Phải đặt ECMO sau vài ngày sụt sịt, bệnh cúm mùa có nguy hiểm?
(Dân trí) - Trên thế giới, tỷ lệ mắc cúm mùa đã tăng lên từ những tuần cuối năm 2024 ở nhiều quốc gia. Từ đầu năm đến nay, nước ta cũng ghi nhận gần 1.000 ca mắc, có bệnh nhân phải đặt ECMO.
Mắc cúm A, bệnh nhân nguy kịch vì bệnh lý nền
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) đang điều trị cho 8 bệnh nhân mắc cúm, một trường hợp phải đặt ECMO.
Trường hợp này là một người đàn ông 58 tuổi (Tuyên Quang), có tiền sử tăng huyết áp nhưng không uống thuốc đều, từng hút thuốc lá, thuốc lào suốt 30 năm, đã bỏ được 10 năm. Khoảng 3 tuần trước khi nhập viện, ông bắt đầu xuất hiện các triệu chứng sổ mũi, ho, sốt và khó thở. Ông tự điều trị tại nhà nhưng sau một tuần tình trạng không cải thiện.
Sau đó, ông nhập viện tại cơ sở y tế gần nhà và có kết quả xét nghiệm dương tính với cúm A. Mặc dù đã được điều trị tích cực nhưng tình trạng khó thở của ông ngày càng trầm trọng, dẫn đến suy hô hấp nặng và phải tiến hành đặt ống nội khí quản.
Sau 4 ngày điều trị, ông hết sốt nhưng sau đó sốt cao tái phát. Xét nghiệm dịch phế quản phát hiện vi khuẩn, khiến tình trạng bệnh diễn tiến nhanh chóng và tiến tới sốc nhiễm trùng.
Ngay lập tức ông được chuyển đến Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương với tình trạng sốc nhiễm khuẩn, phải thở máy. Kết quả chụp phim phổi cho thấy tổn thương lan rộng khoảng 80-90%, gần như mất hoàn toàn chức năng thông khí. Vì thế, ông được chỉ định đặt ECMO (hệ thống oxy hóa qua màng ngoài cơ thể).
Trung tâm Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai đang điều trị nam bệnh nhân T.V.L. (78 tuổi, ở Từ Liêm, Hà Nội) vì cúm A biến chứng nặng.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt cao, khó thở mỗi lúc một tăng. Bệnh nhân có tiền sử huyết áp cao, bệnh Alzheimer, test dương tính cúm A. Trước tình trạng bệnh nhân bị suy hô hấp, các y bác sĩ đã phải mở nội khí quản, cho bệnh nhân thở máy và điều trị tích cực.
Thạc sĩ - Bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cảnh báo, những người có bệnh nền, người cao tuổi, người có hệ miễn dịch suy giảm cần đặc biệt cẩn trọng khi nhiễm cúm.
Bệnh cúm có thể trở nên nguy hiểm, dẫn đến tổn thương phổi lan tỏa, bội nhiễm vi khuẩn, viêm cơ tim, suy đang tạng và thậm chí tử vong.
Khi bệnh diễn tiến nặng, bệnh nhân mới nhập viện thì đã ở trong tình trạng suy đa cơ quan, tiên lượng điều trị sẽ rất khó khăn.
PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai phân tích: "Ở những người có nhiều bệnh lý nền, virus cúm tấn công mạnh vào hệ hô hấp và gây ra những biến chứng như viêm phổi, bội nhiễm các vi khuẩn, viêm cơ tim, suy hô hấp nặng, suy đa tạng có thể phải thở máy, lọc máu, nguy cơ tử vong cao".
Số ca mắc cúm gia tăng trên toàn cầu
Trên thế giới, tỷ lệ mắc các hội chứng cúm, nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính đã tăng lên từ những tuần cuối năm 2024 ở nhiều quốc gia, nhất là tại khu vực bắc bán cầu, phù hợp với xu hướng điển hình cho thời điểm cuối năm.
