ASEAN cùng hành động ứng phó các thách thức
Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các hội nghị liên quan (bao gồm cấp cao ASEAN+1 với các đối tác, ASEAN+3, Cấp cao Đông Á…) diễn ra từ ngày 10-13/11 tại Campuchia. Nhân dịp này, ASEAN cũng tổ chức Đối thoại toàn cầu với các tổ chức, định chế kinh tế, tài chính quốc tế, khu vực, Đối thoại ASEAN - Liên hợp quốc.
Chuỗi hội nghị diễn ra trong bối cảnh quốc tế, khu vực diễn biến phức tạp và có những thay đổi sâu sắc, trong đó nổi lên là cạnh tranh nước lớn, xung đột Nga - Ukraine; kinh tế thế giới khó khăn, lạm phát cao, đình trệ sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy. Các thách thức an ninh phi truyền thống, như biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thiên tai, cũng trở nên gay gắt hơn.
Tình hình trên đặt ra cho ASEAN và các nước trong khu vực nhiều vấn đề đòi hỏi phải được xử lý phù hợp và kịp thời.
Sau gần ba năm đứt quãng vì dịch bệnh, chuỗi hội nghị là dịp gặp mặt trực tiếp đầu tiên của các nguyên thủ, người đứng đầu Chính phủ của các nước ASEAN với các đối tác, trong đó có nhiều cường quốc. Điều này tạo cơ hội cho các bên trao đổi thực chất và sâu hơn về chương trình nghị sự cũng như các ưu tiên của khu vực, nhất là về vấn đề sớm phục hồi kinh tế và giải quyết các thách thức đang đặt ra.
Sự hiện diện của lãnh đạo Liên hợp quốc và các nước đối tác tại chuỗi hội nghị lần này tiếp tục cho thấy họ đều rất coi trọng vai trò và sự hợp tác với ASEAN.
Đoàn đại biểu Việt Nam do Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đã thăm chính thức Vương quốc Campuchia và tham dự hội nghị cấp cao ASEAN, các hội nghị liên quan.
Chuỗi hội nghị đã thông qua nhiều văn kiện, tuyên bố quan trọng trong ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác; đồng thời nâng cấp quan hệ với Mỹ và Ấn Độ lên tầm đối tác chiến lược. Đến lúc này căn cứ vào kết quả đạt được, có thể nói chuỗi hội nghị đã thành công tốt đẹp, khẳng định vai trò trung tâm và tầm quan trọng của ASEAN.
ASEAN đã tiếp tục thúc đẩy việc xây dựng cộng đồng vững mạnh; đẩy mạnh hợp tác và nâng cấp quan hệ với các đối tác, các cường quốc, qua đó góp phần đảm bảo hòa bình, ổn định, thúc đẩy phục hồi kinh tế trong khu vực và trên thế giới.
Chủ đề "ASEAN cùng hành động ứng phó các thách thức" của hội nghị cấp cao lần này cũng đã phần nào nói lên tầm quan trọng của yếu tố đoàn kết nội khối. Chỉ khi các nước ASEAN đoàn kết trên cơ sở luật pháp quốc tế, kết hợp hài hòa lợi ích quốc gia và lợi ích khu vực thì mới nâng tầm hiệp hội và phát huy vai trò trung tâm của mình; đồng thời giữ cân bằng và chủ động "chơi" được với các bên cho dù các cường quốc cạnh tranh với nhau.
Hiện nay các nước phát triển trên thế giới đang đẩy mạnh chuyển đổi xanh, chuyển đổi sạch và chuyển đổi số. Chuỗi hội nghị cũng là dịp để ASEAN tìm kiếm cơ hội, tranh thủ nguồn lực bên ngoài để bắt kịp các xu hướng đó nhằm phục vụ tốt nhất cho người dân trong khu vực mình.
Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN ngày 28/7/1995; trong 27 năm qua, chúng ta đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển và thành công của ASEAN. Chắc chắn rằng chúng ta đang và sẽ tiếp tục có những đóng góp "tích cực, chủ động và có trách nhiệm" tại chuỗi hội nghị lần này.
Qua ba ngày hội nghị, lãnh đạo Chính phủ nước ta đã liên tục có các cuộc làm việc với lịch trình dày đặc gần 60 hoạt động, gồm song phương, đa phương và cộng đồng, qua đó thực hiện hiệu quả đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, góp phần thắt chặt tình hữu nghị với bạn bè và nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
ASEAN hiện nay là một thị trường hết sức hấp dẫn với hơn 650 triệu dân, tổng GDP gần 3.000 tỷ USD, tổng kim ngạch thương mại khoảng 2.800 tỷ USD. Cùng với đó, như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát biểu, việc giữ vững đoàn kết, phát huy sức mạnh nội tại, tinh thần trách nhiệm, cách tiếp cận cân bằng, khách quan và kiên định các nguyên tắc của Hiệp hội cũng là những điều làm nên sức hấp dẫn của ASEAN.
Mỗi thành viên của ASEAN trong đó có Việt Nam đều có trách nhiệm chung tay xây dựng "mái nhà chung" và tận dụng cơ hội từ sự hấp dẫn nói trên. Tất nhiên là mức độ tận dụng cơ hội, khai thác lợi thế mà ASEAN mang lại phụ thuộc vào nỗ lực của mỗi quốc gia, cả về chính sách đối ngoại cũng như cải cách môi trường kinh doanh bên trong.
Tác giả: Đại sứ Phạm Quang Vinh - nhà ngoại giao cao cấp, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Ông Vinh từng có 7 năm làm Trưởng Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN - Việt Nam.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!