DNews

Chỉ khâu "chưa lành vết thương đã đứt" và đề nghị của Thứ trưởng Bộ Y tế

Hoàng Lê

(Dân trí) - "Cần đánh giá thực lực các nhà thầu. Không thể cứ ký với nhau rồi cung cấp hay không cũng được", Thứ trưởng Bộ Y tế nói, sau khi nghe việc bệnh viện bị bên trúng thầu cung ứng chỉ khâu kém chất lượng.

Chỉ khâu "chưa lành vết thương đã đứt" và đề nghị của Thứ trưởng Bộ Y tế

Chiều 8/8, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cùng đoàn công tác của Bộ Y tế có buổi làm việc với một số đơn vị trên địa bàn TPHCM về vấn đề khám chữa bệnh, thiếu thuốc và vật tư y tế. Nhiều lãnh đạo bệnh viện đã chia sẻ những khó khăn thực tế tại nơi họ làm việc trong thời gian qua.

Vẫn còn những nỗi sợ "đấu thầu"

Phó giáo sư Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất chia sẻ, việc cung ứng hiện đã tốt hơn thời gian trước. Tuy nhiên, có tình trạng bệnh nhân đổ hết về bệnh viện tuyến cuối, gây nên sự "thiếu giả".

Ông Thanh mong muốn các thuốc thông thường, điều trị các bệnh mãn tính được đưa về tuyến cơ sở nhiều hơn, cũng như tập trung phát triển y tế cơ sở để người dân không phải chen lấn, chờ đợi, gây ra tình trạng thiếu thuốc cục bộ. Đồng thời, việc chi trả của bảo hiểm y tế (BHYT) cho các bệnh viện tuyến cuối cần được hỗ trợ hơn, cao hơn.

Tiến sĩ, dược sĩ Nguyễn Quốc Bình, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, với đơn vị tuyến cuối, nhu cầu của người bệnh biến động không ngừng, chỉ đến cuối ngày mới biết khám cho bao nhiêu người, đáp ứng thế nào. Hiện nay, vấn đề cung ứng thuốc đã tốt hơn 11-12% so với giai đoạn trước.

Ông Bình nhận định, có nhiều tình huống dẫn đến thiếu thuốc. Kể cả có hợp đồng mà giao không kịp cũng có thể thiếu. Về mặt lâu dài, Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn đáp ứng được thuốc điều trị cho bệnh nhân. Chợ Rẫy đang thực hiện 5 gói thầu mua sắm, theo quy định của Luật Đấu thầu mới ban hành (hiệu lực từ ngày 1/1).

Chỉ khâu chưa lành vết thương đã đứt và đề nghị của Thứ trưởng Bộ Y tế - 1

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên làm việc với lãnh đạo các bệnh viện ở TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).

Đại diện Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM bày tỏ, khó khăn nhất là việc khống chế khám chữa bệnh theo toa của BHYT. Rất nhiều lần nơi này phải giải trình mà không giải thích được, khi có những bệnh không thể dùng thuốc generic (thuốc công thức) mà phải kê biệt dược gốc, khiến chi phí đội lên rất cao.

Thứ hai, có trường hợp đấu thầu nhưng chỉ có một báo giá duy nhất, không thể kiểm tra được các tiêu chuẩn chuyên môn. Nếu ở nơi khác có hãng khác báo giá thấp hơn sẽ gây khó cho bệnh viện.

Bác sĩ Lê Trung Chánh, Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TPHCM bày tỏ, hiện nay vẫn còn tâm lý lo sợ nói chung trong nhân viên y tế. Như ở bệnh viện ông, có bác sĩ nói thẳng: "Làm gì thì làm, đừng cho em làm công tác đấu thầu là được". Thực tế, ban đầu bệnh viện tuyển họ về với mục đích làm chuyên môn, nhưng giờ lại phải tham gia đấu thầu.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Châu Văn Đính, Giám đốc Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM chia sẻ, một số thời điểm đơn vị thiếu dụng cụ kết hợp xương. Dù có nhiều lời khuyên không nên mua sắm trực tiếp sẽ dễ gặp rủi ro về quy định, đơn vị vẫn phải cố gắng mua, vì bệnh nhân không thể chờ.

Bên cạnh đó, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình cũng phối hợp với những đơn vị bạn chuyển một số bệnh nhân sang điều trị. Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tạm thời.

Chỉ khâu chưa lành vết thương đã đứt và đề nghị của Thứ trưởng Bộ Y tế - 2

Bác sĩ chuyên khoa 2 Châu Văn Đính, Giám đốc Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM chia sẻ về thực tế mua sắm, đấu thầu ở đơn vị (Ảnh: Hoàng Lê).

