(Dân trí) - Với nhiều phụ nữ, niềm vui được làm mẹ đến nhẹ nhàng, "thuận tự nhiên". Thế nhưng có nhiều người phải trải qua nỗi đau mất con 1 lần, 2 lần, có người phải chờ đến 10 năm mới được thấy con chào đời.
Lấy chồng từ năm 21 tuổi, Bùi Thị Lý (24 tuổi, Bình Dương) không ngờ hành trình kiếm con của mình lại đầy chông gai, áp lực, lo sợ như vậy.
Không lâu sau khi lập gia đình, Lý có bầu song niềm vui ấy không kéo dài được lâu. Thấy hơi đau bụng, ra ít máu, cô vội vàng vào viện thì cổ tử cung đã mở hết, thai không giữ được, khi đó thai mới được 19 tuần 5 ngày. Lúc này, cô gái trẻ mới biết mình bị cổ tử cung ngắn.
Dù vậy, cô cũng không lường trước hết được việc được làm mẹ lại khó khăn đến thế cho đến lần mang thai thứ 2 vào năm 2021. Khi thai được 16 tuần, cô đã đến một bệnh viện lớn tại TPHCM để khâu vòng cổ tử cung qua đường âm đạo nhằm dự phòng sinh non.
Những tưởng biết bệnh, bắt đúng bệnh thì mọi chuyện sẽ diễn ra suôn sẻ thế nhưng chỉ một tuần sau cô lại một lần nữa phải nhập viện. Hy vọng le lói được thắp lên rồi lại bị dập tắt. Dù đã lên bệnh viện nằm hết lần đến lần khác nhưng cuối cùng cô vẫn không thể bảo vệ được con.
Sau 2 lần đó, cô gái trẻ bắt đầu sợ có bầu, bác sĩ cũng dặn sau khoảng 2 năm thì mới nên tính chuyện mang thai lại, nếu không được thì nhờ mang thai hộ. Dù vậy, người tính không bằng trời tính, đầu năm 2022 cô bị lỡ nên có bầu lần 3.
Lần này cô lại lên TPHCM tìm bác sĩ giỏi. Dù biết là khó nhưng khi nghe câu trả lời của bác sĩ khả năng thành công chỉ 40% nếu khâu đường âm đạo, cô vẫn không khỏi bàng hoàng. Lý do không có gì khác, cổ tử cung vừa ngắn vừa yếu. Sau đó, bác sĩ khuyên cô có thể thử ra Hà Nội tìm PGS.TS Vũ Bá Quyết, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Ông đã trình bày phương pháp mổ nội soi ổ bụng khâu eo cổ tử cung tại hội nghị khoa học tại TPHCM cách đây 3 năm.
"Tôi vẫn nhớ như in cái cảm giác khi gọi điện thoại cho PGS Quyết và nhận được câu trả lời tỷ lệ thành công là 90%. Lúc đó tôi chỉ biết khóc òa vì tôi biết có lẽ lần này tôi đã thành công, tôi có thể chào đón đứa con đầu lòng sau bao ngày tháng chờ mong", Lý chia sẻ.
Khi thai nhi được 11 tuần, Lý khăn gói bay ra Hà Nội để tiến hành khâu eo cổ tử cung qua ngả bụng bằng nội soi. Sau 3-4 ngày nằm viện, cô về quê chồng ở Thái Nguyên để dưỡng thai.
"Ban đầu em nặng 57kg, lúc có bầu do lo lắng, áp lực quá nên bị tụt xuống còn 54kg. Rất may quá trình mang thai diễn ra suôn sẻ, được hơn 36 tuần thì em mổ đẻ lấy thai. Lúc lên bàn mổ em nặng 65kg", Lý cười nói.
Bé trai chào đời nặng 2,4kg vào đúng dịp Tết Nguyên đán vừa rồi khiến niềm vui của cả gia đình như được nhân lên gấp bội. Vì mùa xuân này gia đình bé nhỏ đó đã có thêm một thiên thần nhỏ.
"Sau 2 lần bị sảy em cũng lo lắm, lo chồng chán, mới đầu còn sợ cả hai không dám gần gũi, chồng em cũng khóc như mưa. Em rất may mắn vì cả chồng, gia đình hai bên đều động viên. Lúc mang thai, ngày nào chồng cũng thủ thỉ kêu vợ cố gắng", người mẹ trẻ chia sẻ.
