Biên chế và cải cách tiền lương
Sau một thời gian chờ đợi khá dài, lương của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC ) trong hệ thống chính trị nước ta sẽ được cải cách một bước cơ bản từ tháng 7 năm nay.
Nói cải cách một bước cơ bản là để so sánh với những lần tăng mức lương cơ sở qua bao nhiêu năm để đạt đến mức cuối cùng là 1,8 triệu đồng/tháng như hiện nay. Những lần nâng mức lương cơ sở kiểu này thực chất chưa đủ để gọi là cải cách tiền lương, bởi phần đông CBCCVC vẫn không sống được bằng lương. Một trong những hệ quả tất yếu là họ phải cố vươn lên kiếm thêm tiền để sống, kiếm thêm một cách chính đáng và không chính đáng. Tiêu cực, tham nhũng, hối lộ một phần cũng từ đó mà sinh ra.
Hơn 150 năm trước, Nguyễn Trường Tộ, một trong những nhà cải cách triều nhà Nguyễn, từng nhận xét như sau: Tôi tính lương tri huyện mỗi ngày không quá ba, bốn mạch (mỗi mạch bằng 60-70 đồng tiền ), như vậy nuôi một người vẫn chưa đủ huống chi nuôi một gia đình nhà quan. Đã biết thiếu hụt mà cứ đem lời nói suông… Bởi vì có đủ cơm ăn, áo mặc thì mới nói đến chuyện vinh hay nhục, mà muôn việc ở đời cơ bản là sự nuôi nấng. Nếu không đủ nuôi sống, bản thân còn không tồn tại được, nói gì đến chuyện khác ngoài bản thân.
Thế mới biết lương của quan lại thời xưa và của công chức thời nay cũng có điểm tương đồng.
Như vậy, xu hướng cải cách tiền lương tiến tới sao cho CBCCVC đủ sống bằng lương là không thể đảo ngược. Tuy nhiên, nếu xem xét ở góc độ tổ chức bộ máy và biên chế ở nước ta thì câu chuyện cải cách lương nên như thế nào cũng là vấn đề đáng suy nghĩ.
Có ý kiến cho rằng bộ máy hành chính nhà nước của ta đang quá cồng kềnh, và quá nhiều người. Nếu tinh gọn bộ máy, giảm biên chế sẽ có dư tiền để làm cải cách tiền lương. Có thực sự là như vậy? Sau đây là một vài số liệu có tính tham khảo khi bàn về những vấn đề này.
Gần 20 năm nay, Việt Nam luôn duy trì con số 22 bộ, cơ quan ngang bộ. Con số này so với các nước như thế nào? Mỹ từ bao đời tổng thống đến nay luôn duy trì 15 bộ. Đức và Australia hiện có 14 bộ. Chính phủ Nhật có 12 bộ và cơ quan tương đương. Số lượng các bộ và cơ quan tương đương của Singapore là 16, Hàn Quốc là 18, Anh là 24, Pháp là 15, Nga là 22 và Trung Quốc là 27. Riêng Thụy Sĩ là trường hợp độc đáo vì bao nhiêu năm nay, Chính phủ liên bang chỉ bao gồm 7 bộ.
Như vậy, Việt Nam cùng với Nga, Anh và Trung Quốc vào nhóm có nhiều bộ trên thế giới.
Chính phủ các nước ngoài bộ còn có một loại cơ quan khác với tên gọi khác nhau tùy từng nước, nhưng nhìn chung được gọi là cơ quan thuộc Chính phủ. Sang đến nhóm cơ quan này thì sự so sánh ta với các nước đã thay đổi lớn.
