DNews

Làn sóng Covid-19 mới tăng nhanh trên toàn cầu, dịch tại Việt Nam ra sao?

Nam Phương

(Dân trí) - Số ca nhập viện trong tháng 12/2023 ở gần 50 quốc gia đã tăng 42% so với tháng 11/2023. Tại Việt Nam, trong 2 tuần đầu năm, số mắc tăng gấp 2,4 lần so với 2 tuần trước đó, số nhập viện tăng nhẹ.

Làn sóng Covid-19 mới tăng nhanh trên toàn cầu, dịch tại Việt Nam ra sao?

WHO: 10.000 người tử vong trong 1 tháng là mức "không thể chấp nhận được"

Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ năm 2023 đến đầu năm 2024, thế giới tiếp tục ghi nhận các biến thể mới của virus SARS-CoV-2, trong đó có những biến thể cần theo dõi như XBB.1.5, XBB.1.16, EG.5, BA.2.86, JN.1. 

Bên cạnh đó, số ca nhập viện do Covid-19 trong tháng 12/2023 ở gần 50 quốc gia đã tăng 42% so với tháng 11/2023, tập trung tại châu Âu và châu Mỹ. Tỷ lệ nhập viện vào khu chăm sóc đặc biệt cũng tăng 62%.

Mỹ ghi nhận hơn 29.000 ca nhập viện để điều trị Covid-19 trên khắp nước Mỹ từ ngày 17 đến ngày 23/12/2023, tăng hơn 16% so với tuần trước đó.

Tại Anh, trong tuần đầu năm 2024, trung bình hơn 3.000 người mắc Covid-19 nhập viện mỗi ngày, cao hơn 68% so với đầu tháng 12/2023. 

Tại Italy, số người mắc Covid-19 tăng cao trong hai tuần cuối năm 2023, với tỷ lệ lây nhiễm là 17,7/1.000.

Làn sóng Covid-19 mới tăng nhanh trên toàn cầu, dịch tại Việt Nam ra sao? - 1

WHO kêu gọi chính phủ các nước tiếp tục giám sát, đáp ứng tốt nhất có thể việc cung cấp vaccine và điều trị y tế cho người dân. Một số quốc gia ở châu Âu cũng tiếp tục khuyến nghị thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 như tiêm chủng, xét nghiệm và đeo khẩu trang.

Theo AP, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, cho biết, các cuộc tụ tập trong dịp nghỉ lễ và một biến thể lây lan nhanh chóng là nguyên nhân đằng sau sự gia tăng số ca nhập viện và tử vong do Covid-19 trên toàn thế giới, với gần 10.000 ca tử vong được báo cáo vào tháng trước.

"Mặc dù 10.000 ca tử vong mỗi tháng là con số thấp hơn nhiều so với đỉnh điểm của đại dịch, nhưng mức tử vong này là không thể chấp nhận được", Tổng giám đốc WHO nói.

Biến thể mới của SARS-CoV-2 đang lây lan nhanh có nguy hiểm?

Làn sóng Covid-19 mới tăng nhanh trên toàn cầu, dịch tại Việt Nam ra sao? - 2
Làn sóng Covid-19 mới tăng nhanh trên toàn cầu, dịch tại Việt Nam ra sao? - 3

JN.1 là biến thể phụ nhánh BA.2.86 của chủng Omicron được xếp vào nhóm biến thể cần quan tâm (Ảnh: Science).

Trên cơ sở thay đổi về đặc tính của virus (bao gồm mức độ lây lan, mức độ nghiêm trọng, hiệu quả của vaccine đối với virus) cùng việc chẩn đoán, điều trị và các biện pháp xã hội, WHO phân loại các biến thể của SARS-CoV-2 thành 4 nhóm: Biến thể cần quan tâm, biến thể đáng lo ngại, biến thể được theo dõi, biến thể gây hậu quả nghiêm trọng.

TS.BS Hoàng Minh Đức, Phó Cục trưởng phụ trách, quản lý điều hành Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết, theo phân loại của WHO, JN.1 là biến thể phụ nhánh BA.2.86 của chủng Omicron, thuộc nhóm biến thể cần quan tâm.

JN.1 đang là biến thể được báo cáo nhiều nhất trên thế giới. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, chưa có bằng chứng nào cho thấy JN.1 gây ra nguy cơ ảnh hưởng nặng nề đối với sức khỏe cộng đồng so với các biến thể khác của SARS-CoV-2.

"Tuy nhiên, số ca mắc Covid-19 nói riêng và các bệnh đường hô hấp khác nói chung vẫn được dự báo gia tăng trong thời gian tới. Ở những quốc gia đang vào mùa đông, trường hợp phải nhập viện có thể tăng", TS Đức nói.

Theo ông, Việt Nam hiện chưa ghi nhận các biến thể mới của SARS-CoV-2.

Số mắc Covid-19 tại nước ta cũng có xu hướng tăng

Theo TS Đức, trong 2 tuần đầu năm 2024, nước ta đã ghi nhận 419 ca mắc Covid-19, nhập viện rải rác ở 39 tỉnh, thành phố. Số mắc tăng gấp 2,4 lần so với 2 tuần trước đó, số nhập viện tăng nhẹ nhưng không có trường hợp nặng. Hệ thống điều trị hiện vẫn đáp ứng hiệu quả.

