DNews

Chuyện cả nhà 5 người đăng ký hiến xác: "Không hy sinh sao có bác sĩ giỏi"

Hoàng Lê

(Dân trí) - "Ai cũng muốn chữa hết bệnh, nhưng nếu không có người hy sinh thì làm sao có bác sĩ giỏi", người phụ nữ chia sẻ trước thi hài chồng đã hiến xác phục vụ cho y học.

Chuyện cả nhà 5 người đăng ký hiến xác: "Không hy sinh sao có bác sĩ giỏi"

Cận Tết Nguyên đán 2025, tại Đại học Y Dược TPHCM đã diễn ra "Lễ Tri ân những người đã hiến thi hài cho sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu y khoa" (lễ Macchabée). Ở đó, nhiều câu chuyện và khoảnh khắc xúc động đã diễn ra, khi gia đình của người hiến thi hài gặp lại xác thịt thân nhân.

Chuyện cả nhà 5 người đăng ký hiến xác: Không hy sinh sao có bác sĩ giỏi - 1

Lễ Tri ân những người đã hiến thi hài cho sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu y khoa, diễn ra tại Đại học Y Dược TPHCM (Ảnh: Khánh An).

"Nếu mình chết đi, xác thân cũng thành tro bụi đất cát…"

Trong giây phút các bác sĩ, giảng viên và sinh viên Đại học Y Dược TPHCM đọc lời tri ân ở đại giảng đường, bà Trần Thị Kiều Linh (59 tuổi, quê Tây Ninh) con gái cụ Đặng Bình Yên không kìm được nước mắt. Bà Linh nói, mẹ mình mất vào tháng 11/2024 (thọ 77 tuổi), nhưng đã đăng ký hiến xác từ 3 năm trước.

Theo lời người con gái, năm 2021, cụ Yên biết đến việc hiến xác qua các phương tiện truyền thông đại chúng, nên nhờ con gái chở đi đăng ký hiến xác. Lúc đó, bà Linh bận công việc, nên hứa với mẹ đợi đến hè có thời gian sẽ dẫn đi đăng ký.

Nhưng người mẹ không chịu, vì sợ bản thân có thể gặp biến cố bất cứ lúc nào, khiến nguyện vọng không thành. Do đó, dù sức khỏe yếu, cụ Yên một mình bắt xe từ Tây Ninh đến TPHCM để viết đơn tình nguyện hiến xác.

Biết sự quyết tâm của mẹ, cả nhà bà Linh đều ủng hộ. Ngày mẹ mất, con gái tuân theo di nguyện, liên hệ bệnh viện và trường y để làm thủ tục bàn giao xác. Và đến năm vừa rồi, bà Linh cũng đăng ký hiến xác để tiếp nối con đường của mẹ.

 "Nếu mình chết đi, xác thân mình rồi cũng thành tro bụi đất cát, không mang lại lợi ích gì. Tôi muốn hiến tặng cho đời, tặng cho sinh viên học, để sau này các em có thể cống hiến, phục vụ lại cho nhân dân.

Hôm nay được tham dự buổi lễ tri ân của trường với mẹ mình, tôi cảm thấy được an ủi", người con gái nghẹn ngào tâm sự, trước khi đến nhìn mặt người thân.

Chuyện cả nhà 5 người đăng ký hiến xác: Không hy sinh sao có bác sĩ giỏi - 2

Bà Linh xúc động khi người mẹ đã khuất của mình được tri ân (Ảnh: Khánh An).

Đến tham dự lễ tri ân cùng con dâu, cô Nguyễn Minh Thuận (64 tuổi, ngụ TPHCM) cho biết, chồng cô là ông Nguyễn Vĩnh Thiện đã dừng lại cuộc đời ở tuổi 71 cách đây 6 tháng, vì căn bệnh ung thư gan.

Hơn 10 năm trước, ông Thiện đã đăng ký hiến tạng. Đến những ngày sức khỏe suy yếu, ông tiếp tục bày tỏ mong muốn được hiến xác phục vụ y học. Sau khi được chấp thuận, giấy hiến xác được ông đóng khung, trân trọng treo trên đầu giường, để luôn nhắc nhở gia đình rằng việc này là việc nên làm.

