Khen con dễ hay khó?
Hè đến gần, các bậc cha mẹ sắp nhận kết quả tổng kết năm học của con và chuẩn bị làm một điều quan trọng: khen con thế nào để tạo nên sức mạnh của sự khích lệ?
Ngày còn học lớp 5 ở quê, có lần, tôi dự tổng kết cuối năm xong thì háo hức cắp giấy khen cùng xấp vở phần thưởng chạy về nhà thật nhanh để khoe mẹ.
Tôi vừa chạy vừa nghĩ, mẹ sẽ vui lắm đây. Mẹ sẽ khen thật nhiều và thưởng cho tôi một ít tiền mua kem - thứ mà tôi ao ước đã lâu.
Về đến nhà, tôi chẳng thấy mẹ đâu, chạy ra ruộng thì thấy mẹ đang cặm cụi cấy lúa. Tôi đứng trên bờ ruộng với xấp phần thưởng thơm mùi giấy mới trên tay, gọi với: "Mẹ ơi, con được học sinh giỏi, con được thưởng". Mẹ từ từ ngước lên, rõ là mẹ vui ra mặt, nhưng lại bảo: "Thật sao? Trường có trao lầm cho con không đó?". Rồi mẹ lại cắm cúi cấy lúa tiếp.
Tôi hụt hẫng, không biết nói gì nữa. Đứng nhìn mẹ vài khắc rồi lủi thủi ôm phần thưởng đi vào nhà. Vùi mình trong chăn kín mít, tôi bỏ ăn trưa. Dưới mái tranh sột soạt tiếng chuột làm tổ, đã từng nghĩ ra một ý rất "ghê gớm": Khi người ta nghèo, người ta nghèo cả những lời khen.
Đó là một chuyện không lớn, nhưng tôi nhớ mãi cả đời. Qua từng tháng, từng năm, tôi cứ thắc mắc, tại sao mẹ không bao giờ khen dù chỉ một lời? Dù đứa con có ngoan đến mấy, có cố gắng đến đâu, mẹ cũng chẳng khen. Đã thế, còn nói một lời gây tổn thương?
Khi lớn lên, dần trưởng thành, tôi mới hiểu, việc ngày xưa mẹ không khen tôi là… bình thường. Mẹ tôi là mẫu số chung của các bà mẹ, nhất là bà mẹ quê thời ấy. Đó là những bà mẹ thương con vô điều kiện, có thể quên cả thân mình vì con. Và các bà mẹ ấy sẵn sàng la mắng khi con hư, nhưng tuyệt nhiên không khen con một lời nào. Bởi đơn giản, phụ huynh ở quê thời ấy không biết cách khen và cũng không dám khen. Họ vẫn son sắt một niềm tin rằng "thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi". Và dĩ nhiên, họ hiểu nhầm rằng "lời khen là ngọt bùi".
Như vậy, có thể thấy rõ, nhiều thế hệ người Việt lớn lên, không chỉ đói ăn mà còn "đói" cả lời khen. Khi không được khen, những mầm non đó phát triển trong rụt rè, sợ hãi, kém tự tin, khiến việc phát triển bản thân bị chậm lại đáng kể.
Ngày nay, những phụ huynh tiến bộ trong quan điểm giáo dục đều nhận ra rằng, con không thể thiếu sự khích lệ và nhiệm vụ của cha mẹ là phải biết học hỏi, trau dồi để nắm được phương pháp khích lệ con một cách hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn còn không ít phụ huynh chưa biết cách khen thế nào cho hợp lý, thậm chí… tự cảm thấy mắc cỡ khi khen con.
Chúng ta có thể thấy rõ, có không ít phụ huynh khen con một cách tự nhiên, dễ dàng, thường xuyên. Và cứ thế, con của họ tự tin, hạnh phúc khi trưởng thành từng ngày. Cũng có nhiều phụ huynh muốn khen con mà ngượng ngập, không nói nên câu. Vậy phải chăng, cha mẹ muốn khen con thì cha mẹ cũng cần năng khiếu? Không hẳn như vậy.
Thực tế, việc khen con một cách hiệu quả không khó như nhiều người e ngại. Chỉ cần để ý, tìm hiểu, học hỏi, rèn luyện là có thể làm tốt.
Cuối tuần qua, trong lúc đón con trai từ trường về, cậu bé lớp 10 của tôi thỏ thẻ: "Bố ơi, con có điểm kiểm tra Anh văn rồi, con được 9 điểm".
Tôi không khen vội, im lặng một lúc và hỏi "lần kiểm tra trước đó, con được mấy điểm, bố quên mất rồi?". "Dạ lần trước con được 7,5 điểm". "Vậy lần này con làm tốt hơn phần thi nào mà điểm cao quá vậy?". "Dạ lần trước con từng kể với bố rồi đó, con canh thời gian bị sai nên mấy câu cuối bị hết giờ, không làm kịp. Lần này con đọc qua hết một lượt tất cả các câu, chọn câu dễ để làm trước, vừa làm vừa canh giờ nên làm xong vẫn dư hơn 10 phút". "Con biết không, con vừa làm được một việc đáng giá hơn cả điểm 9, đó là con đã biết nhìn tổng quan về việc định làm, chọn chiến thuật khi làm và biết phân bổ thời gian hợp lý. Như vậy, điểm 9 của con rất cao và nó còn có ý nghĩa hơn cả điểm 9 thông thường".