Việt Nam hiện có khoảng 9 cơ quan thuộc Chính phủ. Con số này là rất khiêm nhường so với nhiều nước. Cơ quan trực thuộc Quốc vụ viện của Trung quốc khoảng 17, 18. Riêng các cơ quan thuộc Văn phòng hành pháp tổng thống, rồi các cơ quan khác ở cấp liên bang mà không thuộc 15 bộ ở Mỹ là một con số khổng lồ, ví dụ như Cơ quan Bảo vệ môi trường, Cơ quan tình báo quốc gia, Cục Tình báo Trung ương, Hội đồng An ninh quốc gia, Hội đồng An ninh nội địa, Hội đồng Cố vấn kinh tế, Hội đồng Chất lượng môi trường, Văn phòng Đại diện thương mại, Văn phòng Quản lý và Ngân sách…
Hàn Quốc ngoài 18 bộ cũng có một số lượng tương ứng các cơ quan khác trực thuộc tổng thống hoặc chính phủ. Tương tự là số lượng khá lớn các cơ quan kiểu này thuộc Chính phủ Nhật.
Như vậy, nếu so sánh về số lượng các cơ quan hành chính nhà nước ở cấp trung ương thì Việt Nam thuộc nhóm nước trung bình, thậm chí là ít cơ quan.
Nhưng tình hình lại khác hẳn khi xem xét bộ máy hành chính địa phương. Trung bình mỗi tỉnh ở ta có 17-19 sở và mỗi huyện có khoảng 10-12 phòng là một con số không lớn. Cái làm lên sự khác biệt về bộ máy hành chính địa phương của ta so với nhiều nước là ở số lượng đơn vị hành chính. Hiện tại, Việt Nam có 63 đơn vị hành chính cấp tỉnh, 705 đơn vị hành chính cấp huyện và 10.598 đơn vị hành chính cấp xã. Cứ lấy các con số này nhân lên với số sở của một tỉnh, số phòng của một huyện cho thấy ngay con số cực lớn các cơ quan hành chính ở địa phương. Có thể nói đa phần các nước có số lượng đơn vị hành chính (cấp địa phương) ít hơn ta.
Như vậy, nhìn tổng thể thì có thể xếp Việt Nam vào nhóm các nước có bộ máy hành chính lớn. Đây là ở cấp địa phương, còn ở trung ương thì chúng ta cũng có một số nét khác với các nước như: một bộ của nước ta thông thường có khoảng 20 đơn vị (vụ, cục, văn phòng…), trong khi các nước thường chỉ có khoảng 10 vụ, nghĩa là cơ cấu bên trong các bộ của ta còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc…
Thời gian qua chúng ta đã có nhiều nỗ lực sắp xếp, ban hành quy định mới về cơ cấu tổ chức, song nhìn chung chưa thực sự phân biệt rành mạch sự khác nhau giữa vụ và cục, tổng cục trên phương diện chức năng, nhiệm vụ và tổ chức; số lượng đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các bộ còn khá lớn so với các nước.
Lâu nay chúng ta vẫn nói nhiều về cải cách thể chế, cải cách hành chính, điều này phần nào phản ánh chất lượng hoạt động của các bộ dưới góc độ thể chế, chính sách, bên cạnh kết quả đã đạt được, còn có những vấn đề chưa như mong muốn và yêu cầu đề ra.
Về con người trong bộ máy thì sao? Năm 2018, CBCCVC đang làm việc ở nước ta khoảng 3,6 triệu người, bao gồm hành chính trung ương 110.000 người; hành chính tỉnh, huyện 160.000 người; riêng cấp xã là 1.270.000 chia ra 230.000 CBCC, 200.000 cán bộ không chuyên trách cấp xã và gần 840.000 cán bộ không chuyên trách cấp thôn; khoảng 2,1 triệu viên chức sự nghiệp công lập. Qua mấy năm sắp xếp lại bộ máy hành chính, nhập đơn vị hành chính cấp huyện và xã cũng như tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập và giảm biên chế hành chính, hiện tại con số 3,6 triệu đã giảm xuống còn khoảng 3 triệu người.
Như vậy xét theo quy mô dân số Việt Nam 100 triệu dân có khoảng 3 triệu CBCCVC. Đức dân số khoảng 85 triệu có khoảng 5 triệu người làm việc trong các cơ quan khu vực công. Nếu xét theo tiêu chí 100 người làm việc trong xã hội có bao nhiêu người làm việc ở khu vực công sẽ có mấy con số như sau: Australia 18,4%; Bỉ 21.5%; Canada 22.4%; Trung quốc 20,3%; Việt Nam 10,3%; Mỹ 14,6%; Anh 23,5%; Đức 15%; Na Uy 34%; Thụy Điển 28%; Đan Mạch 30%; Thụy Sỹ 18%; Hàn quốc 7%; Nhật 7%.
