(Dân trí) - Thế kỷ 21 chứng kiến sự phát triển thần kỳ của nhiều khu vực kinh tế và nhiều quốc gia nhờ công nghệ. Ở vị trí nằm giữa dòng chảy công nghệ của thế giới, Việt Nam trong hai thập niên đầu thế kỷ đã mau chóng tìm cách bắt nhịp với tốc độ chung. Sự phát triển công nghệ của đất nước cho thấy: trí tuệ Việt Nam biết “đọc” những bước đi của thế giới.
Thế kỷ 21 chứng kiến sự phát triển thần kỳ của nhiều khu vực kinh tế và nhiều quốc gia nhờ công nghệ. Ở vị trí nằm giữa dòng chảy công nghệ của thế giới, Việt Nam trong hai thập niên đầu thế kỷ đã mau chóng tìm cách bắt nhịp với tốc độ chung. Sự phát triển công nghệ của đất nước cho thấy: trí tuệ Việt Nam biết “đọc” những bước đi của thế giới. Các sản phẩm ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin (CNTT) đáng mừng là đã đem lại một sắc diện sôi động cho nền kinh tế đất nước. Nhưng ai là người đã đọc được đúng sự phát triển ấy, và hơn thế, tôn vinh những đóng góp của các tài năng cho xã hội?
Nhân tài Đất Việt không chỉ là một giải thưởng công nghệ hay khoa học kỹ thuật mà còn tưởng thưởng các thành tựu Y dược, môi trường. Khi đặt tên Nhân tài Đất Việt, điều những người tổ chức giải thưởng đa mục tiêu này mong muốn nằm ở một tâm thế rộng hơn: tạo ra một cảm hứng cộng đồng về khuyến học, thực học và thực nghiệp. Yếu tố nhân văn của giải thưởng còn nằm ở chỗ tôn vinh người tự học thành tài.
Điều này đã được các nhà canh tân Việt Nam đầu thế kỷ hai mươi nêu cao trong các phong trào cổ vũ việc truyền bá các tư tưởng và kiến thức tân học mà khẩu hiệu “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” của Phan Chu Trinh đã tóm gọn ý muốn đó. Thập niên thứ hai của thế kỷ 21 này dường như chính là thời điểm hội tụ đủ thuận lợi để những ước nguyện này thành hiện thực.
Công nghệ ngày nay đồng nghĩa với tốc độ phát triển và sự biến đổi mau lẹ. Mỗi sản phẩm ứng dụng công nghệ ra đời đều thừa hưởng các thành tựu của nền tảng đã có. Các nền tảng này lại giống như những phần móng quyết định độ vững chắc lâu bền của một tòa kiến trúc mà phần nổi bên trên là những gì con người đang dùng cũng như liên tục cập nhật.
Khi các phiên bản liên tục cập nhật và các đời (“chấm”) liên tục được nâng cấp, dường như những bản bêta hay khởi đầu có vẻ quá đơn sơ so với các thế hệ mới nhất. Chúng khiến ta cảm thấy chóng mặt với sự biến đổi và thậm chí bị tụt lại nếu không kịp thay đổi. Song nếu bình tĩnh nhìn nhận như một quá trình thì vấn đề nhiều ý nghĩa đặt ra là tính thời điểm của những nền tảng ấy. Người ta hay nói đến chữ “lỗi thời” và “cập nhật” như hai tính chất của công nghệ. Song khi có độ lùi thời gian, điều chúng ta ghi nhận là những đóng góp của các nền tảng công nghệ vào thời điểm lịch sử của chúng. Các giải thưởng công nghệ dường như chính là những mốc quan trọng để ghi nhận sự tiến bộ của nền tảng tri thức xã hội khi trở thành bệ phóng cho những sản phẩm mà chúng đã tôn vinh.
Hiện nay người ta hay nói đến thế hệ công nghệ “4.0” như một phương diện tiêu biểu cho nền công nghiệp 4.0 hàm chứa những công nghệ cốt lõi như trí tuệ nhân tạo AI, điện toán đám mây, bài toán dữ liệu lớn. Hoặc đơn cử một thuật ngữ mặc dù phạm vi hẹp hơn song lại ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày: thế hệ mạng di động thứ 5 hay còn gọi vắn tắt là “5G”. Nhưng bao nhiêu “chấm” hay bao nhiêu “G” là giới hạn? Liệu có thể là một con số bất tận của sự phát triển không? Mối bận tâm bắt kịp các mốc công nghệ dường như chi phối đời sống nhiều hơn chúng ta hình dung.