Sau đó Lý lập facebook để kết nối những trường hợp sảy thai liên tiếp đã khâu vòng cổ tử cung thất bại như mình. Qua đó, cô gái đã giới thiệu nhiều chị em đến gặp PGS Quyết và đã thành công.
Nở nụ cười hạnh phúc khi được ôm "cục vàng" trong lòng, chị Phạm Thị Thúy (30 tuổi, Hải Phòng) thở phào nhẹ nhõm khi con lọt lòng mẹ khỏe mạnh. Cũng bị cổ tử cung ngắn như Lý song chị Thúy phải mất đến 10 năm mới được làm mẹ.
Lấy chồng năm 2013, chồng hơn 1 tuổi, sau một thời gian để tự nhiên mà không có thai, chị đi khám thì biết bị buồng trứng đa nang, không thể có con theo cách tự nhiên, phải làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
Dù vậy ông trời vẫn thử thách lòng người khi lần thứ nhất, rồi lần thứ 2 làm IVF thành công nhưng chị vẫn không có được niềm vui làm mẹ. Lần đầu chị mang song thai, được 12 tuần, chị đi khám thì biết bản thân bị cổ tử cung ngắn. Dù đã được khâu vòng cổ tử cung qua đường âm đạo, thế nhưng đến 16 tuần thì chị bị sảy thai.
"Vợ chồng tôi lại ki cóp tiền để làm IVF lần thứ 2 là vào năm 2020. Lần này tôi cũng khâu vòng cổ tử cung nhưng cũng chỉ được đến 23 tuần thì bị đẻ non. Thực sự, tôi thấy áp lực lắm, đã nâng niu, cẩn thận đến thế mà vẫn không được, có đôi lúc cảm thấy bế tắc", chị Thúy ngậm ngùi nói.
Nhưng dù vậy chị vẫn khao khát được làm mẹ, vì thế lần thứ 3 chị tự nhủ phải thật cẩn thận, phải tìm hiểu thật kỹ. Qua facebook của Lý, chị đã tìm hiểu và đến gặp PGS Quyết. Chị vẫn nhớ mãi cảm xúc của cuộc điện thoại ngày hôm đó, chị đã khóc như mưa vì chị tin rằng trải qua bao khó khăn, lo sợ có lẽ lần này chị sẽ thành công. Chị được khâu eo cổ tử cung qua ngả bụng bằng phẫu thuật nội soi.
Và cuối cùng quá trình mang thai cũng diễn ra thuận lợi, dù chị bị tiểu đường thai kỳ tuy nhiên thai nhi lớn lên từng ngày khỏe mạnh trong bụng mẹ. Được 35 tuần, chị xin lên bệnh viện nằm, một tuần sau thì bác sĩ mổ lấy thai, bé trai nặng 2,7kg.
"Chồng tôi là con đầu nên các cụ cũng rất mong có cháu bế bồng. Vì thế con chào đời, cả gia đình mừng lắm. Tôi cũng không câu nệ con trai, con gái gì đâu, cứ có con là mừng lắm rồi. Cả nhà đã phải chờ đợi niềm vui này đến 10 năm liền", chị Thúy cười nói dù vẫn còn đau sau cả mổ đẻ.
Chi phí 3 lần làm IVF hết 500 triệu đồng. Dù vậy, với chị có con là món quà vô giá.
Theo PGS.TS Vũ Bá Quyết, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương (Hà Nội) trong quá trình mang thai, cổ tử cung thường đóng và bịt kín đường nối tử cung và âm đạo, giúp ngăn ngừa nhiễm trùng cũng như bảo vệ thai nhi tránh hiện tượng sinh non. Khi chuyển dạ, cổ tử cung sẽ mở rộng để trẻ chui ra.
Vào khoảng tuần thứ 24 của thai kỳ, cổ tử cung trung bình sẽ dài khoảng 35mm. Cổ tử cung ngắn là khi chiều dài cổ tử cung nhỏ hơn 25mm. Phụ nữ có cổ tử cung ngắn, hở eo cổ tử cung có thể có nhiều nguy cơ sinh non.
