UBND Thành phố Hà Nội cần chỉ đạo xử lý nghiêm vấn đề báo Dân trí phản ánh
(Dân trí) - Sau loạt bài điều tra về các thủ đoạn trục lợi từ nhà ở xã hội của Báo Dân trí, Bộ Xây dựng đề nghị UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo các cấp kiểm tra, xử lý nghiêm sai phạm của các đối tượng liên quan.
Bộ Xây Dựng: UBND Thành phố Hà Nội cần chỉ đạo xử lý nghiêm vấn đề báo Dân trí phản ánh
Sau loạt bài điều tra về các thủ đoạn trục lợi từ nhà ở xã hội của Báo Dân trí, Bộ Xây dựng đề nghị UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo các cấp kiểm tra, xử lý nghiêm sai phạm của các đối tượng liên quan.
Cần chỉ đạo xử lý nghiêm...
Sau khi báo Dân trí đăng các bài điều tra liên quan đến trục lợi từ nhà ở xã hội, ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng, cho biết, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hiện tượng này là vì nhu cầu về nhà ở xã hội hiện rất lớn nhưng nguồn cung tại các dự án (nhất là tại các thành phố lớn) còn hạn chế.
Ông Hưng cho biết, để đáp ứng nhu cầu sở hữu nhà của các đối tượng chính sách, ngày 3/4 mới đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 338/QĐ-TTg phê duyệt đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030". Theo đó, mục tiêu đặt ra trong giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn; giai đoạn 2025 - 2030 hoàn thành khoảng 634.200 căn.
Trong khi đó, theo số liệu Bộ Xây dựng tổng hợp được thì đến nay, trên cả nước đã hoàn thành 307 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 157.100 căn, với tổng diện tích hơn 7.950.000 m2.
Đơn vị hữu trách đang tiếp tục triển khai 418 dự án (bao gồm các dự án đang xây dựng và dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư), với quy mô xây dựng khoảng 432.400 căn, với tổng diện tích khoảng 22.565.000 m2.
Trả lời Dân trí về hiện tượng dân đầu tư nhờ, thuê những người đủ điều kiện mua nhà ở xã hội đứng hồ sơ để mua nhà ở xã hội, trong khi những người có nhu cầu ở thực, đúng đối tượng và đủ điều kiện thì chật vật nộp hồ sơ, bốc thăm nhưng khả năng mua được rất thấp, ông Hưng cho biết, Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng đã quy định cụ thể hành vi vi phạm về bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội không đúng đối tượng, không đảm bảo các điều kiện theo quy định và biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thu hồi nhà ở xã hội và buộc hoàn trả bên mua, bên thuê mua số tiền mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội.
Nói về trách nhiệm xử lý, vị Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà cho rằng, trách nhiệm quản lý những nội dung nêu trên thuộc thẩm quyền xử lý của UBND thành phố Hà Nội. Do vậy, UBND thành phố Hà Nội cần chỉ đạo các cơ quan chức năng để tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có) theo thẩm quyền.
Ngoài ra, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về nhà ở xã hội.
"Mổ xẻ" nguyên nhân và giải pháp
Bộ Xây dựng cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là về cơ chế chính sách và tổ chức thực hiện.
Về cơ chế, chính sách, quy định về việc quy hoạch, dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội còn chưa thực sự phù hợp, dẫn đến thiếu quỹ đất phát triển nhà ở xã hội; việc lựa chọn chủ đầu tư còn có sự chưa thống nhất giữa các pháp luật có liên quan; thủ tục tính tiền sử dụng đất, miễn tiền sử dụng đất xây dựng nhà ở xã hội kéo dài (1-2 năm), gây khó khăn cho chủ đầu tư; ưu đãi chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội chưa thực chất và chưa đủ hấp dẫn; trình tự thủ tục mua, thuê, thuê mua, thẩm định giá nhà ở xã hội còn kéo dài, phức tạp…
Về tổ chức thực hiện: Chưa bố trí được đầy đủ nguồn vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng để cho chủ đầu tư nhà ở xã hội đến nay vẫn chưa được bố trí.
Nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người lao động khu công nghiệp; chưa đưa các chỉ tiêu phát triển nhà ở, đặc biệt là chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm để dành nguồn lực thực hiện kiểm tra, đôn đốc; chưa quản lý đầu tư theo Chương trình, kế hoạch…; một số doanh nghiệp, tập đoàn kinh doanh bất động sản lớn trong thời gian vừa qua mới chỉ tập trung vào việc phát triển các khu đô thị, nhà ở, khu nghỉ dưỡng cao cấp mà chưa quan tâm đến việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội dành cho các đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp.
Để sớm đưa chính sách nhà ở xã hội vào cuộc sống, Bộ Xây dựng đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội cho phép các chính sách về nhà ở xã hội (quy định tại chương 6 dự thảo Luật) có hiệu lực ngay khi Luật nhà ở (sửa đổi) có hiệu lực thi hành, dự kiến từ 1/1/2024.
Để góp phần tháo gỡ nguồn vốn cho các dự án nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đã phối hợp cùng Ngân hàng nhà nước hướng dẫn triển khai gói tín dụng khoảng 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội thông qua các ngân hàng thương mại, theo đó để giảm bớt thủ tục, đầu mối, rút ngắn thời gian. Bộ Xây dựng đã ủy quyền cho UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm xem xét, kiểm tra các thủ tục pháp lý, lập danh mục dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân (nhà ở xã hội tại khu công nghiệp), cải tạo, xây dựng lại chung cư để công bố công khai trên cổng thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh, để các Ngân hàng có cơ sở áp dụng cho vay.
Nhu cầu nhà ở của người dân là rất lớn và sẽ còn tăng lên cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế của đất nước hiện nay thì nhu cầu này sẽ được đáp ứng dần dần, chưa thể đáp ứng ngay nhu cầu này của người dân.
Chính vậy, trong Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 338/QĐ-TTg ngày 03/4/2023 thì mục tiêu đặt ra trong giai đoạn 2021 - 2025 sẽ hoàn thành khoảng 428.000 căn; giai đoạn 2025 - 2030 hoàn thành khoảng 634.200 căn.