DNews

Phút bất cẩn khiến 8 người thiệt mạng trong vụ cháy ở TPHCM

Xuân Duy

(Dân trí) - Tựu khai khi hai anh em nấu dung dịch sáp, đổ vào thùng giấy mà không biết đáy thùng bị rách, dung dịch chảy ra sàn nhà, lan vào khu vực có bếp nung gây ra vụ cháy khiến 8 người thiệt mạng.

Phút bất cẩn khiến 8 người thiệt mạng trong vụ cháy ở TPHCM

Trong quá trình sản xuất gia công đánh bóng gạch bông, Nguyễn Thành Tựu có một số sai phạm khiến căn nhà bốc cháy làm 8 nạn nhân thiệt mạng, trong đó có 7 người thân trong một gia đình.

8 sinh mạng bị chôn vùi

Nguyễn Thành Tựu (44 tuổi) là con thứ 4 trong gia đình có 5 người con tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Năm 30 tuổi, người này lên TPHCM sống tại quận 11 và làm nhiều công việc khác nhau.

Khoảng tháng 2/2021, ông Hồ Đình Thắng (em rể của Tựu), chủ cơ sở sản xuất sáp đánh bóng gạch bông, sang chiết keo tại tầng trệt căn nhà 3 tầng. Thời gian này, ông Tựu được em rể thuê phụ việc gia công.

Ngày 21/4/2021, hai anh em tạm ngừng sản xuất do bị người dân xung quanh phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường. Vài hôm sau, Tựu và em rể tiếp tục sản xuất.

Phút bất cẩn khiến 8 người thiệt mạng trong vụ cháy ở TPHCM - 1

Bị cáo Tựu tại tòa (Ảnh: Xuân Duy).

Chiều 7/5/2021, cả hai nấu và pha trộn dung dịch xi đánh bóng từ hỗn hợp sáp và dầu hỏa, rồi làm đổ xuống nền nhà. Dung dịch chảy vào khu vực có bếp nung sáp (cách đó một mét) làm lửa bùng lên, bao trùm căn nhà.

Người dân cùng lực lượng chức năng nhanh chóng chữa cháy, nhưng 8 người chết, gồm: Thắng và con trai; chị vợ của Thắng cùng 3 người con; cháu họ và một gia sư.

Về thiệt hại tài sản, chủ căn nhà có đơn từ chối giám định, không yêu cầu bồi thường. Những hộ dân sống gần bị ám khói cũng không yêu cầu bị cáo bồi thường.

Hồ sơ vụ án thể hiện, hành vi của Tựu đã vi phạm các quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy.

Trả giá

Sau hơn 2 năm vụ cháy xảy ra, ông Tựu bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM khởi tố về tội Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy. Trong suốt quá trình tố tụng, nam bị cáo được tại ngoại.

Giữa tuần qua, bị cáo Tựu bị đưa ra xét xử. Người đàn ông U50 có mặt từ sớm cùng những người đại diện bị hại (họ là những người thân trong gia đình). Tới tòa, người đàn ông ấy lặng lẽ ngồi trước bục khai báo chờ HĐXX vào làm việc.

Khi đại diện VKS công bố cáo trạng, nội dung vụ án được nhắc lại. Phía dưới hàng ghế đại diện cho gia đình bị hại nhiều người không thể cầm được nước mắt, bật khóc khi nỗi đau mất đi người thân chưa thể nguôi.

Tại tòa, bị cáo Tựu thừa nhận toàn bộ hành vi như cáo trạng quy kết. Ông ta khai, hôm đó, khi hai anh em nấu dung dịch sáp, đổ vào thùng giấy mà không biết đáy thùng bị rách, dung dịch chảy ra sàn nhà, lan vào khu vực có bếp nung gây ra vụ cháy.

"Bị cáo không có hiểu biết về chuyên môn, chỉ được em rể thuê phụ giúp công việc. Bị cáo không cố tình, mong tòa xem xét để sớm về với gia đình vì còn nuôi con nhỏ", giọng ông Tựu nghẹn lại.

