Bốc thăm mua nhà ở xã hội: "Giấc mơ" của người thu nhập thấp
Sau thời gian dài triển khai loạt bài điều tra về những góc khuất liên quan đến nhà ở xã hội, tôi đã chứng kiến rất nhiều những hoàn cảnh khó khăn mà giấc mơ lớn nhất cuộc đời họ là mua được một căn hộ nhỏ diện nhà ở xã hội để an cư. Nhưng, dù có đầy đủ điều kiện thì cơ hội để giấc mơ của họ trở thành hiện thực vẫn rất thấp.
Một trong số những người tôi gặp là anh Tuấn ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Anh Tuấn năm nay 41 tuổi, hai vợ chồng làm công nhân, tổng thu nhập của gia đình mỗi tháng 15 triệu đồng, nuôi hai con ăn học.
Cưới nhau đã 16 năm nhưng họ vẫn phải ở nhờ nhà bố mẹ, chưa từng sở hữu nhà và luôn thường trực giấc mơ có chỗ an cư.
Thu nhập thấp lại nhiều khoản phải chi nên mỗi năm, cố gắng lắm vợ chồng anh Tuấn mới tiết kiệm được gần 20 triệu đồng. Trong 16 năm họ dành dụm được khoảng 300 triệu đồng, gần đủ 30% đặt cọc cho một căn nhà ở xã hội diện tích tầm 65m2. Khi nghe tin có cơ hội mua nhà ở xã hội NHS tại phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, vợ chồng anh Tuấn khấp khởi hy vọng.
Sau 3 lần lên xã xin xác nhận đủ các loại giấy tờ cần có trong hồ sơ để mua nhà ở xã hội như: giấy xác nhận về đối tượng và thực trạng nhà ở (thu nhập dưới 11 triệu đồng/tháng và chưa từng sở hữu nhà ở); xác nhận thường trú; xác nhận tình trạng hôn nhân; ảnh thành viên trong gia đình; giấy tờ ưu tiên..., anh Tuấn vội vàng nộp hồ sơ từ 28/3 cho dù đến 11/5 mới hết hạn.
Ngày 20/5, anh Tuấn dậy từ 2h sáng, chạy xe máy đến sân vận động Cầu Giấy (Hà Nội) lúc 3h và chờ đến tận 11h trưa để bốc thăm.
Tổng số người bốc thăm tại dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn là gần 1.500 người, nhưng chỉ có 149 căn nhà, tỷ lệ "trúng" là gần "1 chọi 10".
Dù rất hy vọng mình sẽ rơi vào số ít may mắn bốc trúng một căn nhà ở xã hội tại dự án này, nhưng cuối cùng, anh Tuấn cùng hơn một nghìn người khác phải ra về "tay trắng" sau một ngày trời vật vã dậy sớm và đi bốc thăm, chờ đợi giữa trời nắng gắt.
Họ lại tiếp tục gieo hy vọng ở những dự án nhà ở xã hội khác và khả năng cao sẽ tiếp tục phải thất vọng ra về như hôm nay. Lý do đơn giản là nguồn cung nhà ở xã hội rất ít trong khi nhu cầu rất lớn. Đó là chưa kể, trong khi miếng bánh nhà ở xã hội vốn đã bé lại có những đối tượng dùng "thủ đoạn" để sở hữu nhà ở xã hội dù không đúng quy định, khiến cơ hội tiếp cận của những người đủ điều kiện như gia đình anh Chiến càng xa vời hơn. Ngoài ra, không ít trường hợp vì muốn hiện thực hóa giấc mơ an cư của mình mà bị kẻ gian lừa đảo, lâm vào cảnh tiền mất còn nhà thì chưa thấy đâu.
Tại dự án nhà ở xã hội Thượng Thanh, Long Biên (Hà Nội), tôi đã phát hiện trường hợp nghi vấn dù chưa đủ điều kiện nhận hồ sơ nhưng vẫn nhận là người của chủ đầu tư sẵn sàng thu tiền cọc cả trăm triệu đồng với cam kết chắc chắn... có nhà? Thậm chí có đối tượng sẵn sàng nhờ người đủ điều kiện đứng tên, xin dấu xác nhận không đóng thuế thu nhập cá nhân từ các công ty "ma", mua xác nhận chưa từng sở hữu nhà để đủ điều kiện làm hồ sơ theo yêu cầu...
Thế nên, những người nghèo, ít quan hệ xã hội, muốn sở hữu nhà, muốn một lần được cầm trên tay cuốn sổ hồng căn hộ tại thành phố lớn, chỉ còn biết cố gắng hoàn thành hồ sơ đúng yêu cầu, sau đó đi nộp thật sớm như anh Tuấn. Họ chịu khó xếp hàng từ tờ mờ sáng để nộp hồ sơ, sau đó thì hồi hộp chờ đợi và phó mặc kết quả cho sự may rủi bằng hình thức bốc thăm.
