PhotoStory

Ngày ngủ một tiếng, chợp mắt bên bếp lửa vì món quà Tết bé xíu như bi

Thực hiện: Hoàng Lam

(Dân trí) - Vào dịp cận Tết, thợ làm bánh cà không có thời gian ngơi tay. Có người tranh thủ ngả lưng một tiếng, có người chợp mắt ngay bên bếp để kịp hàng giao cho khách.

Làng bánh cà vào vụ Tết, dự kiến thu 9 tỷ đồng (Video: Hoàng Lam).

Ngày ngủ một tiếng, chợp mắt bên bếp lửa vì món quà Tết bé xíu như bi - 1

Xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) có 120 hộ sản xuất bánh cà, tập trung chủ yếu ở xóm làng Nam và làng Đông, ngoài ra rải rác các hộ sản xuất ở làng Phan và làng Trung Thượng.

Năm 2022, bánh cà Hưng Tân được công nhận sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) 3 sao. Đây là món ăn vặt, nhưng được khách hàng ưa chuộng và tiêu thụ mạnh vào dịp Tết Nguyên đán. 

Ngày ngủ một tiếng, chợp mắt bên bếp lửa vì món quà Tết bé xíu như bi - 2
Ngày ngủ một tiếng, chợp mắt bên bếp lửa vì món quà Tết bé xíu như bi - 3

Vào khoảng tháng 10 Âm lịch hàng năm là thời gian bước vào cao điểm sản xuất vụ Tết của các hộ dân. 

Bánh cà được làm bằng bột nếp xay mịn, nhồi trộn kỹ với trứng gà cùng một lượng nước vừa đủ. Hiện, công đoạn nhồi bột đã được thay thế bằng máy nên sức lao động của những người sản xuất bánh cà đã giảm nhiều so với trước.

Ngày ngủ một tiếng, chợp mắt bên bếp lửa vì món quà Tết bé xíu như bi - 4

Bột được nhồi kỹ, mềm, mịn. Trong quá trình nhồi bột, thợ thường bỏ thêm một lượng dầu thực vật vừa phải.

Theo bà Nguyễn Thị Hoa (làng Nam), cứ 2kg bột sử dụng 13 quả trứng gà. Số nguyên liệu này sẽ cho ra 3kg bánh thành phẩm.

Ngày ngủ một tiếng, chợp mắt bên bếp lửa vì món quà Tết bé xíu như bi - 5

Trong 3 năm trở lại đây, hầu hết các hộ sản xuất bánh cà đều mua máy cán bột và vo viên. Theo tiết lộ của bà Hoa, đây vốn là máy làm viên hoàn, được các cơ sở mua bán thuốc bắc sử dụng. Khi mua về, người dân xã Hưng Tân cải tiến, giảm một số bộ phận để sử dụng tạo viên cho hạt cà.

Ngày ngủ một tiếng, chợp mắt bên bếp lửa vì món quà Tết bé xíu như bi - 6

Ưu điểm của máy tạo hạt là cho ra hạt tròn, kích thước đều nhau. Những hạt ở cuối thanh bột có thể nhỏ hơn, sẽ bị "sàng" xuống dưới để gom, làm lại. Hạt tròn, đều kích thước rất quan trọng trong quá trình chiên giòn, tránh bị cháy, không đều màu. 

Ngày ngủ một tiếng, chợp mắt bên bếp lửa vì món quà Tết bé xíu như bi - 7

Trước đây, các cơ sở sử dụng loại chảo lớn để chiên hạt cà. Tuy nhiên, những năm gần đây, với sự hỗ trợ của thiết bị đảo hạt có gắn động cơ, nhà nào cũng chuyển sang sử dụng nồi cỡ lớn, sâu lòng để chiên, tránh hạt cà bị bắn ra ngoài và giảm bớt sức lao động.

Ngày ngủ một tiếng, chợp mắt bên bếp lửa vì món quà Tết bé xíu như bi - 8

Cà phải được chiên bằng dầu thực vật, phải là loại dầu đảm bảo chất lượng mới ra sản phẩm có màu vàng đẹp, giòn, xốp. Quá trình chiên bánh lửa phải đỏ và phải đảo liên tục trong vòng khoảng 20 phút. 

Ngày ngủ một tiếng, chợp mắt bên bếp lửa vì món quà Tết bé xíu như bi - 9

"Các con đi vắng, chồng có việc của chồng nên chỉ mình tôi làm bánh. Vào dịp gần Tết, hàng làm không kịp để khách lấy. Tôi thường cặm cụi làm từ sáng đến tối khuya, có hôm chỉ chợp mắt một tiếng rồi lại làm tiếp đến sáng", bà Hoa chia sẻ. 

Vụ Tết năm nay, bà Hoa chuẩn bị một tấn nếp để làm bánh, hết sẽ lấy thêm, còn dầu, trứng, đường... làm đến đâu, mua đến đấy.

Ngày ngủ một tiếng, chợp mắt bên bếp lửa vì món quà Tết bé xíu như bi - 10

Cơ sở sản xuất của hộ gia đình anh Nguyễn Ngọc Khánh (làng Nam) là một trong những xưởng có quy mô lớn nhất xã. Ngoài nhân lực của gia đình, cơ sở của anh Khánh thuê thêm 4 người, mức tiền công 250.000-350.000 đồng/ngày, tùy thời điểm. Vụ sản xuất Tết nguyên đán Ất Tỵ năm nay, anh Khánh chuẩn bị 10 tấn nếp, dự kiến cung ứng cho các đại lý, siêu thị và bán lẻ khoảng 15 tấn sản phẩm.

"Sản phẩm của làng nghề chúng tôi sử dụng hoàn toàn bằng nguyên liệu tự nhiên, không có phụ gia, không có chất bảo quản, được thị trường ưa chuộng. Vào khoảng từ cuối tháng 11 Âm lịch đến 20 tháng Chạp, người làm bánh cà hầu như không có thời gian nghỉ, phải thay nhau ngủ để kịp hàng giao cho khách", anh Khánh nói.

Ngày ngủ một tiếng, chợp mắt bên bếp lửa vì món quà Tết bé xíu như bi - 11

Bánh cà sau khi chiên giòn sẽ tiếp tục được "mặc áo" bằng lớp vỏ từ đường kính đun chảy hoặc thêm vị gừng, vị mặn, cay.... theo yêu cầu của khách. Tùy nguyên liệu đầu vào, bánh cà có giá 120.000-150.000/kg. Năm nay, giá nếp và dầu ăn tăng cao, ít nhiều ảnh hưởng đến lợi nhuận của các hộ sản xuất.

Ngày ngủ một tiếng, chợp mắt bên bếp lửa vì món quà Tết bé xíu như bi - 12

Sản phẩm được đóng gói, dán nhãn của từng hộ sản xuất trong làng nghề trước khi xuất ra thị trường.

Theo bà Phan Thị Thuận, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Hưng Tân, vào vụ Tết Nguyên đán, trung bình các hộ dân cung ứng ra thị trường 700-800 tấn bánh cà. Với mức bình quân 110.000-120.000 đồng/kg (giá bán sỉ), trung bình, loại sản phẩm này mang về cho địa phương trên 9 tỷ đồng mỗi vụ hàng Tết. Sau khi trừ các chi phí nguyên liệu, tiền công, người dân làng nghề bỏ túi khoảng 3,8 tỷ đồng.