"Chúng tôi là những người làm chuyên môn, không có kinh nghiệm làm công tác đấu thầu. Do đó sau khi có một số vụ việc, anh em lo sợ, xin nghỉ. Hiện tại bệnh viện phải đấu thầu thông qua đơn vị tư vấn thầu, nên sẽ có phần kéo dài hơn. Dù vậy, thực tế cũng bắt đầu có đường ra", bác sĩ Đính nói.

Mua sắm đã khó khăn, lại nhận vật tư không chất lượng

Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Trí Thanh, Giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức cho biết, thời gian qua vì công nợ của đơn vị quá nhiều, nên có thời điểm các công ty không cung ứng hàng, gây thiếu hụt nhiều loại thuốc.

Như các thuốc gây tê tủy sống, vì không được cung ứng nên ảnh hưởng đến việc sinh nở của các sản phụ. Sau đó, bệnh viện đã cố gắng làm việc với các công ty để được giải quyết việc cung ứng thuốc trở lại. Điều này được ông Thanh nhận định là vấn đề của riêng đơn vị.

Thứ hai là khó khăn trong đấu thầu vật tư về răng hàm mặt, thẩm mỹ, như răng sứ, hệ thống labo làm răng. Có lẽ vì số lượng ít, giá trị không nhiều nên các công ty không tham gia thầu.

Bên cạnh đó, một số trường hợp trúng thầu xong lại không đáp ứng được chất lượng. Như chỉ khâu tầng sinh môn, chưa đủ ngày, vết thương chưa kịp lành đã đứt. Hay catheter lọc thận, dung dịch sát trùng tay... vừa qua cũng không đảm bảo, gây ảnh hưởng đến việc điều trị, bệnh viện phải tìm cách khắc phục.

Chỉ khâu chưa lành vết thương đã đứt và đề nghị của Thứ trưởng Bộ Y tế - 3

Bệnh nhân chạy thận tại Bệnh viện TP Thủ Đức (Ảnh: Hoàng Lê).

Một khó khăn khác là việc nhân viên y tế Bệnh viện TP Thủ Đức nghỉ việc nhiều, nên lực lượng tham gia đấu thầu thiếu và không có kinh nghiệm, dẫn đến tâm lý sợ, gây chấm thầu sai sót, làm tiến độ chấm thầu kéo dài.

Thiếu tướng, tiến sĩ, bác sĩ Trần Quốc Việt, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) chia sẻ, trong quý 1 năm nay, chi phí khám BHYT bình quân từng bệnh nhân tại đơn vị cao hơn 14,6 triệu đồng so với năm trước.

Để giảm xuống, bệnh viện chỉ còn cách nhận khám những ca có chi phí điều trị thấp hơn rất nhiều để bù lại. Từ đó khiến số lượng bệnh nhân cao hơn, là một phần của nguyên nhân gây quá tải.

"Chúng tôi không muốn giải trình về các chi phí. Cần xem xét phân loại phù hợp với đặc thù bệnh nhân, chi phí khám theo ICD 10 (phân loại bệnh tật) của tuyến trên phải khác tuyến dưới", ông Việt nói.

Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 đề xuất, Bộ Y tế có thể ủy quyền hẳn cho bệnh viện, đơn vị đủ năng lực một gói đấu thầu lớn, giống như Bộ Quốc phòng đã thực hiện với Bệnh viện Quân y 175, để các đơn vị có sự chủ động mua sắm phù hợp.

"Chúng tôi dám làm và chịu trách nhiệm. Còn thuốc đấu thầu phải mua loại chất lượng cho bệnh nhân", thiếu tướng Trần Quốc Việt khẳng định.

Chỉ khâu chưa lành vết thương đã đứt và đề nghị của Thứ trưởng Bộ Y tế - 4
Chỉ khâu chưa lành vết thương đã đứt và đề nghị của Thứ trưởng Bộ Y tế - 5

Bệnh nhân đến khám, điều trị tại Bệnh viện Quân y 175 (Ảnh: Hoàng Lê).

Cần nghiên cứu, đánh giá thực lực các nhà thầu

Bà Vũ Nữ Anh, Phó Vụ trưởng, Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết, phạm vi chi trả BHYT ở Việt Nam khá rộng, số lượng hoạt chất chi trả nhiều hơn Thái Lan và Indonesia. Cuối tháng 5, Vụ đã gửi công văn tổng hợp vấn đề thiếu thuốc cho các ngành chức năng và bệnh viện trên cả nước. Trong đó, 70% là thiếu thuốc cục bộ, do các nguyên nhân như khó khăn về đấu thầu mua sắm, thiếu nguồn cung…

Bà Nữ Anh đưa ra thống kê, Việt Nam hiện chi trả BHYT khoảng 45.000 tỷ đồng/năm cho thuốc, khoảng 10.000-15.000 tỷ đồng cho vật tư y tế, và tăng cao so với trước đây. Quy định chi trả của BHYT là theo hoạt chất, nên hoàn toàn có thể thanh toán nếu dùng thuốc thay thế. Đồng thời, không có yêu cầu về giá trần đơn thuốc.

