DNews

Bác sĩ giấu thân phận khi... tìm vợ, lo bị bệnh nhân đánh

Thanh Tùng

(Dân trí) - Làm việc ở bệnh viện tâm thần, các bác sĩ đối diện với nhiều định kiến từ dư luận, bị bệnh nhân đánh như "cơm bữa". Nhưng đam mê, nhiệt huyết đã thôi thúc họ luôn cố gắng, đồng cảm với bệnh nhân.

Bác sĩ giấu thân phận khi... tìm vợ, lo bị bệnh nhân đánh

Giấu thân phận khi đi... tìm vợ

Hơn 20 năm công tác tại Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa, bác sĩ chuyên khoa II Phạm Đức Cường - Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa - đã tiếp xúc, điều trị cho hàng nghìn bệnh nhân.

Bác sĩ Cường tâm sự, điều trị cho bệnh nhân bình thường đã khó khăn, việc điều trị cho các bệnh nhân tâm thần còn vất vả gấp bội lần. Cũng vì vậy mà chuyên ngành tâm thần có rất ít bác sĩ lựa chọn. Bản thân anh, khi mới vào nghề cũng chịu không ít sự phản đối của gia đình, người thân và bạn bè.

Bác sĩ giấu thân phận khi... tìm vợ, lo bị bệnh nhân đánh - 1

Bác sĩ Phạm Đức Cường có hơn 20 năm gắn bó với chuyên ngành tâm thần (Ảnh: Thanh Tùng).

"Trước kia, khi nhắc đến làm bác sĩ bệnh viện tâm thần, nhiều người kỳ thị, ái ngại. Thậm chí, họ còn có những điều tiếng và suy nghĩ không hay. Đa phần đều cho rằng do đặc thù tiếp xúc với bệnh nhân là người tâm thần, các bác sĩ sẽ có phần bị ảnh hưởng nhiều trong cuộc sống. Khi tôi lựa chọn làm bác sĩ ở bệnh viện tâm thần, bố mẹ đã ngăn cản, nhưng khi nghe tôi giải thích lý do, bố mẹ đã thấu hiểu", anh Cường chia sẻ.

Theo bác sĩ Cường, suốt 20 năm công tác ở bệnh viện tâm thần, anh đã trải qua không ít những kỷ niệm buồn, vui với nghề. Thậm chí là những câu chuyện "dở khóc, dở cười" khiến anh không thể nào quên.

Bác sĩ giấu thân phận khi... tìm vợ, lo bị bệnh nhân đánh - 2

Các bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa (Ảnh: Thanh Tùng).

Bác sĩ Cường kể, một trong những kỷ niệm ấn tượng nhất là hành trình chinh phục, yêu và cưới vợ. "Thời điểm khi đang tán tỉnh nhau, tôi chỉ dám giới thiệu với cô ấy là mình làm bác sĩ, không dám giới thiệu làm ở bệnh viện tâm thần. Cho đến khi cô ấy đồng ý, nhận lời yêu, tôi mới dám công bố nơi làm việc. Sau này, cô ấy trách móc, có hỏi tôi vì sao không nói từ sớm. Nhưng khi nghe tôi giải thích thì cô ấy cũng thấu hiểu", bác sĩ Cường tâm sự.

Theo bác sĩ Cường, không chỉ riêng anh, nhiều bác sĩ làm việc ở bệnh viện tâm thần thường rất e ngại, né tránh và không muốn giới thiệu nơi công tác vì sợ mọi người nghe xong sẽ cười và trêu trọc.

Bác sĩ giấu thân phận khi... tìm vợ, lo bị bệnh nhân đánh - 3

Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa (Ảnh: Thanh Tùng).

"Trước đây, khi giới thiệu làm ở bệnh viện tâm thần, chúng tôi nhận được những phản ứng kỳ lạ của mọi người, có người ồ lên, có người thì cười. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhận thức của mọi người đã nâng cao, không còn nhiều định kiến nữa", bác sĩ Cường chia sẻ.

