Cục Đường bộ Việt Nam lên tiếng về "Ma trận" biển báo giao thông
(Dân trí) - Đại diện Cục Đường bộ Việt Nam cho rằng đối với những biển báo giao thông bất hợp lý mà báo Dân trí phản ánh, Cục sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý dứt điểm các bất cập này.
Đã bao giờ bạn cảm thấy lạc lõng và hoang mang trước những biển báo giao thông khó hiểu trên đường? Đã bao giờ bạn phải vò đầu bứt tai để đoán ý của những biển báo giao thông "kỳ quặc"?
Liệu có khi nào bạn "dính" oan ức vì những biển báo giao thông? Nếu câu trả lời là CÓ, thì bạn không hề đơn độc!
Trong suốt thời gian vừa qua, chúng tôi đã nhận được nhiều phản ánh từ bạn đọc về tình trạng "loạn" biển báo giao thông trên nhiều tuyến đường. Những biển báo treo như đánh đố, mập mờ, thậm chí là khó hiểu không chỉ gây khó khăn cho người tham gia giao thông mà còn tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến những vụ tai nạn đáng tiếc.
Chính vì vậy, chúng tôi quyết định thực hiện tuyến bài "Ma trận" biển báo giao thông" - nêu rõ thực trạng này. Chúng tôi sẽ cùng bạn đọc "điểm mặt chỉ tên" những biển báo bất hợp lý, phân tích những bất cập trong hệ thống giao thông và đưa ra những giải pháp thiết thực để cải thiện tình hình.
Hy vọng rằng, tuyến bài này sẽ góp thêm tiếng nói để các cơ quan chức năng sớm vào cuộc, xử lý dứt điểm tình trạng "loạn" biển báo giao thông, mang lại sự an toàn và thuận tiện cho người tham gia giao thông.
Kính mời bạn đọc cùng theo dõi!
Liên quan đến phản ánh về "Ma trận" biển báo giao thông mà báo Dân trí thực hiện thời gian qua, tối 16/2, trao đổi với phóng viên, đại diện Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, đơn vị đã tiếp nhận các thông tin mà báo phản ánh và giao cho các cơ quan được phân cấp kiểm tra, xử lý.
Theo vị này, việc lắp đặt biển báo bổ sung không phải do mình Cục Đường bộ Việt Nam thực hiện. Để làm việc này phải có sự phản ánh của Ban an toàn giao thông các địa phương hoặc kiến nghị của lực lượng công an nhằm đảm bảo an toàn giao thông.
Đối với các biển báo giao thông có thêm biển phụ bằng chữ, số "lí nhí", biển hạn chế tốc độ khiến tài xế phân tâm, "quáng gà" vị đại diện cho biết, các loại biển này đều đã có quy chuẩn.

Biển báo giao thông kèm theo biển "Chỉ dẫn phương tiện" với những dòng chữ "lí nhí" tại quận Hà Đông, Hà Nội (Ảnh: Nguyễn Hải).
Trong đó, biển báo giao thông lắp đặt trên cao tốc sẽ to hơn so với quốc lộ do hành lang ở đường quốc lộ nhỏ hơn, các phương tiện lưu thông chậm hơn.
"Mục tiêu tối thượng là hướng tới người sử dụng nhưng chúng tôi đang gặp khó ở việc nếu biển báo mà to, rộng lại vượt chuẩn và cắm trên hành lang sẽ gây vướng", vị đại diện Cục Đường bộ phân trần.
Vị này khẳng định, quá trình thực hiện cắm biển báo giao thông là phù hợp với các tiêu chuẩn, quy định nhưng trong thực tiễn có thể xảy ra các trường hợp bất cập mà báo Dân trí đã phản ánh.
Trong thời gian tới, Cục Đường bộ sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để có thể xử lý dứt điểm các bất cập này.
Thời gian qua, báo Dân trí đăng tải loạt bài "Ma trận" biển báo giao thông, phản ánh tình trạng các biển báo bất hợp lý, bị che lấp, đánh đố người tham gia giao thông.
Theo đó, tại Hà Nội cũng như các tỉnh, thành trên cả nước người dân không khó để bắt gặp các bất cập về biển báo giao thông hoặc biển bị che khuất, chữ "lí nhí",... biển giới hạn tốc độ với nhiều con số khiến tài xế phân tâm, "quáng gà".