"Tình hình dịch Covid-19 tại nước ta vẫn được kiểm soát. Việc các quốc gia ghi nhận ca mắc tăng là bình thường vì dịch chưa hết hẳn. Những ca mắc Covid-19 tại các nước chủ yếu ở mức độ nhẹ, nhiễm chủng Omicron, chưa ghi nhận sự bất thường", TS Đức nhấn mạnh.

Làn sóng Covid-19 mới tăng nhanh trên toàn cầu, dịch tại Việt Nam ra sao? - 4

TS.BS Hoàng Minh Đức, Phó Cục trưởng phụ trách, quản lý điều hành Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế (Ảnh: Tiến Dũng).

Ở nước ta, Covid-19 không còn là bệnh truyền nhiễm nhóm A mà chuyển sang nhóm B, được giám sát như các bệnh cúm mùa thông thường khác.

Chuyên gia cảnh báo, nước ta đang trong giai đoạn vào mùa đông - xuân, thời tiết chuyển mùa thay đổi bất thường nên dễ dẫn đến xuất hiện và lây lan các dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là bệnh lây truyền qua đường hô hấp.

Để phòng chống bệnh lây truyền qua đường hô hấp, trong đó có Covid-19, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần tiếp tục chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân như rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang tại các cơ sở y tế, trên các phương tiện giao thông công cộng và tại địa điểm tập trung đông người... 

Đồng thời, tránh tiếp xúc với người có triệu chứng mắc bệnh đường hô hấp như ho, sốt, khó thở... Khi có dấu hiệu mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Làn sóng Covid-19 mới tăng nhanh trên toàn cầu, dịch tại Việt Nam ra sao? - 5
Làn sóng Covid-19 mới tăng nhanh trên toàn cầu, dịch tại Việt Nam ra sao? - 6

Biến thể mới của virus SARS-CoV-2 liên tục xuất hiện (Ảnh: B.V).

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cũng nhận định, nguy cơ gia tăng trở lại số ca mắc Covid-19 tại nước ta là hiện hữu. Tuy nhiên, chúng ta không nên quá lo lắng, điều quan trọng là bảo vệ nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trước Covid-19 như người già, trẻ em, người suy giảm miễn dịch, người chưa tiêm vaccine phòng Covid-19...

"Những người có triệu chứng nghi ngờ và những người tiếp xúc với người có triệu chứng nghi ngờ phải đeo khẩu trang. Điều này không chỉ giúp phòng Covid-19 mà còn cả các bệnh viêm đường hô hấp khác như cúm A, cúm B...", TS Phu nói. 

Bộ Y tế kích hoạt hệ thống giám sát tại các cửa khẩu

Làn sóng Covid-19 mới tăng nhanh trên toàn cầu, dịch tại Việt Nam ra sao? - 7

Để chủ động phát hiện, kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm xâm nhập nước ta, Cục Y tế dự phòng vừa có văn bản gửi trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế, trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố có hoạt động kiểm dịch y tế về việc tăng cường kiểm dịch y tế biên giới. Việc này không chỉ nhằm giám sát dịch Covid-19 mà còn để theo dõi nhiều dịch bệnh khác.

Cuối năm là thời điểm nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao. Đây là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan, có thể làm gia tăng số ca mắc bệnh truyền nhiễm, bệnh lây truyền qua đường hô hấp, nhất là với nhóm có nguy cơ cao như trẻ em, người cao tuổi, người có bệnh lý nền.

Các địa phương cũng cần xây dựng kế hoạch giám sát trọng điểm, lồng ghép Covid-19 vào hệ thống giám sát tác nhân gây bệnh đường hô hấp, bao gồm hội chứng cúm, viêm phổi nặng do virus để theo dõi các biến thể của virus.

Việt Nam còn hơn 400.000 liều vaccine Covid-19

Làn sóng Covid-19 mới tăng nhanh trên toàn cầu, dịch tại Việt Nam ra sao? - 8

PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho biết kho của viện đang bảo quản hơn 400.000 liều vaccine Covid-19 Pfizer, hạn sử dụng đến cuối tháng 9/2024. Đây là số vaccine dự trữ cho những vùng có ổ dịch hoặc có nguy cơ cao. Số vaccine này đang được bảo quản chặt chẽ, đúng quy trình.

Bộ Y tế đã đề nghị các địa phương rà soát, báo cáo nhu cầu vaccine trong năm 2024 để có kế hoạch cung ứng, cập nhật hướng dẫn tiêm chủng cho các nhóm đối tượng theo khuyến cáo của WHO.

Các triệu chứng mắc Covid-19

Theo các chuyên gia, triệu chứng và mức độ nghiêm trọng của bệnh thường phụ thuộc nhiều vào khả năng miễn dịch và sức khỏe tổng thể của một người hơn là biến thể nào gây ra bệnh. 

Dữ liệu khảo sát mới từ các cơ quan y tế của Vương quốc Anh cho thấy các triệu chứng phổ biến của bệnh gồm: Sổ mũi, ho, nhức đầu, mệt mỏi, đau cơ, đau họng, khó ngủ, lo lắng... 

Thực tế, các triệu chứng này khá giống với một số bệnh đường hô hấp khác thường gia tăng trong mùa đông.