Đã qua thời "chọn ngành dễ xin việc"
Một mùa thi nữa lại đến phần nào quyết định bước đường tương lai của hơn 1 triệu sĩ tử. Thống kê của ngành Giáo dục cho thấy đa số học sinh chọn con đường vào đại học. Tính riêng năm 2023, trong khoảng một triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT, hơn 546.000 em vào đại học, đạt tỷ lệ 53,1%.
Dĩ nhiên trong số hàng trăm nghìn em vào đại học đó, sẽ có một bộ phận rơi rớt dần vì nhiều lý do khác nhau. Em dừng cuộc chơi vì năng lực tiếp thu yếu, em thì thấy cuộc sống buồn tẻ vô vị của những cử nhân khóa trước, cá biệt có sinh viên bỏ học chỉ vì không thể thanh toán mấy khoản trà thuốc của những buổi lê la quán xá…
Dù sao bộ phận rơi rớt chỉ là thiểu số, phần lớn các em sẽ nỗ lực theo nghiệp đèn sách cho đến khi ra trường, đi làm hoặc học tiếp lên thạc sĩ, tiến sĩ. Khi các em và gia đình chọn trường đại học, chọn ngành học đã chứa đựng trong đó quyết định về lựa chọn công việc trong tương lai. Có nhiều yếu tố quyết định đến việc lựa chọn này, trong đó thường có hai yếu tố là "ngành dễ xin việc" và "có người quen trong ngành".
"Ngành dễ xin việc", khái niệm này dựa trên những chỉ số cụ thể của ngành nghề nào đó đang và có thể sẽ tiếp tục thịnh vượng. Tại thời điểm đưa ra quyết định lựa chọn thì có thể các vị phụ huynh và các em không sai, chỉ có điều, cuộc sống luôn vận động, ngành "hot" khi quyết định theo học lại "nguội" khi ra trường. Đây là chuyện không hiếm và chắc sẽ ngày càng phổ biến hơn với xu hướng phát triển, biến động của xã hội và của khoa học công nghệ hiện nay.
Chắc chắn những người đang ở vào lứa tuổi 40 đều nhớ rõ vị thế của những kỹ sư công trình giao thông tốt như thế nào vào khoảng 20 năm trước; khoảng 15 năm trước của những cử nhân tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh và tin học… Nhưng đến nay thì thời thế đã thay đổi đáng kể. Đây là câu chuyện không riêng của thị trường lao động Việt Nam. Chẳng hạn như ở Hoa Kỳ - quốc gia hàng đầu thế giới về công nghệ thông tin - theo số liệu của Layoffs.fyi (trang web theo dõi tình trạng sa thải lĩnh vực công nghệ), trong năm 2023 có hơn 238.000 chuyên gia công nghệ thông tin bị sa thải, trong khi chỉ vài năm trước, lĩnh vực này vốn được coi là "cái thùng không đáy hút nhân lực".
Tư duy "ngành dễ xin việc" là định hướng đúng, tuy nhiên nếu chỉ có như vậy thì sẽ là không đủ. Bởi lẽ xác định chính xác ngành dễ xin việc sau khoảng thời gian từ 4-5 năm trong bối cảnh hiện nay là không hề đơn giản, nếu không muốn nói là bất khả thi.
Tư duy "có người quen trong ngành" tại Việt Nam là một thực tế. Nhưng cũng cần lưu ý rằng khi chất lượng làm việc tại doanh nghiệp được lượng hóa, thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn, các mệnh lệnh hành chính trong bố trí nhân sự sẽ dần không còn là ưu tiên, mà ưu tiên nằm ở chất lượng, hiệu quả của nhân sự. Với các cơ quan hành chính sự nghiệp cũng vậy, yêu cầu về trình độ không ngừng được nâng cao, các cuộc thi viên chức, công chức đang ngày càng chặt chẽ và minh bạch hơn.
Chính vì tư duy theo kiểu truyền thống "ngành dễ xin việc", hay "có người quen trong ngành", nhiều bố mẹ có xu hướng quyết định thay cho con trong việc lựa chọn bước đường tương lai, và không thực sự tìm hiểu, lắng nghe ý kiến của con em mình. Thực tế này dẫn đến trường hợp "nổi loạn" ở không ít gia đình.
Tôi từng biết một cô bé được sinh ra trong gia đình rất thành đạt, cô bé học giỏi tới mức trở thành á khoa của một khoa có điểm chuẩn cao nhất của Trường đại học Bách khoa. Vậy mà khi chưa hết học kỳ I của năm đầu, bạn đó mới tâm sự với mẹ rằng, thực ra không muốn vào học ngành khô khan và có vẻ như không dành cho phái yếu, nhưng vì để chiều theo mong muốn của bố mẹ và để chứng minh cho bố mẹ biết rằng "mình không phải loại vừa" nên mới chọn Bách khoa. Và sau khi cả nhà "biết con là ai" rồi, việc cần làm ngay là "cho con chuẩn bị năm sau thi vào trường mỹ thuật công nghiệp", bởi nghệ thuật tạo hình mới là đam mê thực sự của cháu.