Những trường hợp này sẽ được tư vấn khâu vòng cổ tử cung qua đường âm đạo khi thai được khoảng 13-14 tuần. Tuy nhiên, có những trường hợp không thể tiếp tục khâu đường này như thất bại sau nhiều lần khâu đường âm đạo, cổ tử cung rách do cắt chỉ quá muộn ở các lần khâu trước, không còn khả năng khâu vòng cổ tử cung đường âm đạo.
Để giải quyết bài toán này, từ năm 2015, một số bác sĩ ở Việt Nam đã chỉ định khâu dự phòng trước mang thai, nhưng qua đường mổ mở rạch bụng. Nó được chỉ định cho những trường hợp không thể khâu được đường dưới. Tuy nhiên, đó là sẽ là cuộc mổ lớn với vết sẹo to, lâu hồi phục, cơ thành bụng yếu.
Điều này khiến PGS Quyết trăn trở. Qua các hội nghị, đọc sách báo, ông nhận thấy có thể ứng dụng nội soi để khâu vòng eo cổ tử cung trước khi mang thai thay cho phẫu thuật mổ mở phải rạch bụng. Vì thế, ông thực hiện ca nội soi đầu tiên vào năm 2019, khâu dự phòng trước khi mang thai.
Trường hợp này cổ tử cung bị rách, không còn chỗ để khâu theo đường âm đạo. Sau đó, bệnh nhân đã làm IVF và được chính PGS Quyết mổ đẻ thành công, không cắt chỉ khâu vòng để cho lần mang thai tiếp theo. Đến năm 2021, bệnh nhân tiếp tục có bầu tự nhiên, cũng được chính PGS Quyết mổ đẻ đồng thời cắt chỉ khâu vòng eo cổ tử cung.
"Lúc đầu, kỹ thuật này dành để khâu dự phòng trước mang thai, tuy nhiên thực tế nhiều trường hợp bệnh nhân đến khi đã có thai, nếu không khâu vòng cổ tử cung thì chỉ đến khoảng 20 tuần là sảy thai hoặc đẻ non. Vì thế, tôi nghiên cứu khâu nội soi ngay cả khi đã mang thai", PGS Quyết chia sẻ.
Theo ông, điểm lưu ý quan trọng với những trường hợp này là luôn phải ở gần cơ sở y tế và bắt buộc phải mổ lấy thai, không để đẻ thường, nếu không vỡ tử cung sẽ nguy hiểm đến tính mạng của mẹ và con.
"Chị em khi bị sảy thai liên tiếp, khâu vòng cổ tử cung đường âm đạo thất bại nhiều lần thì nên đến khâu dự phòng bằng nội soi qua ngả bụng trước khi có thai. Quá trình này sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
Còn nếu đã có thai, muốn khâu thì chị em nên khâu vào lúc 12-14 tuần là tốt nhất. Thời điểm sau 12 tuần, chị em đã làm các xét nghiệm để sàng lọc thai, đảm bảo thai bình thường khỏe mạnh không mắc các bệnh như Down, Edward… Thai cũng đã phát triển hoàn thiện các tổ chức, nên việc gây mê vào thời điểm này sẽ không ảnh hưởng. Để thai càng to thì phẫu thuật nội soi sẽ khó khăn hơn", PGS Quyết chia sẻ.
Đến nay, ông đã khâu thành công 50 ca, trong đó 15 ca khâu khi có thai 12-14 tuần. "Khâu vòng cổ tử cung qua đường âm đạo là tốt nhất, là chỉ định đầu tiên, chỉ khi không thể khâu được bằng đường này mới tiến hành khâu nội soi theo ngả bụng. Đây là kỹ thuật khó đòi hỏi trang thiết bị hiện đại, bác sĩ phải được đào tạo", PGS Quyết nói.
Sau hơn 40 năm làm trong ngành sản phụ khoa, với ông niềm hạnh phúc lớn nhất là mang những thiên thần nhỏ đến với mỗi gia đình. Dù hành trình kiếm con có vất vả đến như nào, có bao nhiêu nước mắt nhưng kết quả vẫn là "trái ngọt".
Nội dung: Nam Phương
Ảnh: Đỗ Quân
Thiết kế: Tuấn Huy