Với cô Thuận, không có niềm vui và hạnh phúc nào bằng việc thực hiện lời dặn dò của người mình thương suốt cuộc đời. Do đó, người vợ và cả gia đình gồm con trai, con gái, con dâu cũng đã đăng ký hiến xác.

"Hồi còn trẻ, chồng tôi là cán bộ Đoàn, tham gia phong trào học sinh - sinh viên trước năm 1975, từng bị chế độ cũ bắt, giam giữ và tra tấn nhưng không khai ra bất cứ thông tin nào.

Lúc còn sống, ông Thiện cũng là người luôn đi tiên phong trong các hoạt động. Bất cứ nơi nào cần, ông ấy đều tham gia, đều sẵn sàng cống hiến. Tôi hiểu tâm ý chồng, nên luôn ủng hộ. Khi ông Thiện mất, tôi và gia đình liên hệ bệnh viện để làm thủ tục hiến xác ngay", cô Thuận chia sẻ.

Cũng theo người phụ nữ, suy nghĩ phải để thân xác toàn vẹn khi qua đời là một quan niệm cổ hủ. Bởi khi đã mất, thứ còn lại của con người chỉ là xác thịt vô hồn. Do đó, việc cống hiến thân xác, để giúp được cho sự phát triển của y học là vô cùng ý nghĩa.

Chuyện cả nhà 5 người đăng ký hiến xác: Không hy sinh sao có bác sĩ giỏi - 3
Chuyện cả nhà 5 người đăng ký hiến xác: Không hy sinh sao có bác sĩ giỏi - 4

Nhiều khoảnh khắc ý nghĩa đã diễn ra tại buổi lễ Macchabée (Ảnh: Khánh An).

"Tôi cũng từng nhìn chồng lâm vào bạo bệnh, không thể điều trị được nữa, nên hoàn toàn hiểu được cảm giác bất lực khi nhiều người không thể can thiệp đến nơi đến chốn. Ai cũng muốn chữa hết bệnh, nhưng nếu không có người hy sinh thì làm sao có người bác sĩ giỏi.

Tôi nghĩ hãy cứ nhìn cái nào quý nhất, có lợi nhất cho xã hội thì mình làm. Hôm nay tôi dự lễ tri ân chồng, biết đâu nó lại là lễ tri ân cho chính tôi sau này. Mong ngày mai khi nằm xuống, tôi có thể mỉm cười vì đã làm được điều ý nghĩa cho đời", cô Thuận tâm niệm.

Những đóa hoa bất tử, những "người thầy thầm lặng"

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Hoàng Vũ, Trưởng Bộ môn Giải phẫu, Đại học Y Dược TPHCM cho biết, từ năm 1990, trường đã quyết định khôi phục lễ Macchabée, nhằm tri ân những người đã hiến thi hài cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo y khoa.

Từ đó, "lễ Tri ân" đã nhanh chóng lan truyền sang tất cả các trường đại học y khoa ở Việt Nam, trở thành một ngày lễ không thể thiếu đối với sinh viên ngành y.

Nghi lễ tạ ơn này đã góp phần giáo dục y đức cho sinh viên, rất được dư luận và các phương tiện truyền thông chú ý, đồng tình. Từ đó, phong trào hiến thân thể cho y học cũng được phổ biến và ủng hộ rộng rãi.

Theo thống kê, trong năm 2024, Bộ môn Giải phẫu, Trường Đại học Y Dược TPHCM đã tiếp nhận hơn 1.700 người đến làm hồ sơ hiến tặng thi hài. Đến nay, tổng số người tình nguyện đến làm thủ tục hiến tặng thi hài tại trường là hơn 36.200 người.