Có những người vì thiếu thông tin nên đã đặt tiền vào dự án chưa được cấp phép, và giờ đây giấc mơ an cư của họ càng trở nên khó khăn hơn.
Cần khẳng định rằng thời gian qua các cấp có thẩm quyền rất quan tâm đến vấn đề nhà ở xã hội và đã có nhiều chủ trương, chính sách tạo nguồn cung, giải quyết những khó khăn về nhà ở cho người thu nhập thấp và công nhân. Đơn cử như gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, hỗ trợ cho vay với chủ đầu tư, người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với lãi suất thấp hơn 1,5-2% lãi suất cho vay trung và dài hạn bình quân của các ngân hàng thương mại trên thị trường. Gói tín dụng được triển khai từ 1/4 và kết thúc muộn nhất là 31/12/2030.
Tuy nhiên, đông đảo người thu nhập thấp vẫn khó tiếp cận nhà ở xã hội trước hết vì nguồn cung hiện nay rất ít như đã nêu ở trên. Đây là một trong những lý do chính khiến gói tín dụng 120.000 tỷ đồng chưa thể giải ngân sau gần hai tháng triển khai.
Vấn đề khác là việc quy hoạch, dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội còn nhiều bất cập. Tôi được biết, có dự án nhà ở xã hội được xây dựng tại huyện Quốc Oai, ngoại thành Hà Nội. Dự án xây từ 2013, nhận hồ sơ 9 lần vẫn chưa được 50% số lượng căn hộ, người dân ở thành phố hầu như không có nhu cầu về ở vì dự án nằm ở vị trí cách trung tâm tới 20km, dân địa phương lại càng không có nhu cầu mua.
Lại nói về vị trí, nếu dự án ở Quốc Oai quá xa trung tâm nên ế ẩm thì dự án NHS ở phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, lại nằm ở chỗ quá đắc địa. Vì đắc địa nên lượng hồ sơ mới nộp gấp 10 lần lượng căn hộ hiện có.
Thiết nghĩ, việc bố trí quỹ đất phù hợp cho các dự án nhà ở xã hội là vấn đề cần thiết hiện nay. Vì sao lại "phù hợp"? Vì xa quá thì người thu nhập thấp không có nhu cầu, còn ở vị trí đắc địa - đất vàng như dự án NHS Trung Văn lại chưa hẳn phù hợp. Theo nhiều chuyên gia, vị trí này có rất nhiều tòa nhà, dự án thuộc dạng trung và cao cấp, giá trị đất đai rất lớn mà lại được quy hoạch xây nhà ở xã hội dẫn đến sự lãng phí nguồn lực đất đai, khai thác kinh tế kém hiệu quả. Nếu đất này mang đấu giá xây nhà ở thương mại thì có khi đủ tiền xây tận mấy tòa nhà ở xã hội.
Hơn nữa, người mua nhà ở xã hội là những người thu nhập thấp, thế thì, ở một nơi có mức chi phí sinh hoạt, học phí, viện phí... cao như quận Nam Từ Liêm, liệu người dân có gánh được không?
Để giải bài toán nhà ở xã hội, thiết nghĩ cùng với tạo quỹ đất phù hợp, cần có chính sách khuyến khích mạnh mẽ hơn nữa, đủ để các chủ đầu tư "hứng thú" tham gia làm nhà ở xã hội. Các thủ tục tính tiền sử dụng đất, miễn tiền sử dụng đất cũng như trình tự mua, thuê, thuê mua, thẩm định giá nhà ở xã hội cần tiếp tục được đơn giản hóa trong thời gian tới.
Ngành ngân hàng cần bố trí đầy đủ nguồn vốn ưu đãi để thực hiện chính sách nhà ở xã hội, bao gồm nguồn vốn cấp bù lãi suất.
Nhu cầu nhà ở xã hội của người dân thu nhập thấp và công nhân được dự báo sẽ ngày càng nhiều hơn cùng với quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa. Nếu vẫn duy trì tình trạng 10 người có nhu cầu và đủ điều kiện song chỉ một người mua được căn hộ "trong mơ", thì sẽ tiếp tục có những gia đình suốt đời gắn với kiếp ở trọ. Giấc mộng an cư của họ vẫn xa vời.
Tác giả: Nguyễn Văn Hải tốt nghiệp khoa báo chí Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội. Anh gắn bó với nghề báo hơn 10 năm, chuyên thực hiện các bài điều tra, phóng sự về những vấn đề nóng của xã hội. Anh gia nhập Dân trí từ tháng 3/2023.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!