 năm qua, đội tuyển Việt Nam đã có 289 lượt học sinh tham dự IMO, mang về thành tích 69 Huy chương Vàng (xếp thứ 8 trong bảng xếp hạng tất cả các đội), 118 Huy chương Bạc, 84 Huy chương Đồng và 3 bằng khen. Thành tích cũng ra gì đấy chứ. Mặc bao người hoài nghi, ì xèo... IMO đã tạo ra một phong trào học Toán rộng khắp đất nước, thu hút niềm say mê khoa học của hàng triệu các bạn trẻ rất nhiều thế hệ.

Tôi vốn là con ngoan trò giỏi, từ bé đến lớn chỉ học chuyên Toán rồi làm Toán. Sau này khi phải làm kinh doanh, làm xuất khẩu phần mềm, những ngày đầu thật gian truân. Chúng tôi đúng như nhà quê ra tỉnh. Cái mình biết thì khách không cần. Cái họ cần thì mình không có. Tiếng Nhật thì mình không nói được. Tiếng Anh thì mình nói họ không hiểu.

Một khách hàng ở Dallas (Mỹ) đã nói: Nam đừng khoe thành tích thi toán quốc tế, mày bảo chúng mày thông minh hóa ra là bọn tao ngu à?! Một khách hàng ở Chicago (Mỹ), hất hàm: Tao dành 5 phút để nghe bọn mày trình bày có gì hơn Ấn Độ?

Chúng tôi thuê hẳn một giám đốc người Mỹ, hàng ngày cậu ấy lọc cho tôi danh sách những điều cần phải cải tiến ngay. Được một thời gian thì tôi không đọc nữa. Vì có đọc cũng chẳng sửa được. Làm mãi không tiến bộ, buồn nản vô cùng.

Đầu năm 2002, tôi từ Mỹ về, quá cảnh qua sân bay Đài Bắc. Ngồi đợi cùng có mấy cô gái Việt Nam. Họ nói chuyện vui với nhau ầm ĩ cả góc sân bay, làm tôi phải để ý. Hóa ra là họ đi làm giúp việc ở nước ngoài và đang chuẩn bị về nước. Tôi thấy thú vị, sao họ lại có thể lạc quan mà mình bế tắc thế này, nên mới bắt chuyện. Hỏi các em có phải cạnh tranh với ai khi ra nước ngoài làm thuê không, thì các em nói "Có chứ, nhiều, nhất là Philippines".

Hỏi bí quyết của các em là gì để cạnh tranh, thì không phải là khỏe mạnh hơn, chăm chỉ hơn, sạch sẽ hơn mà là "chúng em nấu ăn ngon hơn, hay chính xác là hợp khẩu vị hơn vì chịu khó nếm và gia giảm chứ ko cứng nhắc theo công thức như các bạn Philippines".

Tôi đã đem câu hỏi "thế mạnh cạnh tranh của người Việt là gì" hỏi trong hàng trăm trường hợp, từ diễn đàn quốc gia, giảng đường đại học đến bia hơi vỉa hè… chưa ai trả lời được. Và cho đến lúc nghe câu trả lời của các cô gái người Việt ở Đài Bắc thì tôi sững sờ.

Đúng là thế mạnh cốt lõi của mỗi cô gái Việt Nam, được mẹ, chị và hoàn cảnh rèn giũa từ bé. Như vậy muốn cạnh tranh toàn cầu, ta phải tìm ra được điểm mạnh của mình, chứ không chỉ chăm chăm đi khắc phục khuyết điểm.

Tôi về cứ trằn trọc mãi, không hiểu cái gì là thế mạnh cạnh tranh cốt lõi của các lập trình viên Việt Nam? Chứ cứ ngồi kiểm điểm, sửa khuyết điểm chắc mạt kiếp mới lên được. Anh em ngồi phân tích thế mạnh cốt lõi của mình không phải ở "C++, Java…", cũng không phải là sự chăm chỉ, cần cù, kỷ luật. Còn nói anh em ta thông minh, sáng dạ… nghe thấy ưng cái bụng, nhưng lại sợ bạn kiểm tra thì "lòi đuôi" ngay.

Cuối cùng, chúng tôi chốt 2 điểm là thanh niên trí thức Việt nam rất thích học cái mới và "sợ" Tây. Đây đều có thể trở thành thế mạnh cạnh tranh được.

Thích học cái mới thì mình cứ công nghệ mới mà làm. Gần đây có nhiều "món mới" như điện toán đám mây, blockchain, trí tuệ nhân tạo (AI)…

Sợ Tây thì ý thức tuân thủ tốt. Thế nên phải tổ chức công ty thật phẳng, bỏ qua mấy tầng lớp trung gian để nhân viên và khách "Tây" có thể trực tiếp tiếp xúc với nhau.

Từ một người học toán, tôi học thêm được những bài học từ cuộc đời như vậy.

Nhìn lại các bạn bè, anh chị em IMO của tôi, dù ở bất cứ cương vị nào, trong hay ngoài nước, đều là những minh chứng rõ ràng rằng, thời đại nào, công việc nào, trí tưởng tượng kết hợp với logic suy luận cũng đều hết sức cần thiết cho xã hội. Thời đại AI thì lại càng cần hơn nữa.

Nhìn lại chặng đường 50 năm, không thể phủ nhận là làn sóng học tập và đạt thành tích cao trong Toán đã ảnh hưởng tốt đến nhiều thế hệ học sinh phổ thông. Cho dù giờ có nhiều lựa chọn khác nhau thì Toán theo tôi vẫn nên là một trong những hướng chủ đạo cho giáo dục Việt Nam.

Học giỏi Toán không phải để khoe với thiên hạ, mà để làm cùng thiên hạ. Xưa các tiền bối nói: Cần có lãng mạn cách mạng. Nay, thiết nghĩ, cũng cần phải có lãng mạn Toán học.

Tác giả: Ông Nguyễn Thành Nam bảo vệ thành công luận án tiến sĩ toán tại trường Đại học Lomonosov, Liên Xô (cũ). Là một trong những người sáng lập Tập đoàn FPT, ông Nam từng giữ chức Tổng giám đốc Tập đoàn này; sau đó ông rời vị trí CEO FPT để thử sức ở lĩnh vực giáo dục, với khởi đầu là Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Đại học FPT. Ông Nam cũng được biết đến là người khởi xướng dự án đại học trực tuyến FUNiX.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!