Chuyện cả nhà 5 người đăng ký hiến xác: Không hy sinh sao có bác sĩ giỏi - 5
Chuyện cả nhà 5 người đăng ký hiến xác: Không hy sinh sao có bác sĩ giỏi - 6
Chuyện cả nhà 5 người đăng ký hiến xác: Không hy sinh sao có bác sĩ giỏi - 7

Trong năm 2024, Đại học Y Dược TPHCM đã tiếp nhận 29 thi hài hiến tặng (Ảnh: Khánh An).

Cũng trong năm vừa qua, Trường đã tiếp nhận 29 thi hài, nâng tổng số thi hài hiến tặng được tiếp nhận tại đây lên 938 trường hợp. Hiện tại, có 148 thi hài đang được bảo quản tại Bộ môn Giải phẫu.

Từ các thi hài tiếp nhận, Đại học Y Dược TPHCM đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, cũng như đào tạo ở các bậc như bác sĩ nội trú, bác sĩ chuyên khoa cấp 1-2, thạc sĩ, tiến sĩ.

Có nhiều khóa đào tạo liên tục để cập nhật kiến thức, kỹ thuật mới trong y học cũng được thực hiện trên thi hài. Bộ môn Giải phẫu còn là nơi tham quan, học tập của các trường y trong nước cũng như nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc.

Với những thi hài đã sử dụng để giảng dạy và nghiên cứu, hằng năm, Trường cũng tiến hành hỏa táng và hoàn trả tro cốt về cho thân nhân của những người tình nguyện. Đến nay, Đại học Y Dược TPHCM đã tổ chức hỏa táng và hoàn trả 774 bộ tro cốt cho thân nhân.

Theo Phó giáo sư Vũ, dù ở bất cứ nơi đâu trên đất nước Việt Nam, luôn có những con người sẵn sàng hiến thân, không phân biệt già hay trẻ, nghề nghiệp, quan điểm tôn giáo, địa vị, đẳng cấp hay giàu nghèo...

Các giảng viên và sinh viên trường y luôn kính trọng thi hài của người tình nguyện, coi họ là những "người thầy thầm lặng", những "đóa hoa bất tử" của đức hy sinh và lòng nhân ái.

Chuyện cả nhà 5 người đăng ký hiến xác: Không hy sinh sao có bác sĩ giỏi - 8
Chuyện cả nhà 5 người đăng ký hiến xác: Không hy sinh sao có bác sĩ giỏi - 9

Những người hiến thi hài là những "đóa hoa bất tử" của đức hy sinh và lòng nhân ái (Ảnh: Khánh An).

Phó giáo sư Phùng Nguyễn Thế Nguyên, Trưởng Bộ môn Nhi, khoa Y, Đại học Y Dược TPHCM chia sẻ, tiêu bản xác người là một phương tiện rất đặc biệt trong quá trình đào tạo, học tập và nghiên cứu y khoa. Phải hiểu về cơ thể con người mới có thể hiểu được các dấu hiệu của bệnh lý cũng như tìm cách giải thích, chữa trị các bệnh lý đó.

Ngày nay, cho dù y học đã rất phát triển nhưng vẫn chưa có phương tiện, kỹ thuật nào có thể thay thế cho tiêu bản người thật. Do đó, cơ thể con người là vô giá trong sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu y khoa.

Các trường y sẽ không thể có được những tiêu bản xác người thật, nếu như không có sự cống hiến của những người tình nguyện cùng với sự hy sinh vô bờ bến của những người cha, người mẹ, người chồng, người vợ và con, cháu của họ.

"Hằng năm, chúng ta tổ chức buổi lễ Macchabée để tỏ lòng biết ơn những người tình nguyện, những đóa hoa của đất trời, những người thầy thầm lặng của chúng ta. Tuy nhiên, không phải chỉ đến buổi lễ tri ân này, mà các em nên luôn khắc ghi lòng biết ơn đó trong suốt quá trình học tập và hành nghề của chúng ta.

Đó cũng là bài học y đức đầu tiên, bài học gần gũi nhất trong sự nghiệp học tập và rèn luyện của các em", thầy Phùng Nguyễn Thế Nguyên nhắn nhủ với các học trò ở trường y.

Hoàng Lê - Khánh An