Cậu bé hớn hở ra mặt, nhìn bố với ánh mắt long lanh. Tôi biết, con của tôi đang cảm thấy hạnh phúc và tự tin lên rất nhiều đối với lời khen này.
Tôi thấy cách khen này hiệu quả và có chiều sâu, giúp ích cho bé rất nhiều. Đó là khi con đạt một thành tích, không khen "con thông minh lắm", "con giỏi lắm" mà tìm hiểu sâu để khen một cách cụ thể về sự việc. Nếu khen chung chung, ngắn gọn và hời hợt, lời khen sẽ chóng trôi qua. Nhưng khi chúng ta tìm hiểu kĩ hơn, khen cụ thể từng chi tiết, con chúng ta cảm thấy chúng thực sự được quan tâm và được ghi nhận một cách rõ ràng.
Tôi có một anh bạn rất hay trong cách khen con. Anh ấy thường chủ động khen con trễ một nhịp. Hôm đó, con trai của anh bất ngờ rửa chiếc xe gắn máy cho bố. Dù thời gian rất dài trước đó, anh chỉ bảo đủ kiểu nhưng con chỉ rửa xe trong trạng thái như bị ép buộc. Anh về nhà, thấy chiếc xe bóng loáng được dựng ngay ngắn ở góc sân, nhưng anh vẫn vờ như không biết. Cậu con trai rửa xe xong hí hửng chờ bố về khen, nhưng chẳng thấy bố nói gì, ra chiều sốt ruột.
Đến bữa tối, người bố mới vui vẻ nhìn con: "Hôm nay bố cảm thấy vui vì con đã tự giác rửa khi thấy xe bẩn mà không đợi nhắc. Bố có lời khen dành cho con". Bữa ăn tối trở nên ấm áp và vui vẻ hẳn lên. Anh ấy chia sẻ với tôi: "Lời khen cũng như lời nhận xét, cần có một quãng dừng thì mới sâu và chạm được nhiều. Nếu gặp việc tốt mà khen ngay thì dễ trôi nhanh, không để lại cảm xúc gì nhiều. Làm sao để khen một lần, nhớ suốt đời mới gọi là khen có hiệu quả".
Nhưng anh bạn này cũng chưa "cao thủ" bằng một người chú của tôi. Ông ấy không khen trực tiếp mà khen qua "trung gian". Hôm con ông ấy đậu vào trường đại học danh giá, ông bảo riêng với vợ: "Ngày mai em gặp con, em hãy bảo rằng bố tự hào về con trai lắm, con trai đã rất chăm chỉ, cố gắng và đạt được thành quả xứng đáng". Lý giải cho việc khen "gián tiếp" này, ông chú của tôi giải thích: "Ở đời này, "tam sao thất bổn" nhưng thường là "thất bổn" theo hướng tiêu cực. Vì vậy, khi nghe người thứ 3 thuật lại câu chuyện mà lại câu chuyện khen mình, tức là "thất bổn mà tích cực", người được khen rất cảm kích. Lời khen, vì vậy mà có giá trị gấp nhiều lần".
Nếu không dành đủ tâm huyết và sâu sắc để khen con, phụ huynh rất dễ gặp những sai lầm phổ biến: Khen con một cách qua loa, chiếu lệ khiến con cảm thấy không được tôn trọng; khen chung chung khiến con cảm thấy "không biết bố mẹ đang thật sự khen mình điều gì? Có thật hay không? Một trong những lỗi khen chung chung phổ biến nhất là khen con thông minh. Điều này chẳng những không mang lại lợi ích mà còn gây hại.
Giáo sư Carol Dweck, nhà tâm lý học đến từ Đại học Stanford đã nghiên cứu chuyên sâu đối với 400 học sinh lớp 5, đã khuyên rằng, nếu bạn muốn khích lệ con mình thì hãy động viên, khen ngợi chúng vì đã nỗ lực hơn là khen chúng thông minh. Nếu tập trung vào sự thông minh, bạn sẽ vô tình tạo ra kiểu tư duy cố định cho con trẻ, khiến cho chúng nghĩ rằng tài năng và trí thông minh là chìa khóa thành công, từ đó đánh giá thấp tầm quan trọng của sự chăm chỉ.. Khen trẻ thông minh, những đứa trẻ đó sẽ trở nên "miễn cưỡng" khi phải chấp nhận rủi ro và dễ tổn thương khi thất bại
Như vậy, khi cha mẹ khen, đứa trẻ cần cảm nhận được rằng cha mẹ có quan tâm thật sự, có gần gũi, có thấu hiểu và khen chính xác, khiến đứa trẻ cảm thấy được khích lệ nhiều hơn. Mà khi có sự khích lệ, đứa trẻ đó sẽ tự tin và mạnh lên bất ngờ!
Tác giả: Ông Trần Triều là Giám đốc Công ty Vâm Concept Media; từng công tác tại báo Phụ Nữ TPHCM (2004- 2017).
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!