Hành lang pháp lý với "chung cư mini"
Đến nay, mọi người vẫn còn bàng hoàng về vụ cháy chung cư mini tại số nhà 37 ngõ 29/70, phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân (Hà Nội) làm 56 người thiệt mạng và rất nhiều người bị thương, có gia đình không còn ai sống sót.
Sau khi điều tra cụ thể, công an kết luận về vụ cháy chung cư mini này có điểm xuất phát cháy ở tầng một do chập mạch đường dây dẫn điện vào bình ắc quy của xe mô tô sử dụng động cơ xăng. Từ đây, đám cháy bốc lên các tầng trên mà cư dân không có đường thoát hiểm.
Cuộc sống ở đô thị dễ mưu sinh hơn nông thôn, nhưng quy cách để đảm bảo an toàn cho cuộc sống lại phức tạp hơn nhiều. Cuộc sống đô thị luôn ở dạng "nén", mật độ người sinh sống khá cao. Để sinh sống, con người phải tìm chỗ cư trú, khi mức độ sống càng khá giả thì nơi ở càng phải an toàn và tiện lợi hơn.
Nước ta đang thực hiện giai đoạn cuối của quá trình công nghiệp hóa, tỷ lệ đô thị hóa ngày càng cao, nhưng cũng vì thế mà chất lượng đô thị chưa thực sự bảo đảm. Cách cư trú tại các đô thị nước ta cũng đã từng bước theo hướng phát triển của các nước công nghiệp. Cách sinh sống tại các nhà ở riêng lẻ kiểu khu dân cư nông thôn đã được thay thế dần bằng các nhà chung cư.
Từ năm 1998 đến 2004, các dự án chung cư còn được giao đất không thu tiền để khuyến khích đầu tư. Đến nay, các khu dân cư đô thị đều phát triển chủ yếu dưới dạng chung cư, gắn với hạ tầng hoàn chỉnh và các tiện ích công cộng phong phú. Phát triển xanh và thông minh đang làm cho chung cư có sức hấp dẫn ngày càng cao. Thế nhưng, đảm bảo an toàn cho cuộc sống chung cư vẫn là một thách thức khá lớn.
Các quy chuẩn phòng - chống cháy nổ tại các nhà chung cư đã được đặt thành vấn đề trọng điểm, từ khâu phê duyệt thiết kế nhà cho tới khâu lắp đặt các trang thiết bị cần thiết. Các chung cư cũng đã được kiểm tra và diễn tập phòng cháy, chữa cháy thường xuyên. Thế nhưng, nhiều vụ cháy ở các nhà cao tầng đã xảy ra, gây tổn thất lớn về người và của.
Mỗi lần có sự cố cháy nổ thì vấn đề an toàn lại được nhấn mạnh. Điểm yếu nhất lúc này là: Quy định về quy chuẩn kỹ thuật đảm bảo an toàn cho cuộc sống dạng nén ở đô thị đã có đầy đủ, nhưng thực hiện không đúng trước khi bán nhà cho dân đến ở. Nhiều cán bộ quản lý thường "nhẹ dạ cho nợ" để tiếp tục hoàn chỉnh dần. Nhà đầu tư xây chung cư thì cố "trì hoãn trả nợ" vì muốn lãi cho mình nhiều hơn.
Sau vụ cháy chung cư mini vừa qua, nhiều người đã có suy nghĩ rằng pháp luật về nhà ở cần quan tâm đến hình thức chung cư này. Nhiều người còn lớn tiếng cho rằng dự thảo Luật Nhà ở sắp được Quốc hội thông qua không có thuật ngữ pháp lý "chung cư mini" gắn với các quy định về giải pháp an toàn, phòng chống cháy nổ.
Trên thực tế, để khắc phục các tồn tại, hạn chế trong phát triển, quản lý, sử dụng loại hình nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ của cá nhân (chúng ta thường gọi nôm na là chung cư mini) thời gian qua, Điều 57 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) trình Quốc hội lần này đã quy định chặt chẽ hơn, như sau:
"Đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ của cá nhân, nếu có từ 2 tầng trở lên và có quy mô dưới 20 căn hộ để cho thuê thì phải đáp ứng yêu cầu về quy chuẩn xây dựng theo quy định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Loại hình nhà ở này cũng phải được thiết kế, thẩm duyệt phòng cháy, chữa cháy và thực hiện các biện pháp quản lý về an toàn phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy.
Trường hợp cá nhân xây dựng nhà ở từ 2 tầng trở lên để bán, cho thuê mua căn hộ, từ 2 tầng và quy mô từ 20 căn hộ trở lên để cho thuê đều phải lập dự án đầu tư và đáp ứng điều kiện làm chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở.".
Như vậy, so với pháp luật hiện hành thì Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã đưa ra các quy định cụ thể hơn nhằm đảm bảo an toàn cho loại hình nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ của cá nhân; điều kiện pháp lý cao hơn các quy định trước đây: Phải lập dự án đầu tư thay vì được miễn như trước đây đối với "nhà ở từ 2 tầng trở lên để bán hoặc cho thuê mua; nhà ở 2 tầng trở lên với quy mô 20 căn hộ trở lên để cho thuê"; và nhà đầu tư phải thỏa mãn các điều kiện để trở thành chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở.
Hơn nữa, chúng ta cần lưu ý rằng mọi thứ không thể đưa tất cả vào văn bản luật và nghị định, những quy định kỹ thuật chi tiết thường là các quy chuẩn kỹ thuật, được ban hành dưới dạng các thông tư.
Sự thực, Luật Nhà ở nào cũng quy định rằng "Nhà chung cư là nhà có từ 2 tầng trở lên, có nhiều căn hộ, có lối đi và cầu thang chung, có phần sở hữu riêng, và có phần sở hữu chung và hệ thống công trình hạ tầng sử dụng chung". Vậy thì nhà ở chung từ 2 tầng trở lên đều là chung cư. Khái niệm chung cư mini chỉ là cách gọi "thông tục" khi nghĩ rằng chung cư phải là cao tầng. Vì vậy, khái niệm "chung cư mini" cũng chỉ có nghĩa là chung cư cỡ nhỏ.
Giải pháp an toàn phòng - chống cháy nổ và các yêu cầu kỹ thuật khác được quy định chính thức tại Quy chuẩn kỹ thuật xây dựng chung cư. Những gì cần quy định bổ sung thêm cho chặt chẽ, đầy đủ có thể để dưới dạng một quyết định của Thủ tướng Chính phủ hoặc của Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Chúng ta không nên e ngại gì về các quy định pháp luật cần thiết; nhược điểm ở Việt Nam vẫn luôn là quản lý việc thực hiện các quy định đó như thế nào.
Mọi sự "nể nang" trong quản lý đều là nguyên nhân dẫn đến những thảm họa đối với cuộc sống chung cư. Trong vụ cháy chung cư mini vừa qua, lỗi của chủ sở hữu trong vận hành nhà chung cư mini này là một việc, nhưng lỗi của những cấp quản lý nào để chủ sở hữu chung cư làm sai là việc quan trọng không kém. Cần tìm ra và để họ phải chịu trách nhiệm trước những tổn thất sinh mạng và của cải của cư dân.
Tác giả: GS.TSKH Đặng Hùng Võ nguyên là Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ông được tặng thưởng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học - Công nghệ năm 2005 và được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cùng vào năm đó. Ông có nhiều đóng góp cho ngành quản lý đất đai Việt Nam, là người đặt nền móng cho việc xây dựng Luật Đất đai năm 2003.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!