Kết quả giám sát cúm trên thế giới ghi nhận các tác nhân cúm chủ yếu ở các khu vực: châu Âu (xuất hiện tất cả các phân nhóm của virus cúm), Bắc Mỹ (chủ yếu là cúm A), Trung Mỹ và Caribbean (chủ yếu là cúm A/H3N2), Tây Phi (chủ yếu là cúm B), Bắc Phi (chủ yếu là cúm A/H3N2), Đông Phi (chủ yếu là cúm B) và nhiều quốc gia ở châu Á (chủ yếu là cúm A(H1N1).
Tại Việt Nam, theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), trong năm 2024, cả nước ghi nhận gần 290.000 trường hợp mắc cúm mùa, 8 người tử vong. So với năm 2023, số mắc giảm 18%, số tử vong tăng 5 ca.
Năm này cũng ghi nhận 4 trường hợp tử vong do cúm A(H1N1) tại Bình Định, đây là các trường hợp có bệnh nền mãn tính nặng. Bộ Y tế khẳng định, không ghi nhận biến thể của virus. Một số tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là Thanh Hóa (46.600 trường hợp), Thái Bình (26.345), Nghệ An (17.949), Hà Tĩnh (14.073), Sơn La (10.162).
Từ đầu năm 2025 đến nay, nước ta ghi nhận gần 1.000 trường hợp, 0 tử vong; số mắc giảm khoảng 97% so với cùng kỳ năm 2024 (34.442 ca). Hệ thống giám sát vẫn ghi nhận chủ yếu là cúm A(H1N1), A(H3N2) và cúm B.
Dù vậy, thời tiết mùa đông xuân hiện nay là điều kiện thuận lợi cho các mầm bệnh lây truyền qua đường hô hấp phát triển dẫn đến nguy cơ gia tăng số mắc các bệnh như cúm mùa, sởi, sốt phát ban...
Những người cần đặc biệt cảnh giác với bệnh cúm, dấu hiệu cần nhập viện ngay
PGS.TS Phạm Thị Bích Đào, Bộ môn Tai Mũi Họng, Trường Đại học Y Hà Nội, cho biết, cúm là một bệnh nhiễm siêu vi tấn công hệ hô hấp và mang tính lây nhiễm. Virus cúm lây nhiễm ở người có thể được phân thành ba nhóm chính A, B và C.
Các loại cúm A và B là các dạng nhiễm trùng phổ biến hơn, thường xuyên gây ra dịch bệnh theo mùa. Cúm loại C thường chỉ gây nhiễm trùng đường hô hấp nhẹ.
Trong một số trường hợp, người mắc cúm A có thể tự khỏi khi được nghỉ ngơi và uống nhiều nước.
Các trường hợp khác sử dụng đơn thuốc chống virus phổ biến bao gồm acyclovir, oseltamivir (tamiflu). Những loại thuốc này, được gọi là chất ức chế neuraminidase, làm giảm khả năng virus cúm lây lan từ tế bào này sang tế bào khác, làm chậm quá trình lây nhiễm, giúp giảm nhanh triệu chứng.
Tuy nhiên, không phải trường hợp mắc cúm A nào cũng cần uống thuốc kháng virus, mà cần có chỉ định và theo dõi chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa. Thuốc có thể có một số tác dụng phụ như buồn nôn và nôn, nếu xuất hiện, người bệnh cần ngừng thuốc và báo với bác sĩ điều trị. Bên cạnh đó, người bệnh cần chú ý vấn đề dinh dưỡng để tăng cường miễn dịch.
Người mắc cúm mùa đa số là diễn biến nhẹ và tự khỏi, tuy nhiên vẫn gây ảnh hưởng sức khỏe và mất sứ lao động trong thời gian mắc. Dù đa số diễn biến nhẹ vẫn có một tỷ lệ nhỏ diễn biến nặng (nhất là người có sức đề kháng yếu) và có thể tử vong kể cả ở người trẻ, khỏe mạnh.
Vì thế, người dân không nên chủ quan, khi có biểu hiện cúm nên cách ly và đến viện khám ngay khi có diễn biến nặng để được tư vấn tốt nhất.