Liệu một sản phẩm được giải thưởng của ngày hôm nay với “cấu hình” cao hơn gấp nhiều lần vài năm trước có chứng tỏ mình có ưu thế vượt trội so với thế hệ cũ không? Dĩ nhiên là không thể chắc chắn như vậy, khi bất kỳ sản phẩm nào cũng nằm ở mức nền tảng công nghệ vào thời điểm nó được sinh ra. Mặt khác, phạm vi ảnh hưởng tới xã hội là yếu tố then chốt quyết định tầm cỡ của sản phẩm. Một giải thưởng tôn vinh các sản phẩm ứng dụng do đó cũng gián tiếp tôn vinh nền tảng công nghệ đã sinh ra chúng và giúp cho xã hội có được sự tư vấn phù hợp để lựa chọn.
Tuy nhiên, giải thưởng không chỉ là sự tôn vinh nhất thời, hoặc mang tính tổng kết một cuộc thi, mà bản thân giải thưởng cũng lại là một “thí sinh” của thời gian khi sau nhiều năm, sự tích lũy và uy tín là giấy chứng nhận ý nghĩa nhất. Điều quan trọng mà giải thưởng tạo ra, ấy là ảnh hưởng xã hội và sự lan tỏa rộng rãi trong công chúng, nơi mà các sản phẩm được tôn vinh thuộc về, tồn tại để phục vụ con người, nơi chúng được phát triển, nâng cấp và được kế tục về sau. Nhân tài Đất Việt là một giải thưởng CNTT, khoa học kỹ thuật, Y dược và môi trường mang tầm quốc gia mang đến tâm thế rộng hơn: tạo ra một cảm hứng cộng đồng về khuyến học, tự học, thực học và thực nghiệp.
Sau tròn một thế kỷ các trí thức Việt Nam nêu cao khẩu hiệu “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” của Phan Chu Trinh, giờ đây chính là thời điểm hội tụ đủ thuận lợi để những ước nguyện này thành hiện thực. Thế giới của thời đại công nghệ đã có khả năng rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các quốc gia “thế giới thứ Ba” với các nước “Tây dương” như nỗi niềm của các bậc chí sĩ nước Việt một thế kỷ trước. Công nghệ nói riêng và khoa học kỹ thuật nói chung đã cho thấy chúng là sức mạnh kỳ diệu giúp cho nhiều quốc gia vươn lên trong cuộc “hậu dân sinh”. Bởi lẽ đó, tiềm năng phát triển công nghệ ở Việt Nam hàm chứa một sự thôi thúc của hàng chục triệu con người đang sống trên dải đất này. Giải thưởng Nhân tài Đất Việt như những giá trị cốt lõi của mình, gọi tên khát vọng đó trong việc tìm kiếm, phát hiện và tôn vinh những ý tưởng hay sản phẩm đã thành hình.Những giá trị cốt lõi của Nhân tài Đất Việt, đó là:
Rõ ràng, không đất nước nào lại không cần sự hội tụ của nhân tài và nhiều quốc gia đã có những chính sách ưu đãi thu hút nhân tài bốn phương. Vậy thì, Việt Nam lẽ nào lại không thể thu hút chính nhân tài người Việt, sản phẩm từ trí tuệ của người Việt?
Điều này tưởng chừng đã rất rõ ràng, song muôn đời vẫn là một công việc gian nan, đãi cát tìm vàng, liên tục không ngừng nghỉ. Tôn vinh trí tuệ vẫn là công việc đòi hỏi tầm vóc của một trọng tài vô tư và công tâm, và nhất thiết phải hiểu được trí tuệ ấy. Trọng tài, giám khảo, hay những người đánh giá các sản phẩm trí tuệ tại các cuộc thi hay giải thưởng giống như những người tri âm nghe được tiếng đàn hay, nghĩa là biết sát cánh cùng tài năng. 15 năm của Nhân tài Đất Việt hẳn cũng đủ để ghi nhận một năng lực chọn lọc những kết quả của trí tuệ Việt Nam. 15 năm qua, các mùa giải thưởng thở hơi thở của sự phát triển vũ bão trong lĩnh vực CNTT, nằm ở vị trí kết nối các thành tựu đa ngành, song hành và chứng kiến sự phát triển của kinh tế Việt Nam.
Năm 2019, giải thưởng Nhân tài Đất Việt đã trao giải cho các sản phẩm mang tính hữu dụng cho công việc “kiến quốc dân sinh”, tiếp nối truyền thống thực nghiệp của những mùa giải trước. Lĩnh vực CNTT cho thấy đây vẫn là lĩnh vực hướng đến sự đáp ứng kịp thời những chuyển đổi mau lẹ của thế giới số hiện đại. Nhìn vào giải nhất của Phần mềm tự động chuyển đổi tiếng nói tiếng Việt sang văn bản, gọi tắt là "Origin-STT” hay hai giải nhì là Giải pháp bảo mật toàn diện cho hệ thống camera an ninh và Đài Truyền hình 4.0 - Gostudio, người ta có thể nhận ra những mối quan tâm chính yếu của xã hội cũng như cách nhìn ra những nhu cầu của riêng xã hội, đất nước Việt Nam. Các giải thưởng trao cho các sản phẩm đa dạng cho thấy CNTT thực sự là một lĩnh vực tiếp tục đóng vai trò lực đẩy của kinh tế, từ mục tiêu lớn như cổng thông tin điện tử góp phần cải cách thủ tục hành chính đến rất riêng tư ứng dụng phục vụ nhu cầu làm đẹp của con người.
