"Khai tử" hộ khẩu giấy và tư duy chuyển đổi số
Sau hơn 70 năm tồn tại, cuốn sổ hộ khẩu giấy đã hoàn thành sứ mệnh của mình và chính thức bị "khai tử" từ ngày đầu năm nay. Toàn bộ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy sẽ không còn giá trị sử dụng. Thay vào đó là cách thức quản lý mới trên môi trường điện tử, tạo ra nhiều tiện ích cho người dân trong thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự
Trong thực tế, chúng ta biết rằng có những cái bỏ, chỉ đơn giản là…bỏ cơ học, không phản ánh nhiều về chiều sâu. Nhưng việc bỏ sổ hộ khẩu hoàn toàn không chỉ là bỏ một cuốn sổ vật lý gồm vài trang giấy, đó là quyết định rất khó khăn. Đúng hơn, đó là sự từ bỏ hay đoạn tuyệt với kiểu tư duy quản trị nhân khẩu học không còn phù hợp trong bối cảnh của thời đại số (digital) và cuộc cách mạng 4.0.
Cuốn sổ hộ khẩu đã trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, và trong thời gian dài nó gắn liền với người dân Việt Nam trong nhiều lĩnh vực đời sống chứ không riêng việc xác định nơi cư trú. Thời kỳ bao cấp, cuốn sổ hộ khẩu gắn với chuyện tem phiếu, chế độ lương thực, thực phẩm, rồi việc làm, học hành, điện nước… Sau này khi kinh tế thị trường phát triển thì sổ hộ khẩu còn gắn với các giao dịch dân sự, thủ tục hành chính.
Từ năm 1986, đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, hoạt động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước và định hướng XHCN.
Đường lối đổi mới đã nhanh chóng khơi dậy tiềm năng và sức sáng tạo của các loại hình kinh tế để phát triển sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, tăng sản phẩm cho xã hội. Trong lĩnh vực nông nghiệp, cơ chế khoán gọn đến hộ nông dân, thừa nhận hộ nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ ở nông thôn đã đánh dấu sự mở đầu của thời kỳ đổi mới trong nông nghiệp và nông thôn nước ta. Việt Nam từ nước thiếu lương thực đã trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới.
Trong hoạt động kinh tế, việc chuyển từ nền tảng duy ý chí của nhà quản lý trong lập kế hoạch, quyết định việc sản xuất và phân phối sản phẩm sang để thị trường thực hiện đúng chức năng vốn có là những bước đi đúng đắn dù không dễ dàng. Sau hơn 30 năm đổi mới, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều thành tựu của đất nước, như các vị lãnh đạo vẫn thường nói là "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".
Đi cùng với sự phát triển của đất nước, công tác quản lý kinh tế - xã hội cũng đã có những bước tiến dài. Tuy nhiên trong lĩnh vực quản lý cư trú thì cho đến cuối năm vừa qua, vẫn còn đó cuốn sổ hộ khẩu giấy như một hình ảnh của cách quản lý thủ công đã tồn tại mấy chục năm qua. Chính vì vậy, tôi cho rằng việc chuyển quản lý cư trú từ thủ công sang quản lý bằng điện tử, dựa trên nền tảng số lần này có thể xem là một "cuộc cách mạng".
Thế giới đã bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với chuyển đổi số là cốt lõi của phát triển. Ứng dụng chuyển đổi số vào quản lý kinh tế - xã hội vì vậy không chỉ để theo kịp sự phát triển mà chính là đi trước, mở đường cho phát triển. Việc chuyển từ sổ hộ khẩu giấy sang quản trị dựa trên nền tảng số là một bước tiến rất dài trong tư duy của cơ quan công quyền, là hướng đi đúng giúp loại bỏ những phiền phức, nhũng nhiễu hành chính không đáng có, và tiến gần hơn đến một nền hành chính, quản trị nhân khẩu minh bạch, thân thiện, hiệu quả, văn minh hơn.
Tuy nhiên một "lực" đã có quán tính mấy chục năm như sổ hộ khẩu giấy thì những ngày đầu "khai tử" sẽ không tránh khỏi những vấn đề phát sinh. Điều người dân và doanh nghiệp quan tâm, băn khoăn hiện nay là làm thế nào để cuộc sống "hậu hộ khẩu giấy" của họ thực sự thuận tiện hơn, đoạn tuyệt hoàn toàn với những sách nhiễu khi họ thực hiện các giao dịch dân sự cũng như thủ tục hành chính?
Theo tôi, trước hết, cần truyền thông hiệu quả để toàn xã hội có cách hiểu giống nhau về việc bỏ sổ hộ khẩu giấy và thay thế nó bằng nền tảng số trong việc quản trị cư trú, nhân khẩu và các giao dịch khác. Trên cơ sở đó, cơ quan công quyền cần nhất quán trong khi xử lý yêu cầu của người dân và doanh nghiệp có liên quan đến hộ khẩu. Mọi hành vi hay ý định sách nhiễu cần bị xem là chống lại nỗ lực đi đến sự tiến bộ, văn minh trong thực hiện quyền tự do cư trú của công dân cũng như việc đăng ký, quản lý cư trú.
Với căn cước gắn chip và cơ sở dữ liệu dân cư, chúng ta hãy học cách phục vụ người dân và doanh nghiệp ở các quốc gia phát triển, nơi tất cả dữ liệu công dân được số hóa, tích hợp và liên kết xuyên suốt nhất quán trong tất cả các lĩnh vực trên toàn lãnh thổ quốc gia. Khi cần thực hiện một giao dịch hành chính nào ở bất kỳ đâu, người dân chỉ cần cung cấp mã số định danh trên ID của họ. Việc tìm kiếm những dữ liệu còn lại thuộc phần việc của cơ quan chức năng.
Năm mới được bắt đầu bằng "cuộc cách mạng" hứa hẹn nhiều điều tốt đẹp hơn ở phương diện cá nhân lẫn đất nước. Vì thế, hãy cảm ơn sự "khai tử" sổ hộ khẩu giấy.
Tác giả: TS Đặng Ngọc Toàn là Giám đốc Trung tâm Phát triển Cộng đồng và Ứng phó Biến đổi Khí hậu Tây Nguyên (CHCC), thuộc Liên hiệp các hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!