Dù vậy, nguồn quỹ bảo hiểm có giới hạn, nên khi các bệnh viện có chi phí khám chữa bệnh tăng cao thì việc thông báo vẫn phải thực hiện. Bên cạnh đó, việc chi trả BHYT theo định suất cũng đang được nghiên cứu.

Sau khi nghe các báo cáo, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên kết luận, có một số vấn đề chính liên quan đến việc thiếu thuốc, khó khăn trong mua sắm mà các đơn vị đề cập, đó là thể chế, cách thức thực hiện và điều trị.

Về thể chế, Thứ trưởng nhận định nước ta vẫn đang từng bước hoàn thiện, ngay thời điểm hiện tại, luật BHYT đang được nghiên cứu chỉnh sửa. Thứ trưởng cũng đề nghị cần tiếp tục áp dụng thanh toán theo viện phí cụ thể của từng người bệnh, không làm theo định suất hay khoán chi.

Chỉ khâu chưa lành vết thương đã đứt và đề nghị của Thứ trưởng Bộ Y tế - 6
Chỉ khâu chưa lành vết thương đã đứt và đề nghị của Thứ trưởng Bộ Y tế - 7
Chỉ khâu chưa lành vết thương đã đứt và đề nghị của Thứ trưởng Bộ Y tế - 8

Về cách thức thực hiện, vì gặp khó khăn về nhân lực, kinh phí... Thứ trưởng đề nghị đẩy mạnh đấu thầu tập trung ở tỉnh và cả bình diện quốc gia. Bên cạnh đó, cơ sở y tế cũng phải chủ động các loại thuốc khác ngoài danh mục đấu thầu tập trung, để cung ứng cho người bệnh.

"Cần nghiên cứu, đánh giá thực lực các nhà thầu. Khi ký hợp đồng phải có cam kết đảm bảo chất lượng thế nào, nếu không sẽ bị phạt bao nhiêu... Không thể cứ vui vẻ ký với nhau rồi cung cấp hay không cũng được", Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói, sau khi nghe bệnh viện đề cập việc đã đấu thầu nhưng lại bị cung ứng vật tư kém chất lượng.

Một vấn đề khác là phải nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn tuyến cơ sở, y tế dự phòng. Cần kiện toàn vị trí dược sĩ lâm sàng và linh hoạt trong điều trị. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu kỹ các văn bản hướng dẫn. Thứ trưởng cũng ủng hộ vấn đề phân cấp, phân quyền đấu thầu cho bệnh viện theo năng lực.

Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất được tái bổ nhiệm

Chiều 8/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã trao quyết định bổ nhiệm lại chức vụ Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM) cho Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Lê Đình Thanh. Theo đó, ông Lê Đình Thanh sẽ tiếp tục giữ chức Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất nhiệm kỳ tiếp theo (tính từ ngày 1/9) cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu.

Nhận nhiệm vụ, Phó giáo sư Lê Đình Thanh chia sẻ, việc được tái bổ nhiệm không những là vinh dự mà còn là trách nhiệm hết sức lớn lao với ông. Với Bệnh viện Thống Nhất, suốt 5 năm qua toàn thể nhân viên y tế đã cùng nhau vượt qua nhiều thử thách.

Từ đó, bệnh viện đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào, từ việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, cải thiện cơ sở vật chất đến xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp…

"Chúng ta đã gặp vô vàn khó khăn của giai đoạn dịch bệnh Covid-19 (2020-2022), đến những khó khăn, thiếu thốn về tiền bạc, vật tư, thiết bị, thuốc men, nguồn lực… Nhưng chúng ta đã vượt qua tất cả, không ngừng vươn lên và trưởng thành", ông Thanh nói.

Bên cạnh đó, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất cũng bày tỏ, nhiệm kỳ 5 năm đầu tiên của ông trôi qua nhanh, vẫn còn nhiều trăn trở và mục tiêu chưa đạt được, như tòa nhà kỹ thuật cao chưa được khởi công, nhiều kỹ thuật mới chưa được triển khai, vẫn đang khắc phục việc thiếu hụt cơ sở vật chất, trang thiết bị…

Ông tin tưởng với sự giúp đỡ của Bộ Y tế, các Vụ, Cục, toàn hệ thống và sự nỗ lực của toàn thể bệnh viện, các mục tiêu đề ra sẽ đạt được.