Các lĩnh vực Môi trường, Y dược và Khoa học Công nghệ cung cấp các tên công trình được vinh danh giải quyết nhiều vấn đề thiết thực phục vụ sự phát triển bền vững của xã hội, từ công trình nghiên cứu “Môi trường các làng nghề Việt Nam” đến công trình khoa học “Nghiên cứu ứng dụng phẫu thuật nội soi trong điều trị một số bệnh lý tim mạch” hay cụm công trình khoa học “Nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ phẫu thuật nội soi điều trị một số bệnh ổ bụng”. Đây là những kết quả của một quá trình nghiên cứu lâu dài của những nhóm tác giả gồm các chuyên gia đầu ngành, cho thấy thành công không chỉ đến từ những sản phẩm mang tính đột biến mà còn là sự tích lũy trí tuệ của một nền tảng xã hội đã có cơ sở vững chắc. Chúng cũng cho thấy sự ghi nhận bao quát và khả năng nhìn xa trông rộng của các giám khảo.
Sự hội nhập sâu rộng của Việt Nam trong lĩnh vực Khoa học Công nghệ toàn cầu cũng được ghi nhận khi giải nhất lĩnh vực này được trao cho công trình “Nghiên cứu cải tiến xe thiết giáp bánh lốp BTR - 152 thành xe thiết giáp cứu thương phục vụ nhiệm vụ gìn giữ hòa bình”. Điều này nói lên rằng, các ứng dụng KHCN của Việt Nam được tôn vinh phục vụ nhân loại cũng là một thông điệp của con người Việt Nam ngày nay gửi đến thế giới.
Giải thưởng khuyến tài dành cho 2 đề án: đề án sáng chế “Xử lý rác thải sinh hoạt thành hàng hoá” và đề án sáng chế “Chế tạo máy ruôi sắn củ tươi TS 08” đều đến từ các cá nhân ở các tỉnh nông nghiệp, một mặt song hành những nghiên cứu được tôn vinh của các nhà khoa học chuyên nghiệp, mặt khác cho thấy những vấn đề về môi trường làng nghề nông thôn và sự phát triển bền vững của kinh tế nông thông gắn với an ninh lương thực không tách rời nhau. Sự có mặt của hai lực lượng công nghệ chuyên gia lẫn trong quần chúng cho thấy sáng kiến trí tuệ không của riêng ai hay nhóm thiểu số nào, mà có thể chia sẻ cơ hội đều cho tất cả trong mục tiêu “win-win” (hai bên cùng có lợi). Nhiều sản phẩm được giải khác trong các lĩnh vực cho thấy bức tranh toàn cảnh của sự phát triển của khoa học kỹ thuật lẫn sự chuyển hóa các nền tảng công nghệ trong từng phạm vi nhỏ của đời sống.
Giải thưởng qua mỗi mùa lại cũng phải nâng cấp theo chân các “chấm” của thế hệ công nghệ, song điều tồn tại bền vững chính là sự tôn vinh trí tuệ con người. Khoa học công nghệ chân chính mang ý nghĩa vì con người, phục vụ đời sống tiến bộ, giúp con người sống một cách hài hòa trong vũ trụ này, bớt dần những sự can thiệp thô bạo hay làm biến dạng môi sinh, mà tìm cách tạo ra một môi trường bền vững chứa bên trong nó những hệ sinh thái hài hòa. Con người là cốt lõi, trí tuệ luôn là cái khung sườn làm nên sự phát triển công nghệ, và cũng là mục đích tôn vinh của giải thưởng.
Nhân tài không chỉ có một người, giải thưởng không chỉ trao một lần, mà nhân tài là một khái niệm hệ thống kết nối. Chỉ khi hệ thống này được đặt đúng chỗ, tìm thấy sự trọng dụng và phát triển thì nhân tài mới thành công. Tiếng Việt có từ “đồng bào” rất hay để nói về những người cùng được định danh “người Việt” chia sẻ chung một tình tự dân tộc, một cảm thức về cội nguồn, vậy thì nhân tài cũng cần có một cách gọi tương đương để thể hiện sự kết nối tốt đẹp có sự tương hỗ. Bằng hành trình 15 năm qua, giải thưởng Nhân tài Đất Việt luôn mong muốn vun đắp cho sự kết nối ấy.