Bị đánh như "cơm bữa" và nhiều lần cấp cứu bệnh nhân tự tử

Mỗi năm, tại Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa có gần 6.000 bệnh nhân điều trị nội trú, hơn 6.200 bệnh nhân được quản lý ngoại trú.

Bác sĩ giấu thân phận khi... tìm vợ, lo bị bệnh nhân đánh - 4

Bác sĩ Cường đang kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân (Ảnh: Thanh Tùng).

Ngoài các bệnh nhân bị tâm thần phân liệt còn có những bệnh nhân nhập viện với triệu chứng như: ảo thanh, nghiện ma túy đá, rối loạn tâm thần, trầm cảm hay mất ngủ… Trong đó, những bệnh nhân nghiện ma túy đá thường có biểu hiện rất hung dữ, dễ bị kích động. Quá trình điều trị, các bệnh nhân thường tấn công bác sĩ.   

"Chuyện các bác sĩ bị bệnh nhân đánh diễn ra thường xuyên. Tôi nhớ có lần đang ngồi xem phim ở phòng, một bệnh nhân là học sinh lớp 12, đứng ngoài cửa xem cùng. Khi bộ phim chiếu cảnh đánh nhau, nữ bệnh nhân xông vào phòng đánh tôi tới tấp.

Cũng có lần tiêm xong, bệnh nhân cầm dây thắt lưng đuổi đánh. Sau này, có kinh nghiệm nhiều hơn, khi tiếp xúc bệnh nhân, chúng tôi luôn có sự "phòng thủ" nhất định. Nhờ đó mà giảm đi nhiều lần bị đánh", bác sĩ Cường tâm sự.

Bác sĩ giấu thân phận khi... tìm vợ, lo bị bệnh nhân đánh - 5

"Chuyện bác sĩ đang làm việc, bị bệnh nhân đánh xảy ra thường xuyên", bác sĩ Cường cho hay (Ảnh: Thanh Tùng).

Theo bác sĩ Cường, không chỉ bị bệnh nhân đánh, các bác sĩ làm việc ở bệnh viện tâm thần còn đối diện với những vụ việc đau lòng, thương tâm xảy ra, các bệnh nhân tự tử tại khuôn viên, phòng điều trị.

"Quá trình điều trị, có không ít vụ bệnh nhân bị rối loạn tâm thần, lấy dây treo cổ tự tử ở buồng điều trị, đây là một trong những kỷ niệm buồn, ám ảnh đối với những bác sĩ chuyên ngành tâm thần", bác sĩ Cường nhớ lại.

Bác sĩ giấu thân phận khi... tìm vợ, lo bị bệnh nhân đánh - 6

Quá trình điều trị, các bác sĩ luôn tận tâm, lắng nghe, thấu hiểu và đồng cảm với bệnh nhân (Ảnh: Thanh Tùng).

Cũng theo bác sĩ Cường, những năm gần đây, nhờ việc tăng cường giám sát, quản lý bệnh nhân chặt chẽ, điều trị thuốc một cách tích cực, nhiều bệnh nhân được phát hiện sớm các biểu hiện, triệu chứng nên số lượng bệnh nhân tự tử giảm.

Mặc dù không ít lần "chịu trận" vì bệnh nhân, nhưng nhiều năm qua, bác sĩ Cường cũng như các bác sĩ đang công tác tại Bệnh viện tâm thần Thanh Hóa luôn yêu nghề, tận tâm để công tác điều trị bệnh nhân được hiệu quả hơn.

"Với những bác sĩ chuyên ngành tâm thần, bên cạnh việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, cần có một "tinh thần thép", sự kiên nhẫn, nghị lực xen lẫn sự ân cần, thấu hiểu người bệnh.

Các bệnh nhân nhập viện với nhiều triệu chứng khác nhau, bởi vậy mà chúng tôi phải lắng nghe thấu hiểu người bệnh qua từng ánh mắt, cử chỉ, thái độ, lời nói và hành vi. Từ đó có được sự đồng cảm để đưa ra phác đồ điều trị cho phù hợp", bác sĩ Cường nói.