Có mặt tại tòa, đại diện các bị hại cho biết, không yêu cầu bị cáo bồi thường, chỉ xin tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt để bị cáo sớm về nuôi con nhỏ.

"Người chết đều là thân nhân trong gia đình, chúng tôi không yêu cầu gì. Từ ngày cậu ấy bị truy tố, vợ ly hôn rồi bỏ đi để lại con nhỏ. Tôi mong tòa xem xét để cậu ấy có cơ hội còn lo cho con", chị của Tựu vừa khóc vừa trình bày.

Nêu quan điểm giải quyết vụ án, đại diện VKS cho biết, Tựu đã vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy, vô ý để xảy ra hỏa hoạn, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, cần phải xử lý nghiêm. Từ đó, đại diện cơ quan công tố đề nghị tòa tuyên phạt bị cáo 9-10 năm tù.

Không có luật sư, ông Tựu cũng không bào chữa cho sai phạm của mình. Người đàn ông 44 tuổi xin tòa xem xét để sớm về với gia đình chăm sóc cho con nhỏ, làm lại cuộc đời, bù đắp cho lỗi lầm đã gây ra.

Sau khi nghị án, HĐXX tuyên phạt Tựu 7 năm 6 tháng tù. Về trách nhiệm dân sự, người đại diện của các bị hại đều là thân nhân của bị cáo, không yêu cầu bồi thường, nên tòa không xem xét.

Tòa xác định hành vi của ông Tựu là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm về tính mạng, tài sản của người khác nên cần phải xử lý nghiêm. Song, tòa cũng ghi nhận bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ như: thành khẩn khai báo, nhân thân tốt... nên tuyên phạt mức án thấp hơn mức đề nghị của đại diện cơ quan công tố.

Đối với ông Hồ Đình Thắng là người có vai trò chính, đã chết trong vụ hỏa hoạn, nên các cơ quan tố tụng không xem xét trách nhiệm.

Bị hại, bị cáo cùng bật khóc

Phiên tòa kết thúc, ông Tựu vẫn đứng thẫn thờ trên bục khai báo, bật khóc. Thấy vậy, tất cả đại diện bị hại đi tới ôm chầm lấy bị cáo rồi bật khóc nức nở.

Họ khóc vì Tựu không chỉ đối diện với bản án nặng nề, mà còn phải đối diện với gánh nặng lo cho người ở lại. Một lần nữa, vụ án lại khơi gợi về nỗi đau mất đi nhiều người thân của họ sau vụ cháy.

Phút bất cẩn khiến 8 người thiệt mạng trong vụ cháy ở TPHCM - 2

Bị cáo Tựu cùng bị hại bật khóc sau khi tòa tuyên án (Ảnh: Thỏ Mộc).

Hớt hải chạy lên bàn kiểm sát viên, chị của Tựu gương mặt đầy nước mắt, giọng gấp gáp: "Chị ơi, làm sao để cho cậu ấy được hưởng mức án nhẹ hơn. Giờ nó đi tù lâu vậy thì con nhỏ không có người chăm sóc? Suốt 4 năm qua, dù được tại ngoại, cậu ấy sống chẳng khác nào như trong trại giam cả".

Chia sẻ hoàn cảnh của gia đình bị cáo và các bị hại, kiểm sát viên nhẹ nhàng giải thích "mức án tòa tuyên là đã rất nhân văn". Nếu con bị cáo còn quá nhỏ, hoàn cảnh gia đình khó khăn thì gia đình có thể làm đơn xin tạm hoãn thi hành án. Quá trình thi hành án nếu bị cáo Tựu chấp hành tốt sẽ được giảm án, sớm trở về.

Vì mưu sinh, thiếu kiến thức về an toàn phòng cháy, và một phút bất cẩn trong quá trình làm việc, ông Tựu đã gây ra lỗi lầm lớn, khiến 8 người tử vong, để lại nỗi đau không có gì đong đếm được cho gia đình các bị hại.