Sát cánh bên con
Những ngày qua, vụ việc hai bé gái bị bắt cóc ở khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ thu hút sự quan tâm của dư luận. Sau 42 giờ kể từ khi tiếp nhận trình báo về vụ mất tích, hơn 200 cán bộ, chiến sĩ từ nhiều đơn vị công an TPHCM đã vào cuộc và giải cứu thành công hai bé gái. Những ai quan tâm đến vụ việc đều thở phào.
Bắt cóc trẻ em dù không phải hành vi tội phạm thường xuyên xảy ra, nhưng nhìn lại các vụ việc trong thời gian qua có thể thấy động cơ và thủ đoạn phức tạp, gây áp lực lớn đối với lực lượng chức năng. Các vụ bắt cóc trẻ em đều để lại sự khủng hoảng tinh thần lớn với nạn nhân và gia đình, đồng thời gây nhức nhối đối với cộng đồng và tâm lý lo lắng cho những phụ huynh có con nhỏ.
Vụ việc hai bé gái bị bắt cóc ở khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ một lần nữa là sự nhắc nhở mọi người cần cảnh giác với các hành vi tội phạm có thể phát sinh vì nhiều lý do khác nhau, nhất là trong giai đoạn nền kinh tế còn khó khăn hiện nay.
Nhìn ra thế giới thì phòng, chống bắt cóc trẻ em là một công việc không hề dễ dàng với bất cứ quốc gia nào, vì nạn nhân thường là nhóm yếu thế (tuổi nhỏ, sự cảnh giác và phản kháng chưa cao…), trong khi đó đối tượng phạm tội lại muôn hình muôn vẻ và các chiêu lừa đảo ngày càng tinh vi, có những trường hợp xuất hiện yếu tố tội phạm xuyên quốc gia. Ở đây dưới góc độ phòng ngừa, thiết nghĩ các bậc phụ huynh nên chủ động trang bị cho bản thân cũng như con em mình những kiến thức và kỹ năng cần thiết. Dù đó chỉ là những biện pháp cơ bản, song nếu được thực hiện thành thói quen hàng ngày thì có thể phát huy hiệu quả cao.
Trước hết, bố mẹ và các con cần chủ động phòng ngừa bắt cóc, thất lạc khi đến nơi công cộng, khi tham gia các chương trình, lễ hội tập trung đông người. Thực tế cho thấy nhiều phụ huynh cho con đi chơi ở phố đi bộ, siêu thị, công viên… đã thất lạc con chỉ vì mất tập trung, sơ hở trong vài phút.
Một biện pháp được các chuyên gia khuyến cáo là dạy trẻ nhớ số điện thoại của bố mẹ, người thân và bình tĩnh phản ứng khi chẳng may đi lạc hoặc bị kẻ xấu kiểm soát. Còn nhớ việc bé trai 7 tuổi ở Hà Nội kể với bố là trong thời gian bị bắt cóc (tháng 8/2023) không dám ăn đồ tên bắt cóc mua vì sợ tẩm độc, cho thấy việc trang bị kỹ năng sống cho trẻ em rất cần thiết.
Khi đi học, các con đều có bảng tên như cách định danh để thầy cô, bạn bè nhận biết những thông tin cơ bản của con như họ tên, lớp học, trường… Vậy khi về nhà, cha mẹ có thể sáng tạo một bảng tên, một chiếc thẻ để con đeo khi cùng cha mẹ ra các địa điểm công cộng, nơi đông người, trong đó có những thông tin như tên của con, tên của cha mẹ, số điện thoại cha mẹ, và một dòng ngắn dễ thương, lịch sự như một thông điệp gửi gắm, ví dụ như "Nếu bé có vô tình đi lạc, xin liên hệ với chúng tôi nhé. Xin cám ơn".
Việc này theo tôi tuy đơn giản, nhưng lại có những công dụng hết sức thiết thực: người tìm thấy con em mình sẽ chủ động, thuận tiện hơn trong việc liên lạc với thân nhân; tiết kiệm thời gian của các bên; giảm áp lực từ phía lực lượng công an cũng như chính quyền địa phương; khiến đối tượng xấu có tâm lý sợ sệt, dè chừng "ra tay" vì biết phụ huynh có sự đề phòng, cẩn trọng,…
Việc đeo thẻ có thể lúc quên lúc nhớ. Tuy nhiên, có một vật dụng tiện lợi sẽ dễ "kề vai sát cánh" bên con em chúng ta. Đó là thiết bị định vị cá nhân. Ngày nay chúng ta dễ dàng gắn thiết bị định vị với chìa khóa ô tô, xe máy, ví hoặc hành lý… để đề phòng thất lạc. Vậy sao không mua dùng để "theo dõi" bảo vệ con em mình?
Chỉ với vài trăm nghìn đồng, cha mẹ có thể gắn thiết bị thông minh này vào những "chiếc ốp" dễ thương đa hình dạng, chất liệu được chọn lựa theo sở thích, rồi để trong túi quần hoặc lắp vào trong hay trên giày, dép các con, và khi cần thiết thì vị trí các con sẽ được thể hiện trên bản đồ vệ tinh.
Ngoài thiết bị công nghệ trợ giúp, trên hết cha mẹ phải dạy con những kiến thức thực tế để tránh bị dụ dỗ, bắt cóc. Tôi chợt nghĩ, không khó để thấy hình ảnh các con bây giờ chỉ vài tuổi đã có thể nói song ngữ, hay được huấn luyện, trau dồi nhiều bộ môn năng khiếu. Tuy nhiên, các con có thể chưa nhớ rõ địa chỉ nhà, hay số điện thoại cha mẹ, hoặc còn yếu trong phản xạ khi đối mặt với đối tượng xấu.
Do đó, như đã nêu trên, các bậc phụ huynh cần trang bị cho con em thêm nhiều kiến thức, kỹ năng để con tự tin và bình tĩnh hơn trong các tình huống như luôn nhớ tên cha mẹ, địa chỉ nhà, không tự ý nhận quà từ người lạ, không đi theo người khác mà không có cha mẹ ở đó, không tự ý cho người lạ vào nhà,…
Về phía cơ quan quản lý, tôi nghĩ có thể xây dựng một trang web chính thức trang bị kiến thức phòng, chống bắt cóc trẻ em và dữ liệu về các vụ việc được cập nhật theo thời gian thực (theo mô hình "lost and found", tạm dịch là trẻ em mất tích và đã tìm thấy).
Hiện nay, khi trẻ em bị lạc hoặc nghi vấn bắt cóc, ngoài những trang mạng xã hội thông dụng ở Việt Nam như Facebook, Tiktok thì gần như không có một trang chính thống, xác thực, được kiểm chứng nào để chia sẻ thông tin. Hiệu ứng lan tỏa, tương tác các bài đăng tìm trẻ lạc, mất tích, những hình ảnh thương tâm,… khắp các hội nhóm, diễn đàn trên các mạng xã hội có thể bị kẻ xấu lợi dụng để dựng chuyện, đăng tin giả nhằm câu like, câu view cho muôn vàn mục đích cá nhân như tăng tương tác bán hàng, lừa tiền quyên góp ủng hộ, bất chấp để được chú ý, nổi tiếng,…
Tạo một hành lang cho con trẻ từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới để các con an toàn, chúng ta bớt âu lo, cơ quan nhà nước bớt áp lực, tại sao không?
Tác giả: Chị Đặng Việt Trinh là cây bút trẻ có nhiều bài đăng ở các tờ báo, tạp chí trong nước; hiện là chuyên viên truyền thông trong lĩnh vực bất động sản và giáo dục.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!