Xem xét những con số này cho thấy nếu so sánh với các nước thì Việt Nam có số lượng CBCCVC không lớn, có thể nói là ở mức độ thấp của thế giới. Tất nhiên, mọi sự so sánh cũng chỉ có ý nghĩa tương đối. Xét về hình thức có thể nói biên chế người nhà nước của các nước Bắc Âu là nhiều, nhưng điều đó cũng nói lên khu vực dịch vụ công, mà nổi trội là giáo dục và y tế công lập của các nước này được tổ chức quy mô, bài bản nhằm chăm lo tốt nhất cho người dân ở 2 mảng lĩnh vực này.
Cũng giống như mảng bộ máy, mảng biên chế nước ta mặc dù người không đông, nhưng lâu nay có mấy vấn đề đặt ra như sau:
Thứ nhất, trình độ, năng lực của đội ngũ CBCCVC không đồng đều. Trong mỗi cơ quan, tổ chức chỉ có một bộ phận làm việc tốt, là bộ phận chủ chốt giúp hoàn thành công việc. Trong mỗi phòng, vụ, sở… người đứng đầu dễ dàng xác định ai không đáp ứng được yêu cầu công việc, nhưng vì nhiều lý do không sao đưa ra khỏi tổ chức của mình được. Như vậy là người làm việc tốt đang phải gánh thêm công việc của những người làm việc không tốt, trong khi lương hầu như không có cải thiện bao nhiêu.
Thứ hai, xét trình độ trên văn bằng, chứng chỉ thì đội ngũ CBCCVC nước ta đạt mức độ mà nhiều nước có nền hành chính phát triển cũng phải thán phục. Hiếm có nước nào trên thế giới mà đội ngũ công chức ở bộ máy trung ương lại xấp xỉ 100% cử nhân, lại có nhiều thạc sĩ, tiến sĩ đến như vậy. Tuy nhiên, năng lực thực sự của CBCCVC thể hiện trong công việc lại không được như vậy.
Trong khi tổ chức bộ máy và con người trong bộ máy như vậy thì lương ngoài đặc điểm không đủ sống còn có một số vấn đề như: Cơ chế lên lương cứ 2 hoặc 3 năm một bậc không tạo ra sự cạnh tranh, không tạo ra động lực thúc đẩy CBCCVC làm việc thực sự. Làm nhiều, làm tốt thậm chí xuất sắc để mà làm gì!
Bản thân tôi suốt cuộc đời làm việc gắn bó với ngành Nội vụ, có thể nói cơ chế lên lương mà tôi chứng kiến hoàn toàn phù hợp cho những ai vào bộ máy rồi thì yên tâm biên chế suốt đời, loanh quanh kiểu gì rồi cũng được tăng lương. Người đứng đầu các bộ phận trong cơ quan hầu như không có quyền tác động lớn đến lương, thưởng của đội ngũ dưới quyền.
Từ những vấn đề về bộ máy, biên chế và lương, cơ chế trả lương cho thấy không thể cải cách lương cứ cải cách, trong khi "án binh bất động" về cơ cấu tổ chức và biên chế.
Nói cách khác chúng ta cần nghiên cứu những biện pháp đồng bộ nhằm gia tăng đáng kể tác động của cải cách lương, như: giảm bớt các đơn vị hành chính cấp xã và cấp huyện; cơ cấu lại đội ngũ, đưa ra khỏi bộ máy những người không đủ năng lực; tăng biên chế cho những cơ quan, tổ chức thực sự cần tăng…
Những biện pháp "đúng và trúng" kết hợp với cải cách tiền lương sẽ mang lại sức sống mới cho nền hành chính, tạo động lực thực sự cho CBCCVC làm việc hết mình, và đưa ra khỏi bộ máy những người không đủ năng lực.
Tác giả: TS Đinh Duy Hòa nguyên là Vụ trưởng Vụ cải cách hành chính, Bộ Nội vụ.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!