Theo bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội), một số triệu chứng thường gặp của bệnh gồm: Đau họng và ho; hắt hơi, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi; sốt và ớn lạnh; nhức đầu và nhức mỏi cơ thể; cảm thấy mệt mỏi; có thể kèm theo đau bụng, nôn, tiêu chảy.
Khi có dấu hiệu cúm như sốt, đau nhức toàn thân, hắt hơi, chảy nước mũi..., mọi người vẫn thường tự điều trị triệu chứng ở nhà, sau vài ba ngày là bệnh lui.
Tuy nhiên, nếu cảm thấy mệt mỏi quá mức bình thường thì bệnh nhân nên đến viện để được kiểm tra. Đặc biệt khi có sốt cao lên sau vài ngày sốt nhẹ, đau nhức người, kèm theo triệu chứng đau ngực, khó thở thì càng phải đến viện sớm.
Các dấu hiệu cảnh báo cần nhập viện khẩn cấp gồm:
- Sốt cao liên tục ≥ 39⁰C, không đáp ứng thuốc hạ sốt hoặc co giật.
- Khó thở, thở nhanh hoặc nhịp thở bất thường.
- Đau ngực, hoặc đau cơ dữ dội.
- Tím môi và đầu chi, tay chân lạnh.
- Trẻ li bì, mệt mỏi, ăn kém, nôn trớ nhiều.
Tiêm vaccine cúm: Vì sao năm nào cũng nên tiêm?
Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, WHO và các Hiệp hội về bệnh hô hấp, tim mạch... đưa ra khuyến cáo những đối tượng như người cao tuổi, người có hệ miễn dịch yếu, người mắc các bệnh nền, bệnh mạn tính, bệnh ung thư, phụ nữ chuẩn bị mang thai hoặc đang mang thai, trẻ em dưới 5 tuổi... nên chủ động tiêm phòng cúm hàng năm để phòng bệnh.
"Vaccine cúm mùa sẽ giúp hệ miễn dịch của chúng ta chống đỡ được virus khi có dịch cúm và nếu mắc bệnh thì sẽ giảm nguy cơ tiến triển nặng. Cần lưu ý, việc tiêm phòng vaccine cúm cần nhắc lại hàng năm chứ không phải tiêm 1 lần mà miễn dịch lâu dài", PGS Cường khuyến cáo.
Cùng quan điểm này, BS Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, tiêm vaccine cúm giúp giảm nguy cơ mắc bệnh và giảm nguy cơ diễn biến nặng khi mắc cúm, do vậy tất cả những đối tượng trong chỉ định đều có thể hưởng lợi nhờ tiêm vaccine.
Tuy nhiên những người lớn tuổi, người có các bệnh nền như tiểu đường, tim mạch, hô hấp, béo phì, người suy giảm miễn dịch hoặc ghép tạng là những người có nguy cơ diễn biến nặng cao hơn khi không may mắc cúm nên họ sẽ là nhóm đối tượng nên ưu tiên thực hiện chủng ngừa hơn.
"Do virus cúm có khả năng thay đổi kháng nguyên thường xuyên. Nên các nhà sản xuất phải căn cứ vào xu thế thay đổi kháng nguyên của virus cúm để sản xuất ra các lô vaccine phù hợp với mỗi mùa cúm hàng năm. Do vậy vaccine cúm được khuyến cáo tiêm hàng năm, nhất là ở đối tượng nguy cơ cao", bác sĩ Cấp thông tin.
Bệnh cúm mùa có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, tuy nhiên hoàn toàn có thể phòng ngừa nhờ tiêm vaccine.
Ngoài ra, việc thực hiện các biện pháp như: Tăng cường vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang, vệ sinh tay, giữ ấm, ăn uống đầy đủ dưỡng chất, vệ sinh môi trường như tránh không khí ẩm thấp, thiếu ánh nắng, vệ sinh bề mặt, hạn chế tiếp xúc nơi đông người... cũng giúp giảm nguy cơ mắc cúm.