Lại nữa, trong một lần gặp một nhóm các bạn năm 3 khoa Báo chí của một trường danh tiếng tại Hà Nội, tôi mới biết, "được đi khắp nơi, ngày nào cũng gặp yếu nhân, được phổ biến tới xã hội cảm xúc và quan điểm của mình" đã làm các em lóa mắt khi chọn nghề.
Nếu như khi chọn nghề, các em biết được rằng, bản thảo bài viết nào cũng đẫm mồ hôi và hàng ngày, hàng giờ phải chống chọi với biết bao thứ cám dỗ vô hình cũng như hữu hình của nghề này, thì ngày ấy có lẽ không ít người trong số các em đã đưa ra quyết định khác.
Trước sự hồn nhiên, trong sáng của các bạn đang trong giai đoạn đẹp nhất của cuộc đời, tôi đã không dám tiết lộ chuyện có không ít những nhân viên bán hàng mỹ phẩm, bán bảo hiểm hay nhân viên kinh doanh của khối khách hàng cá nhân của các ngân hàng thương mại, cũng đã có những tháng ngày ôm mộng đẹp "được đi khắp nơi, ngày nào cũng gặp yếu nhân…".
Với các em, có lẽ trong lúc quệt mồ hôi khi bê thùng hàng, hoặc đối mặt với lời từ chối thứ 50 trong tháng từ khách hàng sẽ chợt bàng hoàng khi trong trí nhớ mơ hồ đâu đó những khái niệm về lý thuyết truyền thông, về lịch sử báo chí… chợt hiện về cùng nụ cười đắng chát trên môi. Chuyện cơm áo gạo tiền của công việc "tạm thời" cho đến ngày ra trường của các em, có lẽ đã bịt kín đường về với định hướng ngày vào đời!
Sự khắc nghiệt của thị trường lao động không chỉ đến từ những gì chúng ta đã biết, mà còn là những gì chúng ta chưa biết. Theo nhận định của IFTF (Viện nghiên cứu về tương lai tại Hoa Kỳ) có tới 85% công việc vào năm 2030 vẫn chưa xuất hiện.
Vậy làm thế nào để các em không tự điền thêm tên mình vào danh sách những người thất bại? Làm thế nào để hạn chế rủi ro trong lựa chọn hướng đi cho tương lai?
Tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi trên là vô cùng khó khăn. Nếu nói rằng đã hết thời "chọn ngành dễ xin việc" thì có lẽ hơi cực đoan. Nhưng rõ ràng cần những cách tiếp cận mới và linh hoạt hơn.
"Cẩm nang chọn nghề" vẫn phải dựa trên năng lực bản thân và sở thích cá nhân, nhưng điều cần lưu ý là xây dựng cho mình "năng lực mở" chứ không phải "năng lực đóng kín". Nghĩa là phải có trình độ ngoại ngữ, trình độ chuyên môn, hiểu biết về kinh tế - xã hội và làm chủ kỹ năng mềm (giao tiếp, quản lý thời gian, làm việc nhóm...) để có thể theo đuổi công việc phù hợp với chuyên môn hiện có hoặc thay đổi, dịch chuyển ngay khi cần thiết. Khả năng thích nghi với các thay đổi và linh hoạt trong tư duy là yếu tố quan trọng để thành công trong môi trường làm việc hiện đại.
Chọn một nghề nghiệp mà bạn thực sự yêu thích và đam mê sẽ giúp bạn duy trì động lực và cảm hứng làm việc, nhưng tuổi trẻ đừng quá phụ thuộc vào "đam mê". Bởi một công việc mưu sinh cần chuyên môn, cần kỷ luật để đi đường dài hơn là cần đam mê.
Việc nghiên cứu và nắm bắt các xu hướng mới của thị trường lao động là cần thiết. Tuy nhiên, một lần nữa chúng ta nên "cảnh giác", liệu những ngành nghề đang "hot" hiện nay như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và năng lượng tái tạo… có còn "hot" trong tương lai 5-10 năm nữa. Và đặc biệt khi nhiều người học những ngành này thì thị trường lao động ở các lĩnh vực đó sẽ có sự cạnh tranh cao.
Nếu nhìn nhận đời làm việc của một con người như một dự án, thì hoàn tất định hướng được coi như xây dựng kế hoạch, bước tiếp theo là tích lũy năng lực để triển khai kế hoạch. Bước này, bất kể người tiếp tục theo học đại học để trở thành cử nhân hay người chuyển qua học nghề để nhanh chóng tự chủ cuộc sống, đều cần thái độ học tập và rèn luyện kỹ năng cho mình một cách hết sức trách nhiệm.
Học tập liên tục giúp bạn thích nghi với những thay đổi của thị trường lao động. Kiến thức và kỹ năng là của mình, nó không mất đi cho dù ngành nghề nào đó thăng trầm hay biến mất.
Tác giả: Ông Tô Ngọc Doanh có gần 30 năm công tác trong lĩnh vực báo chí, hiện là chuyên gia Truyền thông và Thương hiệu ngành ngân hàng.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!